Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Gen Z Và Sự Vật Lộn Với Cô Đơn

Bài viết này là quan điểm cá nhân của một người trẻ, bàn luận về nguồn gốc sự cô đơn, bối cảnh mà người trẻ nói chung đang phải vật lộn, cũng như cách thức đối phó sao cho “đúng bài”. Nếu có cơ hội, tác giả rất vui lòng được bàn luận và nhận góp ý từ bạn đọc.

Bài viết có khoảng 4.000 từ, mong được bạn đọc đón nhận. Xin cảm ơn.

 ---------------

Mục Lục:

LỜI TỰA

A. BỐI CẢNH TRONG BỨC TRANH CỦA GEN Z  

1.  Mảnh đất của sự cô đơn

2.  Khi thế giới ảo hòa lẫn vào thế giới thực

3.  Tràn ngập ấn phẩm, nội dung giải trí yêu đương, ngôn tình  

B.  HIỂU RÕ BẢN CHẤT CỦA SỰ CÔ ĐƠN 

C. ĐỘ KHÓ CỦA GAME GEN Z ĐANG CHƠI

D. VẬY GIỜ CHÚNG TA LÀM GÌ? 

1. Sự cô đơn, nếu là vấn đề, thì nó sẽ là vấn đề từ bên trong

2. Những gì ta có thể thấy qua thế giới ảo chỉ là một ô màn hình chữ nhật

3. Sử dụng phương pháp thần học phủ định - via negativa

4. Đầu tư vào những mối quan hệ thân mật thật sự

E. NHỮNG VÌ SAO LẠC LỐI

 ---------------  

LỜI TỰA

Có lẽ thế hệ của người trẻ, thế hệ Z (Gen Z) là thế hệ cô đơn nhất trong lịch sử hiện đại, từ trước đến nay.

Gen Z có cơ hội được sinh ra và lớn lên trong một kỷ nguyên tiên tiến, khi mà Internet đã mở ra khả năng truy cập thông tin, kiến thức từ khắp mọi nơi trên thế giới, xóa mờ các khái niệm về ranh giới địa lí, khu vực và châu lục. Mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter ra đời còn giúp chúng ta nhanh chóng nhận được cập nhật về xã hội, về các mối quan hệ bên cạnh mình. Tất cả điều đó chỉ cần thông qua một cú “click”.

Ấy vậy, theo một khảo sát của tổ chức dịch vụ y tế toàn cầu Cigna thực hiện trên 20.000 người Mỹ trưởng thành năm 2018 (U.S. Loneliness Index Report, Cigna, 2018), cho biết những thanh thiếu niên từ 18 – 25 tuổi trong khảo sát đạt mức điểm rất cao trên thang đo đánh giá sự cô đơn UCLA (UCLA Loneliness Scale), phát triển bởi nhà tâm lý học Daniel Russell năm 1996. Cụ thể, 43 là điểm chuẩn trong thang đo. Đối tượng thuộc Gen Z đạt 48.3 điểm, cao hơn thế hệ anh chị, bố mẹ của mình là Millennials - 45.3 điểm và Gen X - 45.1 điểm.

Tại sao mà, khi sống trong một thời đại đến cả cái tủ lạnh, cái máy pha cà phê cũng được hòa mạng Internet, thì chúng ta, những người hưởng thụ các thành tựu công nghệ ấy, lại cảm thấy lạc lõng và lẻ loi hơn bao giờ hết? 

 ---------------   

A. BỐI CẢNH TRONG BỨC TRANH CỦA GEN Z

1.  Mảnh đất của sự cô đơn

Thật ngạc nhiên là, dù thế hệ người trẻ cảm thấy cô đơn nhất, song thế hệ cha mẹ và anh chị của họ cũng chia sẻ một chút cảm giác ấy. Điều này cũng có phần hợp lý.

Nhìn lại một chút về lịch sử, chúng ta thấy rằng từ khi cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra, đâu đó khoảng cuối thế kỉ 18 – đầu thế kỉ 19, xã hội loài người bắt đầu có những thay đổi rõ rệt. Họ bắt đầu rời khỏi nông trường, trang trại để tham gia vào nguồn nhân lực tại các khu xí nghiệp, nhà máy. Những cộng đồng làng mạc vốn đã tồn tại hơn vài trăm năm bỗng chốc tan rã, thay vào đó là sự hình thành ồ ạt các khu đô thị công nghiệp.

Câu tục ngữ “Hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” dường như không còn phù hợp với những người sống ở thành thị nữa, khi mà mỗi nhà được bao bọc quanh 4 bức tường, đi cùng đèn điện, máy điều hoà và quan trọng hơn hết, là wifi. Để rồi về đêm, mỗi nhà tự có cho mình một không gian sinh hoạt riêng, cách biệt với nhau, với cả khu phố, cộng đồng của họ 

Ngày xưa, ông bà và cha mẹ chúng ta có cơ hội chào hỏi hàng xóm vào mỗi sáng và mỗi chiều, thì bây giờ hành động đó đã hiếm hoi hẳn đi.

So sánh với khoảng thời gian gần 6.000 năm sinh sống dưới hình thức cộng đồng làng xã (tính từ thời điểm nền văn minh Sumer ra đời), thì có vẻ loài người chỉ mới bắt đầu khoảng 200 năm sống tập trung tại các thành thị, và khoảng 20 năm kể từ khi mạng Internet được sử dụng rộng rãi toàn cầu.

Tôi gọi đây chính là mảnh đất của sự cô đơn, vì dường như chúng ta chưa có đủ thời gian để thích nghi với lối sống mới này.


Mảnh đất của sự cô đơn


2.  Khi thế giới ảo hòa lẫn vào thế giới thực

Chúng ta bắt đầu học cách trò chuyện qua tin nhắn thay vì trò chuyện mặt đối mặt, cách biểu cảm qua những kí tự, icon, nhãn dán thay cho các giao tiếp phi ngôn từ. Một vài cái đại loại như “:>, :3, :)))” chẳng hạn.

Mặc cho các thiết kế vô cùng đa dạng, chúng không thể nào thay thế được cái biểu cảm cười tươi, híp mắt khi hạnh phúc, trầm trồ khi ngạc nhiên, cau có khó chịu khi bị trêu chọc của con người. Chính hình thức giao tiếp mới này đã âm thầm ăn mòn một trong những tính cách nhân bản nhất của chúng ta: Sự đồng cảm.

Công nghệ không thể gánh hết toàn bộ trách nhiệm. Song, thật khó để mà thấu hiểu một ai chỉ qua vài dòng chữ tin nhắn và icon cảm xúc thay cho biểu cảm khuôn mặt, giọng nói và cử chỉ. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được những bình luận, tin nhắn của mình có thật sự an ủi được đối phương, hay thậm chí là vô tình tổn thương họ.

Mặt khác, cộng đồng nhỏ ở ngoài đời, nơi mà ông bà hoặc cha mẹ chúng ta từng sinh sống, nay đã trở nên vô hạn trên thế giới ảo. Bạn hoàn toàn có thể vui mừng, hoặc bị làm cho phiền lòng, bởi một người, một vật, một sự việc cách nơi bạn ở hàng ngàn cây số.

Tệ hơn là, khi bạn vắng mặt trong một buổi tiệc, và rồi đám bạn của bạn bắt đầu đăng tải những tấm ảnh đầy rẫy các khuôn mặt rạng rỡ. Xem những tấm ảnh ấy ít nhiều sẽ mang lại một cảm giác lo sợ bị bỏ rơi trong bạn. “Không có tôi ở đó mà họ vẫn vui vẻ được như vậy, liệu tôi có quan trọng như tôi vẫn thường nghĩ không?”

Đây hẳn là lý do vì sao chúng ta thường có cái cảm giác “giả trân” với những kết nối trên mạng. Khi ở trên mạng xã hội, cả thế giới ngoài kia như đang mở một bữa tiệc khổng lồ, và chúng ta không được mời vậy.


Khi thế giới ảo đã trở thành một phần không thể thiếu của thế giới thật, cảm xúc của con người cũng bị lẫn lộn giữa thật và ảo.

3. Tràn ngập ấn phẩm, nội dung giải trí yêu đương, ngôn tình

Độc thân không có gì đáng để lo ngại trong ngắn hạn, cho đến khi chúng ta bị bủa vây bởi các nội dung về yêu đương, hẹn hò. Cảm giác bất an sẽ xuất hiện và đi kèm với các câu hỏi “Liệu có gì sai với bản thân mình, nên mình mới thấy cô đơn?”.

Đôi khi, chúng ta sẽ mắc vào một cái bẫy tiêu thụ có tên là “Thiếu gì thì mua đó”. Nếu không có nhiều trải nghiệm với các mối quan hệ, chúng ta sẽ có xu hướng tiêu thụ các ấn phẩm, nội dung giải trí liên quan, để mà “trải nghiệm”, để mà “hình dung”.

Thực tế là nó rất cám dỗ. Bạn nghĩ mà xem, thay vì phải bỏ công chạy vạy ngoài kia để tìm kiếm đối tượng phù hợp, thì bây giờ chỉ cần mở một cuốn sách, một bộ phim ra, là bạn đã có thể gặp ngay chuyện tình giữa một anh chàng 10 điểm, bên cạnh nữ chính phảng phất các tính cách, suy nghĩ của bạn. Để rồi khi đóng cuốn sách đó lại, hay bộ phim đi đến hồi kết, thì bạn có thể tự nhủ rằng “à thì ra yêu đương là phải như thế”.

Xin nói một chút về chuyện chơi game thùng. Tôi vẫn còn nhớ ngày xưa tôi phải xin xỏ mãi thì mẹ mới cho tiền mua xèng bỏ vào máy để chơi. Chơi thua thì tôi chuyển sang hóng những đứa cùng xóm chơi. 

Có một điều tôi thấy thú vị, là khi nhìn lũ nhóc ấy chơi, tôi cảm tưởng đã nằm lòng hết mọi chiêu thức trong game, thông qua việc quan sát cách chúng nó chơi. Tuy vậy, nó vẫn không thể sánh bằng cảm giác tự mình bấm những cái nút ấy, tự mình chiến những con quái, con trùm trong game.

Tôi có thể thua cuộc, nhưng tôi muốn là người được chơi, không phải là người chỉ đứng đằng sau mà quan sát từ xa.


"Bạn đang cô đơn? Hãy đón xem tập mới nhất của chương trình hẹn hò tuần này nhé!"

B.  HIỂU RÕ BẢN CHẤT CỦA SỰ CÔ ĐƠN

Sự thật, cô đơn là một cảm xúc rất tự nhiên của con người. Vì nó xuất phát từ một nhu cầu mang tính bản năng, đó là kết nối, nên thành ra trong đời, ai rồi cũng sẽ có lúc cảm thấy cô đơn.

Quay trở lại thời tiền sử, tổ tiên chúng ta từng phải sống trong một môi trường khắc nghiệt, đi kèm với thú dữ và nguồn thức ăn thì lại khan hiếm. Tích trữ đủ năng lượng cho cơ thể, tìm kiếm chỗ trú an toàn, ấm cúng và chăm sóc cho những đứa trẻ, … là những công việc không thể làm một mình. Họ buộc phải hợp tác và chung sống cùng nhau, tạo nên những cộng đồng.

Do đó, khi một cá thể bị cộng đồng bỏ lại, việc này tương đương với án tử. Thứ mà cha ông chúng ta sợ nhất, không phải là bị thú dữ ăn thịt, mà là bị chính cộng đồng của họ ghét bỏ và cô lập. 

Để tránh rơi vào tình thế như vậy, não bộ của con người đã phát triển một cơ chế tâm lý, được biết đến với cái tên “nỗi đau xã hội” (social pain), một hệ thống cảnh báo sớm rằng bạn nên dừng lại một hành vi đang khiến bạn bị cô lập. Cha ông chúng ta khi phải trải nghiệm sự đau đớn trong tâm trí đó sẽ có xu hướng dừng lại những hành vi gây hại, và từ đó được chào đón quay trở lại cộng đồng. Những cá thể từ chối thay đổi sẽ bị đá ra ngoài, và diệt vong.

Thành thử, hậu thế của họ, là chúng ta, hiển nhiên sẽ được cài đặt hệ thống đó vào não bộ, nhằm đảm bảo cho sự sinh tồn của chúng ta nói chung, và sự di truyền mã gen của chúng ta nói riêng. Dù ở thời hiện đại, nhu cầu sinh tồn tuy đã được đảm bảo ở một mức độ khá cao, song bản năng nguyên thủy ấy vẫn tiếp tục “chạy ngầm” trong mỗi chúng ta (khá là phiền phức bạn nhỉ?).

Bên cạnh đó, theo như hành giả Ấn Độ Sadhguru có từng chia sẻ về góc độ tâm lý, rằng các bạn phải thừa nhận nội tâm của các bạn, là một thứ “không gian riêng tư” mà chỉ có các bạn ở trong đấy. Sẽ không có một ai hoàn toàn hiểu được những gì diễn ra bên trong các bạn, vì một lẽ có khi chính các bạn còn chẳng thể nhận biết đầy đủ được. Kỳ vọng một ai khác thấu hiểu hết về con người các bạn thật sự rất vô lý, và có khi lắm kẻ sẽ lợi dụng mong đợi đó để mà … diễn trọn một vở tuồng.


Hiểu rõ bản chất tự nhiên của cảm xúc cô đơn là tiền đề để có được những phản ứng phù hợp
(Nguồn: Loneliness - Kurzgesagt – in a nutshell)

C. ĐỘ KHÓ CỦA GAME GEN Z ĐANG CHƠI

Thế giới chúng ta đang sống rất chi là khác so với thời cha ông. Mặc dù vậy, chúng ta chưa có đủ thời gian, chỉ dẫn để có thể thích nghi, để sống cho phù hợp.

Nhiều người có nguồn lực tốt sẽ tìm đến các mối quan hệ hẹn hò. Những người khác sẽ dùng các buổi đi chơi, ăn uống với bạn bè để giải tỏa tâm trạng, hoặc đơn giản là tự mình giải trí với các ứng dụng như Netflix, Spotify. Cảm ơn chủ nghĩa tiêu dùng, vì giờ đây cái gì cũng (có vẻ) giải quyết được bằng cách chi tiền và thời gian ra!

Tuy vậy, tôi cảm thấy những cách thức trên chỉ tạm thời xoa dịu cảm xúc của chúng ta, hay thậm chí còn là đánh lạc hướng chúng ta khỏi gốc rễ vấn đề. Vì không sớm thì muộn, bạn sẽ lại cảm thấy cô đơn khi trở về chính căn phòng của mình.

Sự thay đổi về môi trường sống, sự xuất hiện của mạng xã hội, đi kèm với sự tràn ngập các ấn phẩm giải trí, đã gây nên một định kiến rất khó chịu: rằng cô đơn là một cảm giác đáng xấu hổ, và nó cần phải bị loại bỏ càng sớm càng tốt. Tệ hơn, định kiến này còn ngầm ám chỉ rằng: hãy tìm kiếm một người tình, và chúng ta sẽ hết cô đơn.

À thì, tình yêu là một thứ có thể làm cho một cuộc sống nhàm chán trở nên thi vị hơn bao giờ hết. Nhưng đó là khi chúng ta sẵn sàng và chấp nhận các trách nhiệm trong mối quan hệ đó. Việc tìm kiếm niềm vui từ người tình nhưng lại không muốn nhận lấy các trách nhiệm, vấn đề phát sinh từ mối quan hệ ấy, cũng tương tự việc bạn quyết định đi mua cả một cái nhà hàng chỉ vì đang đói bụng vậy (thật đấy!).


Bạn hiền buồn sao? Làm vài viên này xong là sẽ "khỏi" đấy. Hãy cảm ơn chủ nghĩa tiêu dùng nhé!

(Nguồn: behance.net/yokisitumorang)


D. VẬY GIỜ CHÚNG TA LÀM GÌ? 

Tôi ước gì mình biết một câu trả lời đầy đủ và xúc tích nhất. Thay vào đó, tôi xin được chia sẻ 4 ý tưởng mở sau đây, để các bạn có thể thay tôi vẽ tiếp vào “bức tranh cô đơn” này.

1. Sự cô đơn, nếu là vấn đề, thì nó sẽ là vấn đề từ bên trong.

Việc nhận thức đầy đủ rằng cô đơn là một cảm xúc tự nhiên, không có gì để xấu hổ rất quan trọng. Từ đây, chúng ta mới có thể bắt đầu suy ngẫm về gốc rễ bên trong tâm hồn của chúng ta. Tìm đến các giải pháp bên ngoài như người tình, bạn bè, hoạt động giải trí đều sẽ dẫn trở lại thành một vòng luẩn quẩn.

Dưới đây là một nhận định về sự cô đơn của nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung, mà tôi tin rằng có thể là một đầu mối tốt để suy ngẫm về sự cô đơn của bản thân. Thậm chí, nó còn có thể trả lời được câu hỏi vì sao bạn hoàn toàn có thể cảm thấy lẻ loi, ngay cả khi ở giữa một đám bạn, hoặc có hẳn một người tình, một đối tác đang nằm kế bạn.


Tạm dịch: "Sự cô đơn không đến từ việc không có ai ở cạnh một người, mà đến từ việc người đó không thể tạo kết nối với những thứ họ cho là quan trọng, hoặc có những quan điểm/góc nhìn nhất định mà người khác không thể chấp nhận được."  - Carl Jung.

(Nguồn: AZ Quotes)


2. Những gì ta có thể thấy qua thế giới ảo chỉ là một ô màn hình chữ nhật 

Việc tiếp nhận quá nhiều thông tin từ trên mạng, đặc biệt là những thứ người khác khoe khoang, từ tài sản vật chất cho đến các mối quan hệ, sẽ làm tăng sự so sánh xã hội (social comparison) của chúng ta, khiến chúng ta thường xuyên trong trạng thái bất an và đố kị. Đồng thời, nó cũng làm giảm chịu đựng sự đơn độc, làm tăng kỳ vọng về số lượng, tốc độ và tần suất mong muốn được kết nối của chúng ta.

Cơ mà, tôi đoán bạn có lẽ cũng từng nghe được từ bạn bè của chính mình, rằng những thứ họ trưng lên tường nhà Facebook của họ không kể hết câu chuyện đằng sau đó. Một cô gái đăng ảnh quà tặng của bạn trai lên mạng và tỏ vẻ vui mừng hôm nay, hoàn toàn có thể khóc lóc với bạn thân của mình rằng họ đã cãi nhau và tạm thời không nhìn mặt nhau hôm sau.

Cá nhân tôi thường sẽ vui mừng, dù có một chút ghen tị, nếu như có điều gì tốt đẹp đến với những người bạn, người thân của tôi. Tuy nhiên, nếu họ không ngừng khoe khoang về điều đó, chắc là tôi sẽ bỏ họ ra khỏi tầm theo dõi của mình. Bạn biết đấy, nó khá là phiền phức và không lành mạnh cho sức khỏe tâm thần của tôi *cười haha*.


Và trên hết, bạn không cần phải bắt chước họ. Vì họ sẽ không quan tâm đâu.
Nếu có, thì đó sẽ là sự ganh tị ẩn đằng sau những lời bình luận tốt đẹp.

3. Sử dụng phương pháp thần học phủ định - via negativa

Xuất phát từ tư duy thần học và thực hành tôn giáo, phương pháp này cố gắng tiếp cận các khái niệm trừu tượng như “Thượng đế”, ”Đấng thiêng liêng” bằng cách nói về những thứ không mang tính tốt lành và hoàn hảo, vốn là đặc điểm của “Thượng Đế”, “Đấng thiêng liêng”.

Áp dụng vào đời sống hàng ngày, khi đối mặt với những khó khăn mang tính phức tạp và trừu tượng, chúng ta có thể sử dụng phương pháp này. Nếu bạn không biết phải làm như thế nào để hết cảm thấy cô đơn, thì hãy thử suy ngẫm về những thứ đang làm bạn cô đơn, và hạn chế tiếp xúc hay thực hiện chúng xem.

Nếu ngồi giữa một nhóm bạn nhưng luôn cảm thấy thiếu kết nối, hãy từ từ giảm tần suất giao lưu với họ lại.

Nếu sau giờ làm việc hay những ngày cuối tuần trở nên chán chường, hãy tìm một hoạt động, bộ môn nghệ thuật, thể thao và theo đuổi chúng, nhằm hạn chế ở yên một chỗ.

Nếu các kết nối trên mạng hay mối quan hệ ngoài đời mang đến cảm giác hời hợt, hãy ngừng đầu tư cho chúng.

Và cứ thế, cứ tiếp tục suy ngẫm và phủ định - via negativa.


Via Negativa: Thêm vào bằng cách loại bớt ra

4. Đầu tư vào những mối quan hệ thân mật thật sự

Tiêu đề này có vẻ hơi hiển nhiên quá. Song cho phép tôi diễn giải thêm một chút.

Giáo sư ngành tâm lý học lâm sàng Jordan Peterson trong một buổi chia sẻ về sự cô đơn và tầm quan trọng của các kết nối người với người (Jordan Peterson On Loneliness and The Importance of Human Connections), khuyên chúng ta phải chấp nhận việc có những mối quan hệ chân thật (genuine relationship) là cần thiết, và đầu tư cho những mối quan hệ thân mật (intimate relationship) này không phải là thứ có thể tùy hứng, tùy thích mà làm (is not optional).

Giáo sư Peterson cho biết thêm, rằng chính những mối quan hệ này đảm bảo rằng chúng ta không trở nên lạc lối. Họ sẽ cảnh báo, khuyên nhủ ta khi ta có những hành vi không phù hợp, mang tính phá hoại, và tưởng thưởng, tán thành khi ta có những hành vi tốt, mang tính xây dựng. Từ đây, cảm giác cô đơn của chúng ta sẽ giảm đi, vì một mối quan hệ tương tác - phản hồi ở mức độ thân thiết đã được xây dựng. 

Và hiển nhiên, mối quan hệ thân mật nhất mà chúng ta có thể xây dựng, bên cạnh những người thân và bạn bè, chính là lập một gia đình riêng.

Sẽ có rất rất nhiều vấn đề khi lập gia đình, tôi biết. Nhưng ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta không muốn phải đối mặt với cô đơn một mình, thì một gia đình riêng sẽ cùng chúng ta làm điều đó. Lập gia đình không giống như việc hẹn hò, nó đòi hỏi vô vàn các loại trách nhiệm và gây ra nhiều phiền não, nhưng đằng sau đó phần thưởng sẽ vô cùng xứng đáng.

Việc tôn thờ chủ nghĩa độc thân, theo tôi, chỉ là thứ đánh lạc hướng, như bao thú vui khác tôi đã kể ở trên. Chẳng sớm thì muộn, sự kích thích từ các thứ vật chất ngoại lai lạc thú ấy, kể cho là nhan sắc, tiền tài, vật chất, sẽ hết tác dụng, và những cá nhân đó sẽ kẹt trong chính cái hố mà họ đã đào nên.

Các mối quan hệ thân mật và chân thành, ngược lại, sẽ giúp ta tỉnh táo khi đối mặt với sự cô đơn và từ đó, đưa ra được những hành động đúng đắn.


Những mối quan hệ chân thành và thân mật sẽ giúp đỡ chúng ta rất nhiều khi phải đối mặt với sự cô đơn.
(Nguồn: Acrylic Painting/LDR/Love/Couple - Noel Gabiola Creations)

E. NHỮNG VÌ SAO LẠC LỐI

Tóm đại ý lại, tôi tin cô đơn là một cảm xúc rất tự nhiên, và cần được đối xử một cách “đúng bài”, thay vì cố gắng loại bỏ hoặc đánh lạc hướng. Hiện cuộc chơi trong thời hiện đại đã sinh ra rất nhiều khó khăn so với thời trước, và chúng ta chắc hẳn phải tự mình tìm cách thích nghi, thích ứng và phát triển.

Nói vui thì, tôi cảm thấy chúng ta cứ như những vì sao lạc lối vậy, cứ cố gắng tìm được bầu trời của mình, để mà tỏa sáng, để mà tìm nơi mình thuộc về.


Chẳng phải chúng ta, đều là những vì sao lạc lối, cứ cố gắng thắp sáng màn đêm?

Xin chúc hành trình này của các bạn sẽ có thêm nhiều ý nghĩa và bớt đi phần nào lẻ loi, thứ vốn đã in sâu trong mã gen của chúng ta. Hẹn gặp lại!


♬ “God, tell us the reason youth is wasted on the young

It's hunting season and the lambs are on the run

Searching for meaning

But are we all lost stars, trying to light up the dark?”

Adam Levine, Lost Stars


Tác Giả: Huỳnh Phát

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: facebook.com/Phat.Huynh.97

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,476 lượt xem, 3,299 người xem - 3319 điểm