Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đừng Cố Nữa, Tôi Mệt Rồi

Một ngày dài làm việc vất vả, lê đôi chân về nhà lúc 11 giờ đêm và mọi thứ dường như vẫn chưa kết thúc. Ăn vội bát cơm với chút thức ăn nguội mẹ để phần, lên tắm qua rồi lại vùi đầu vào máy tính, với những tasklist dài dằng dặc và những dealine cận kề. Sự chán nản dần chiếm lấy tâm trí bạn, nhưng vẫn có điều gì đó thôi thúc bạn phải tiếp tục hoàn thành công những công việc còn đang dang dở. Cơ mà, đã bao giờ bạn thấy mệt mỏi, đứng trước gương ngao ngán không hiểu mình đang cố gắng, nỗ lực vì điều gì, tự hỏi, liệu thật sự mình có muốn tiếp tục hay không, hay chỉ đang cố bám víu lấy những động lực khách quan vô hình mà chính bản thân đôi khi không muốn có?


CỐ THÊM MỘT CHÚT, RỒI MỌI CHUYỆN SẼ ỔN

Chắc hẳn rất nhiều bạn ít nhất trong đời đã từng một lần suy nghĩ: “Cố thêm một chút thôi, rồi mọi chuyện sẽ ổn.” Cố gắng học thêm một chút kiến thức để ngày mai đi thi làm bài tốt, cố thêm một chút để ngày mai có bản báo cáo giao cho sếp, cố thêm một chút để hoàn thành công việc trước deadline và bàn giao cho khách hàng,.... Còn cả tỉ thứ khiến bạn sẵn sàng hi sinh để cố thêm một chút. Cố gắng không bao giờ là thừa, và phần thưởng xứng đáng sẽ luôn ở cuối con đường và dành cho những ai kiên trì đi hết con đường đó. Cố gắng giúp nâng cao được kỉ luật bản thân, giúp mỗi người theo đuổi đến cùng mục tiêu mình đã đặt ra. Cố gắng giúp cho tỉ lệ thành công trong mỗi công việc mà chúng ta thực hiện tăng thêm gấp bội phần, và khiến kết quả cuối cùng nhận được trở nên thật sự có ý nghĩa. Càng cố gắng nhiều bao nhiêu, sự vui sướng và hạnh phúc khi đạt được điều mình mong muốn lại càng đầy ắp bấy nhiêu. 


Rồi sẽ có những lúc, bạn muốn từ bỏ. Chẳng ai trên đời này dám đủ tự tin để nói mình sẽ luôn luôn chiến đấu đến cùng, nhưng rồi, động lực để bạn cố gắng lại kéo bạn lại, muốn bạn dấn thêm một chút, một chút nữa thôi, bởi lẽ nếu bạn từ bỏ vào những giây phút quyết định, có thể bạn sẽ không với tới được thành công như mình mong muốn. Nếu hôm nay học thêm một câu, có thể ngày mai mình sẽ làm được nếu gặp câu đó. Nếu hôm nay cố hoàn thành cho xong bản thiết kế, có thể ngày mai khách hàng sẽ thấy được sự cố gắng của mình và hài lòng với những gì mình làm. Nếu cố gắng nhẫn nhịn khi bị đồng nghiệp xung quanh chơi xấu, đối xử không tốt, có thể một ngày mình sẽ lên được vị trí cao hơn, nơi họ sẽ nhìn nhận và đánh giá mình theo một cách khác…

Cố thêm 1 chút, rồi mọi chuyện sẽ ổn


Con người thường có xu hướng cố gắng nhiều hơn để chắc chắn tương lai mình sẽ không gặp phải những điều tồi tệ. Nỗi sợ hãi những điều chưa xảy ra mang lại một cảm giác lo lắng, và người ta lấy nó làm động lực để tiếp tục cố gắng. Nhưng, sẽ ra sao khi động lực không còn là liều thuốc trấn an tinh thần hiệu quả nữa, mà thay vào đó là tiếp thêm nỗi sợ, khiến bạn ngày càng cố, cố thêm một chút thôi với niềm hy vọng “Rồi mọi chuyện sẽ ổn…”.


CỐ GẮNG LÀ MỘT ĐIỀU TUYỆT VỜI. NHƯNG ĐÃ BAO GIỜ, BẠN NGHĨ RẰNG MÌNH SẼ TỪ BỎ? 


Chúng ta không thể phủ nhận một chân lý rằng sự cố gắng sẽ giúp ta có được những điều ta mong muốn, làm được những điều tưởng chừng như không thể và đạt được những thành công xứng đáng. Nhưng liệu bạn có chắc, sự cố gắng chắc chắn sẽ mang tới thành công? 


Thực tế đã chỉ ra rằng, ngay cả khi cố gắng ở mức tối đa, bạn vẫn có khả năng nhận được những thất bại cay đắng. Một bài tập làm đi làm lại đến hàng trăm lần, nhưng đi thi vẫn làm sai, hay một dự án đầu tư công sức cả tháng trời, ngày đêm nghiên cứu, chắt lọc những điều bạn nghĩ là tinh túy nhất, đến khi trình cho cấp trên xem, chỉ nhận được một phản hồi không thể thất vọng hơn: “Dự án này không hiệu quả và không có tính thực tiễn. Em về nghiên cứu thêm.”

Không phải lúc nào cố gắng cũng đem lại thành công


Những thất bại đến sau khi một quãng thời gian dài nỗ lực là điều đáng sợ mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Sự cố gắng chỉ thực sự đem lại động lực khi nó được xuất phát từ những mục tiêu cụ thể, bằng không, áp lực vô hình mà nó mang lại đôi khi còn lớn hơn gấp tỉ lần so với việc không cố gắng ngay từ ban đầu. Nghe buồn cười nhỉ, làm sao mà sự cố gắng lại đem lại áp lực được, nó phải là động lực thúc đẩy giúp con người ta tốt hơn chứ? Không sai, nhưng trong cuộc sống cái gì cũng có hai mặt sáng tối, và chẳng có gì là hoàn hảo cả. Vì sao rất nhiều em học sinh lại bị trầm cảm sau quãng thời gian dài ôn thi? Vì sao một người hiền lành lại dễ nổi nóng sau những đêm dài thức trắng chạy deadline? Động lực nào khiến họ cố gắng đến cùng cực như vậy? Liệu rằng, sự cố gắng ấy có mang lại những giá trị tích cực, hay chỉ đang đẩy con người ta đến giới hạn chịu đựng của chính mình, và chỉ trực chờ một cơ hội để phát nổ? 


Khi cố gắng chỉ là sự ép buộc mà tâm trí áp lên cơ thể, thì tất cả những gì bạn đã, đang và sẽ làm đều sẽ trở thành những hành động vô thức và không mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống. Sự chán nản cũng dần theo đó mà sinh ra, và cảm giác bí bách, ngột ngạt, lo lắng, sợ hãi cũng sẽ trở thành những món ăn quen thuộc từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ. Cố gắng học ngày học đêm, cho đến tận sát hôm thi vẫn chong đèn đến 3-4 giờ sáng ôn tập để rồi đi thi trễ. Ốm lê lết vẫn cố miệt mài hoàn thành xong các slide cho buổi thuyết trình với đối tác, xong hôm sau đầu bù tóc rồi vội vội vàng vàng đến công ty nhưng kết quả là không thuyết phục thành công bởi bạn đau họng và nói chẳng nên lời. Hay, cố gắng đi theo con đường quân đội mà bố mẹ lựa chọn cho, trong khi bạn thừa biết, dòng máu của một người yêu âm nhạc và khát khao trở thành ca sĩ vẫn đang chảy trong cơ thể mình.... Nếu động lực để cố gắng không xuất phát từ chính bản thân mà bị chi phối bởi những điều xung quanh, rất dễ mang đến cho bạn những quyết định sai lầm và rồi nhận lấy những thất bại không đáng có.


DÁM TỪ BỎ, BẠN SẼ TỚI ĐƯỢC NHỮNG CHÂN TRỜI MỚI

Dũng cảm gấp sách lại, nghe một bản nhạc nhẹ rồi lên giường ngủ một giấc thật ngon, chắc chắn đầu óc sẽ trở nên minh mẫn và hoàn thành bài thi một cách dễ dàng. Xin nghỉ một ngày cho sức khỏe ổn định, rồi khi đi làm lại xinh tươi, rạng rỡ, giọng nói dễ nghe thuyết phục được những đối tác khó tính. Hay dũng cảm xin bố mẹ nghỉ học bộ đội, tập trung toàn bộ sức lực theo đuổi đam mê ca hát,... 

Bạn có đủ dũng cảm để từ bỏ?


Chúng ta luôn luôn bị nhồi nhét những câu khẩu hiệu kiểu như: “Đừng là kẻ bỏ cuộc.”, “Tôi sẽ thành công, tôi cần cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa.”, “Tôi sẽ bước tiếp trên con đường đầy sỏi đá kia, để nhận được những phần thưởng xứng đáng.” Trong khi đó, từ bỏ thường bị gán với cái mác bi quan, không dũng cảm vượt qua khó khăn để đến với con đường tươi sáng hơn, và phần nào thể hiện một sự không đành lòng. Nếu chỉ dùng nó để nói đến sự kết thúc, thì đúng, đó là một người thiếu nghị lực. Nhưng nếu từ bỏ để tìm ra một con đường mới, đúng đắn hơn, chín chắn hơn, thì chắc chắn đó là người dũng cảm và thật đáng để khâm phục. Người thông minh là người biết tiến, biết lui, biết suy nghĩ, biết cân đo đong đếm kĩ càng. Cố gắng làm một điều mà bạn biết là không đúng, cố gắng theo đuổi những đam mê trong khi thực sự không phù hợp với bạn, hay bám trụ lấy một công việc nhàm chán mà không có sự tiến triển, tất cả cũng như việc lái xe trên con đường không có đích đến, rồi thời gian, tuổi tác, sức khỏe sẽ khiến bạn thêm mệt mỏi. Khi ấy, sự kiên trì chỉ còn là sự cố chấp, cứng đầu và hoàn toàn vô nghĩa. 


Đừng cố gồng gánh nỗi đau, bởi theo thời gian nó sẽ sinh ra sự bất mãn. Như khi bạn cố làm mãi một việc mà chẳng thành công, bạn sẽ sinh ra chán nản, ghét bỏ và một ngày nào đó, những cảm xúc tiêu cực sẽ nuốt trôi bạn. Hãy biến từ bỏ trở thành một lựa chọn hợp lý, một khởi đầu cho một chặng đường mới, chặng đường của sự từng trải, đã nếm đủ những nỗi đau, tỉnh táo hơn để biết đâu là cách để đi đến thành công. Từ bỏ, theo cách nghĩ tích cực, không hoàn toàn là sự chấm dứt. Bạn vẫn có thể theo đuổi những mục tiêu đã đề ra, nhưng là theo cách khác, thông minh hơn, chắc chắn hơn. Hãy nên nhớ, bạn chỉ có một cuộc đời, và nếu những điều bạn đang hướng tới không đáng để đánh đổi cho sự cố gắng vô nghĩa, đừng tiếp tục hãy dũng cảm để từ bỏ và hướng bản thân tới những điều thiết thực, có ý nghĩa.
 

Tìm ra lối đi riêng cho chính mình, mới là điều quý giá


KẾT

Chúng ta đều biết, từ bỏ là một điều chẳng dễ dàng, thậm chí lúc nào nên từ bỏ, nên chấp nhận thất bại để thay đổi, lại càng khó khăn gấp bội phần. Nhưng, nếu từ bỏ là sự cần thiết, cho cơ thể, tâm trí và cuộc sống của chính chúng ta, đừng ngần ngại để chấm dứt và bắt đầu một điều mới. Tôi không khuyên bạn ngừng cố gắng cho cuộc sống, mà tôi khuyên bạn, hãy biết cố gắng cho những điều có ý nghĩa, dựa trên sự tính toán thông minh, kĩ càng. Đừng cố gắng theo kiểu không còn sự lựa chọn nào khác, đôi khi, hãy hít một hơi thật sâu, nhẹ nhàng nhưng đầy dũng cảm mà nói lên rằng: “Đùng cố nữa, tôi mệt rồi!”. 



Tác Giả: Huy Vũ 
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/quanghuy.vu.35110  
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

453 lượt xem, 439 người xem - 439 điểm