Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đừng Để Sách Self-help Bẩn Dẫn Bạn Sai Lối. Bỏ Cuộc Không Phải Là Đáp Án Cuối Cùng.

(Lưu ý: Bài viết chỉ đề cập đến những giả thuyết sai lệch được nhắc đến trong một số đầu sách self-help và KHÔNG đại diện cho toàn bộ các đầu sách self-help đang được phát hành trên thị trường)

Sách self-help, hay còn gọi là sách tự lực, theo định nghĩa của wikipedia là “sách được viết với mục đích hướng dẫn người đọc giải quyết các vấn đề cá nhân bằng cách đưa ra cho họ một bộ quy tắc ứng xử theo hướng tự cải thiện”. Các cuốn sách này thường tập trung vào việc khẳng định rằng sau khi đọc xong cuốn sách, họ có thể tìm thấy được sự tự tin trong quá trình tự nhận thức cá nhân, giúp họ có thể thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi nếu họ biết kiểm soát lối sống và nỗ lực mỗi ngày. Các tác giả sách self-help vẫn thường khẳng định rằng họ có thể giúp bạn đạt được tất cả thành công trong cuộc sống nhanh hơn so với các liệu pháp thông thường. Nói một cách dễ hiểu, sách self-help là tập hợp những câu nói/bài học truyền cảm hứng để bạn có động lực hơn trong việc học tập, làm việc, và trong cuộc sống.

Hàng năm, số lượng sách self-help được bán ra nhiều hơn bất kỳ đầu sách nào khác. Nhất là trong khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi cuốn sách “Đắc nhân tâm” làm mưa làm gió trên thị trường. Chỉ cần vào nhà sách, bạn sẽ thấy quyển sách này lúc nào cũng được bày biện ở nơi bắt mắt nhất và cũng là quyển được hỏi mua nhiều nhất. Thế mới thấy rằng nhu cầu đọc sách self-help của chúng ta ngày càng tăng và thị trường sách self-help thì ngày càng đa dạng. Phần người mua sách self-help là những người trẻ, hoặc là sinh viên, hoặc là những nhân viên văn phòng, ngay cả với một vài em học sinh trung học, cũng chúi mũi vào những cuốn sách self-help nổi tiếng như “Cha giàu, cha nghèo”; “7 thói quen để thành đạt” hay “Đánh thức con người phi thường trong bạn”; … Nhưng bạn có dám chắc rằng mình đã mua được sách self-help thực sự có ích?


(nguồn ảnh: americastarbooks.com)


Như thế nào là sách self-help bẩn?

Đó là những cuốn sách khi đọc sẽ khiến bạn hưng phấn rất nhiều vì một viễn cảnh tương lai tươi đẹp họ mở ra trước mắt cho bạn thấy: xinh đẹp hơn, tự tin hơn, thành công hơn, cuộc sống viên mãn hơn. Nhưng trên thực tế, hầu hết những điều mà bạn đọc được đều là hư cấu, sự thật chỉ chiếm 10% trong cuốn sách, phần còn lại là những luận điểm/dẫn chứng tác giả thêm bớt vào để bạn tin rằng họ đang hướng dẫn bạn đi đúng hướng. Khi bạn tin rằng những điều tác giả nói là đúng, bạn có khuynh hướng ảo tưởng về khả năng của bản thân.

Một ví dụ điển hình nhất của trường hợp này là rất nhiều sách self-help nêu ra giả thuyết niềm tin rằng “Chúng ta chỉ sử dụng 10% não bộ của mình”. Khi đọc câu này, chúng ta có cảm giác rằng bản thân vốn dĩ là siêu nhân và vì “dòng đời đưa đẩy” nên chúng ta mới không thể phát huy hết tiềm năng của bản thân (100% não bộ chẳng hạn). Một số bộ phim điện ảnh nổi tiếng như Lucy cũng củng cố thêm niềm tin này khi nhân vật chính sử dụng thuốc kích thích để bộ não họ đạt đến ngưỡng sử dụng là 200% - có thể điều khiển không gian, thời gian, làm mọi điều họ thích chỉ bằng một suy nghĩ. Quả là một viễn cảnh đáng mơ ước.

Tuy nhiên, khi bạn xem các nghiên cứu của chuyên gia, giả thuyết về 10% não bộ chẳng qua là chuyện bịa đặt vì vốn dĩ chẳng có công trình/nhà bác học nào đã tuyên bố và đảm bảo giả thuyết trên cả. Trên thực tế, chúng ta sử dụng 100% não bộ của mình, kể cả khi ngủ. Mỗi phần của não hoạt động được cũng vì chúng có sự phối hợp của toàn não bộ. Nên nhớ rằng, dù bộ não chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể, nhưng chúng tiêu thụ đến 20% năng lượng của toàn bộ cơ thể. Trong quá trình tiến hóa, não bộ chúng ta trở nên to hơn, không phải chỉ để chúng ta tiêu thụ 10% năng suất. Bạn đã thấy rõ sự sai lầm của giả thuyết này rồi chứ?

Giả thuyết trên chỉ là một giả thuyết nhỏ trong số rất nhiều những nhận định sai lầm mà sách self-help đưa ra cho chúng ta. Họ cố tình bẻ cong những sự thật khoa học để khiến chúng ta “có cảm giác” rằng bản thân chúng ta đang nắm giữ một kho báu trong mình, và nếu chúng ta làm theo những gì họ nói, chúng ta có thể phát huy tối đa tiềm năng cá nhân để trở nên thành công hơn trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, giả thuyết “Bạn là duy nhất” tạo cho bạn cảm giác rằng bạn là thực thể tồn tại độc nhất trên thế giới. Và việc bạn cần làm là cùng họ tìm ra chìa khóa để mở ra hết tiềm năng của bạn cũng được rất nhiều sách self-help giao giảng. Tuy nhiên giả thuyết này có cái gì đó hơi sai thì phải. Lẽ đương nhiên, bạn là duy nhất, vì đại đa số vật thể trên thế giới đều thế cả, dù là một bông hoa, một ngọn cỏ, hay đến cả những viên đá bạn thấy trên đường. Không phải thứ gì độc nhất cũng chứa đựng ý nghĩa. Và điều quan trọng nhất, việc bạn có độc nhất hay không cũng không liên quan đến việc bạn phải làm theo lời họ, vì bạn độc nhất cơ mà, làm sao cuốn sách đó biết bạn là ai để mà khuyên chứ.

Kiến thức và kỹ năng để bạn thành công đều nằm ngoài não của bạn cũng đồng thời nằm ngoài những cuốn sách self-help kiểu này. Chẳng có viên kim cương nào trong não bạn mà các tác giả sách self-help có thể lấy ra cho bạn cả. Chỉ có bằng cách học và thực hành mà thôi.

Sách self-help bẩn biến chúng ta thành những “chàng hề”

Nhiều năm qua, những tác giả sách self-help biến người đọc thành những đứa trẻ khi liên tục bơm vào đầu chúng ta những giả thuyết, những nghiên cứu hay ví dụ không hề tồn tại trên thực tế. Để làm gì? Để họ có thể bán sách, để có thể quảng cáo hoặc bán các khóa học được nhắc đến trong cuốn sách của mình. Đơn cử như khóa học NLP (viết tắt của Neuro-Linguistic Programming - Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) được nhắc đến trong cuốn sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo chẳng hạn.

Những doanh nhân thành đạt, bên cạnh việc nêu ra những căn cứ khoa học nửa vời, họ cũng đưa vào thực tế cuộc đời của chính họ vào trong sách để tăng tính thuyết phục. Tuy nhiên, điều này cũng hiển lộ ra những hạn chế mà Robert Ringer, trong cuốn sách “Winning through intimidation” (Tạm dịch: Chiến thắng bằng cách đe dọa) đã chỉ rõ rằng:

  • Người thành công dù thật lòng muốn chia sẻ bí quyết của mình, cũng rất khó xác định thành công của họ đến từ đâu, vì mỗi người đều có một phương pháp tư duy riêng, họ không thể đưa ra giải pháp chung cho tất cả mọi người được.
  • Họ đang đứng trên đỉnh thành công, sẽ có không ít người trở nên kiêu ngạo. Họ sẽ không nêu ra những lý do bên ngoài giúp họ thành công: may mắn ngẫu nhiên, trợ giúp của nhà tài trợ A-B-C … mà sẽ chỉ tập trung vào những lý do nội tại (do chính họ tạo ra) như tư duy tích cực, sự chăm chỉ, “dù không học nhưng vẫn giỏi” – kiểu vậy.
  • Và vì mục tiêu cuối cùng là để kiếm tiền nên những cuốn sách viết ra mang tính thị trường, “ăn xổi”. Nếu bán được sách, lợi nhuận mà tác giả kiếm được không chỉ bao gồm tiền xuất bản mà còn là số tiền mua bản quyền xuất bản của các nước có nhu cầu mua sách self-help cao, mua các khóa học trực tuyến đi kèm, số tiền mời tác giả về diễn thuyết, … Tất cả tạo ra một sự cám dỗ khổng lồ để nối tiếp các doanh nhân thành đạt liên tục ra sách self-help và quảng cáo chúng trên các nền tảng xã hội.

Kết luận, những niềm tin và giả thuyết sai lệch trong sách self-help sẽ khiến định hướng giáo dục mà chúng ta đề ra đi chệch hướng - thay vì tập trung vào đào tạo kỹ năng, chúng ta tập trung đọc sách self-help với mong muốn chúng sẽ thúc đẩy chúng ta hành động mà không biết rằng, kiến thức và trí tuệ không thể dùng tiền để mua của người khác. Sự ảo tưởng sẽ khiến bạn trở thành trò hề trong cuộc chạy đua đến vạch đích.

Đừng mua sách self-help chỉ vì bạn sợ thất bại.


(nguồn ảnh: cafef.vn)


Tôi không cổ súy việc bạn nên bài trừ sách self-help vì như thế chẳng khác nào bác bỏ công sức viết sách self-help có lợi của những tác giả chân chính cả. Tôi chỉ muốn đưa ra cho bạn lời khuyên rằng “Đừng mua sách self-help khi gặp thất bại”.

Người trẻ thường tự ti mỗi khi họ làm việc gì đó không thành công và vì mong muốn được thành công càng nhanh càng tốt, họ tìm đến những phương pháp mà nhiều người làm theo – mua sách self-help. Tuy nhiên, bạn không cần phải mua thật nhiều sách và làm theo hết tất cả lời khuyên trong cuốn sách đó. Cái bạn cần là thay đổi thái độ của mình về những sai lầm hoặc thất bại của bản thân. Đôi khi chúng ta trở thành người về đích cuối cùng trong một cuộc đua, nhưng nó không chứng minh rằng bạn vô dụng, rằng bạn chỉ có thể làm được đến thế.

Để tôi kể cho bạn câu chuyện mà tôi đã đọc được:

“Em Ruby Bridges, 6 tuổi, vào học lớp một năm 1960 dưới sự bảo vệ của cảnh sát liên bang Mỹ.

Năm 1960, một toà án liên bang ra quyết định bắt chính quyền bang New Orlands phải cho phép học sinh da đen tới các trường vốn dành cho da trắng. Ruby đăng ký học lớp Một ở một trường gần nhà. Em sẽ là học sinh da đen đầu tiên và duy nhất của trường vào năm đó.

Ngày nhập trường, bốn cảnh sát toà án liên bang hộ tống Ruby và mẹ em tới trường trong một chiếc xe limousine lớn. Đợi họ ở cổng trường là một đám đông da trắng giận dữ, gào thét, chửi rủa. Xuống xe, hai cảnh sát đi trước, hai đi sau để bảo vệ, họ đi dọc những bức tường đầy vết cà chua và những dòng chữ thoá mạ. Một người đàn bà da trắng gào lên “Tao sẽ đầu độc mày, tao sẽ tìm được cách.” Nhớ lại hành trình đi qua đám đông hung dữ đó, một cảnh sát liên bang nói về Ruby: “Em không khóc. Em không thút thít. Em chỉ rảo bước đi, như một người lính bé nhỏ. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về em.”

Cả ngày hôm đó, hai mẹ con không dám bước chân ra khỏi phòng hiệu trưởng. Qua vách kính, họ chứng kiến cảnh các phụ huynh da trắng xông vào trường và giận dữ kéo con mình ra ngoài.

Ngày hôm sau, cảnh sát lại hộ tống Ruby, đám đông da trắng lại gào thét ở cổng trường. Ám ảnh nhất với Ruby là hình ảnh một chiếc quan tài với một búp bê da đen nằm bên trong. Bên trong trường vắng tanh, không có một học sinh nào khác ngoài em. Toàn bộ các giáo viên cũng từ chối đứng lớp. Toàn bộ, trừ một cô giáo trẻ tên là Barbara Henry. Hôm đó, cô bắt đầu dạy bảng chữ cái, như trước một lớp học bình thường. Và trong một năm học đó, ngày này qua ngày khác, lớp chỉ có một thầy một trò.

Đọc những dòng trên thật là dễ dàng, chỉ vài giây là xong. Nhưng chúng ta hãy dừng lại một chút để hình dung ra những gì mà Ruby và gia đình em đã trải qua. Một năm trời lủi thủi một mình, không có bạn chơi, một năm trời một đứa bé lớp một hứng chịu sự căm thù của người lớn. Cái giá phải trả không phải chỉ là sự cô đơn và khủng bố tinh thần mà Ruby 6 tuổi phải trải qua hàng ngày. Bố Ruby bị đuổi việc vì sự cả gan của mình. Cửa hàng thực phẩm quen từ chối bán hàng cho mẹ em. Ngay cả ông bà của Ruby ở Mississipi cũng bị đuổi khỏi mảnh đất mà họ đã thuê để trồng trọt trong 25 năm qua, khi câu chuyện lan tới bang này.

Trong năm đó, mỗi ngày là một cơ hội để Ruby chuyển sang trường tiểu học khác, nơi các bạn da đen của em đang học với nhau, và cuộc sống sẽ trở lại bình thường, sẽ như cũ. Bố mẹ của Ruby không phải những người hoạt động xã hội hay tham gia chính trị gì. Với một đứa bé 6 tuổi, với một gia đình lao động nghèo và ít học, sự cám dỗ để bỏ cuộc lớn tới mức nào. Thật khó mà lý giải được sự bướng bỉnh và điên rồ của họ. Họ vẫn tiếp tục vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ. Vì “như cũ” không phải là điều họ muốn.”

(Trích sách: Bức xúc không làm ta vô can – Đặng Hoàng Giang)

Bạn thấy gì trong câu chuyện này?

Là hình ảnh của sự cô độc khi phải đương đầu với khó khăn một mình?

Hay là hình ảnh của một đứa trẻ, một gia đình, một thế hệ người da đen đã không bỏ cuộc trong cuộc đua bình đẳng dân quyền giữa thời kỳ “Phân biệt chủng tộc” ở Mỹ diễn ra gay gắt?

Dù là hình ảnh nào thì chúng ta đều đồng ý rằng, cho đến khi đạt được điều mà mình mong muốn, cậu bé Ruby đã không bỏ cuộc.

Chúng ta cũng vậy. Cuộc sống này quả thực khó khăn với người trẻ, những người có ít kinh nghiệm, chưa được trang bị hết các kỹ năng để có thể khó khăn nào cũng vượt qua. Chúng ta có đam mê và nhiệt huyết nhưng vì một vài lý do nào đó mà mãi chưa thể thành công. Chúng ta vẫn đang ngụp lặn trong mớ khó khăn của cuộc sống dù đã tìm mọi cách để vượt qua. Chúng ta thấy nhiều người đã chạy trước mình và bỏ xa ta, còn mình thì vẫn lê lết phía sau chặng đua này.

Đúng như tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã từng nói, người về đích cuối cùng của đường đua Marathon không phải bao giờ cũng là kẻ xấu xí. Xã hội chỉ tung hô những người siêu phàm, những người được mệnh danh là “một tay thay đổi thế giới”. Xã hội vẫn phó mặc vào những điều phi thường,  không chịu thay đổi và cố chấp chờ đợi những vĩ nhân sẽ ra đời để cứu vớt những sai lầm và vấn đề của thế giới.

Nhưng tôi tin rằng những người chạy phía sau cũng là những người có sự kiên trì bền bỉ không kém người về đích. Họ chạy về phía trước dù biết rằng vạch đích đã không còn, cũng không còn ai đợi họ ở cuối chặng đua nữa. Họ biết và họ vẫn chạy, vẫn tiếp tục dù biết trước kết quả là thua cuộc.

Việc làm của họ không hề vô nghĩa.

Đơn giản vì họ - những người trẻ còn đang hoang mang với cuộc sống như ta không muốn bỏ cuộc, đầu hàng mà thôi. Họ thật cứng đầu và cùng thật dũng cảm. Dù là đóa hoa bị gió vùi dập, vẫn mạnh mẽ vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Những người chạy cuối đường đua là những người như thế đó.

Nhỏ bé nhưng không tầm thường. Chịu đau đớn nhưng vẫn không bỏ cuộc.

 

Lời kết, sách self-help không phải là cách mà chúng ta giải quyết vấn đề của cá nhân. Sợ hãi thất bại là tốt, nhưng đừng lảng tránh chúng. Mỗi vết sẹo đều có thể vẽ thành kim cương cơ mà. Thế giới thì sẽ trở nên buồn tẻ nếu không có Ronaldo hay Elon Musk, nhưng nếu không có những người nhỏ bé như chúng ta, thế giới sẽ không thể vận hành.

Cuối cùng, “Give up” is not an option, even the last one (Bỏ cuộc không phải là một lựa chọn, kể cả là lựa chọn cuối cùng cũng không phải)

Số từ: 2900

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay “lấn cấn” trong cách lập luận của tác giả, vui lòng comment trong phần bình luận.

Bài viết có tham khảo những nguồn bài sau:

(1)  Sách “Bức xúc không làm ta vô can” – Đặng Hoàng Giang

(2)  Sách “Winning through intimidation” (Tạm dịch: Chiến thắng bằng cách đe dọa) – Robert Ringer

(3)  Myth: We Only Use 10% of Our Brains - Stephen L. Chew, Samford University

https://www.psychologicalscience.org/teaching/myth-we-only-use-10-of-our-brains.html?fbclid=IwAR3MbpsWbX2F49dXEv0loF-YXFu1TcZ1xhlsXbLx5s558hmgZLbyUxf7Gvs

(4)  Ask the doctor: 10% brain myth - Harvard Health Letter

https://www.health.harvard.edu/mind-and-mood/10-brain-myth?fbclid=IwAR2fsfiS0dai7LwJ3IaMmsO4H-azKpw-jb4-GCqz-Vpj2YUf6ShlTW_af_w

Tác giả: LatteFree

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/likeanangle

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

716 lượt xem, 695 người xem - 720 điểm