Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đừng Bỏ Quên Bản Thân Trong Những Vai Diễn Không Cát Sê Mà Hãy Đi Tìm Giá Trị Thực Từ Những Điều Nhỏ Bé Nhất

Có một dạo, trang Confession trường tôi đăng liên tục những bài viết phàn nàn, chỉ trích việc các Câu lạc bộ, Đội tình nguyện, Hội nhóm,…thường xuyên tụ tập đàn hát, cười đùa dưới sân Ký túc xá, gây ồn ào và làm ảnh hưởng đến các bạn sinh viên khác. Và thế là một cuộc chiến nổ ra. Người biện minh rằng thanh xuân là cống hiến, tuổi trẻ là không chờ đợi và cần sống hết mình, vui hết mình, họ cho rằng những người chỉ ru rú ngồi học quả là nhạt nhẽo và vô vị. Phe còn lại thì cũng có những lý lẽ riêng thật thuyết phục, rằng tuổi trẻ chính là thời gian tập trung học tập để xây dựng sự nghiệp cho tương lai, và rằng việc tham gia những Hội nhóm như vậy mới thật ồn ào và vô bổ làm sao!

Còn tôi? Tôi chợt nhận thấy chính mình mới thật là “nhạt nhẽo”, vì tôi chọn cách chia trung bình, tham gia vừa đủ để cân bằng việc học tập. Tôi chọn dành sự “hết mình” các bạn nói cho một thứ khác, thứ giúp tôi phát triển và xây dựng giá trị cho bản thân!

Đó là sống hết mình để QUAN SÁT và CẢM NHẬN!

Chúng ta, có lẽ ai cũng cần một triết lý tương tự như vậy cho cuộc sống của mình!

Hãy học cách tận hưởng!

Anh bạn tôi tham gia nhiều Hội nhóm, ở tổ chức nào, anh cũng giữ những vị trí đáng kể. Có lần, cùng một buổi tối, anh được mời tham gia sự kiện những 2 nơi, và thời gian thì chỉ cách nhau có chừng một tiếng. Không thể từ chối bên nào, anh chọn cách tham gia cả hai. Là một thành viên tham dự một trong hai chương trình buổi tối hôm ấy, tôi ngồi bên dưới, nhìn anh được giới thiệu với tư cách Đại biểu, thầm ghen tỵ với sự tự tin anh thể hiện khi đứng lên chào, cách anh mỉm cười khi nhận về những tràng pháo tay lớn. Lúc ấy, hẳn bạn tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện. Rồi ngồi chưa ấm chỗ, anh cáo lui với Ban tổ chức và rời đi trong ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người về sự bận rộn và quan trọng của mình. Nhưng thật ra, bạn tôi có biết đâu, giây phút thực sự náo nhiệt chính là ở cuối chương trình, sau những màn phát biểu trịnh trọng, khi tất cả đã rũ bỏ sự ngại ngùng để chung vui hết mình, ca hát và cười nói, thì anh đã bận chạy đi dự một sự kiện khác mất rồi…Và tôi tự hỏi, khi ngồi ở chương trình thứ hai kia, anh bạn ấy có chú ý hoàn toàn không, hay lại tập trung đầu óc vào một nơi tiếp theo rồi?

Trong cuốn sách tôi yêu thích, có một câu chuyện nhỏ kể về cô gái trẻ với năng khiếu chụp ảnh. Cô thường xuyên nhận về nhiều lời khen, lời tán dương khi đăng những bức ảnh mình chụp trên mạng xã hội. Vậy nên cô càng hứng thú và mong muốn có thật nhiều những bức ảnh độc đáo. Cô đã vô cùng hứng khởi và mong chờ chuyến thăm quê ngoại, với chiếc máy ảnh trên tay, cô chụp lại mọi thứ mình thấy thú vị. Và sau khi lang thang cả ngày thơ thẩn trên những cánh đồng, cô đã bắt gặp một cảnh tượng thật tuyệt vời – ánh sáng Hoàng hôn rơi trên những bông lúa chín, điểm xuyết vài cánh cò trắng chao nghiêng trên nền trời đỏ rực . Cô vội vàng tìm ngay chiếc máy ánh để kịp bắt lại khoảnh khắc ấy, nhưng sau cả ngày dài chụp thật nhiều, máy ảnh báo hết pin. Bất lực nhìn Hoàng hôn dần tắt, cô gục xuống ven đường bật khóc, rồi chợt nghe cậu em trai đi cùng lên giọng cụ non ““Không chụp được thì lo mà ngắm đi, khóc cái gì? Chị còn đôi mắt nữa mà”

Chúng ta vẫn thường như vậy, lo nuối tiếc những gì đã qua, lo lưu giữ cho tương lai sắp tới, nhưng thường quên mất rằng chính thời điểm chúng ta đang trải qua mới là thứ đáng trân trọng nhất!

Cô gái trong câu chuyện trên, thay vì nhìn mọi thứ qua ống kính máy ảnh vốn làm biến đổi ít nhiều màu sắc thật của cảnh vật, có thể làm theo lời cậu em trai, THỰC SỰ NGẮM NHÌN. Và khi chọn cách ấy, có lẽ cô còn có thể trải nghiệm mọi thứ bằng tất cả các giác quan khác của mình. Đó là mùi lúa non đẫm hương sữa, là làn gió mát trong lành và là thứ âm thanh yên bình đặc trưng của vùng quê…Cảm nhận mọi thứ một cách trực tiếp chẳng phải mới là điều tuyệt vời nhất đó sao?

Tận hưởng không có nghĩa là trải qua. Bạn có thể  có đến hàng trăm bức ảnh “check in” ở những địa điểm khác nhau nhưng chưa chắc bạn đã thực sự hiểu về cuộc sống và con người vùng đất ấy.  Bạn ngồi ở một nhà hàng sang trọng nhưng cắm mặt ôm cái điện thoại thì làm sao cảm nhận được trọn vẹn không khí và hương vị món ăn?,… Cũng tương tự như vậy, sở hữu cũng chưa hẳn là biết hưởng thụ. Một người biết tận hưởng một quyển sách hay khác với một người sở hữu tủ sách đồ sộ nhưng chưa từng đọc trọn vẹn quyển nào, mà chỉ đặt tủ sách để nghe người khác khen nó thật đồ sộ. Chúng ta vẫn thường đánh đồng việc hưởng thụ với một cuộc sống đầy đủ vật chất. Nhưng không hề, tận hưởng ở đây nghĩa là hãy sống thật SÂU, cảm nhận thật RÕ RÀNG mọi thứ xung quanh bạn. Nắng, gió, mùi vị, thanh âm,… vạn vật đều sẽ khác đi sau mỗi một khoảnh khắc, cũng như bản thân chúng ta ngày hôm nay và hôm qua là không giống nhau. Sao không thử tìm kiếm sự khác biệt từ mỗi phút giây của cuộc sống?

Hạnh phúc là hành trình, không phải là đích đến! Câu nói quá quen thuộc, nhưng chúng ta có mấy ai nhận ra và thực hiện được điều đó?

Nhận ra giá trị bản thân không nằm nơi những lời ngưỡng mộ, tán dương

Năm thứ hai Đại học, tôi bắt đầu công việc gia sư như hầu hết các sinh viên lựa chọn. Cô bé tôi nhận dạy Toán đang chuẩn bị ôn thi THPT Quốc gia, một trong những kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Sau vài buổi học đầu bỡ ngỡ, em dần mở lòng mình và chia sẻ nhiều hơn…

Cô bé ấy lớn lên trong một gia đình có điều kiện, bố mẹ đều là cán bộ Nhà nước chức vụ cao. Dù đã ly thân từ năm em 10 tuổi, nhưng họ vẫn sống với nhau để giữ hình ảnh một gia đình hạnh phúc. Tôi đã ngạc nhiên thực sự, hóa ra điều tôi thường thấy trên Tivi hay trong truyện lại có thực và gần ngay tôi lúc này. Bởi vậy, tôi vô cùng bối rối khi nghe những chia sẻ của em, từ những cảm xúc đặc biệt dành cho cậu bạn cùng lớp đến những hoang mang, lo lắng cho kỳ thi phía trước, những điều em chẳng bao giờ kể cho bố mẹ, mà giờ lại nói với một người lạ-là tôi. Lúc ấy, tôi chợt thấy mình cần có trách nhiệm, không chỉ trách nhiệm giúp đỡ về học tập, mà tôi còn cần sẻ chia, lắng nghe những hoang mang rất thực của một cô bé dù tuổi còn nhỏ nhưng đã trải qua nhiều thiệt thòi. Và tôi cũng thực sự hiểu vai trò lớn lao của những Thầy Cô giáo trên thế giới này. Họ chính là ánh sáng và là dòng nước để ươm mầm, nuôi dưỡng những thế hệ tiếp theo. Một đứa trẻ cũng giống như cái cây non, luôn hướng mình vươn theo ánh sáng. Nếu đã có thể là ánh sáng cho ai đó, chúng ta ngần ngại gì mà không giúp họ?

Dù có lẽ người ngoài sẽ nói: vinh quang này thật nhỏ bé và thật cá nhân, sao có thể sánh bằng sự ngưỡng mộ, tán dương ta nhận được khi đứng trên sân khấu lớn của một cuộc thi có tiếng, khi ta thể hiện mình trên mạng xã hội và nhận về hàng nghìn lượt like, share? Khác đấy bạn ạ, chỉ bạn mới biết mình đã thay đổi cuộc đời người đó ra sao. Hãy như tôi, nhận ra để tự hào và trân quý mình từ những điều nhỏ bé vậy nhé!

Đừng tự khoác vỏ bọc lên mình

Ngày nay, đi bất cứ nơi đâu cũng có thể thấy mọi người cầm trên tay chiếc điện thoại, và hầu hết có lẽ đều đang lướt cập nhật trên một mạng xã hội nào đó. Những ảnh hưởng và tác động của mạng xã hội đến cuộc sống của con người có lẽ là một trong những chủ đề dễ tìm kiếm nhất. Chỉ một vài từ khóa và cú nhấp chuột, hàng triệu kết quả sẽ hiện ra. Chúng ta có ý thức được sự ảnh hưởng đó? Câu trả lời là có. Nhưng để khắc phục chắc chắn là điều không hề dễ dàng. Mạng xã hội quả thực hấp dẫn, nó cho ta thông tin về những người ta quen biết, giúp ta cập nhật nhanh chóng gần như tất cả mọi chuyện đang diễn ra. Và có lẽ quan trọng nhất, mạng xã hội đem đến cho nhiều người cảm giác tự hào, hãnh diện khi khoác lên mình thứ vỏ bọc hào nhoáng! 

Cứ mỗi khi hoa Phượng bung sắc đỏ là ta biết hè đã về, và cũng là lúc rộn ràng mùa kỷ yếu. Trên tường Facebook của tôi thi thoảng lại bắt gặp những bài đăng của các bạn về công cuộc chuẩn bị. Nào áo dài, áo cử nhân, hoa, bóng bay,… và hàng chục thứ cần thiết khác với chi phí có khi lên đến cả triệu đồng. Tôi đã từng chứng kiến một buổi kỷ yếu như vậy. Ngày quan trọng, tất cả cùng dậy thật sớm, làm tóc, trang điểm kỹ càng và vận lên mình những bộ áo dài cách điệu cầu kỳ. Các bạn trải qua cả ngày dài, trời mùa hè dù nắng nóng nhưng cả lớp vẫn nhất định phải đi đến thật nhiều nơi, chọn những địa điểm đẹp nhất. Quần áo thay vài ba bộ, trang điểm lại có khi cả chục lần. Rồi chia nhóm, xếp đội hình, tất cả chỉ mong có được một bộ ảnh thật độc đáo, lưu giữ những khoảnh khắc “tự nhiên” nhất.

Thật kỳ lạ phải không? Khi các bạn dành hàng giờ trước ống kính để “giả vờ cho tự nhiên”? Các bạn cười trước máy ảnh cả trăm lần, nhưng có lẽ tất cả đã quên mất điều quan trọng cần làm ngay lúc ấy chính là THỰC SỰ MỈM CƯỜI, dù lúc cười tươi bạn nữ này miệng hơi rộng, bạn nam kia không giấu được chiếc nẹp răng, nhưng có lẽ đó mới chính là thứ các bạn cần lưu giữ. Rồi sau này, ai cũng xinh đẹp, điển trai, còn đâu những khoảnh khắc vui nhộn như vậy nữa? Thay vì khoác vai nhau tạo dáng này kiểu nọ để có được bức hình “chanh sả” nhận vài trăm lượt like ảo trên Facebook, Instagram,… hãy cứ quay sang nhau, trao đi những điều chân thành nhất. Trí óc chúng ta được cấu tạo vô cùng tinh vi, đủ sức lưu giữ mọi thứ với tất cả sự hoàn hảo và sắc nét, sao chúng ta không nhớ về nhau ngay lúc ấy mà cứ trông chờ vào máy móc vốn chẳng bao giờ so sánh được với con người?

Rồi buổi chụp kỷ yếu hôm ấy, đã có lúc vì không thống nhất được ý kiến mà các thành viên và cán bộ lớp cãi nhau, thậm chí có cả những cái lườm nguýt, những câu nói bậy. Nhưng trong bức ảnh trên Facebook, tất cả đều cười, thể hiện một tập thể lớp gắn bó và đoàn kết?

Cuộc sống này vốn dĩ đã chẳng dễ dàng, vậy mà hàng ngày chúng ta còn phải diễn đến hàng chục “vai diễn không cát sê”. Vờ mình yêu thích khối A khi bản thân luôn thấy Văn học thật thú vị, vờ năng động khi chính mình đang cần một khoảng lặng nghỉ ngơi,… Và như các bạn trên, vờ vui vẻ, mỉm cười khi trong lòng đang khó chịu? Rồi sau này, có còn ai về tham gia họp lớp? Và khi tự mình nhìn lại những bức ảnh trên, các bạn sẽ nhớ được kỷ niệm gì? Hay cười khẩy tự hào mình đã diễn thật sâu?

Người ta thường đổ lỗi cho những cuộc hôn nhân tan vỡ bằng một nguyên nhân “Anh ấy/cô ấy đã thay đổi rồi…”. Nhưng thực ra, không có ai là người thay đổi, họ chỉ bộc lộ bản thân mình nhiều hơn mà thôi. Đó cũng chính là lý do nhiều người tin rằng, sự bền vững của một mối quan hệ tùy thuộc vào việc bạn thể hiện bản thân mình thật bao nhiêu phần trăm lúc bắt đầu. Bạn của tôi ơi, bạn lo lắng điều gì? Rằng nếu mình không tỏ ra thật dịu dàng thì crush sẽ không để ý? Hay nếu không có xe sang đưa đón thì cô gái ấy sẽ chẳng thèm ngó ngàng? Bạn chọn cách biến thành người khác thay vì chọn chờ đợi mảnh ghép phù hợp cho chính bản thể “TÔI” của các bạn ư?

Học cách quan sát và nhận ra giá trị của cả người khác

Tôi có một cô bạn, trong nhóm 6 người chơi với nhau, lúc nào cô cũng bị chê “nhạt”, rồi còn được đặt nickname “The end”, bởi mọi người hay nói vui, mỗi khi cô bạn tôi tham gia góp chuyện gì là y như rằng câu chuyện dừng luôn tại đó. Cô bạn tôi còn học không giỏi, cô hay tự ti về kiến thức của mình, lúc nào cũng hỏi, cả những điều đơn giản nhất, nên nhiều khi khiến người khác phát bực mình. Nhưng mấy ai biết, cô bạn ấy chụp hình cực kỳ đẹp và nấu ăn thì siêu ngon, khéo léo việc may vá và làm những đồ handmade. Quan trọng nhất, cô ấy có một trái tim vô cùng chân thành. Nếu nhóm chúng tôi bất kể ai có chuyện gì, cô ấy cũng nhận ra và là người đầu tiên hỏi thăm. Cô ấy luôn nói lời xin lỗi và cảm ơn dù với những điều nhỏ nhặt nhất.

Cô giáo của tôi, một Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, ngoài những giờ lên lớp giảng dạy kiến thức chuyên môn, ở ngoài đời, Cô còn dạy chúng tôi cách ứng xử từ những điều nhỏ bé nhất! Đó là khi Cô cúi người, dùng tay không để chỉnh lại một tấm thảm chùi chân, thứ mà nếu có một số ít sinh viên để ý, sẽ chọn cách di chân để chỉnh lại cho ngay ngắn. Chỉ một hành động nhỏ thôi, nhưng tôi thấy mình đã học và hiểu được nhiều hơn bất cứ bài giảng đạo đức nào!

Vậy đấy, tôi luôn ngưỡng mộ những người Thầy, Giảng viên của mình bởi họ thật tài giỏi về chuyên môn, bởi họ đều là Giáo sư, Tiến sĩ. Nhưng giờ đây, tôi còn hiểu thêm rằng, giá trị thật sự của họ nằm trong cốt cách họ thể hiện mỗi ngày! 

Bạn ơi....!

Làm những điều to lớn khiến chúng ta thấy mình thật thành công và đáng tự hào, nhưng đôi khi, dừng lại để quan sát khiến ta hiểu rõ cuộc đời này còn quá nhiều thứ cần phải học hỏi….

Hãy dành thời gian cảm nhận thật về cuộc sống. Đừng bỏ quên bản thân khi bạn cố khoác lên người những điều theo bạn là đẹp, là hay mà hãy nhớ tưới nước cho cả tâm hồn mình bạn nhé!



Tác Giả: Van Anh Tran

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100010215283262

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

680 lượt xem, 625 người xem - 630 điểm