Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Es Muss Sein


“...Đó là một quá trình tinh kết bởi chiêm nghiệm, là thấy và giác ngộ, là miền đất hứa không nằm đâu ngoài cõi hồn bi lụy đớn đau và ngoại cảnh vây bủa bởi tiền tài, khát vọng – quá trình ấy không đi xa ra khỏi biên thùy của khái niệm`Chấp nhận!’...”

-------

“Ai là diễn viên PORN (phim sex) mà bạn yêu thích nhất?”

Câu hỏi ấy là một sự cộng hưởng của một yếu tố giản đơn và sự tinh vi đến độ phức tạp. Giản đơn ở chỗ: rằng nó được viết ra bởi các ký tự thuần việt, cấu trúc ngữ pháp đơn giản và khả năng hiểu được câu hỏi là dường như tất yếu. Nhưng nó là một chuỗi mạch của tổng thể sự phức tạp, cầu kỳ, một câu hỏi mang tính tu từ nhưng nó đặt ra cả vấn đề của tế nhị và khiếm nhã.

Sao thế? Câu hỏi đơn giản mà nhỉ? Cơ mà, bạn có dám trả lời nó? Tất nhiên rồi! Bạn có thể tự trả lời đấy chứ, hoàn toàn có khả năng, bạn vốn đã tự định hình câu trả lời ngay khi thấy dòng câu hỏi phía trên từ đầu bài viết. Để tôi đoán thử xem nào, đó là một chàng trai hoặc cô gái có thân hình vô cùng nóng bỏng, gợi cảm, đầy tính chiêu dụ và mỗi cử chỉ ân ái của anh hay cô ta đều khiến cho cơ thể bạn rạo rực thứ sinh khí ái dục vô tận... Dễ mà hén, dễ ợt để trả lời câu hỏi ấy...

Bây giờ đây nè, thử hoán đổi một tí, đặt câu hỏi vào một bối cảnh gì đó đặc biệt hơn, chuyên biệt hơn và thử thách trí tưởng tượng bất tận của các độc giả yêu quý của tôi. Nếu tôi hỏi bạn rằng: Liệu bạn có dám trả lời, cũng câu hỏi ấy, giữa MỘT LỚP HỌC tầm 30 người đồng trang lứa của bạn; hay MỘT HỘI TRƯỜNG tầm 100 người với vài người khác thế hệ; rồi cả nếu ở trước MỘT ĐÁM ĐÔNG với lưu lượng hơn 500 người, bạn có dám trả lời nó? Thậm chí nếu những gì tôi vừa mới viết ra, hãy nghĩ nó là những câu từ mà tôi, với tư cách diễn giả, hỏi bạn, tôi không cần bạn phải đứng dậy và phát biểu trước đám đông, hãy giơ tay thôi để tôi biết là bạn sẵn sàng trả lời câu hỏi ấy. Bạn có dám giơ tay?

Khi ta xét ở trường hợp rằng bạn thiếu chút can đảm chấp nhận giơ tay lên thì cũng là hiển nhiên thôi. Bạn sẽ hơi vội vàng đấy khi nghĩ rằng cái giơ tay nó chỉ mang đặc tù ý nghĩa là phản hồi lại yêu cầu của tôi. Xem nó kỹ lưỡng hơn tí nào, “cái giơ tay” của bạn là sự tuyên ngôn, sự thừa nhận, sự chấp nhận, sự phanh phui, sự thổ lộ với mọi người rằng là: TÔI CÓ XEM SEX ĐẤY. Và khi nghĩ đến cái viễn cảnh mà người ta biết được bạn xem sex; bạn lo lắng và bồn chồn, hoang mang rạo rực cái nghĩ suy bị nhạo báng, bị khinh khi, bị cười chế giễu, lẳng lặng bạn sẽ để cánh tay của bạn xuống... Ôi, tôi chân ái đồng cảm với bạn, người trẻ, trong đó, có cả tôi!

Mặc định in hằng vào huyết lệ của ta - một tập thể, một quần chúng, một số đông – là tư duy, là ý thức mà ta tự phủ nhận thứ diễn ra hiển nhiên, tất yếu đến độ đương nhiên nó phải là thế. Diễn dịch phát biểu ấy ra một hình thái lý luận căn bản hơn, ta phủ định đi sự thật mặc dù ta biết đó là sự thật, ta làm thế vì ta sợ! Chút giải khuây, chút tương giao về câu hỏi diễn viên phim sex ở trên chỉ là một góc độ thuần đơn mà tự tâm khảm tôi vô tình bắt gặp, không từ ai khác, tôi bắt gặp ở ngay chính bản thân tôi sự phủ định ấy. Tôi và các bạn, ta đang dối lừa nhau, dối lừa hiện thực, dối lừa cái hiển hiện, dối lừa thứ tất yếu, dối lừa chính ta. Một bộ phận lớn (không thể dùng “tất cả mọi người”) thanh thiếu niên hiện nay, ta phải thừa nhận một điều mà ta nghĩ nó ti tiện hèn đớn lắm thảy, đó là: ta có xem sex! Nhu cầu tình dục của nhân loại là một khái niệm đặc thù với tính triệt để, không thể phủ nhận sạch trơn. Ta xem sex vì ta cần chút khoái lạc thỏa mãn nhu cầu tình dục – thứ đóng vai trò nội tại trong bản thể mỗi cá thể. Ta xem sex vì để ta cần sự tỏa chiết khỏi áp lực và sự ẩn lặng, cô đơn, thiếu tình cảm trong thường nhật cuộc sống. Đấy là cái hiển nhiên. Nhưng khi ta buộc phải thừa nhận nó trước những cá thể khác cũng như ta thôi, ta miên man nỗi lo âu thấp thỏm sợ cho sự cười chê. Trong số những nụ cười chế giễu ta, sẽ có hàng loạt (chứ không phải “tất cả”) những người tự chế giễu họ. Họ đã báng bổ thứ đặc ân tối thượng của tạo hóa – chính bản thân họ, để nhạo báng người khác khi người đó thừa nhận thứ mà nhiều người vẫn đang làm với chu trình nhật thời.

Thời đại của ta là thời đại dối lừa, đáng sợ hơn hết là dối cả chính ta. Thời đại của ta là thời đại phôi phai đi sự thành thật. Thời đại của ta là thời đại mâu thuẫn sản sinh như rêu như cỏ. Mấu chốt của cả bài viết được chốt lại rằng, thời đại của ta là thời đại thiếu tính Chấp Nhận.

“Chấp nhận” nên được đặc xét ở phạm trù riêng. Rằng “chấp nhận” không còn thuần đơn nữa là sự tán thành và đồng ý, ủng hộ và bênh vực. “Chấp nhận” của thời đại hiện nay là bản lề luận lý mang khuynh hướng bao trùm và rộng lớn, nếu không muốn nói là triệt để. Nó đã đi xa hơn là khái niệm đồng thuận vấn đề, “chấp nhận” trong bối cảnh toàn cầu như hiện nay, nên và phải nên được hiểu như là sự nhìn nhận cuộc sống, sự cân bằng giữa thực tiễn và ước mơ, sự suy xét theo chiều hướng tích cực trước khi đi đến khẳng định điều mấu chốt. Đồng thời, “chấp nhận” còn là sự thành thật, sự thú nhận với bản thân những điều hiển nhiên dù điều thực tế ấy có đớn đau bội phần, ấy là quá trình dùng lăng kính tâm hồn rọi soi nơi đáy tầng cảm xúc của mỗi người. Trước khi đi vào phân tích và bàn bạc cụ thể các bình diện của “sự chấp nhận”, tôi muốn làm rõ thực tế rằng là “sự chấp nhận” mà tôi đang khai thác ở đây không nên được hiểu theo ý nghĩa là sự buông xuôi theo dòng quyết định khổ cam hay thái độ trơ trọi trước nghịch cảnh. Khái niệm này, với tôi, nên được hiểu với tất cả những gì cao đẹp nhất, thiết thực nhất, và bổ sung cho cuộc sống của bạn thêm một đức tính tinh khiết vô vàn.

 

“Es Muss Sein!” – Bản tấu điệu cho sự thừa nhận

Nhà soạn nhạc đại tài Bectoven đã sáng tác ra giai điệu “Es Muss Sein”, lưu giữ linh hồn của nó trong vần điệu, để ý nghĩa của nó diễn giải bởi các nốt nhạc. Giai thoại để đi đến nghĩa của cụm “Es Muss Sein” là khi Bectoven cho người bạn của mình mượn một số tiền. Nhưng khi đến hẹn trả, người bạn ấy đã chọn cách giữ im lặng mà cho những lời Bectoven thổ lộ, đến độ van nài khẩn xin. Rồi đi về với tâm hồn trơ trọi nơi lòng tin, nỗi buồn, niềm thất vọng, hơn hết cả là sự bất ngờ, ngạc nhiên đến độ hoảng hốt, ông viết nên bảng giao hưởng với câu chuyện từ đời sống của mình, giao cấy nó với vần điệu và cao độ, thai nghén trong nó triết lý cơ bản của cuộc đời để tạo nên giai điệu “Es Muss Sein” trong bảng giao hưởng ấy. “Es Muss Sein” có nghĩa là “Phải vậy thôi” và triết lý mà Bectoven truyền đạt, với tôi, là triết lý cho tính “chấp nhận”. Người ta phải chấp nhận nhiều thứ, khổ đau hay nỗi sợ, hạnh phúc hay lạc lối, cô đơn hay bất lực, chia ly hay hèn đớn, để có thể đi tiếp, đi xa, đi cho đường hoàng thẳng lối. Nếu Bectoven chôn mình với nỗi bàng hoàng tiếc nuối mà không học cách chấp nhận hiện thực bạc bẽo, ông đã không thể tinh chế nên khúc ca từ diễm lệ để đời. Hiểu được tính “chấp nhận” trong cuộc sống là một hồi dài những quãng đầy chênh vênh và để làm được nó lại càng cầu đòi ở người ta những tiểu xảo của nhìn nhận và đánh giá khách quan để tránh biến đức tính cao đẹp thành thứ thú tính vô nghĩa. “Chấp nhận” có thể được đặt ra như là giải pháp cho vấn đề sống còn trước hoàn cảnh. Nó đi theo ta với quy luật song hành bất diệt, từ khi ta lọt lòng đến khi ta bạc tóc, ta đã luôn phải học cách chấp nhận. Đôi khi, nó được thực hiện như thứ phản xạ không điều kiện của mỗi người mà ta vô tình để nó ẩn dật; nhưng cũng nhiều lúc người ta bỏ qua giai đoạn “chấp nhận” dù nhận ra được nó, trong trường hợp này, những “người ta” ấy vốn từ lâu không còn sống nữa, hoặc chỉ tồn tại, hoặc chỉ khổ đau, hoặc chết.

Thuở thiếu thời: Khi người ta bắt đầu học cách chấp nhận vấp ngã trước những nấc thang

 

     
     -Tặng bản thân tôi: Một tâm hồn đang vô tình lạc lối, đang bàng hoàng, đang mất niềm tin, đang tự đánh giá chính mình theo chiều hướng kiệt quệ, thấp bé. Sống lại đi và cười, và chấp nhận!- 

       

            Tôi đang viết trên trang giấy này những dòng “ngôn lệ” (từ ngữ được viết từ nước mắt) vào ngày mà những bất hạnh đổ sầm lên tôi. Đó là bất hạnh – với cậu trẻ 17 như tôi, khi bài văn tôi tự tin nhất, tôi mộng mơ nghĩ về nó với con điểm cao vời và hiện hữu n hư thực thể là số điểm tệ hại và tôi còn chẳng dám ngờ... Đó là bất hạnh – với tôi, khi hai tuần trước đây tôi nghĩ mình đã có thể đặt chân vào vòng tiếp theo của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, và rồi tôi tự góp nhặt niềm vui để khi vào lúc cách đây 2 tiếng 30 phút, dòng tin nhắn báo rằng tôi đã không bước chân vào được đó, tôi đã mất đi thứ niềm vui mong manh mà chưa kịp nghĩ về thành công, tôi đã thất bại... Giờ đây những dòng này là sự trút bỏ, là để trưng ra cái mớ hỗn độn lắp kín tâm khảm tôi, là để giải phóng nó, trút bỏ nó, làm nó phai nhạt mù mờ và rồi tan biến. Đây là tôi với những chênh vênh và bất lực, là tôi với sự cằn cộc bực mình lẫn hờn ghen với người khác, là tôi với sự căm ghét và khinh miệt, là tôi với những cú ngã “sấp mặt”, là tôi với tấm lòng không phục trước thực tế, là tôi...của tuổi đang trưởng thành!

..........

          AAAAA! Viết ra được hết rồi mọi người ơi, thoải mái quá “chòi ơi!”. Thật sự chỉ khi viết ra với dòng miên man suy và nghĩ, tinh kết cùng chút vị đăng hay cay, ngọt hay nồng của cảm xúc thì dòng văn mới thật, mới đích thực tồn tại, mới đủ khả năng phô diễn thứ tâm hồn đầy biến cố. Nhưng rồi tôi tự hỏi, bây giờ làm gì đây? Cố gắng đấy, đọc 278 trang sách lý luận văn học trong 2 ngày và rồi con điểm thế đấy. Nỗ lực đấy, học tập miên man và rồi trượt ngã trước kỳ thi, thua kém bạn bè thế đấy. Tự hỏi tí nào bản thân tôi ơi: “Làm gì bây giờ?” – “Chấp nhận thôi và sống đẹp với mình theo cách khôn ngoan!”.

***

          Mỗi một giai đoạn phát triển đi kèm là sự biến thay của tâm thức lẫn hình thức. Nhiều người – cái “nhiều” này bao gồm mẹ cha ta, và những ai khác ta một thế hệ tương đối dài, luôn cứ đặt ra thứ luận lý bất hữu, một nhận định dường như đi đến phủ định mọi giá trị tổng quan: “Mới có ba lớn tuổi, chỉ lo ăn với học mà tối ngày mệt mệt với áp lực”, thêm luôn đôi ba câu cảm thán thế này: “Đời giờ mấy bây sao chịu khó dở quá. Hồi đó...(Sau đó là một tràng những câu chuyện về thời xưa với gặt lúa, đốt đồng, bó rơm, chạy giặc)”.

          Ba mẹ con ơi, và cả các cô/chú/bác/dì phụ huynh thân mến! Nếu may mắn mà mọi người có thể đọc đến những dòng này của con, với cả những gì chân thật nhất, con cầu xin và khẩn xin mọi người, nén lại, hãy để cho chúng con lên tiếng và nói, và giải phóng, và tâm sự với những gì mà các bậc phụ huynh cứ hay gọi tụi con là “thế hệ chịu khổ dở quá!”.

          “Thời đại” vừa là một điểm đến, vừa là một quá trình. Nó là dòng chảy của bó mạch biến cố lịch sử để đi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác. Đến giai đoạn của chúng con, giai đoạn “công nghiệp hóa – hiện đại hóa”, tụi con trở thành một cột mốc, tụi con là thế hệ được sinh ra trong thời đại của kỹ thuật tiên tiến, thứ yêu cầu tụi con là một bộ óc tinh khôi, một sự tài ba, còn một thứ nữa: kỹ năng, trong đó, kỹ năng con muốn đi đến thật cận kẽ phân tích ở đây là kỹ năng “Chấp nhận”.

          Vì sao phải chấp nhận?

          Chẳng phải ba mẹ, các cô chú cũng đã từng đấy thôi ư? Ba mẹ và các cô chú đã phải học cách chấp nhận hoàn cảnh để sống cùng mùi bơm mùi đạn, chấp nhận sự chuyển biến đột ngột của xã hội để sẵn sàng sống cùng máy móc điện tử, chấp nhận cái khổ cái khó để sống cùng nghèo nàn, lam lũ. Ba mẹ và các cô chú là một hình tượng tiêu biểu của sự chấp nhận trong thời đại đã qua, một thời đại kiểu cũ. Đó là thành công của mọi người. Vậy có bao giờ, ba mẹ và các cô chú sẵn sàng dạy tụi con chấp nhận với những gì tụi con đang trải qua chưa? Hiện hữu giữa chúng con với mọi người, dường như, là một thứ hố không vô hình mà bất tận. Tuổi trẻ của mọi người là tuổi trẻ bươn chải nắng mưa, học tập của mọi người lại đóng vai trò thứ yếu, khó khăn mà mọi người đi qua là áp lực của cuộc sống. NHƯNG, với tụi con, áp lực của tụi con, lại là áp lực của thời đại cách tân. Mọi người đã có được khả năng chấp nhận như một hiện thể nội tại để sống cho đẹp cho tốt và nuôi lớn tụi con, nhưng với tụi con, thời đại thúc ép tụi con phải đủ tỉnh táo rồi tự học kỹ năng đó, thứ kỹ năng chấp nhận là mấu chốt duy nhất để tụi con có thể “tồn tại” theo cách được “sống” mà không bị xã hội và cuộc sống “tẩy chay”.

          Tụi con đối mặt với những gì ư? Bằng tấm lòng và những điều căn bản diễn ra, con xin được lập nên danh sách những thứ bủa vây chúng con mỗi ngày, mỗi giờ và những trước những thứ ấy, tiêu chuẩn của “sự chấp nhận” mà tụi con cần đạt được là ra sao:

  1. 1    Thi cử và bằng cấp: Tụi con phải đủ can đảm và sự sáng suốt để h iểu rằng hai khái niệm này là thứ mỗi ngày tụi con đều hướng đến. Đôi khi, đó còn là mục tiêu duy nhất của chúng con trong cuộc sống hiện tại. Đến trường mỗi ngày là để học, học để rồi thi, thi cho cao, cho tốt rồi lãnh cái bằng tốt nghiệp. Hiếm vô cùng những tai trong hế hệ của tụi con nhận ra sau thứ quá trình vô nghĩa ấy của bằng cấp, tụi con sẽ khởi nghiệp ra sao và làm gì. Do đó, tụi con cần học cách chấp nhận. Không phải chấp nhận để từ bỏ và xuôi theo thứ quán tính của quá trình này, tụi con cần học chấp nhận rằng cuộc sống thực tiễn xoay quanh tụi con là như thế đấy, là phải như vậy đấy; giờ đâky, tụi con cần nhìn rõ nó ở đủ mọi bình diện. Chấp nhận là cái đầu tiên, đặt chúng con vào bệ phóng để thoát ly ra khỏi cái rối bời để mà học cách suy xét. Tụi con phải chấp nhận là học tập cũng vô cùng mệt mỏi, là nghe với nhìn rồi ghi thụ động; thi cử sẽ đôi khi thất vọng tràn trề vì điểm thấp để rồi sống với sợ hãi vì sợ bố mẹ rầy la; đến khi lấy được tấm bằng, chúng con lại phải biết chấp nhận nguy cơ tấm bằng ấy là tấm bằng loại yếu, miên man thêm là nỗi thất vọng, rối trí đến điên loạn khi nghĩ đến việc bố mẹ thất vọng, tự ti về chúng con. Học được cách chấp nhận những thứ này, chúng con mới có thể vượt thoát khỏi cái quẩn quanh hiện tại. Chấp nhận việc học tập buồn tẻ để cố gắng tô điểm sự buồn tẻ ấy, tân trang cái thường nhật bằng màu sắc và lòng tin. Chấp nhận việc thi cử nặng nề để thấu hiểu rằng khả năng của con người ta là vô tận nhưng thứ được dùng để đánh giá bộ não và năng lực chỉ có giới hạn là con số 10. Chấp nhận việc bằng cấp có thể là gánh nặng để cởi bỏ nó, để hiểu rằng lối đi của mỗi con người là ngã rẻ, là giao lộ; đi xa, đi miệt mài, đi đường hoàng đều là do ở cách ta chọn lựa. Chấp nhận mọi thất bại ở cái tuổi mới lớn để chúng con có thể nuôi nấng hạt mầm của lòng tin, đó là cái điểm tựa căn bản để tụi con không suy sụp mỗi lần điểm kém, mỗi lần thi trượt. Chấp nhận ở giai đoạn này là chất xúc tác, một cách nuôi nấng trí lớn và thực hiện nó. Chấp nhận sống cùng với thất bại lúc này là để hướng về một Jack Ma, một Bill Gate, một Mark Zuckerberg ở tương lai theo cách riêng của chính chúng con tạo nên! Liệu ba mẹ và cô chú có thể giúp đỡ chúng con, thậm chí chỉ với một nụ cười thay vì lời trách mắng, có được không...?
  1. 2.    Khái niệm “con nhà người ta”: Đôi khi con ghét những chương trình truyền hình hay game show về chuyện học tập. Đúng là hết thảy những thứ đó hay và bổ ích bao nhiêu khi chúng vừa tôn vinh những gương mặt tú tài, vừa trau dồi cho chúng con kiến thức bổ ích và đó là những tấm gương sáng mà tụi con cần noi theo. Nhưng mà, phải chi nếu chúng chỉ là tấm gương thôi, và những chương trình truyền hình ấy chỉ là mang tính truyền đạt thông điệp bổ ích mà thôi. Trong thời đại này, chúng xuất hiện như thứ làm tụi con hoảng sợ, vì mỗi lần truyền hình ấy phát sóng, như thể là câu nói ấy sẽ được phát ra: “Nhìn con nhà người ta thấy ham, nhìn lại mày kìa!”, đôi khi, để thêm “ngọt bùi”, ba mẹ với các cô chú phụ huynh còn thêm vào cả: “Nuôi mày lớn uổng phí”, hay “Thấy mày không học hành gì bởi sao giỏi như con người ta được”. Nếu con trở thành một đứa con nhà người như cách ba mẹ và các cô chú phụ huynh mong muốn, thì có lẽ con sẽ không cần sống nữa. Bởi lẽ, sống làm chi nếu lẩn vào phiên bản của người khác, giỏi theo định nghĩa người khác và làm theo cách người khác đã từng làm. Sống đích thực là một hành trình, người ta mỗi người chọn cho mình cách sống, và nếu đưa ra lựa chọn sống mà mòn mõi, hòa tan vào cách người ta cũng đang sống thì cả một hành trình sống ấy là bản hình của cách tồn tại chênh vênh. Sống là phải khác biệt. Khác biệt là thứ duy nhất khiến ta sống độc nhất, sống để là chính mình. Trước những điều ấy, lại lần nữa thời đại buộc chúng con phải chấp nhận. Chấp nhận mỗi ngày, mỗi chương trình phát sóng là câu nói “nhìn con nhà người ta” lại thốt nên. Chấp nhận lắng nghe nhưng không buông xuôi để tự đánh mất chính mình. Chấp nhận học hỏi nhưng sẽ chẳng bao giờ chấp nhận biến tấu cách mà chúng con đang sống. Nếu có thể, tại sao ba mẹ không dạy chúng con để là hình mẫu trọn vẹn nhất, thoát ly ra khỏi cái biên độ chật hẹp của bản thân chúng con mà trở nên thành công, hạnh phúc theo cách riêng của chúng con trong cuộc sống. Rằng tại sao ba mẹ không dạy chúng con thôi đừng thở dài ngao ngán, hãy chấp nhận cách chúng con đã được sinh ra để rồi phấn đấu, nỗ lực khai phá mọi tiềm năng, tiềm lực bị kìm hãm bởi tính chai lì, lười biếng, hay trì hoãn. Trở thành “con nhà người ta” có thể rất đáng ngưỡng mộ, nhưng ngưỡng mộ làm chi, hỡi ba mẹ, nếu như không biến mình thành thứ đáng ngưỡng mộ thay vì chìm vào hình tượng người khác rồi chết đi vô danh, vô lối giữa đời thực? Liệu ba mẹ và cô chú có thể giúp đỡ chúng con, thậm chí chỉ với một lời động viên thay vì so sánh, cân đồng, có được không...?
  1. 3.     Tình dục và yêu đương: Thời buổi hiện nay, vô vàn những bài báo ba mẹ nhỉ, về bạn nữ học sinh nào đó bỏ học, kết hôn sớm vì mang thai đứa trẻ mà chả biết ba nó là ai; rầm rộ ba mẹ nhỉ, về chuyện hai bạn học sinh kia vì yêu nhau mà thi rớt kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia,... thế là không khí trong nhà mình lại có tí thay đổi. Ba mẹ sẽ mắng quát hay khinh miệt bạn nữ ở trên và hai bạn học sinh được đề cập. Sẽ là “thứ hư đốn”, “thứ ngu đần”, “thứ mất dạy”, “thứ bất hiếu nhi”. Nhiều khi tụi con cũng tự hỏi, Thượng Đế sinh ra làm chi để ở một giai đoạn nào đó, con người ta lại trải qua những biến chuyển tâm sinh lý khác thường, là Người muốn thử thách và trừng phạt, hay đó là bài học Người bắt buột chúng con phải vượt qua. Đôi khi, ở lứa tuổi vị thành niên của chúng con, giai đoạn này là giai đoạn mà tụi con thèm khát sự tôn sùng và ngưỡng mộ, hay nói cụ thể, là khao khát được chứng tỏ bản lĩnh, được bộc lộ cá tính cá nhân. Tình dục và yêu đương tồn tại như hai khái niệm nằm trong phạm vi bao trùm của khao khát ấy. Có một người yêu siêu ngầu, và khoe mẻ với lũ bạn; hay tận hưởng thử cảm giác người lớn khi ân ái trên giường ngất ngây cùng cơn khoái lạc – những điều này đã, đang và sẽ xảy ra như cách tất yếu cốt định hình nên thứ chúng con cho là cá tính. Bồng bột, khờ dại đến khi hệ lụy bất ngờ bộc phát, chưa bao giờ cảm giác lo sợ và ân hận như thế đến với tụi con. Sợ chịu trách nhiệm với những gì mình làm, sợ phải bị lên án, sợ bị mất danh dự; ân hận vì đã làm như thế để rồi bị cô đặc trong bóng tối xã hội đương thời. Tiếp tục như một hình thức thử thách của thời đại, chúng con bị yêu cầu phải chấp nhận những điều này. Phải chấp nhận thôi vì đây là biến chuyển tâm lý và sinh lý của tụi con, phủ nhận những điều này là phủ nhận thực tế tụi con đang sống. Chấp nhận để nhìn thấy những hệ lụy nếu đâm vào làm những thứ theo quán tính cảm xúc nhất thời. Chấp nhận để kìm chế bản thân và có góc nhìn khách quan hơn với sự biến chuyển. Chấp nhận để khôn ngoan, đừng mù mờ đi theo quán tính để rồi hối hận vì sụp đổ mọi cơ đồ, mọi sự nghiệp, mọi niềm vui, mọi hạnh phúc. Chấp nhận để hòa vào dòng chảy của thời đại, để bản lĩnh hơn, trưởng thành hơn, để chững chạc hơn. Ba mẹ dường như đã vô tình hay chưa chú tâm đến chúng con ở giai đoạn này? Ba mẹ hay chê trách những gương mặt như bạn nữ học sinh ở trên mà chưa bao giờ tự hỏi rằng liệu ba mẹ của cô ấy có một lần ngồi, tâm sự và chuyện trò với cô ấy hay chưa. Xã hội cũng đôi khi vô tình khi khái niệm “Giáo dục giới tính” chỉ đến với tụi con theo cách mơ hồ hoặc chán nản bằng những buổi diễn thuyết liên miên mấy giờ liền, những hình thức quảng bá chán nản hơn, vô vị hơn. Đôi khi chúng con chỉ cần được sự cởi mở đón nhận, nói về “làm tình”, “thủ dâm”, “ân ái”, “rụng trứng”, ... một cách thoải mái theo cách khoa học để tránh đi những sai lầm, tránh đi những vấp ngã, tránh đi những lời câu nệ. Bàn đến yêu đương, ai ở thế hệ ba mẹ cũng bảo yêu trong lúc học là hư, là tệ, là phí tiền của nuôi dạy của ba của mẹ. Chẳng ai thấy rằng nhiều khi tại sao đứa con trai hay con gái, vì yêu đương mà đến độ bỏ nhà ra đi rồi trở về thất bại, vì yêu đường mà quát mắng mẹ cha rồi lại hối hận, khóc sướt mướt. Tụi con cần được ba mẹ - những người cũng đã một thời đi qua giai đoạn mà tụi con đang trải, nói và giúp tụi con. Không phải trách mắng mà tâm sự. Không phải thở dài khinh miệt mà dẫn lối, biện luận cho chúng con. Có ai thấu hiểu cảm giác của tụi con khi ở tuổi này, yêu là vô cùng đặc biệt. Đột ngột tụi con tìm được một ai đó có cùng suy nghĩ, có cùng cảm giác, làm bạn theo cách thấu hiểu, được tiếp xúc thịt da, được gần gũi vô cùng hơn là ở nhà chùm chăn cô độc, ôm mạng xã hội và cầm điện thoại thật lâu. Chưa bao giờ tụi con được dạy để chấp nhận yêu đương là thứ cảm xúc rạo rực mãnh liệt, một quá trình cảm nhận mới lạ và khác biệt so với những mối quan hệ thông thường. Chưa bao giờ tụi con được dạy yêu đương là cách tôi rèn cảm xúc mạnh mẽ để đón nhận một đòn giáng tâm lý khi phải chia ly. Chưa bao giờ tụi con được dạy yêu đường là trách nhiệm, là thấu hiểu. Chưa bao giờ tụi con được dạy yêu đương cần khôn khéo và tự chủ chứ không mù quáng đi theo thứ quán tính dại ngây. Tụi con cần học cách chấp nhận nhiều thứ về tình yêu, phân biệt rõ tình yêu và tình dục để không va phải cái lối nghĩ suy lệch lạc, sai trái bội phần. Đằng sau sự phản ứng thái quá của tụi con về việc yêu đường, có khi nào, ba mẹ thấy đó là khi những lời chói tai, những câu khinh miệt, những mắng chửi, những lên án, thậm chí những đòn roi mà không ai khác, chính từ ba mẹ! Chưa bao giờ tâm sự, nhưng luôn có quở trách và vung tay. Liệu ba mẹ và cô chú có thể giúp đỡ chúng con, thậm chí chỉ với một buổi tâm sự, chia sẻ thay vì lời quát tháo, cười chê, có được không...?

 

CĂN BẢN CỦA MỘT CUỘC PHỤC CHINH GIỮA CUỘC SỐNG LÀ “CHẤP NHẬN”!

----------

“...Cuộc thập tự chinh kỳ vĩ nhất của một đời làm người là khi ta diễu hành băng qua chiến tích của ta được xây nên từ thất bại...”

----------


          Cuộc sống là cái khách quan và bao quát của mọi yêu cầu. Yêu cầu để giỏi, để khéo léo, để tài năng, để mạnh mẽ, để hoàn hảo, để lớn lao, để trưởng thành,... Đó là một vòng tuần hoàn, một cơ chế của động cơ bất tử để đi theo quy trình xoay vòng mặc định, những ai thất bại để bám vào thứ cơ thế ấy, ta bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi, bị chôn vùi và đào thải - đấy là quy luật bất thành văn. Muôn vàn yêu cầu của cuộc sống cũng là vạn ngàn yêu cầu của xã hội, yêu cầu của con người với con người, trong đó, thứ yêu cầu quan trọng nhất là yêu cầu của mỗi người với chính họ. Bởi lẽ, thứ để tỏa chiết con người ra khỏi mọi áp bức, thứ đóng vai trò nội tại để điều chỉnh hành vi tiên lên của mỗi con người là ở cách người ta sẵn sàng yêu cầu bản thân. Yêu cầu mình phải làm được thế này trong công việc, đạt được số điểm thế này trong kỳ kiểm tra, kiếm được những thứ này trong cuộc sống – chính tính yêu cầu này là quy chế để khai thác khả năng và đặt con người vào tiến trình tự phát triển và bộc phá. Nhưng đôi khi, cơ chế ấy bị quá tải bởi “yêu cầu” bành trướng ra khỏi một sự thúc đẩy để biến thành điều gì đó xấu xa lắm, là “tham vọng”, là “thèm khát”. Ít ai có thể tự họ ý thức một cách chủ động rằng đôi khi, ta sẽ vấp ngã, vấp đến độ ngã quỵ, ngã “sấp mặt” trước những yêu cầu đặt ra với bản thân ta. Quá trình sau sự vấp ngã này mới thật sự là cuộc phục chinh của mỗi người, một cuộc phục chinh để phân lập giá trị của nỗ lực sinh ra từ cá thể. Song, tất cả chúng ta đều có một bài thách thức của thời đại: Chấp nhận. Cách người ta chấp nhận là cách người ta đứng lên và trở lại cuộc phục chinh vĩ đại nhất của một đời người người.

          Những mong mỏi của ta để được thành công trong học tập và công việc bị tan biến rồi đấy ư? Chấp nhận nó đi! Giờ đã thất bại rồi đấy, tiếp đó phải làm sao, làm như thế nào để không bị lạc lối vô danh? Chấp nhận để ta đi tiếp hay chấp nhận để từ bỏ. Chấp nhận hiểu rằng đôi khi thất bại khi ta học là cốt lõi, một hình thức rèn luyện chính khả năng ta trước khi bước vào đời. Chấp nhận hiểu rằng con số trước mắt ta đã đánh giá ta như thế, ta làm gì để nỗ lực hơn, vươn xa hơn, mạnh mẽ hơn. Chấp nhận hiểu rằng một khi ta thất bại, sau này cũng vậy, ta sẽ phải nhiều lần thất bại. Đây là thứ chu trình, một giai đoạn thai nghén tạo hình nên ta ở cá thể vượt trội hơn, nếu ta chấp nhận đương đầu lấy nó.

          Những nỗ lực của ta bị biến tấu, bị lụi tàn rồi đấy ư? Ta chọn gì đây? Hoặc ta chấp nhận để buông bỏ nó, hoặc ta chấp nhìn để NHÌN LẠI nó, quan sát nó và đổ tràn lại vào ta nguồn sinh khí với mớ sai lầm, ta tiến tới, ta đi lên, ta vực dậy, ta thoát ly, ta...chấp nhận nó như một phần của ta, một sự thiếu hoàn hảo cho một cuộc phục chinh hoàn hảo. Đó là tiểu tiết của một công trình kỹ vĩ mà ta tự chọn để kiến dựng nó. Cuộc thập tự chinh kỳ vĩ nhất của một đời làm người là khi ta diễu hành băng qua chiến tích của ta được xây nên từ thất bại.

          Tôi vẫn còn trẻ, rất nhiều các bạn độc giả của tôi, các bạn cũng còn rất trẻ. Ta vẫn còn quá trẻ. Đừng mãi cuối đầu quy phục trước những trang mạng xã hội nữa, đừng chấp nhận làm  “cô – li” cho cuộc đời mà ta được sinh ra với vai trò hoàng đế ở vương quốc của ta. Trẻ là sự ngập ngừng nhất của một điều thành công, bởi thành công luôn cần thứ gì đó lão làng và nhuần nhuyễn. Nhưng khi ta còn trẻ, ta còn nhiều cơ hội để chấp nhận. Và khi ta còn cơ hội chấp nhận, ta còn cơ hội để thành công theo cách mà ta muốn. Khi ta còn trẻ, ta còn cái gan lì trước thách thức – thứ ta gọi là tinh thần mãnh liệt, dũng kích tiên phong. Trẻ là khi ta có thể tự do lao vào, vấp ngã, đứng dậy, xông pha, chinh phục. Trẻ là khi ta phải hành động! Hãy để hành động biến ta thành một bản thể độc lập, chấp nhận mọi điều dù xấu hay tốt, dù chiến tích và hoại bại để được một lần ngắm nhìn dĩ vãng, biến dĩ vãng thành thứ động lực đốc thúc ta tiến đi trên lộ trình miên man của hoài bão – hiện thực, giấc mơ – hiện tại.


Viết tặng “Sự Vĩnh Hằng” – Một Sherlock dạy em cách “chấp nhận”!

Và anh sắp đi với hoài bão rồi đấy, đi đến nơi bất tận – một miền miên viễn của cuộc đời. Em đã dành cả một năm cấp ba để nhìn anh. Nhìn cách anh hát, anh cười; nhìn người anh yêu và em đã chấp nhận điều đó, giản đơn vì điều ấy khiến anh hạnh phúc. Chính trong cả 1 năm này, em đã biệt ly khái niệm của “yêu” và “thương”. Rằng “thương” , với em, đã vượt ra khỏi một tầm vóc xúc cảm nồng nàn. Nó là thứ phạm trù bao quát của cả nghĩ suy, lắng nghe, nhìn nhận, chủ độn, cay, chát, chua  và chấp nhận! Em chấp nhận mọi thứ vì anh là anh. Em chấp nhận cọc cằn vì cọc cằn làm nên anh. Chấp nhận cứng đầu vì cứng đầu làm nên anh. Chấp nhận chủ động vì anh là người không hay trưng diện cảm xúc ra. Học được cách chấp nhận những thứ đó, em vô tình học được cách chấp nhận sự trưởng thành, sự ấm áp, sự cá tính, sự riêng biệt của anh. Chấp nhận và học cách chấp nhận để gần với anh luôn là thứ khiến em thấy thú vị. Và thế là em được gần anh dù đôi khi cảm xúc chi phối đẩy em ra xa anh, em là anh buồn bực, giận dỗi, khó chịu. Anh luôn là người mà em sợ bị cuốn đi khỏi, thật! Anh cũng luôn là người đọc được cách em nghĩ (đôi khi em ghét vì cứ bị nắm lại, nhưng lại là anh – người đầu tiên cho em cảm được cảm xúc này). Anh là thứ trung hòa lấy em ở trẻ con, thiếu suy nghĩ, kém chín chắn, thiếu bình tĩnh – luôn luôn là anh.

Rồi sắp tới anh đi, cố lên nha anh rằng tiền bạc, gia đình, ngoại hình, quan hệ,...(không phải vô tình em đặt “tiền bạc” ở đầu, ai đó nói với em rằng họ là người sống thực tế, nhớ hông?) , tất cả đổ sầm lên anh với mọi biến cố. Chưa dám hứa hẹn nhiều vì muôn trùng câu hỏi tự bật ra, nhưng em vẫn cứ gánh thứ hệ lụy của câu độc thoại: Liệu có một cột mốc nào để ta thoát ra thứ quan hệ đơn thuần và học cách để trách nhiệm trong một thứ quan hệ riêng biệt hơn?

Anh vẫn sẽ tiếp tục cuộc sống của anh, và em cũng thế. Thêm lần nữa, em sẽ được học cách chấp nhận để nghĩ về anh giữa cuộc sống thường nhật. Em sẽ chủ động, vì đó là cách em gọi tên hai chữ “hạnh phúc”. Nhiều người sẽ đến với anh và có thể cũng yêu lấy anh, nhưng em chọn cách là chính em and say that: Love you by the way I am.

Hẹn gặp anh ở một thời điểm em chấp nhận trẻ con, thiếu bình tĩnh, thiếu chính chắn, thiếu suy nghĩ của mình.

À quên, còn một thứ quan trọng hơn, I trust you!

-Gửi tặng Sherlock vào dịp bế giảng một giai đoạn của thiếu thời-

         

Tác Giả: Võ Lập Phúc (Mai Ngự Hòa) - Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, tỉnh An Giang 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/lapphuc.vo

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,040 lượt xem, 991 người xem - 991 điểm