Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Du Học Và Kỳ Thị: Tôi Nhìn Mọi Thứ Ở Một Góc Khác

Ngày 3 tháng 12 năm 2015, nửa đêm, bóng tối bao trùm toàn bộ không gian bên ngoài cửa kính. Bên trong, ánh đèn sáng choang in lên sàn nhà lát gạch bóng loáng, một hàng dài những người tay xách tay mang đang xếp hàng để lên máy bay. Ở tít gần cuối hàng, một cô bé với chiếc kính cận quê mùa và mái tóc cột cao đơn giản.

Đó là tôi. Tôi của hơn 6 năm trước.

Tôi vẫn nhớ như in đêm đó. Chuyến bay đó là ước mơ của tôi trong suốt gần 10 năm. 18 tuổi, dành ngần ấy năm để theo đuổi một giấc mơ. Tôi lên chuyến bay đó, mang theo giấc mơ và một trái tim tràn đầy hy vọng. Tôi cứ ngỡ từ đó về sau cuộc sống sẽ như những gì tôi mơ tưởng về nó hàng ngàn lần trước đó giống như kiểu “từ đó về sau Lọ Lem và hoàng tử sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi”. Nhưng đời không như là mơ, tôi không hạnh phúc chút nào. Đối với tôi việc tỉnh dậy khỏi giấc mơ đó cũng là một điều xa xỉ. Tôi không thể thoát khỏi nó.

Giấc mơ của tôi trở thành cơn ác mộng dai dẳng và tồi tệ nhất đời tôi.

Tôi bị kỳ thị chủng tộc

Tôi trải qua năm đầu tiên ở Hàn Quốc khá suôn sẻ, mọi thứ không quá tuyệt nhưng cũng không đến nỗi tệ. Từ năm thứ hai, tôi có thể giao tiếp trôi chảy bằng ngôn ngữ của họ, rồi tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với người Hàn hơn. Tôi bắt đầu đọc được sự khinh rẻ trong ánh mắt họ, trên gương mặt họ. Hồi đó, tôi chẳng hiểu tại sao họ lại nhìn tôi như vậy nhưng càng tiếp xúc với nhiều người Hàn, càng nhìn những biểu cảm đó, tôi nhận ra đó là kỳ thị chủng tộc - thứ mà tôi chưa bao giờ trải qua và cũng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ gặp phải.

Đa phần những người Hàn xung quanh tôi đều hỏi một thể loại câu hỏi. Người lịch sự hỏi tôi “Bạn nghĩ gì về đàn ông Hàn Quốc?”, người ít lịch sự hơn hỏi tôi “Bạn có thích con trai Hàn Quốc không?”, người không lịch sự thì hỏi tôi “Sang đây để kiếm chồng à?” Có thể bạn không thấy kỳ thị hay tổn thương nhưng nếu bạn biết hoặc đã từng trải nghiệm cuộc sống ở Hàn Quốc thì khác.

Ở Hàn Quốc những người nước ngoài không được hoan nghênh lắm và họ không chủ động thể hiện điều đó ra bên ngoài. Dù họ vẫn luôn cư xử rất thân thiện và lịch thiệp với bạn, họ không đánh hay gây hại đến sức khỏe của bạn. Họ cô lập bạn. Những người bạn học cùng lớp với tôi chẳng bao giờ chủ động liên lạc với tôi và họ cũng cực kỳ thờ ơ khi tôi chủ động liên lạc. Tôi chưa bao giờ được thông báo về những sự kiện của khoa, nhóm chat của lớp cũng chưa bao giờ có ai mời tôi vào. Tôi không có lấy một người bạn Hàn trong suốt 6 năm qua và tôi không phải là người duy nhất như thế. Rất hiếm có bạn du học sinh người Việt nào có bạn là người Hàn, ý tôi là bạn thật sự chứ không phải “bạn”. Tôi đã từng cầu cứu giáo sư hướng dẫn nhưng thầy chỉ lạnh lùng bảo tôi hãy học giỏi tiếng Hàn hơn. Ý thầy là tôi không hòa nhập được vì tiếng Hàn của tôi tệ hay chỉ nói cho có khuyên bảo trong khi tiếng Hàn của tôi (TOPIK 5) hoàn toàn ổn ngay cả trong môi trường học thuật chứ đừng nói đến giao tiếp hằng ngày. Các bạn người Hàn không chơi với người nói giỏi tiếng Hàn, họ chỉ chơi với những bạn du học sinh nói tiếng Anh lưu loát thôi, đơn giản vì họ cần học tiếng Anh. Đó là những gì đang diễn ra ở xã hội Hàn Quốc nhưng chưa phải là tất cả.

Quay lại với chuyện về những câu hỏi, bạn có tò mò tại sao họ lại hỏi những câu như thế không? Vì họ kỳ thị người Việt Nam và đặc biệt là phụ nữ Việt Nam. Ở Hàn Quốc có một loại tin đồn, một loại định kiến mà nếu bạn biết thì bạn sẽ nghe ra ẩn ý đằng sau những câu hỏi về đàn ông Hàn Quốc. Họ rỉ tai nhau rằng con gái Việt rất mê tiền, và rằng con gái Việt cứ thấy đàn ông Hàn là lao vào. Sau khi biết sự thật này, mỗi lần có ai đó hỏi tôi về đàn ông Hàn là như thể họ đâm tôi một nhát. Nhưng họ không dừng lại, sẽ luôn có ai đó hỏi tôi những câu như thế. Từ trường học đến công sở, tôi không thể nhớ được bản thân đã phải dằn lòng trả lời chúng bao nhiêu lần rồi nữa. Chuyện đáng sợ nhất không phải là những câu hỏi ấy mà là ánh mắt họ nhìn tôi khi họ hỏi. Họ nhìn tôi như thể tôi là cái gì đó rẻ rúng, như thể tôi đã làm điều gì đó rất đáng xấu hổ. Họ nhìn tôi với ánh mắt khinh miệt. Những ánh mắt ấy như bóp nghẹt tim tôi, dưới những ánh mắt ấy tôi thậm chí còn chả đủ sức hít sâu một hơi để thở dài. Một lần rồi một lần nữa, nhiều lần như thế tôi không biết là mình mạnh mẽ hơn hay chai lỳ cảm xúc nữa.Những ánh nhìn ấy theo tôi suốt những năm đại học, lặp đi lặp lại đến nỗi tôi chẳng muốn ra đường gặp ai. Tôi sợ hãi cái cách họ nhìn tôi vì nó khiến tôi dần dần nghi ngờ chính mình, tôi sợ ngày nào đó tôi sẽ tin rằng mình rẻ rúng như cách họ nhìn tôi và tôi sợ mình sẽ sống cuộc đời rẻ mạt như những định kiến ấy. Tôi bắt đầu khép kín hơn, tôi không ra ngoài khi không cần thiết, nhưng những ánh mắt ấy, những câu hỏi ấy vẫn làm tôi nghi ngờ chính bản thân mình. Dần dần tôi đánh mất chính mình. Trống rỗng.

Những điều tôi học được thông qua việc bị kỳ thị chủng tộc

  1. Người khác nghĩ về tôi như thế nào là chuyện của họ, tôi nghĩ về tôi như thế nào là chuyện của tôi

    Bạn có biết lý do tại sao chúng ta tổn thương vì những lời lẽ người khác nói về mình không? Chúng ta tổn thương khi bị ai đó công kích hay lăng mạ chỉ bằng ngôn ngữ là vì chúng ta tin những gì họ nói về chúng ta như một loại bản năng. Ngay cả khi lý trí cố phủ nhận những lời lẽ xúc phạm đó thì con tim ta vẫn luôn tin chúng. Ta chấp nhận tất cả những thứ “rác rưởi” mà xã hội ném vào mình, mang nó về “nhà” rồi lại cố nhét nó vào một xó xỉnh nào đó để chẳng bao giờ phải nhìn thấy nó. Nhưng ta luôn biết rằng nó tồn tại, đâu đó trong “căn nhà” này. Ta dằn xé để bảo vệ cái tôi rằng ta không tệ như họ nói, trong khi sự nghi ngờ trong ta luôn dụ dỗ ta chấp nhận những lời lẽ xấu xí đó. Như thể có hai cá thể đang chiến đấu để giành lấy quyền kiểm soát tâm trí ta. Lý trí sẽ không bao giờ thắng được cảm xúc, ta dần dần bị đẩy về hướng sự thỏa hiệp, ta nghi ngờ chính mình, ta phủ định chính mình rồi ta tự chôn mình trong “hố rác” mà ta mang về cho tâm hồn mình.

    Cách duy nhất để thoát khỏi “hố rác” đó là TIN VÀO CHÍNH MÌNH. Nói thì nghe có vẻ đơn giản nhưng việc tìm lại niềm tin vào bản thân chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Khi đang chìm trong những lời lẽ xấu xí như được phát đi phát lại hàng ngàn lần trong đầu thì việc tìm ra điểm tựa để xây dựng lại niềm tin là vô cùng khó khăn và vất vả. Đầu tiên bạn cần phải phủ nhận những gì họ nói với bạn, rằng bạn xấu xí, bạn rẻ tiền, bạn vô dụng hay bạn sẽ chẳng bao giờ làm được đâu... Tất cả những điều đó không phải là dành cho bạn mà là dành cho chính họ. Họ không chỉ độc ác với bạn đâu, họ cũng tàn nhẫn với chính bản thân họ. Những lời lẽ mà họ dành cho bạn là những thứ sâu thẳm trong con người họ, những thứ họ không muốn chấp nhận về bản thân mình. Họ nói với bạn những lời ấy chỉ để chắc chắn rằng bạn cũng sẽ sống cuộc đời tệ hại như họ. Họ nhục mạ bạn vì họ cần cảm giác được hơn ai đó trong cuộc đời khốn khổ của họ. Bạn không cần phải tin những lời phủ nhận những sự lăng mạ ấy vì nó không dành cho bạn đâu.

    Bạn tốt hơn bạn nghĩ rất nhiều, nhắm mắt bịt tai trước những thứ “rác ngôn ngữ” mà bạn phải nhận hằng ngày rồi bạn sẽ thấy được điểm tốt của bản thân. Một khi tìm được điểm tốt ấy, hãy tin vào nó một cách tuyệt đối như cái cách mà chúng ta tin vào khoa học ấy. Giữ lấy niềm tin ấy và tìm thêm những điểm tốt khác rồi tạo ra những niềm tin khác. Sợi dây niềm tin ấy sẽ kéo bạn ra khỏi “hố rác” mà bạn đang muốn thoát khỏi.

  2. Kỳ Thị chủng tộc tồn tại ở mọi nơi với nhiều dạng khác nhau, việc của chúng ta là học cách thích nghi

    Chọn một đất nước Châu Á để đi du học là một lựa chọn an toàn của tôi. Tôi đã biết về việc kỳ thị chủng tộc ở các nước phương tây và tôi sợ hãi. Khi chọn đến một đất nước Châu Á, tôi không hề nghĩ mình sẽ gặp sự kỳ thị đó ở đây vì họ và tôi đều là người Châu Á, “có lý nào người Châu Á lại kỳ thị lẫn nhau?” - tôi đã nghĩ vậy. Nhưng bi hài làm sao, người Châu Á vẫn kỳ thị lẫn nhau đấy thôi. Người dân nước phát triển kỳ thị những người đến từ những người đến từ những nước kém phát triển hơn, dân thủ đô kỳ thị dân tỉnh lẻ, dân thành phố kỳ thị dân nông thôn, giọng chuẩn kỳ thị giọng địa phương, người giàu kỳ thị người nghèo, người đẹp kỳ thị người có ngoại hình kém bắt mắt, người tài kỳ thị kẻ bất tài, công ty kỳ thị nhân viên nữ... Bạn thấy đấy, kỳ thị tồn tại ở khắp mọi nơi với vô số dạng thức khác nhau. Những con người nhỏ bé như chúng ta sẽ không thể thay đổi thế giới ngoài kia hoặc là chúng ta vẫn chưa đủ sức để tạo nên sự thay đổi. Vậy nên, việc của chúng ta không phải là oán trách thế giới rằng “tại sao lại là tôi?” hay chỉ trích hoặc trốn chạy. Cái chúng ta cần làm là đối mặt, tìm hiểu và học cách tồn tại dù cho có bị kỳ thị đi nữa, càng đối mặt chúng ta sẽ càng ít sợ hãi và biết đâu ngày nào đó chúng ta sẽ có sức ảnh hưởng đủ lớn để thay đổi chúng.

    Như một giáo sư của tôi từng nói: “YOU NEED TO LEARN HOW TO GET COMFORTABLE WITH BEING UNCOMFORTABLE”

  3. Kỳ Thị Chủng Tộc Là Hệ Quả Của Định Kiến 

    Kỳ Thị Chủng Tộc được sinh ra từ những định kiến của chúng ta. Người tài kỳ thị kẻ bất tài vì nghĩ họ sẽ mãi mãi bất tài như thế, công ty kỳ thị nhân viên nữ vì nghĩ họ lười biếng, thể lực yếu và không hữu dụng bằng nam giới.... Nhưng những người được gọi là kẻ bất tài rồi cũng sẽ có ngày tỏa sáng bằng tài năng thực sự nếu họ luôn nỗ lực và không bỏ cuộc, ngoài kia cũng có rất nhiều phụ nữ làm được mọi thứ như đàn ông... Tất cả những định kiến đều chỉ là góc nhìn từ một phía của vấn đề. Không phải tất cả những người bị xã hội xếp vào một nhóm đều sẽ có tính cách giống nhau, cuộc đời giống nhau. Chúng ta sống trong một thế giới vô cùng đa dạng, mỗi người là một cá thể riêng biệt và sẽ có hành trình, trải nghiệm hoàn toàn khác nhau.

    Nếu bạn đã từng bị tổn thương vì kỳ thị chủng tộc có nghĩa là bạn có nhiều định kiến. Đây có thể là một sự thật rất khó chấp nhận, tôi biết, tôi hiểu hơn ai hết. Khi nói kỳ thị chủng tộc là hệ quả của định kiến và bạn - nạn nhân của kỳ thị chủng tộc, lại mang trong mình thứ đã gây tổn thương sâu sắc cho chính bạn thì chẳng khác gì tôi đang đổ lỗi cho nạn nhân(victim blaming) vì những đau khổ mà họ phải trải qua. Không, lỗi không phải ở bạn, bạn không có lỗi gì khi bị kỳ thị chủng tộc hết, bạn hoàn toàn là nạn nhân. Nhưng lỗi của bạn là đã để những sự kỳ thị, những lời lẽ nhục mạ đó ảnh hưởng đến mình, lỗi của bạn là đã mang “rác” mà mọi người ném vào bạn về “nhà”. Bạn có muốn biết lý do tại sao bạn lại bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị không? là vì bạn có định kiến, càng có nhiều định kiến, bạn càng tổn thương sâu sắc trước kỳ thị chủng tộc. Bởi vì bạn mang trong mình định kiến nên bạn sẽ dễ dàng chấp nhận những lời lẽ xấu xí mà họ nói về bạn hơn. Vì mang trong mình định kiến mà xã hội đã và đang nuôi dưỡng bên trong bạn nên trong vô thức bạn cũng luôn nghĩ về những đối tượng bị định kiến đặt bên dưới mức tiêu chuẩn như cái cách mà những người kỳ thị người khác hay nghĩ và bạn luôn không ý thức được những suy nghĩ này cho tới khi nó tổn thương bạn. Điều khác nhau duy nhất ở đây là trước khi bị kỳ thị bạn không xếp mình vào nhóm dưới mức tiêu chuẩn và một khi ai đó xếp bạn vào dưới mức tiêu chuẩn bạn bị tổn thương nặng nề hơn ai hết. 

    Bị người khác kỳ thị không đáng sợ bằng việc tự kỳ thị chính mình. Định kiến của bạn mới chính là thứ kiến bạn kỳ thị chính mình, định kiến của bạn mới là thứ gây ra những nỗi đau sâu sắc mà bạn phải trải qua. Nếu bạn muốn thoát khỏi kỳ thị, muốn tự do thì trước tiên hãy giải thoát ban thân khỏi những định kiến của bản thân đi đã. 

    Chúc bạn khỏe mạnh và bình yên.


    Tác Giả: Bội Bùi
    --------------------------------
    Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

    (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

165 lượt xem, 151 người xem - 158 điểm