Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Động Lực Từ Đâu Mà Có?

Từ thời buổi nào mà con người ta có thói quen nghiện việc được truyền động lực. Giống như mệt mỏi thì ra truyền chai nước biển, chán đời thì uống vài lon bia, hoa mắt chóng mặt thì ăn vào chút kẹo ngọt.

1. Chúng ta thường hay tìm thấy động lực từ bên ngoài (Ngoại lực). Nhưng nó chỉ mang tính nhất thời và không bền lâu. 

Ngoại lực có thể là sự kiểm soát từ môi trường xung quanh. Là vòng xoáy của tiền bạc, địa vị, danh vọng. Là sự ép buộc bởi deadline, kỳ vọng từ người thân, phán xét từ xã hội. Chúng ta chỉ làm việc để đạt được một kết quả tích cực hoặc tránh khỏi những hậu quả tiêu cực nào đó. Chúng ta không có lựa chọn hoặc chịu sự chi phối bởi rất nhiều thứ bên ngoài. Giống như cách chúng ta vẫn đi làm chỉ để nhận lương, nếu có tiền thì lập tức nghỉ cho rồi. Hoặc như cách chúng ta chỉ học bài vì có tiết kiểm tra, nếu chẳng ai kiểm tra thì chẳng biết sách vở lưu lạc chỗ nào. 

Ngoại lực có thể là sức ép nội tâm từ những cảm xúc xấu hổ, cảm thấy bản thân có nghĩa vụ phải hoàn thành. Khi đó, chúng ta luôn luôn mâu thuẫn rằng mình nên làm theo những gì bên ngoài tác động hay đi theo những mong muốn thực sự của bản thân. Một ví dụ cho động lực từ sức ép nội tâm, chính là rào cản của quan điểm “nam phải thế này, nữ phải thế kia” mà bao nhiêu bạn trẻ vẫn không dám làm điều mình thích. Trong nội tâm của họ, nửa muốn là chính mình, nửa lại sợ nhìn phản ứng của người xung quanh. 

Ngoại lực có thể là nhận thức một điều gì đó đem lại lợi ích cho bản thân, do vậy tự mình đứng về phía quyết định thực hiện hành vi đó. Khi đó, chúng ta luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với hành vi của mình, phải làm điều gì đó có giá trị. Ví dụ một người chấp nhận làm một công việc vì lợi ích tiền bạc, kinh nghiệm mà nó mang lại nhiều hơn số thời gian, sức lực họ phải bỏ ra. Có thể đó là bạn khi nhẫn nại ở tại công ty cũ với mức lương ổn định mặc dù phát ngấy môi trường làm việc ở đây chẳng hạn?

Hay ngoại lực có thể là cảm giác tự hào và ủng hộ tinh thần khi làm một công việc có ý nghĩa cao cả nào đó, nó giúp bạn nói cho cả thế giới biết rằng “bạn là ai”.

Dù xuất phát từ điều gì đi nữa, thì có một sự thật rằng: ngoại lực không duy trì được lâu. Tựa như mùi hương của một món ăn, nếu hết hương thơm sẽ không còn hấp dẫn nữa. Bạn xem một vlog của một Youtuber thành công, bạn thấy họ chia sẻ những điều rất tuyệt vời. Bạn thấy trong người mình tràn đầy năng lượng. Bạn cảm giác mình sắp sửa được giống như họ rồi, chỉ cần cố gắng chút nữa thôi. Thế nhưng, ngay khi hết video, hoặc sau đó một vài ngày, những cảm xúc ấy liền biến mất. Bạn hào hứng vô cùng khi phát hiện một thử thách về content trên mạng, có kèm phần quà vô cùng hấp dẫn. Thế nhưng, khi hết số ngày thực hiện thử thách, mọi thứ lại trở về như cũ. 

Sau tất cả những nguồn động lực đó, bạn vẫn không thể thay đổi chính mình. Bạn vẫn là con người lười biếng, nhác việc, thiếu kỷ luật, bạn mất đi tính tự chủ vốn có. Bạn nhìn thấy hàng loạt các rào cản xuất hiện để bạn có “cơ hội” để lười đi và thiếu tinh thần làm việc, học tập. Sáng lạnh một chút là ngủ nướng. Trời mưa một chút là cuộn tròn chăn xem phim. Bí ý tưởng một chút là bỏ chẳng viết, chẳng nghĩ nữa. Không nỡ bỏ một buổi tụ tập để tham gia workshop, talkshow để phát triển bản thân. Không dám hy sinh ngày chủ nhật để học thêm ngoại ngữ mới hay trang bị kỹ năng chuyên môn cho mình. Việc ỷ lại những lời nói truyền động lực, những con người truyền cảm hứng chỉ khiến bạn lệ thuộc và bị động trong chính cuộc sống của mình. Những gì họ chia sẻ chỉ mang tính bổ trợ, củng cố niềm tin, tạo sự đồng cảm trong tinh thần hay để rút kinh nghiệm, không phải là nền móng cho một động lực bền vững.


2. Động lực từ bên trong - nội lực mạnh mẽ.

Động lực thực sự không đến từ bên ngoài, không phải là thứ mà người khác có thể “nạp” vào cơ thể bạn. Nó đến từ bên trong mỗi người: từ mục đích sống, mục tiêu đầy ý nghĩa và khát khao cháy bỏng - gắn liền với một cảm xúc mạnh mẽ.

Nội lực đến từ việc tìm tòi khám phá ra những điều mới mẻ, từ việc cảm thấy thành tựu khi  tạo nên một điều gì đó hoặc vượt qua giới hạn của bản thân…

Giống như cách học sinh nghèo vượt khó, cách những cô gái mũm mĩm giảm cân, cách những con người ban đầu tưởng yếu ớt nhưng sau khi cựa quậy ra khỏi chiếc kén của mình lại lột xác thành những phiên bản đầy tốt đẹp.

Một học sinh sẽ không thể thích học nếu không hiểu thực sự tại sao phải học, học để làm gì. Một học sinh học vẹt chỉ để qua môn sẽ khác với học sinh coi việc học là cho chính bản thân họ, để tiếp thu kiến thức, học để làm người. Tương tự nếu ta chỉ học tiếng Anh để có tấm bằng IELTS danh giá, để thể hiện với thiên hạ rằng “ta cũng có chứng chỉ ngoại ngữ như ai” thì sẽ khác với một bạn học tiếng Anh với mục đích là giao tiếp, có cơ hội am hiểu sâu sắc về nhiều lĩnh vực trên thế giới, để sau này sớm trở thành một công dân toàn cầu.


3. Có gợi ý nào để tìm thấy động lực tự thân không? 

Đương nhiên là có. Để tôi lấy cho bạn một ví dụ. 

Trong tự nhiên, đàn kiến có thể kéo hàng dài khiêng mồi về tổ, một con chim có thể chuyền cành xây tổ từ sáng đến tối, từ năm nọ sang tháng kia mà không cần một ai truyền động lực.

Nhưng con trâu khi kéo cày, phải có cây roi vun vút quật vào mông nó thì nó mới chịu đi. Con hổ trong các buổi huấn luyện ngoài việc luôn đối diện với những hình phạt rất nghiêm khắc của vị chỉ huy, thì còn luôn có một phần thưởng khi hoàn thành nghiệm vụ.

Tại sao lại có sự khác nhau ấy?

Câu trả lời là bởi vì đơn giản là những hành động đó chúng đang phải làm không có sẵn ở bản tính tự nhiên của chúng. Chúng sinh ra vốn không để kéo cày hay được huấn luyện để trở thành thứ vũ khí. Chỉ vì nhu cầu và mục đích của con người, chúng mới phải làm vậy. Đòn roi và phần thưởng của con người chính là động lực thúc đẩy chúng phải hoàn thành những điều không được thiết lập sẵn trong bản tính tự nhiên.

Sau một thời gian dài, những con trâu, con hổ dần trở nên phụ thuộc vào thứ động lực đó. Chúng phải đợi có một cây roi dí sát vào mông, hoặc có phần thưởng đặt ra trước mặt thì chúng mới có thể hành động. Chúng đánh mất chính mình. Đã có nhiều trường hợp động vật bị nuôi nhốt, chăn dắt lâu trong vườn bách thú, khi được trả lại tự nhiên, chúng trở nên bỡ ngỡ, khó hòa nhập, thậm chí nhanh chóng mất mạng trong sự cạnh tranh của các giống loài.

Bạn nghe có quen không? Bạn có cảm giác này trong công việc, học tập, cuộc sống mỗi ngày? Bạn phụ thuộc vào những deadlines của lớp học đặt ra và chỉ máy móc hoàn thành nó? Bạn cố gắng đậu vào trường Đại học có danh tiếng một chút vì gia đình kỳ vọng như vậy? Bạn đâm đầu vào sách vở vì bạn bè xung quanh cũng chẳng làm việc gì khác? Nếu có một ngày rảnh rỗi, bạn chẳng biết làm gì ngoài chuyện ngủ. Nếu có một kỳ nghỉ, bạn liền lúng túng không biết nên làm gì ngoài xem phim, nghe nhạc giết thời gian? Đến một ngày nào đó, bạn quen làm những việc đã được thiết lập bởi thứ ngoại lực nào đấy mà không còn biết mình thật sự thích, thật sự muốn những gì. 

Nếu có, chúng ta hãy cùng đi tiếp để tìm câu trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để thoát khỏi thứ “động lực” bên ngoài và tìm lại bản thân, tìm ra động lực nội sinh của mình?

Đầu tiên, hãy nói “không” với những điều nhỏ và vụn vặt - để có thêm thời gian cho bản thân mình. Bạn sẽ khó để nói không với những việc lớn như một yêu cầu của sếp hay mong đợi của ba mẹ và gia đình. Đó là những việc khó, nếu ở thời điểm này bạn chưa đủ kỹ năng để thuyết phục, thương lượng hay vẫn còn phụ thuộc về tài chính, mối quan hệ… Thì cứ từ từ cũng được. Nhưng ngay bây giờ, những việc bạn hoàn toàn có thể luyện tập là nói “không” với những điều ít quan trọng hơn. Một buổi trà sữa tán dóc với đám bạn, hóng drama trên mạng đến sáng, hoặc sống dè chừng theo mong đợi của hàng xóm, của những áp đặt xã hội. Hãy dũng cảm để nói “không” với những điều vô nghĩa đó trong cuộc sống của các bạn. Và rồi khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng việc làm phật ý hàng xóm hay bỏ lỡ một vài drama đêm khuya, thật ra chẳng làm tổn hại đến ai cả, bạn cũng chẳng mất mát điều gì. Bạn sẽ nhận ra là đột nhiên mình còn rất nhiều năng lượng, thời gian.

Lúc này, hãy dùng năng lượng và thời gian rảnh rỗi đó, có thể là 2 tiếng mỗi ngày, hoặc có thể chỉ là 30 - 15 phút cũng được, để bắt đầu một việc gì đó mà các bạn thấy hứng thú và tò mò. Và nhớ, hãy làm điều đó vì mình thích, bạn làm điều đó cho chính bạn. Tuyệt đối không làm vì các bạn sợ sự trừng phạt hay mong đợi một lời khen nào đó. Lúc này, bạn cũng chẳng cần gắn nó với một ước mơ, một mục tiêu lâu dài nào cả. Các bạn làm vì các bạn hứng thú và tò mò - vậy thôi. Đó là cách các bạn bước những bước chân đầu tiên trên hành trình quay trở về kết nối lại với thế giới bên trong của mình.

Từ thí nghiệm năm 1970 của mình, Edward L. Deci cùng đồng nghiệp Richard M. Ryan tiếp tục phát triển nên lý thuyết tự chủ (self-determination theory). Lý thuyết này xuất phát từ một niềm tin cơ bản rằng, bản chất của con người là chủ động, tò mò, và tự thân có ham muốn học hỏi và phát triển bản thân. Do vậy, nếu một hoạt động khơi gợi được xu hướng có sẵn này ở mỗi cá nhân thì sẽ tạo ra một động lực nội sinh - tức là cá nhân sẵn sàng thực hiện hoạt động vì tính chất của hoạt động đó mà không cần phải nhận được bất kỳ phần thưởng gì.

Chúng ta có thể thức đến 2 - 3 giờ sáng để tò mò, khám phá một thứ gì đó phù hợp với mình, thứ mà chúng ta tưởng như mình và nó sinh ra để dành cho nhau. Chúng ta sẽ làm mà cảm thấy không hề mệt mỏi. Chúng ta đắm chìm hoàn toàn vào công việc ấy với một cảm giác tập trung cao độ, toàn tâm toàn trí, nhiều khi quên đi ý thức về không gian, thời gian và thậm chí là cả bản thân. Chúng ta có thể trải qua bao nhiêu thời gian rồi mà vẫn còn sự hứng thú và say sưa y như những giây phút đầu tiên.


Tìm thấy động lực rồi, vậy làm sao để duy trì nó? 

Khi đã tìm được công việc mình thực sự yêu thích, tìm được điều bản thân thực lòng hứng thú rồi, thì đây là lúc bạn nghiêm túc với nó để phát triển nó thành sứ mệnh của cuộc đời bạn. Hãy bắt đầu đặt ra những mục tiêu nhỏ. Nếu trước kia bạn chỉ dành 30-15 phút mỗi ngày để làm điều mình thích thì giờ đây hãy lên kế hoạch cụ thể, lộ trình rõ ràng để triển khai nó trong cuộc sống của mình. Động lực mạnh mẽ xuất hiện khi ta biết mình cần phải làm gì. Bạn muốn đạt được điều gì? Bạn muốn trở thành người như thế nào trong lĩnh vực này? Bạn muốn đi bao xa? Bạn muốn chinh phục những giới hạn nào? Và bạn sẽ hiện thực hóa chúng ra sao.

Hãy bước thật chậm, thật chậm thôi để cảm nhận con tim mình. Và hãy bước chậm, để cảm nhận những thành tựu nhỏ trong cả một quá trình. Các bạn hãy rèn luyện cho mình khả năng phân tích trải nghiệm và lắng nghe những cảm xúc của mình. Khi nhận ra được những thành tựu nhỏ ấy, lập tức nhu cầu khẳng định năng lực của chúng ta được thỏa mãn, nó sẽ tiếp tục làm nảy sinh động lực mạnh mẽ từ bên trong. Đó là lúc bạn sẽ tìm được thứ động lực tự nhiên giúp con chim sải cánh trên bầu trời, giúp con cá quẫy lội tung tăng dưới nước. Đó là lúc chúng ta không còn phải gồng mình làm việc vì sợ hay vì chiến đấu với thứ gì đó bên ngoài. 

Sau đó nó sẽ mách bảo cho bạn biết rằng bạn cần làm gì tiếp theo. Tất cả sẽ tạo nên “phản ứng dây chuyền” mà càng lúc càng mạnh hơn, càng bền bỉ hơn. Chỉ cần bạn kiên trì, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn đấy, nhưng hãy cứ thế tiếp tục. Khi đó, động lực tự bên trong đã trở thành viên kim cương soi sáng cả chặng đường phía trước.

Tác Giả: Đào Yến Thanh
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

464 lượt xem, 432 người xem - 434 điểm