Thông Trần@Triết Học Tuổi Trẻ
2 năm trước
Định Kiến Là Biểu Trưng Của Một Tiêu Chuẩn Đạo Đức Sai Lầm
Từng có một chiếc video khiến tôi khóc bởi sự tàn nhẫn của con người khi đối xử với đồng loại. Đó là một đêm mà tôi thức khuya đến tận 3 giờ sáng để hoàn thành bài tập được giao cho kỳ thi cuối kỳ. Vì đã quá giấc ngủ nên tôi chẳng tài nào ngủ được nữa, bèn lướt linh tinh trên facebook và rồi đã thấy video đó. Đoạn clip cho thấy một chàng trai trẻ bị một bị khách xúc phạm bằng những lời chửi rủa đầy định kiến và cực kỳ quá đáng chỉ vì lỗi lầm để rơi ly cà phê vào người vị khách. Sự giàu có và chảnh chọe của người khách không đáng bị phê phán nhưng những lời nói cực kỳ định kiến như: “Là gay thì nên chết đi cho xong, sống chỉ tổ chật đất. Mày không biết xấu hổ hay sao mà còn đi làm việc rồi đổ cà phê lên người tao. Thật đáng ghê tởm…”. Đây là lời nói xuất phát từ người đã lớn tuổi, đã trở thành bậc cha chú của thế hệ trẻ nhưng cực kỳ miệt thị và đáng chê trách. Tôi tự hỏi sao con người ngày nay có thể để định kiến che mờ tâm trí và hành xử thiếu cẩn trọng, gây tổn thương cho người khác như vậy?!
1. Định kiến tồn tại như một hiện thực khách quan đầy đau lòng
Sống thật với chính mình và sống để mưu cầu hạnh phúc thực chất là quyền hiến định của bất cứ ai. Tuy nhiên, dù quyền này đã được quy định trong Hiến pháp nhưng định kiến xã hội vẫn là một sự cản trở đầy quyền lực đối với sự thể hiện giới tính của mỗi người. Nếu bạn thuộc cộng đồng LGBT, có phải đang bị định kiến xã hội nhìn nhận là một điều gì đó đáng ghét, đáng sợ và đáng bị bài trừ hay không?! Và đặc biệt là định kiến xã hội không chỉ dừng lại ở vấn đề giới tính, mà còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề khác nhau. Chẳng hạn như quan niệm về hình xăm: Hễ ai xăm mình là người thuộc tầng lớp lưu manh, giang hồ, là anh đại, chị đại đáng gờm của xã hội này và mặc nhiên họ là người xấu xa chỉ vì một hình xăm trên cánh tay hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Định kiến này thật trào phúng làm sao khi người ta phán xét, đánh giá nhân cách chỉ bằng một dấu vết trên cơ thể mà thậm chí, hình xăm ấy mang đầy tính nghệ thuật của người biết thưởng thức.
Những định kiến đầy tính cổ hủ, lạc hậu ấy tồn tại đầy rẫy trong chúng ta, trở thành một điều gì đó đúng đắn mà vốn dĩ chúng là những quan niệm sai lầm cần được bài trừ. Tôi tạm gọi những người bị định kiến trói buộc là nạn nhân của những lề thói xưa cũ. Định kiến trở thành một công cụ để người ta làm xấu hổ nhau và để có thể sống vượt lên định kiến ấy là một điều khó khăn, trở ngại. Quay trở lại với quyền tự do ngôn luận, phải chăng ai cũng có quyền dùng định kiến chung để nói lên quan điểm của mình và không ngại xúc phạm người khác. Tôi nghĩ câu trả lời có lẽ là không. Bạn có quyền tự do ngôn luận nhưng những điều bạn nói phải trong khuôn khổ mà pháp luật cho phép và lời nói ấy không được xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Và nếu không đặt vấn đề ở góc độ pháp lý, mà đặt chúng ở góc độ tâm lý học thì những lời nói đầy định kiến ấy sẽ làm tổn thương người khác như những vết kim đâm và dần dần sẽ tạo ra những vết thương tinh thần vô cùng to lớn ở mỗi người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm ngày càng tăng ở thế hệ trẻ ngày nay, bởi họ phải chịu nhiều những lời nói và áp lực từ định kiến của người đời. Những cái chết trẻ xảy ra cũng chỉ vì họ đã tổn thương tự tận sâu trong tâm hồn bởi những lời nói hàng ngày được thốt ra bởi những người mang nặng tư tưởng cũ.
2. Tại sao định kiến dù cũ, dù sai lầm vẫn tồn tại lâu dài
Xã hội đã phát triển nhanh chóng, nền kinh tế thị trường cũng mở rộng ở tầm quốc tế; tuy nhiên, suy nghĩ của người về các vấn đề xã hội vẫn còn đặt nặng những quan niệm và đánh giá thuộc thế hệ trước. Dù tư duy ngày nay về các vấn đề như bình đẳng giới, địa chính trị, nữ quyền, xu hướng tính dục, phong cách sống,… đều được thay đổi một cách tích cực hơn nhưng những định kiến cũ vẫn còn tồn tại với vô vàn các lý do biện minh khác nhau. Từ lý do về văn hóa, về vùng miền, về tính cộng đồng cho đến lý do tiêu cực hơn là vì sự thiển cận của con người, dù đã sống trong thời đại mới. Thực chất, định kiến và sự phân biệt không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở quốc gia nào cũng có, điển hình như một quốc gia phát triển như Hoa Kỳ cũng còn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử nghiêm trọng giữa người da trắng và người da màu.
Một lý do quan trọng là sự đa số luôn chiến
thắng sự thiểu số. Khi một biểu hiện, một hành vi, một vấn đề, một cộng đồng người
thiểu số có điều gì đó riêng thì sẽ bị xem là khác biệt, dị biệt so với những
biểu hiện chung. Và sự thiểu số ấy sẽ bị cô lập, bị bài xích và bị coi thường;
dần dần trở thành định kiến để mọi người cùng nhau chỉ trích. Con người có thể
nhớ đến những 80% những gì thấy được nên chúng ta có xu hướng không thích những
người không giống mình. Chúng ta xem những cái khác biệt là điều chướng mắt và
vì thế, định kiến trở thành đồng minh thân thiết để bài trừ những điều không
thuộc vào tiêu chuẩn chung. Định kiến hình thành từ những cơ sở khắc nghiệt như
thế và trên hết chính là sự khác biệt và sự giống nhau để làm thước đo tiêu chuẩn
cho việc đánh giá xã hội.
Tồn tại lâu dài như một dạng truyền thống tôn
quý và dễ truyền đạt đến mọi người nên định kiến (dù tiêu cực) nhưng vẫn được
chấp nhận rộng rãi để thỏa mãn nhu cầu chỉ trích của xã hội. Bản chất của con
người là đi theo khuôn mẫu có sẵn và tuân theo những tiêu chuẩn cũ mới được xem
là đạo đức. Vậy nên người ta lầm tưởng rằng định kiến là sự biểu trưng của đạo đức
và dùng định kiến để áp đặt, thay đổi người khác cho đúng với các đạo đức sai lầm
ấy. Nhưng tại sao người ta không mở rộng vấn đề, nhìn ra khỏi “chiếc hộp định
kiến” cũ kĩ ấy để nhìn thấy những tư duy mới hơn, mở hơn và hiện đại hơn. Mặc dù
mới không phải lúc nào cũng tốt nhưng nếu không chịu từ bỏ những quan niệm cũ để
suy xét những ý kiến mới thì làm sao có thể phát triển và tiến đến những hạnh
phúc thực chất hơn.
Có lẽ người ta hay dùng định kiến để chỉ trích người khác như một niềm vui, như một sự tự hào vì họ không khác biệt, vì họ đang sống đúng với những quan niệm sai lầm của xã hội. Trong tác phẩm “To Kill a Mockingbird”, nữ nhà văn Nelle Harper Lee đã viết một câu như thế này: “Are you proud of yourself tonight that you have insulted a total stranger whose circumstances you know nothing about?”. Tôi rất tâm đắc với câu này bởi lẽ chúng ta thường hay xúc phạm một người như một sự tự hào dù chúng ta chẳng hề biết rõ về cuộc đời và nhân cách của con người đó. “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là một sự khôn khéo cần áp dụng trong thời đại ngày nay, bởi vì chúng ta đã quá vội vã đánh giá, quá vội vàng để phán xét và buông lời nguyền rủa người khác bằng những định kiến hẹp hòi, lệch lạc. Thay vì soi mói, trách móc nhau, tại sao chúng ta không tìm hiểu nguyên nhân, không giúp đỡ và yêu thương nhau nhiều hơn. Chẳng phải nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người yêu người sống để yêu nhau”.
3. Triết lý từ văn học và triết lý cho cuộc đời đầy định kiến này
Tôi muốn nói đến triết lý được đại thi hào Nguyễn Du đã gợi mở trong “Truyện Kiều” cách đây mấy trăm năm những vẫn còn giá trị đến tận hôm nay. Và triết lý này xuất phát từ hai câu:
“Bắt
phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được thanh cao”.
Có lẽ đây là câu nói cực kỳ cay đắng và khổ mệnh của nàng Kiều khi trải qua quá nhiều biến cố trong cuộc sống. Cho dù Kiều là một cô gái tài hoa bậc nhất, biết đủ cầm kỳ thi họa, tính cách và đạo đức được Nguyễn Du đặc tả có thể nói là tuyệt vời. Nhưng trong một xã hội phong kiến, những định kiến của người đời sẽ áp đặt và trói buộc thân phận cũng như định danh cho nhân cách của chính họ. Là thanh cao hay phong trần, chẳng phải đều do miệng người đời, đều do sự phán xét của xã hội theo những quy chuẩn chung hay sao?!
Đối với tôi, quan niệm này trong “Truyện Kiều” vẫn còn đúng cho đến ngày nay bởi sự đánh giá, phán xử từ định kiến xã hội vẫn còn sức nặng rất lớn. Đời sống của chúng ta cũng có điểm tương tự như cuộc đời của nàng Kiều vậy. Bởi vì chúng ta phải sống theo sự đánh giá của người khác, sống theo những tiêu chuẩn cũ dù trong lòng không thật sự mong muốn. Và để đạt được chữ “thanh cao” mà Nguyễn Du đã đề cập từ hàng trăm năm trước thì con người ngày nay buộc phải giới hạn chính mình trong khuôn khổ như vậy. Thời đại ngày nay đã được gọi là 4.0 nhưng những định kiến đời sống vẫn như những chiếc búa rìu đáng sợ, sẵn sàng xông đến để gây ra vết thương lòng cho người khác. Và chính lòng ích kỷ của mỗi cá nhân đã dung dưỡng, đã trở thành chỗ nương náu cho những quan niệm sai trái ấy. Có lẽ đã đến lúc đến mỗi người thay đổi – những người mang nặng tư tưởng định kiến, hay phán xét và chối bỏ sự khác biệt của người khác.
Vậy tôi xin được mạn phép đưa ra triết lý cho cuộc sống ngày nay liên quan đến định kiến. Có lẽ chúng ta cần phải từ bỏ những giới hạn của bản thân, từ bỏ bức tường vô minh trong lòng mình để tìm đến sự giỏi giang, sự hiểu biết thật sự thay vì tự hào với những rỗng tuếch của trí óc. Chúng ta nên đón nhận những điều mới và cần nhận thấy những điều cũ là sai lầm nếu chúng ta thật sự sai lầm, loại bỏ chúng để tận hưởng những điều trân quý mà cuộc sống mang lại. Ấp ủ định kiến chỉ khiến cho xã hội thụt lùi và nếu ai cũng giống nhau thì chắc phải cuộc sống này là một bức tranh đơn sắc hay sao? Bạn hãy chấp nhận sự khác biệt từ người khác và mọi người xung quanh cũng sẽ chấp nhận sự khác biệt của bạn.
Chỉ đơn giản là để đừng để định kiến ăn mòn cá tính, bản chất lương thiện và rộng lượng ở bạn. Vòng tròn định kiến vẫn tiếp diễn nhưng nếu mỗi cá nhân thay đổi suy nghĩ, tiếp nhận những quan điểm mở và tích cực hơn thì chắc chắn những định kiến sai lầm sẽ được bài trừ dần. Cuộc chiến với định kiến không phải là một cuộc chiến dễ dàng và đôi lúc, khi rơi vào vòng lẩn quẩn ấy, chúng ta có thể quên đi triết lý của chính mình đã đặt ra. Hãy tỉnh táo và tỉnh thức bản thân mỗi ngày giữa hàng loạt những điều cổ hủ xung quanh và phải đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình, dẫu cho có khó khăn đến mức nào đi chăng nữa.
4. Những câu danh ngôn về định kiến có thể sẽ hữu ích cho bạn
a) “Nhiều người tưởng họ đang suy nghĩ,
trong khi họ thực ra chỉ đang sắp xếp lại định kiến của mình” - William
James
b) “Khi ứng phó với người khác, hãy nhớ
rằng bạn không ứng phó với những sinh vật của lý trí, mà là những sinh vật tràn
đầy định kiến, và được thúc đẩy bằng lòng kiêu hãnh và tính tự cao” - Dale
Carnegie
c) “Lạc thú vĩ đại nhất và cao quý nhất
chúng ta có trên thế giới này là khám phá ra những chân lý mới, và đứng sau nó
chính là loại bỏ thành kiến cũ” - Friedrich II
d) “Thứ mực viết lên lịch sử chẳng qua là
định kiến hay thay đổi” - Mark Twain
e) “Từ bỏ thành kiến không bao giờ quá
muộn” - Henry David Thoreau
f) “Tôi thà làm người đầy chuyện ngược đời
hơn làm người đầy thành kiến” - Jean Jacques Rousseau
g) “Nửa sau cuộc đời con người minh tuệ được dùng để xóa bỏ những điều ngu xuẩn, những định kiến và quan điểm sai lầm mà họ đã phạm phải trước đó” - Jonathan Swift.
5. Kết luận
Tựa như một chiếc bao đấm boxing đầy cát, định kiến trong lòng mỗi người chỉ có thể giảm nếu như chúng ta khoét bao để cát trong bao chảy dần ra ngoài. Nếu chỉ chăm chăm đấm mạnh vào bao cát thì áp lực chịu đựng bên trong bao sẽ càng nhiều và con người nào chứa quá nhiều định kiến cũng phải chịu đựng quá nhiều điều bất công và đau khổ. Người tổn thương lại đi tổn thương kẻ khác, vì chúng ta bị người khác áp đặt định kiến nên chúng ta cũng có hành vi tương tự cho người khác, dẫn đến nỗi khổ bao trùm tất thảy. Điều bất hạnh này chỉ có thể được loại bỏ nếu mỗi người chúng ta cởi mở trong suy nghĩ, thấu đáo hơn trong lời nói và bao dung hơn trong cách sống. Hãy lan tỏa yêu thương thay vì định kiến và khoan dung với chính mình.
Tác Giả: Trần Nguyễn Phước Thông
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/p01.thong/
----------------------------------------------------------------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
605 lượt xem, 440 người xem - 440 điểm