Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đôi Lời Về Trầm Cảm – Người Bạn Đen Tuyền Của Người Trẻ

Mình có một người bạn, một người bạn đen tuyền, tên gọi trầm cảm. Mình muốn nhuộm màu sắc khác cho người bạn ấy, xanh đỏ, tím, vàng, thậm chí là bảy sắc cầu vồng.

Dạo gần đây mình có đọc được một bài thông báo tìm người mất tích trên trang mạng xã hội. Bản thân sẽ thấy bình thường nếu người mất tích ấy là một người lớn tuổi bị đãng trí hay một đứa trẻ bị lạc do ham chơi. Với niềm cảm thông rằng người nhà sẽ mau tìm thấy họ. Nhưng nội dung bài viết ấy đã khiến mình bị hẫng một nhịp và phải dừng lại đọc kĩ. Người mất tích là một thanh niên bị trầm cảm và đang có ý định muốn tự tử. Đọc bài viết, mình chợt nghĩ về bản thân, liệu có một ngày mình có trở nên như vậy?

Về trầm cảm

Trầm cảm là một căn bệnh khiến cho nạn nhân luôn rơi vào trạng thái buồn bã, u uất trong khoảng thời gian dài. Ở trạng thái này lâu ngày, những suy nghĩ tiêu cực sẽ dần bủa vây lấy bạn. Tưởng như căn bệnh này chỉ xảy ra ở những người lớn tuổi, nhưng với bối cảnh xã hội hiện nay thì căn bệnh này lại xuất hiện nhiều ở giới trẻ. Bản chất, trầm cảm tạo cho chúng ta các lý do biện hộ để chối bỏ những điều mình thích, những điều mình muốn làm, thậm chí là chối bỏ sự tiếp xúc với xã hội. Đã bao giờ bạn muốn apply vào một công việc mình thích nhưng lại luôn trong cảm giác lo sợ, sợ rằng mình không đủ kinh nghiệm, sợ rằng bản thân không hòa hợp với mọi người, sợ bị đánh giá, nghi hoặc bản thân và sợ đủ thứ. Và thế rồi bạn lại để vuột mất cơ hội làm công việc ấy. Hay đơn giản hơn, chỉ vì cảm giác xấu hổ, sợ ánh mắt của người khác đánh giá mình, mà bạn dần chìm sâu vào bên trong, vào nội tâm, sống khép mình và tệ hơn là sợ giao tiếp với người lạ.

Trầm cảm đối với mình như một cơn ác mộng vì bản thân mình còn là người hướng nội. Những ngày tháng ấy suy nghĩ tiêu cực luôn bủa vây lấy mình. Cơ thể thì luôn trong trạng thái mệt mỏi, muốn nói chuyện nhiều với mọi người nhưng lại sợ nói sai, sợ mình lạc loài. Và cứ thế cuộc sống của mình xoay quanh hai từ Im Lặng. Im lặng đến mức bức bối một cách khủng khiếp, không một ai có thể chia sẻ được. Bản thân như một đứa trẻ chậm chạp, mệt mỏi, không thể chia sẻ với ai vì suy nghĩ rằng ai cũng bận rộn với cuộc sống của mình.. Liệu bạn có muốn ở trong trạng thái ấy lâu quá không? Với mình thì chắc chắn là không rồi. Nếu trầm cảm dần dần gặm nhấm bản thân như vậy, mình cũng tìm cách dần dần thoát ra khỏi nó đi.

Nói chuyện với người đối lập

Nói chuyện với người đối lập có lẽ là biện pháp không khả thi lắm theo quan điểm của một số người. Nhưng theo mình nghĩ nó sẽ có ích đối với người trầm cảm. Mình có quen một người bạn là người hướng ngoại. Bạn nói bạn thích cái tính cách hướng nội của mình, bạn thích cái phong cách ngầu lòi của mình khi ngồi lắng nghe một cách chăm chú những gì mà bạn ấy nói. Và bạn muốn trở nên ít nói, trầm lặng hơn như mình, vì bạn nói nhiều quá người ta ghét. Lần đầu tiên trong đời mình được nghe như vậy, và mình bật cười. Dần dần mình cũng chia sẻ những việc hằng ngày mình làm, những việc mình cảm thấy vui, hay những việc mình cảm thấy buồn với những người bạn như vậy.


Cái mình muốn nói ở đây là người trầm cảm nên chia sẻ những khó khăn của mình với những người mà bạn tin cậy, những người mang trạng thái tích cực. Làm như vậy, bạn sẽ có thêm những màu sắc khác trong con người mình, bạn sẽ được cộng hưởng trạng thái tích cực, lạc quan của họ. Bạn biết không? Xung quanh chúng ta luôn có những người đối lập như vậy, không kỳ thị, không phán xét. Nếu bạn cởi mở chia sẻ vấn đề của mình với họ, mình tin rằng bạn sẽ được giúp đỡ.

Xóa bỏ nguyên nhân trầm cảm

Bạn hãy tập cho mình suy nghĩ tìm nguyên nhân vì đâu mình bị trầm cảm. Mình nghĩ cách sẽ khá khó, nhưng nếu bạn thực hiện từ từ, từng bước một thì người bạn đen tuyền này sẽ dần được thay màu. Trầm cảm hay tất cả những trạng thái liên quan mà bạn gặp phải không phải là vấn đề gì kinh khủng khiếp. Nhưng nếu như bạn cứ mãi nghĩ tôi ổn, mà không tìm ra nguyên nhân và giải quyết nó thì trầm cảm thực sự khủng khiếp đấy. Vì áp lực đồng trang lứa khiến người trẻ bị trầm cảm, hay áp lực rằng mình không có tài năng gì, sợ bị bỏ lỡ, hay tệ hơn là tổn thương từ quá khứ cũng khiến người trẻ rơi vào trầm cảm. Và đôi khi chúng ta phải ép bản thân nghĩ lại nguyên nhân gốc rễ vì sao mình lại rơi vào trầm cảm. Về trạng thái và cảm xúc, đừng cường điệu hóa, đừng lo lắng, bất an hay phản ứng thái quá với trầm cảm. Hãy suy nghĩ tích cực, lạc quan một chút thôi, bạn sẽ tốt hơn rất nhiều.

Có một câu mình học được rằng Mọi việc là chuyện nhỏ , tôi đủ sức để giải quyết các vấn đề, tôi rất thoải mái, tôi ngủ ngon giấc và tôi sống hạnh phúc. Suy nghĩ đơn giản sẽ tạo cho chúng ta trạng thái tích cực và hệ thống phòng thủ đẩy trầm cảm ra khỏi cơ thể. Bạn coi trầm cảm là vấn đề lớn để rồi bạn thân bị trói buộc trong trạng thái cảm xúc ghét bỏ bản thân, coi bản thân là kẻ kì dị. Hay bạn coi trầm cảm là vấn đề nhỏ, suy nghĩ rằng mình sẽ dần giải quyết được nó, để rồi và bạn dần chia sẻ nó với những người xung quanh, tìm hiểu về nó và dần gỡ bỏ nó ra khỏi tâm trí. Nếu là mình, mình sẽ chọn cách thứ hai rồi. Cuộc sống còn dài, mình còn muốn đi để trải nghiệm, để tô màu chứ mình không muốn cuộc sống của mình toàn màu đen.

Viết ra suy nghĩ tiêu cực bằng phương pháp Cảm xúc - Hành vi hợp lý

Phương pháp này mình học được khi mình có dịp nói chuyện với một người bạn họ khoa tâm lý của mình. Phương pháp có tên Cảm xúc – Hành vi hợp lý (REBT). Có phải khi đối diện với một vấn đề nào đó, bạn thường hình thành suy nghĩ tiêu cực rằng mình không làm được đâu, mình sợ mình làm sai, hay tiêu cực hơn nữa là mình vô dụng lắm. Mỗi khi rơi vào trạng thái này, bạn hãy viết nó ra theo chiều hướng kể lại tình huống, vấn đề bạn gặp phải, rồi cảm xúc tiêu cực hay tích cực lúc đó của bạn và phản ứng của bạn sau sự việc ấy là gì. Cảm xúc của bạn có thể là cảm xúc tích cực, hay tiêu cực, và phản ứng của bạn sau đó cũng sẽ dần thay đổi để dần trở nên hợp lý với những suy nghĩ của bạn. Mục tiêu của REBT là giúp mọi người nhận ra và thay đổi những niềm tin, mô hình suy nghĩ tiêu cực đó để vượt qua các vấn đề tâm lý. 


Liệu pháp REBT được phát triển bởi nhà tâm lý học  Albert Ellis. REBT tập trung vào việc giúp mọi người đối phó với niềm tin phi lý. Thông qua nó, chúng ta học được cách quản lý cảm xúc , suy nghĩ, hành vi một cách lành mạnh hơn. Viết ra suy nghĩ là cách cực tốt sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, dần dần loại bỏ được trầm cảm và thay đổi bản thân. Vì thực chất trầm cảm là trạng thái mình hướng vào trong, mà hướng vào trong là bạn đang tự ôm ấp tiêu cực rồi. Nếu bạn cứ mãi giữ trầm cảm trong tâm trí thì bạn sẽ không thể nào loại bỏ được phải không nào?

Tập thể dục

Người trầm cảm không nên ngồi im một chỗ. Đây là sự thật không thể chối cãi được. Nếu ngồi một chỗ mà ngồi một mình, bạn sẽ gia tăng trạng thái cô đơn của bản thân, mà trầm cảm chính là cô đơn. Sống trên đời đâu ai muốn cơ đơn, mà cô đơn lại trầm cảm nửa thế ra là gấp đôi sự cô đơn rồi. Tập thể dục là các động tác đứng lên đi lại, hay thậm chí là chạy để cho cơ thể BẠN không bị thụ động. Mỗi ngày bạn chỉ cần đi bộ ra ngoài một lát, cảm nhận nhịp sống ngoài kia, và đi bộ cùng mọi người.

Trầm cảm đáng sợ thì đáng sợ lắm, nhưng nếu ta biết cách đối mặt với người bạn khó nhằn này, mình tin rằng bạn sẽ không còn sợ nữa. Mình mong các bạn sẽ luôn lạc quan vì cuộc đời này còn dài mà, đừng để bản thân phải hối tiếc bất cứ điều gì chỉ vì trầm cảm, bạn nhé!

                                                                                                                                                                                                                                                              A.N

 Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/anhngan44161 

-------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

178 lượt xem, 92 người xem - 103 điểm