Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Facebook - Yes Or No?

Những năm gần đây, Facebook nổi lên như một pháo đài của mạng xã hội, cung cấp nhiều tiện ích, dịch vụ và chức năng cho người dùng. Bên cạnh những người dùng Facebook với mục đích tích cực, một số khác lại đua nhau đăng ký các nickname với dụng ý không lành mạnh hay một số khác nữa lại phải bệnh nghiện Face – trong đó có các bạn học sinh nhà ta. Các việc làm ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập và nhân cách của họ. Vì vậy, tôi thực sự mong các bạn học sinh ngày nay sử dụng Facebook một cách đúng đắn hơn.

     Trước khi làm rõ thế nào là sử dụng Facebook đúng đắn, hãy tìm hiểu định nghĩa: Facebook là gì? Thực ra Facebook là một trang mạng xã hội trên Internet, dùng để kết nối toàn cầu. Facebook có rất nhiều tính năng: tạo các cuộc trò chuyện, đăng bài, chia sẻ bài,... tạo ra một không gian mở đầy thú vị và màu sắc cho cộng đồng người dùng.

     Song cái gì cũng có hai một, một mặt lợi và mặt kia là hại.

     Về mặt lợi thì tôi có thể dẫn ra đây rất nhiều thành tựu đáng kể của Facebook. Facebook đã và đang giúp con người giao tiếp trên toàn cầu, vượt qua không gian và thời gian, bằng một cách nào đó, hoặc tin nhắn hoặc gọi thoại, nhanh chóng và tiện lợi. Đã vậy, chi phí cũng rất thấp, ta chỉ chi trả tiền mạng Internet trong khi một bao thư chuyển phát nhanh lên đến 13000 đồng hay gọi bằng điện thoại thì phải trả cước phí. Facebook cũng là nơi để mọi người có thêm thông tin qua các bài viết... và giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng bằng các tựa game vui nhộn.

     Bên cạnh những lợi ích đó là những mặt xấu tiềm tàng hiểm nguy hiện hữu trong xã hội và trong học đường. Càng ngày càng nhiều người sa đà vào Facebook, trở thành các con nghiện lúc nào không hay. Họ giết thời gian một cách lãng phí và không còn màng đến đời thực, gây hậu quả nặng nề cho bản thân và người khác, mà trước hết là kết quả học tập và làm việc của họ. Nguy hiểm hơn, một số người lại sử dụng Facebook với mục đích tiêu cực, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về đạo đức lẫn tinh thần.

     Những mặt xấu ấy, các bạn học sinh có biết rằng, mỗi lúc mỗi dấn chân vào chốn học đường chúng ta? Hãy để thực tế trả lời câu hỏi trên.

     Nhiều học sinh có cách nói, cách viết rất tóm tắt, thô tục, dễ gây hiểu lầm. Trong chúng ta, hiếm có ai đã không từng gặp qua các kí tự j, vc, đc, uk,... Ngôn ngữ giản lược ấy, mà người ta thường ví von là “ngôn ngữ @” hay “ngôn ngữ sao Hỏa”, đã khiến bao người toát mồ hôi khi đọc phải. Thứ ngôn ngữ ấy có thể đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

     Một số bạn học sinh lại bị tác động bởi các ngôn ngữ trên và những bài viết tiêu cực, làm lệch lạc cách nghĩ và cách làm, rồi từ đó mà có cách nói, cách viết bừa bãi và thô tục, tính cách trở nên xấu đi và dần bỏ bễ việc học hành.

     Một số khác nhẹ hơn nhưng đông hơn, chỉ vì thích tám chuyện với nhau mà giết thời gian vàng bạc một cách vô ích, cụ thể là nằm ôm smartphone lướt và bấm. Trong số đó, không ít bạn còn thích chụp ảnh thể hiện mình, bỏ cả đống thời gian chỉ vì “avatar” chưa đẹp hay trang cá nhân chưa thật ấn tượng...

person using silver iPhone 6

     Thực trạng đau đầu ấy đã khiến bao phụ huynh hoảng hốt khi phát hiện con em mình bất chợt bị “zero” điểm hay một cuộc gọi điện thoại từ giáo viên chủ nhiệm về việc con mình không tập trung hay ngủ gật trong giờ học.

     Trước hết, một vài nguyên nhân khách quan đến từ phía phụ huynh và thầy cô, giáo.

     Cha mẹ thiếu thời gian quan tâm con cái, chưa định hướng đối với nhận thức của con trong tuổi mới khiến con phải tìm đến người khác để giãi bày tâm sự.

     Còn về thầy cô, tôi nghĩ nhiều lời đùa quá khích của thầy cô đã khiến học sinh “nhảy” vào Facebook. Tôi đã có dịp chứng kiến một thầy giáo nói: “Tối về lên face thầy giao bài nha.” “Em không có face thầy ơi.” – Một học sinh nói. “Face tiếng Anh là gì? Khuôn mặt đấy! Ai không có mặt chứ?” – Thầy đáp. Lớp cười rộ lên và tiếng cười dẫn dắt cậu học trò trẻ tuổi đến với làng Facebook.

     Song đa số các nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân các bạn học sinh.

     Các bạn đã a dua theo người ta, sự bồng bột đã khiến các bạn không chịu nổi một lời khiêu khích cho rằng: “Bạn lạc hậu”. Trong giây lát, nhận thức của bạn bị đóng băng rồi bắt tay với Facebook, bắt đầu công cuộc thể hiện mình.

     Mặt khác, lứa tuổi dậy thì cho bạn quá nhiều rối ren. Bạn muốn tự khẳng định mình ư? Bạn thích tò mò khám phá? Bạn thích tìm hiểu nhau? Bạn thích kết bạn giao du? Bạn không thích sự ràng buộc? Và bạn cùng bạn bè “thống trị” Facebook mà quên đi: Bạn là ai?

     Đã có bao hậu quả nằm lì ra đó mà các bạn vẫn chưa tỉnh ngộ sao?

     Việc lạm dụng Facebook là việc ném thời gian quý báu vào sọt rác! Nghĩ làm sao khi bạn N. (xin phép không nói rõ tên) của tôi đăng liên tiếp 10 tin trong 20 phút chỉ để đề cập đến “Thi học kì II cố gắng lên nghe!”. Rồi một số khác lại đăng hoài đăng mãi : “Ai cho tôi động lực học bài?” hoặc vài mẩu tin vô duyên khác. Thậm chí bạn B. của tôi mỗi ngày bỏ ra 2 tiếng vào quán net để được truy cập Facebook.  Thử hỏi: Cứ như vậy thì thời gian học bài ở đâu?

     Thế giới ảo – Facebook càng lúc càng thay thế đời sống thực tại của con người, không chỉ trẻ em mà còn cả người lớn. Nhiều thầy cô, phụ huynh, thanh niên vẫn đang ngày ngày đăm chiêu gửi tin nhắn đi, đọc tin nhắn về,... Một ngày đẹp trời chỉ gói gọn trong màn hình điện thoại.

      Việc sử dụng Facebook khi bị biến chất cũng làm mất đi sự trong sáng, đẹp đẽ, sự giàu thanh điệu của tiếng Việt, biểu hiện là các ngôn ngữ @.

space gray iPhone 6 with Facebook log-in display near Social Media scrabble tiles

      Cùng với sự mất đi trong ngôn ngữ còn là sự đi ngược đạo lí làm người của dân tộc Việt Nam. Chúng ta yêu cái đẹp, đạo đức và hòa bình nhưng các bạn dùng Facebook như vậy thì quả là rất xấu.

     Nhiều vụ lừa đảo, bắt cóc, bạo lực học đường cũng là dây mơ rễ má từ Facebook mà ra. Như trường tôi hồi năm ngoái, học sinh lên Facebook nói xấu nhau để rồi đi đánh bậy hội đồng.

     Nó còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính cách và nhân cách của nhiều người. Nhiều học sinh trở nên vô cảm với đời, thiếu trách nhiệm với mình vì đi sâu vào các mẩu tin tiêu cực. Nhiều học sinh bản tính hiền lành, vui vẻ cũng bắt chước thể hiện mình, bị rủ rê, lôi kéo vào các tệ nạn dơ bẩn. Và các bạn có thể thấy, gần đây, khoa tâm thần của các bệnh viện đón nhận thêm rất nhiều bệnh nhân đến từ trại Facebook.

     Nhận thức rõ nguyên nhân, hậu quả rồi; chúng ta cần đề ra các biện pháp phòng chống việc sử dụng Facebook tiêu cực tràn lan.

     Về phía nhà trường, họ cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền về tác hại của Facebook. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trau dồi cho các em tình bạn, tình đoàn kết, niềm say mê đối với việc học,... giúp các em thêm yêu đời sống thực tại.

     Gia đình, bố mẹ cũng cần kiểm soát con em trong việc chơi Facebook. Phải lên tiếng ngăn cản, khuyên bảo con hoặc quy định thời gian sử dụng đa phương tiện của con... nhưng cũng không nên gò bó con quá.

     Quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi học sinh. Chúng ta cần có thời gian biểu hợp lí, phân chia khung giờ học tập và vui chơi hiệu quả. Đó là cách sống khoa học mà bất cứ con người nào cũng cần.

     Chúng ta cần xác đỉnh rõ mục đích của việc chơi Facebook, tránh xa mục đích không lành mạnh. Những giờ lên Facebook thay vào đó, chúng ta đọc sách, nghe nhạc, làm bài tập, chơi đá bóng... hoặc sử dụng các trang Gmail, trường học kết nối,...

     Chúng ta còn cần có kĩ năng sống ngay trên thế giới ảo. Biết kiểm soát những hành vi, lời nói của mình. Muốn vậy, ta phải rèn luyện từ từ và tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn, hạn chế việc ở nhà cùng Facebook.

     Bản thân tôi cũng là một học sinh và cũng đang sử dụng Facebook. Tôi đã nhiều lần quá đà vào Facebook nhưng từ nay, tôi sẽ thực hiện các giải pháp để giúp mình sống “thực” trở lại. Nhìn nhận rõ tác hại và nguyên nhân của vấn đề, tôi sẽ giữ mình trước các mạng xã hội tiêu cực và khuyên bảo mọi người xung quanh cùng thực hiện.

     Vậy đấy, Facebook vừa có mặt lợi vừa có mặt hại. Nhưng nhìn chung, mọi người sử dụng mặt hại đông đảo hơn. Xã hội sẽ lụi tàn đi vì thế giới ảo mất! Muốn viễn cảnh ấy không xảy ra, ngay hôm nay, chúng ta cần bài trừ ngay các hiện tượng tiêu cực, chung tay xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ mà Facebook trở về vị trí ban đầu của nó! Chúng ta phải hành động ngay, trước khi Facebook trở thành ngôi nhà của các tệ nạn! Hãy làm cho Facebook sớm trở lại với đặc điểm của nó: “hiện đại” nhưng không “hại điện” !



Tác Giả: Nguyễn Đức Minh, Học sinh @THCS Thủy Phương
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nguyenducminh.ng

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

155 lượt xem, 153 người xem - 153 điểm