Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đời Là Bể Khổ Đúng Không?

 

Có thoáng nào nằm nghe đời trôi, ta nghe được tiếng đồng loại rên xiết. Tha thiết, thống khổ, dứt day, - những tiếng thở dài không giống ai cứ vang lên đều đặn. Hóa ra cứ mang phận người, là mang phận khổ đau. Và đời mặc nhiên rằng nỗi khổ của kẻ phàm trần bao giờ cũng nên biệt lập, có cái khổ dung dị, cũng có cái khổ sâu vời vợi không với tới. “Những người cùng khổ”, nói thể nào cũng là những vòng tròn méo mó giao nhau, chứ có bao giờ mà đồng tâm hay trùng lặp. 


Đời là bể khổ

“Đời là bể khổ”, cứ ép ta trầm luân. Vậy mà người ta vẫn cứ lắt lay mà đi tiếp, có bao giờ rẽ ngang hay giã từ cái mệnh người đâu. Cái bể khổ như máng nằm nghiêng, khiến người càng đi càng đắm đuối mỏi mệt. Lớp vào đời  thì đi đến chỗ nông, hô hấp cũng phải làm quen dần với cảm giác ngột ngạt. Lớp người cằn cỗi đã đi qua chông gai, không được bước lên bờ mà vẫn phải đi tiếp, bao lần hụt chân vì cái máng nghiêng cứ càng ngày sâu hoắm. Con người không vững vàng, sẽ bị sóng xô. Trượt khỏi bản ngã của mình, là cái đáy đen sì sì, tối tăm u uất. Tất nhiên sẽ có người đứng dậy đi tiếp, trên cái mảng lấp lửng, dưới chân là thương đau; cũng có người khốn cùng nằm ăn vạ đời. “Khổ quá, hay là cứ nằm xuống cho xong”. Người ta mặc cho cảnh tượng sắp tới sẽ là hình ảnh bản thân bị con nước nhấn chìm, hay lênh đênh trôi dạt, mắt cay xè vì không thấy đường, tai ù đi xót lại toàn những tiếng ong ong, hay ngột ngạt chới với, uống từng ngụm nước chát chúa đến no nê. Con người như kẻ phạm tội bị gông tù, nhốt trong những cái gai nhọn hoắm cắm đất chọc trời. Khổ hạnh bám lấy người như xiềng xích, giam lỏng người ở ranh giới giữa đen và trắng, giữa hi vọng và tuyệt vọng, giữa sự sống và cái chết… làm người lửng lơ, người chật vật vì bị trói buộc. Bể nhưng không là bể, bể khổ của đời có cả lưỡi sóng mơn man. Sóng le lưỡi cuộn tròn, tầng tầng lớp lớp gối quyện, xếp đan xen, cuốn những người yếu đuối vào gầm tuyệt vọng. Kẻ không chịu được khổ là kẻ bị đào thải. Chí không lớn, không tiến hóa sẽ thoái hóa.

Vậy thì ai là kẻ khổ nhất?

Người ở đầu máng nước, hay kẻ ở dưới đáy sâu? Nếu như mà chuyện gì dễ so sánh thế, thì đời đâu còn là đời nữa, cuộc đời từ phức thể sẽ trở nên đơn điệu, dễ đoán biết nhường nào. Nỗi khổ không thể cân đo đong đếm. Nỗi khổ của mỗi người không những phụ thuộc vào chiều dài quãng đường họ băng qua, mà còn phụ thuộc vào sắc vóc, sức chịu đựng, trạng thái bẩm sinh bên trong,… của từng cá thể. Đã bao lần tôi trách móc vì cuộc đời không cho tôi một khởi đầu hoàn hảo, nhưng rồi tôi chạnh lòng đi khi thấy những lớp người còn thốn thiếu. Tôi ngước lên ngẫm mình chẳng bằng ai, nhưng ngước xuống chẳng ai bằng mình. Những đứa trẻ thơ bị “ép chín” đến héo hon, oặt ẹo, già đầu trước tuổi đời. Những người già oằn mình gánh trên mình gánh nặng mưu sinh, chật vật đến cuối đời mà vẫn chưa được ngơi nghỉ. Những người khiếm khuyết muốn được lành nguyên, và những người bệnh tật dùng số thời gian ít ỏi còn lại để đếm ngày đếm tháng. Đàn ông thì ôm trong mình những lo toan về sự nghiệp, phải luôn vững chãi để lo gia đình; phụ nữ phải cư xử chừng mực, vừa kiếm tiền vừa chăm lo mái ấm. Nhìn từ trên xuống dưới, bao quát rồi phóng to, kẻ giàu có nỗi khổ của giàu, người nghèo có nỗi khổ của nghèo; nghề nghiệp nào cũng có cái khó khăn của nghề đó. Thế nhưng con người vẫn hay cho rằng đời biết thiên vị, rằng bản thân khổ nhất mà chẳng phải ai. Chưa một lần đứng ở cùng một khía cạnh hay địa vị, vậy mà người ta vẫn dõng dạc nỗi đau người khác là nỗi đau sớm phôi phai. Thế nên, giày chật thì bứt bối, giày rộng thì dễ đánh mất vì không an toàn; rộng chật gì cũng đều thuộc về cảm thấu của người mang.


Cách con người vẫn hay đối diện với khổ hạnh

Người miên man rên xiết vì những nỗi khổ, thèm khát được đá phăng nó đi khỏi tầm mắt vì nó cứ lảng vảng quanh ta. Những nỗi sầu riêng biến dị không hình hài sắc vóc bám riết lấy bản thể. Hóa ra khi con người đạt đến tận cùng của tuyệt vọng, khó mà nén được những lời than trách. Là ai, ai mang đến, ai đem trút hết những đớn đau này lên thân xác ta. Con người, sướng có thể không kể, nhưng phải nhất định kể khổ để phơi trải cảm giác đáng thương. Người kể càng kể càng chua cay, người nghe cũng càng lúc càng mệt mỏi với tiếng nói dai dẳng. Nhưng tôi mặc nhiên cho rằng những nỗi khổ dứt day nhất là những nỗi khổ thầm lặng không tên. Vết thương ngoài có thể ngưng chảy máu, nhưng những điều thầm kín luôn âm ỉ giết chết chúng ta từng ngày. Người kể khổ ra bên ngoài là người cất tiếng lòng, thúc cho tuôn chảy những xót xa buồn bã ra khỏi mảnh đất của mình. Nhưng người ém nhẹm chúng lại, là người tích cặn những ưu tư. Trong lòng nặng nợ những suy nghĩ, đâu có dễ thoát cõi tiên hay phiêu bồng theo thời cuộc, theo những vui vẻ thức thời. Ôm cái gánh lo mà không quẳng đi được, không phải là hành động chứng minh sự mạnh mẽ của bản thân. Đó đơn thuần chỉ là chủ ý của những con người rộng lượng, bao dung với đời. Họ sống ở nơi chật hẹp, nhưng cõi lòng cứ mênh mông, hệt như đất mẹ hiền hòa ôm lấy tất những chua cay mặn ngọt người đời đặt xuống.

“Núi lửa nào hay mình làm đau trái đất. Sóng thần nào hay mình làm đau những đại dương. Bão tố nào hay mình làm đau những cánh rừng. Đá ghềnh nào hay mình làm tổn thương những dòng suối. Mỏ neo níu giữ con thuyền đâu hay đã làm rách tướp những lòng sông….”

Dằn xéo bởi những niềm nỗi riêng, nhưng thiên nhiên chưa một lần lên tiếng. Bởi “Mặt đất ngàn đời quen tha thứ. Đại dương bao la quen độ lượng. Cánh rừng mênh mông quen trầm mặc. Những dòng sông quen chảy xuôi. Những hồ đầm quen nín lặng. Những nẻo đường quen nhẫn nhịn. Những góc vườn quen che giấu. Những thảm rêu vốn không biết dỗi hờn. Những đoá hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa...” (Chu Văn Sơn).

Từ nơi nao sinh ra?

Và người đi tìm nguồn cơn nỗi khổ. Khổ từ đâu mà ra, có tự nhiên xuất hiện hay mất đi, hay truyền từ dạng thức này sang một dạng thức khác? Là món quà, là thử thách, hay sự trừng phạt? Hay là đời cay đắng nên muốn người cũng đắng cay? Không đâu, đời đâu có cay nghiệt mà nỡ lấy mất đi của chúng ta điều chi. “Đời cho ta quá nhiều thứ, ta chưa cho đời được nhiều.” (Đen Vâu). Hãy xem những bất hạnh mà bản thân đã đang và sắp đối mặt như là một gia vị của cuộc sống. Giống như chocolate, ngọt quá thì ngấy, đắng quá thì khó ăn. Cuộc sống phải mang đủ tư vị mới đáng sống, phải “có ngày cười, có ngày khóc, và có ngày hoan ca”. Trên bức tranh sóng xô triều vỗ mà cuộc đời vẽ lên, những nỗi khổ tuy nhiều nhưng chỉ là màu nền mà không hề là tâm điểm. Nỗi buồn ấy góp phần làm sáng rõ những niềm vui, khiến ta thêm trân quý những khoảnh khắc đáng giá. Bởi có những ngày mưa ta mới yêu thêm những ngày nắng, có chia ly mới quý phút giây sum vầy, có mất mát mới trân trọng những điều đang có, có khổ nghèo mới biết quý những bữa ăn.

Cuộc đời là một chặng đường dài và con người còn phải vượt qua nhiều cửa ải. Nhưng đừng nản lòng, vì ở giữa mỗi chặng đường đều có những ranh giới mới. Tại ranh giới này ta có thể ngoái đầu chiêm nghiệm những khó khăn mình đã gặp, tâm tư mang chút tự mãn hạnh phúc vì đã đi qua chúng, rồi tiếp tục ngẩng đầu kiên cường bước tiếp. Niềm vui đứng ngay mỗi ranh giới có thể quá ít so với những khổ hạnh, nhưng thật lòng mà nói nó cũng đủ để an ủi chúng ta. Và nếu một ngày bạn trở nên mệt mỏi và cảm thấy không thể bước tiếp, đừng nản lòng, “hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.” (Trịnh Công Sơn).

Tác Giả: Trương Ngọc Bích

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ngbch492/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

632 lượt xem, 602 người xem - 707 điểm