Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đừng Để “Cảm Xúc Hóa” Bản Thân

Tuổi trẻ hay còn gọi là thanh xuân được ví von như một cơn mưa rào mà dù ta có ướt cũng mong một lần được trải qua, cũng đồng thời là bước nhảy, là bước ngoặc của những tháng năm còn lại. Nhưng bên cạnh đó, tuổi trẻ cũng là những bồng bột, những ngông cuồng và mãnh liệt của cảm xúc. Ai cũng biết, cảm xúc là minh chứng cho một tâm hồn đang sống, cho một con người đang tồn tại với những hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Tim còn rung động, cảm xúc còn lên tiếng là ta hãy còn tin yêu vào vạn vật. Thế nhưng, nếu ta ủy mị, bám víu và hành động tuyệt đối theo cảm tính thì có thể dẫn đến những mối nguy hại khôn lường, tệ nhất nó có thể thay đổi cả một hành trình cuộc sống của chúng ta. Và trước khi chúng ta ân hận, hãy để bản thân có thời gian tìm hiểu về cảm xúc và cách kiểm soát cảm tính của bản thân


Các hình thái cảm xúc

Tôi sẽ tạm chia ra hai nhóm hình thái cảm xúc chính là tích cực (bao gồm thích, yêu, hưng phấn, tự tin) và tiêu cực (bao gồm chán, ghét, tức giận, sợ hãi). Tất nhiên cả hai nhóm cảm xúc điều ảnh hưởng trực tiếp đến hành động và cuộc sống sau này của bản thân chúng ta. Đầu tiên, tôi sẽ nói về những cảm xúc tích cực đã ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta, và tiêu biểu tôi sẽ đề cập tới tình cảm gần gũi với chúng ta nhất: yêu. Ai cũng đã từng yêu, yêu gia đình, yêu người thân và yêu người lạ. Điều đáng để tâm ngày nay, việc yêu đương của giới trẻ quá cuồng vội; trong khi mức độ xúc động có nhiều cấp bậc thì yêu là bậc cao nhất. Và chỉ cần tâm hồn phát ra tín hiệu đã yêu người nào thì chúng ta thường bất chấp hết tất cả các chỉ tiêu gia cảnh, giới tính, bản tánh đối phương để bày tỏ tình cảm và để thỏa mãn sự mãnh liệt của cảm xúc. Tôi không phủ nhận rằng tình cảm thiêng liêng này sẽ vượt qua hết tất cả các tiêu chí nhưng có bao giờ bạn tự hỏi cảm xúc đấy có đủ để chứng minh sự lựa chọn của mình sẽ nuôi dưỡng thành mối tình vĩnh cửu hay chỉ nhất thời cảm xúc mãnh liệt ấy lôi bạn đi xa điểm cần đến, người cần gặp? Khi cảm xúc cần quá mãnh liệt vượt ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn tự cho mình phải đầu hàng, phải chinh phục, phải có được cái mà một phần trong người đang mong muốn bất chấp có tiến xa hơn hay kết quả như thế nào. Thử hình dung xem, sau khi bạn cho cảm xúc mình “ăn no đủ” cái nó cần, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tôi không muốn vẽ ra cho các bạn thấy những bức tranh hậu yêu-quá-nhanh vì tùy tính cách mỗi người, chúng ta sẽ có cách giải quyết khác nhau. Nhưng không phải hành động nào theo cảm xúc chúng ta cũng có thể dọn dẹp “tàn cuộc” thật êm đẹp, tôi đang muốn nói đến hình thái cảm xúc thứ hai cảm xúc tiêu cực và tôi sẽ dùng trạng thái giận làm ví dụ cho các bạn. Chắc hẳn trong cuộc đời chúng ta không thể nào không trải qua một cơn giận đáng nhớ. 

Tôi cũng vậy, tôi từng vì những vấn đề cá nhân mà nổi giận vô cớ với Mẹ tôi; việc mà có thể tôi vẫn giữ trong lòng như một bài học để đời cho bản thân. Nhưng hình phạt lương tâm tội nhận lại còn rất “rẻ” so với nhiều người khác. Trong lúc tức giận, chúng ta sẽ làm mất kiểm soát lời nói và hành động gần như hoàn toàn. Báo chí mỗi ngày điều đưa cho chúng ta rất nhiều những mẩu tin về sự ảnh hưởng của những cơn giận, từ cãi nhau, hành hung cho đến những vụ án ảnh hưởng đến tính mạng con người, mà đối tượng lại càng trẻ hóa. Và hậu quả là hàng loạt những bản án hình sự, những dằn vặt của tòa án lương tâm, những giọt nước mắt muộn màng. Những cảm xúc tiêu cực xuất hiện hằng ngày sẽ làm biến tan hết những hành động đẹp những đức tính cao quý của bản thân. Nhưng tôi nói như vậy không có nghĩa chúng ta phải cố gắng triệt tiêu hết tất cả các hình thái tiêu cực, vì những giận dỗi vu vơ của cô người yêu lại làm cho tình yêu thêm nhiều sắc màu, nhiều dư vị; điều chúng ta cần làm là biết kiềm chế cảm xúc.


Một vài giải pháp

“Kiềm chế cảm xúc” cụm từ tuy đơn giản nhưng là cả một quá trình rèn luyện, kỷ luật bản thân. Tôi sẽ đưa ra một vài giải pháp cho các bạn tham khảo.

Thứ nhất, chúng ta nên nghĩ đến vai trò của bản thân với những mối quan hệ xung quanh trước khi hành động. Bạn là người có vợ con, còn Cha Mẹ, còn anh em phải lo thì bạn phải là người kiềm chế được sự nóng giận của bản thân. Bạn phải là người gạt bỏ sợ hãi, chán ghét để đưa cuộc sống của mình và người thân đi lên phía trước.

Thứ hai, hãy nhìn thấy điều tích cực. Trước một vấn đề khó khăn, chúng ta nên nhìn nhận nó theo hướng là một cơ hội, một thử thách hơn là rào cản.

Thứ ba, hãy là người kiên nhẫn. Mọi sự nhận định, kết luận điều bắt nguồn từ sự quan sát ngày qua ngày. Chúng ta không thể vội vàng làm theo trực giác nhất thời, mà nên để một thời gian trôi qua, nếu chúng ta vẫn cùng một nhận định với cảm xúc ban đầu, thì hãy thoải mái tin vào cảm xúc ấy.

Thứ tư, hãy luôn giữ bình tĩnh. Mọi vấn đề nếu đã xảy ra, có nghĩa nó đã tồn tại, trừ khi bạn có cỗ máy thời ian thần kỳ nào đấy thì bạn mới mong rằng, bạn có thể thay đổi chúng; nếu không hãy giữ bình bình để tìm ra hướng giải quyết, đừng để những cảm xúc tiêu cực xâm chiếm lấy suy nghĩ và hành động của chúng ta.


Thứ năm, hãy học cách bao dung nhiều hơn. Một cảm xúc ghét ai đó sẽ khiến bản thân rất mệt mỏi vì bạn ắt hẳn sẽ mong chờ những điều xấu sẽ đến với người mình ghét. Và lòng đố kỵ sẽ tăng dần lên từng ngày nếu bạn thấy đối phương có bất kỳ lợi ích nào. Như vậy, tại sao mình không chọn cách bao dung, bỏ qua hết mọi lỗi lầm và tha thứ khi bản thân còn có thể?

Thứ sáu, không quyết định khi bản thân đang ở hình thái cảm xúc tiêu cực. Mọi quyết định khi ở trạng thái tiêu cực hầu hết không xuất phát từ não, bộ phận xử lý thông tin của chúng ta, mà xuất phát từ trực giác tạm thời. Vì vậy, chúng ta chỉ nên quyết định khi bình tĩnh nhất.


Thứ bảy, hãy học cách giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Hiện nay, có rất nhiều cách giúp bạn giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Bạn có thể đi tập thiền, yoga... hoặc các môn thể thao nhẹ nhàng như khiêu vũ, múa lụa. Ngoài ra bạn có thể đọc truyện hài, coi các clip vui nhộn và đơn giản hơn là nói chuyện này với một người bạn có tính cách tích cực. Nó sẽ giúp giải tỏa tâm lý tốt hơn.

Và cuối cùng, hãy học cách nhìn nhận vấn đề. Khi tức giận, hãy hỏi bản thân vì sao bạn giận? Chuyện bạn đang chịu có phải do bạn từng làm gì sai? Hoặc chuyện bạn tức giận có giải quyết dược vấn đề? Khi bạn trả lời hết những thắc mắc này, tôi tin, bạn không còn tức giận nữa.

Và kết lại, trong bài viết này tôi đã trình bày cho bạn thấy rất rõ ràng về sự ảnh hưởng của cảm xúc tới bản thân, dù đó là cảm xúc tích cực hay tiêu cực, đồng thời, tôi cũng đưa ra cho bạn một vài phương pháp để học cách kiềm chế bản thân. Tôi hy vọng, khi đọc được bài viết này, bạn sẽ nhận được thêm một vài thông tin bổ ích để áp dụng cho các mối quan hệ hiện tại của cuộc sống và sẽ là người làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc của mình.

Cuộc sống là của mình, hãy để mình quyết định!

 

Tác Giả: Bối Bối 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link https://www.facebook.com/phoenix.ngo.58?ref=bookmarks

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

215 lượt xem, 212 người xem - 212 điểm