Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Gap Year – Sống Và Hạnh Phúc Khi Được Là Chính Mình!

Khi viết dòng chữ này thì cũng là lúc những lời mời kỷ yếu từ bạn bè tới tấp xuất hiện, bốn năm đại học sắp kết thúc báo hiệu cuốn sách cuộc đời lại chuẩn bị sang trang. Nhưng điều này không đúng với tớ. Tớ đã tốt nghiệp cấp ba cách đây hơn 3 năm, hiện là một sinh viên năm hai, và còn tận hai năm nữa để đứng ở vị trí như các bạn của mình.

 

"Tớ đã Gap year."


Ở độ tuổi mười tám đôi mươi, việc tâm trí dồn dập những câu hỏi về sự nghiệp, về cuộc đời, về tương lai chắc hẳn đã được coi là một điều bình thường. Và nếu ta có đi tìm câu trả lời từ những thế hệ trước đó, có thể ông bà, bố mẹ, hay bất cứ ai mà ta đặt câu hỏi đều sẽ đáp lại rằng: “Cứ đi học đã”.

Xã hội mà chúng ta đang sống không cho phép sự chậm trễ. Những tin bài về thủ khoa đại học, về học bổng này, học bổng kia, về thành tích vô hạn của “người ta” cứ tới tấp xuất hiện khiến áp lực dù vô tình hay cố ý cũng đang đè nén lên chúng ta ngày qua ngày. “Chạy nhanh hơn đi, học giỏi hơn đi, kiếm nhiều tiền hơn đi” - những kỳ vọng vô hình cứ bủa vây mỗi giây mỗi phút không rõ lý do. Đã bao giờ chúng ta cảm thấy bản thân như đang sống cuộc đời của người khác, chứ không thật sự được là chính ta? Nếu cảm xúc đó có tồn tại, và mãnh liệt, thì có lẽ đã đến lúc phải dừng lại và đặt một tấm gương soi để tự quan sát chính bản thân, chính cuộc sống của ta, xem có điều gì cần thay đổi hay không.

Gap Year được biết đến là quá trình ngắt quãng trong học tập, thường kéo dài trong 1 năm để tìm hiểu chính mình, ví dụ như học sinh vừa kết thúc 12 năm phổ thông chưa sẵn sàng học đại học, hoặc sinh viên mới ra trường chưa sẵn sàng đi làm.

Đối với tớ, Gap Year giống như một câu chuyện bên lề đủ hương vị được thêm vào giữa cuốn sách cuộc đời khó hiểu và phức tạp vậy. Đắng, cay, mặn, ngọt là những thứ ta chắc chắn phải nếm trải khi lựa chọn bơi ngược dòng. Vậy tớ có đang lãng phí thời gian của mình như định kiến của nhiều người về Gap Year hay không?


Ai giải thích được cuộc đời như thế nào là lãng phí?

Trong một đêm mưa giông, một mình tớ với chiếc xe máy vẫn đang mắc kẹt giữa ngã tư đường và phải còn gần 1 tiếng lái xe nữa mới tới nơi tớ muốn đến. Tớ không nghe thấy gì ngoài tiếng mưa rào, cũng không nhìn thấy gì ngoài một màu trắng xóa. Mẹ thiên nhiên thật là vĩ đại còn con người chúng ta khi đứng một mình thì chẳng có gì ngoài cái sinh mệnh mong manh cả. Vào thời điểm đấy tớ đã nghĩ mình xong đời rồi.

Mọi thứ sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không còn sống. Càng ý thức được sự sống mong manh bao nhiêu, thì càng có dũng khí để làm những điều mình mong muốn bấy nhiêu. Có bao nhiêu trong số chúng ta đang thật sự sống cuộc sống bản thân mong muốn?

Lãng phí thời gian, lãng phí tuổi trẻ vào những điều vô ích, lãng phí này, lãng phí kia là những lời tớ thường xuyên nhận được trong quãng thời gian tớ đang Gap Year. Nhưng khi tớ hỏi thế nào là lãng phí, và bản thân họ - những người nói với tớ điều đó – có đang cảm thấy mình không lãng phí không, thì tớ thường không nhận được câu trả lời.

Chúng ta ai cũng đều biết rằng thời gian là thứ một khi đã mất đi sẽ vĩnh viễn không bao giờ trở lại được. Có thể dưới một góc nhìn nào đó, tớ đã lãng phí. Lãng phí cơ hội để ra trường cùng thế hệ, lãng phí tiền bạc vào những thứ không mục đích, lãng phí hơn một năm sức trẻ để làm những chuyện có vẻ chẳng có ích gì cho CV của mình, lãng phí cả thời gian của bố mẹ và gia đình – những người đang kỳ vọng rất nhiều vào tớ. Nhưng sinh mệnh thì cũng như thời gian vậy, một khi đã trôi qua sẽ không bao giờ trở lại, và tớ lựa chọn không lãng phí cuộc đời mình.

Một nhà thơ người Ireland mang tên Oscar Wilde đã nói rằng: “Đứng khóc vì những gì đã mất, hãy cười vì những gì còn lại.” Chúng ta chỉ xác định được đâu là báu vật của chúng ta chứ không thể quyết định được đâu là báu vật của người khác, hãy định nghĩa “giá trị” theo cách riêng của mình. Tớ có thể đã mất nhiều thứ trong hơn một năm Gap Year này, nhưng những bài học và giá trị tớ nhận được khiến tớ luôn thấy tự hào về chính mình. Với một trái tim nóng tràn đầy những chuyến phiêu lưu và niềm ham học hỏi, cuộc sống hiện tại của tớ đang trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Và tớ sẽ mang những điều đã khiến bản thân tớ thay đổi nhiều nhất chia sẻ đến tất cả chúng ta – những người trẻ.


Gap Year dạy tớ cách xử lý “rác”.

Ta sợ đối xử với bạn bè mình không đúng. Ta sợ làm bố mẹ phật lòng. Ta sợ không đạt được kỳ vọng của mọi người, thậm chí là kỳ vọng của chính chúng ta. Những suy nghĩ và lo âu tràn ngập biến tâm trí của ta trở thành một mớ hỗn loạn, thiếu trật tự và lộn xộn như một đống rác. Thử tưởng tượng giây phút ta phải rời xa thế giới này, đây có phải một cuộc đời ta muốn sống?


Hãy chia “rác” làm ba loại và cùng xử lý chúng!


“Rác” trong những mối quan hệ: Gap Year, không tiền tài địa vị, không trường học, không việc làm ổn định, vậy sẽ còn lại những ai vẫn ở cạnh chúng ta? Trong những chuyến phiêu lưu xuyên màn đêm tận hưởng sự tự do tự tại của mình, tớ ngước nhìn lên bầu trời Hà Nội và tự hỏi liệu trong vô hạn các vì sao kia thì đâu mới thật sự là ngôi sao quan trọng với cuộc đời mình. Có những người sẵn sàng đưa chúng ta đến các cuộc vui nhưng bỏ mặc khi chúng ta cần, và có những người bất chấp chúng ta là ai đi chăng nữa thì vẫn luôn tin tưởng cho ta những cơ hội. Suy cho cùng, các vấn đề xoay quanh những mối quan hệ thường có xu hướng khiến ta phân tâm và rối trí. 

Trong những cuốn sách Self help mà tớ từng đọc liên quan đến các mối quan hệ, chúng ta thường được khuyên bảo rằng hãy chọn bạn mà chơi, hãy bỏ những mối quan hệ độc hại, chơi với những người giỏi và chúng ta sẽ giỏi hơn. Nghe thật quen thuộc đúng không? Nhưng tớ sẽ nói một điều khác, hãy ở cạnh người yêu thương chúng ta, giúp đỡ những người chúng ta cần và xin lời khuyên từ những người giỏi giang.

Chúng ta không thể mãi mãi sống một mình, chúng ta cần những mối quan hệ để sẻ chia. Nếu còn đi học, hãy cho nhau thấy giá trị của tình bạn, hãy cùng học hỏi những người chúng ta ngưỡng mộ và hãy học cách thể hiện sự kính trọng tới thầy cô. 

Sau tất cả, hãy học cách phân biệt đâu là người thực sự quan trọng trong cuộc đời mỗi chúng ta.


“Rác” trong môi trường sống: Căn phòng để trở về mỗi ngày chính là nơi phản ánh nội tâm của chúng ta. Một trong những thói quen mới mà tớ rất biết ơn vì bản thân đã học được trong hơn 1 năm đó chính là đọc sách. Tớ vốn rất lười đọc và tớ biết nhiều người cũng vậy, cuộc sống cũng như căn phòng của tớ đã từng rất bừa bộn khiến tớ ít khi muốn trở về nhà. Thế nhưng Gap Year khiến khoảng thời gian ở trong phòng của tớ trở nên nhiều hơn bình thường và tớ đã giật mình nhận ra căn phòng đang bừa bộn đến nhường nào. Sự lộn xộn dần dần được loại bỏ khi tớ đọc về Marie Kondo và phương pháp dọn dẹp, sắp xếp Konmari của chị ấy. Đồ vật không phải thứ duy nhất nên được bày trí ngăn nắp, nhưng dựa vào đó chúng ta có thể cùng lúc học được cách sắp xếp tâm trí của chính mình.

 

Hãy cho mình một ngôi nhà, một nơi bạn thật sự muốn trở về. Chúng ta cần nghỉ ngơi cả về vật chất lẫn tinh thần. Một nơi ở lộn xộn nhất định sẽ không giúp ích được gì cho ta phải không nào? 


“Rác” trong suy nghĩ: Đối với tớ thì đây là thứ khó dọn dẹp nhất, bởi để làm chủ được dòng suy nghĩ chảy trong đầu cần rất nhiều nỗ lực và phải rèn luyện hàng ngày. Mỗi chúng ta lớn lên với những trải nghiệm khác nhau đồng nghĩa với việc chúng ta không thể có suy nghĩ giống nhau. Thế nhưng trong suy nghĩ của chúng ta - những người trẻ - vẫn thường có một điểm chung, đó chính là những mộng ảo bồng bột, những chuyện dư thừa như “cái này để khi khác xử lý cũng được” hay “ta sẽ hoàn thành khi có hứng”.  

Những bụi bẩn trong tâm trí nếu không dọn dẹp, lâu ngày sẽ dần dần trở nên khó loại bỏ. Để gột rửa được chúng ta cần xác định rõ đâu là thứ khiến ta bận tâm. Khi chúng ta bị đẩy vào một hoàn cảnh khó khăn và không thể làm lơ chính những dòng suy tư của mình được nữa, ta sẽ nhận ra điểm yếu của mình một cách rõ ràng hơn, trong đó có cả những thứ khiến ta lo âu và căng thẳng trong tâm trí.

 

Tại sao lại là “Rác” mà không phải thứ gì khác?

Với tớ, rác không xấu. Chúng ta không chỉ vứt rác đi, mà còn cần học cách xử lý và cảm thấy biết ơn chúng. Trước khi trở thành rác, vào một thời điểm nào đó chúng có thể đã từng là một thứ rất quý giá trong mỗi chúng ta, tương tự với các mối quan hệ, không gian sống và suy nghĩ chúng ta đang có.


Dũng cảm đối mặt với thất bại và trân trọng những cơ hội mới.

 Nếu phải sử dụng đến phương án 2, nghĩa là phương án 1 đã thất bại và hãy chấp nhận điều đó.

Trong khi tớ có hẳn hơn một năm để tự do làm điều bản thân mong muốn, thì bạn bè xung quanh đã đi rất xa rồi. Và cho dù chúng ta có Gap Year hay không thì điều này vẫn đúng. Sẽ luôn có người giỏi hơn, và chỉ khi ta không còn so sánh bản thân với người khác nữa thì cảm giác xấu hổ, tự ti mới được giảm bớt. Hãy thay đổi việc so sánh với người khác sang so sánh với chính mình để thấy điều đăc biệt. Việc dám đối mặt với thất bại, biết rõ bản thân đang ở đâu chính là điều nên làm để chúng ta lựa chọn nước đi kế tiếp sao cho đúng đắn.

Cùng với đó, chúng ta sẽ hiểu ra rằng thất bại không phải là điều không thay đổi được. Khi ngừng nỗi ám ảnh với thất bại, thì những cơ hội mới nhất định sẽ đến với chúng ta. Chấp nhận thất bại không phải thứ duy nhất cần sự dũng cảm, chúng ta cần sự dũng cảm để chấp nhận cả những cơ hội mới nữa. Thứ dũng khí ấy chỉ nhen nhóm khi tinh thần của chúng ta sẵn sàng. Chúng ta có thể thiếu trải nghiệm, thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức, nhưng sự chuẩn bị trong tâm trí mới là thứ quyết định cơ hội có đến được với ta hay không.

 

Gap Year buộc tớ phải sẵn sàng.

Sau những trải nghiệm chưa từng có và được nếm đủ vị đắng cay ngọt bùi, tớ không thể mãi mãi là một đứa trẻ sống trong sách vở, bất định và mất phương hướng. Nay tớ đã có đủ lý do để trở lại với chặng đua của riêng mình và nếu ai đó hỏi rằng hiện tại tớ có đang hạnh phúc không, thì câu trả lời là có. Tớ rất biết ơn chính bản thân vì lựa chọn này của mình, cả những người đã tin tưởng, đồng hành cùng tớ suốt chặng đường vừa qua.

Có nhiều cách để chúng ta có thể dừng lại chiêm nghiệm về cuộc đời mình, và Gap Year là điều tớ đã lựa chọn. Không phải tất cả chúng ta đều cần hẳn một năm để Gap Year, nhưng tựu chung lại, điều tớ mong muốn truyền tải nhất chính là hãy dành thời gian cho tâm hồn và trí tuệ của chúng ta để tìm được câu trả lời cho câu hỏi "Đâu là cuộc đời chúng ta muốn sống?". 

Dù sao thì “hạnh phúc cũng chỉ là “cảm nhận” trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi. Thực tế không tồn tại tương lai hay quá khứ, tất cả chỉ là các chuỗi thời điểm “hiện tại” kéo dài mãi mãi.” Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi tới trái tim, và tớ mong rằng bạn – người đang đọc đến dòng cuối cùng này – sẽ sống một cuộc đời đẹp nhất từng có.


 Tác Giả: Miu lives in Hanoi 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: http://www.facebook.com/yo.miu5

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,981 lượt xem, 1,922 người xem - 2139 điểm