Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Gia Đình, Bạn Bè Và Những Ngày Chỉ Muốn Một Mình

Vào những năm cấp hai, bạn bè đối với tôi là điều thú vị nhất. Tôi có một đám bạn 4, 5 đứa chơi thân với nhau. Chúng tôi đều là nhũng học sinh giỏi nhất lớp, được thầy cô yêu mến, bạn bè nể phục. Hồi đó, việc có những người bạn và chẳng bao giờ bị bỏ một mình khiến tôi luôn thích thú với việc đến trường. Tôi là đứa được mọi người chú ý nhiều vì là học sinh giỏi nhất nhì lớp, tôi có một hội bạn thân bày đủ trò nghịch ngợm, thế là đủ. Vậy mà trở về nhà tôi lại cảm thấy cô đơn. Mẹ tôi luôn muốn tôi cố gắng hơn nữa, đạt nhiều thành tích tốt hơn nữa. Còn tôi thì luôn khó chịu về những yêu cầu khắt khe của mẹ. Tôi muốn được vui chơi, được thoải mái, được đọc những quyển sách tôi thích. Còn nhớ những ngày lớp 7, một tuần nữa là diễn ra kì thi học sinh giỏi, vừa lúc ấy tôi mượn được của cậu bạn cùng lớp một quyển truyện cổ tích dày hết sảy, tôi vui vô cùng, cắm đầu đọc ngấu nghiến. Tất nhiên mẹ tôi không vừa lòng, nhắc nhở tôi bằng những câu nói mỉa mai. Tôi đâm bực mình và chẳng thèm ôn tập gì, cứ trưng quyển sách ra đọc chọc tức mẹ. Kì thi ấy tôi trượt. Thật lòng mà nói đối với tôi lúc ấy mọi chuyện thật đơn giản cho đến khi thấy mẹ, tiếng thở dài, tiếng quở trách của mẹ khiến tâm trạng tôi nặng trĩu. Thi trượt là không tốt, thi trượt thì phải buồn, thi trượt thì phải biết cố gắng hơn,... Đó là những gì thái độ của mẹ dẫn dắt tôi tới một tâm trạng tồi tệ. Lúc này, tôi chỉ thấy đám bạn của mình là nhất, chúng thật tuyệt vời, chúng thi trượt giống tôi, tôn sùng tôi vì những lần giải toán nhanh nhất lớp, đợi tôi đi học cùng bất kể mưa nắng. Trong mắt đứa nhóc cấp 2 ấy chỉ thấy đám bạn là điều tuyệt vời nhất mà nó có.


Rồi thì cũng đến ngày tôi vào cấp 3. Tôi vốn dĩ lầm lì ít nói, ngại giao tiếp, với đám bạn thân thì nói đủ chuyện trên trời dưới biển nhưng để kết thân với ai đó tôi cần rất nhiều thời gian. Và môi trường mới khiến tôi bị cô lập. Tôi không học cùng đứa bạn hồi cấp 2 nào hết, không còn nỗ lực học như trước, tất nhiên những thứ mới mẻ không thích nghi được khiến tôi chán nản thu mình một góc. Tôi nhìn xung quanh mà ham, ham được có bạn, ham được đi ăn đi chơi, được là thành viên của một hội nào đó, được bạn giữ chỗ cho khi học thêm, được cùng đi với nhau khi tan trường. Nhưng tôi cứ mãi lủi thủi một mình vì sự nhạt nhẽo ít nói của mình, đã vậy học hành chẳng bằng ai, tôi từ một học sinh giỏi nhất lớp thời cấp hai trở thành bét lớp khi lên cấp ba. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy cuộc sống thật sự khó khăn. Tôi hoài nghi về những điều mình có trước đây. Không phải vì tôi tốt, không phải vì muốn chơi với tôi mà vì tôi học giỏi nhất lớp nên đám bạn hồi cấp hai mới thân thiết với tôi sao? Đến bây giờ tôi chẳng có gì hết, nhan sắc không, tài trí không, hài hước không, và đấy mới là con người thật, cuộc sống thật của tôi. Không một người bạn thân, không một sự yêu quý. Hóa ra, tôi đáng ghét đến vậy. Hóa ra, tôi chẳng có gì hết, là một đứa vô dụng nhàm chán. Đã có ngày tối muộn tôi đi học thêm về, quăng sách vở vào một góc rồi ngồi khóc tu tu như một đứa trẻ. Cuộc sống áp lực và mệt mỏi khi bị cô lập khiến tôi muốn làm những chuyện điên rồ. Bố nghe tôi khóc hoảng hốt chạy ra hỏi:”Có chuyện gì thế con? Có gì phải nói cho bố biết bố mới giải quyết được chứ!” Tất nhiên tôi chẳng kể gì, chỉ nói không sao và lặng lẽ tìm một góc khuất. Đấy, tôi nhận ra giá trị của gia đình vào những đêm đen tối như thế đấy. Khi cả thế giới quay lưng lại với tôi thì vẫn luôn có bố mẹ cạnh bên giúp đỡ, lo lắng tới cảm xúc của tôi. Những ngày xe tôi hỏng, giá là ngày xưa đã có thể đi nhờ đám bạn, nhưng giờ đều là bố chở đi. Bất kể việc gì khó khăn, hoặc là tôi tự chống chọi vượt qua, hoặc là bố mẹ giúp đỡ. Thật lòng mà nói tôi muốn trở về hồi cấp hai, ra ngoài xã hội có bạn bè bên cạnh, về nhà được bố mẹ chăm lo yêu thương, dù có áp lực chuyện học hành cũng đều có thể giải quyết được. Lên cấp ba áp lực học hành càng nặng hơn với khối kiến thức khủng khiếp hơn, đã vậy không có bạn bè, khó khăn nhân lên gấp mười, nhưng may sao vẫn có bố mẹ giúp đỡ chăm lo, về nhà cơm nóng canh ngon được dọn sẵn. Ngôi nhà lúc ấy là điều yên bình nhất trong cuộc đời tôi. Tới lớp 12, tôi cũng đã thoải mái hơn, chơi được với nhiều bạn hơn. Cô bạn cùng bàn của tôi tính khí không dễ chịu gì cho lắm nhưng là một cô gái tốt và được bạn bè yêu quý rất nhiều, khóa trên khóa dưới ngay cả những khóa đã ra trường hay chưa vào trường cũng có nhiều người quen biết cô ấy. Ấy vậy mà sau ca mổ ruột thừa, cô bạn nói với tôi giây phút nằm trong phòng mổ bỗng cảm thấy gia đình là quan trọng nhất, những đứa bạn trở nên xa vời và tình cảm nhạt nhòa biết mấy. Ngay cả những đứa bạn thân vai kề vai cũng không còn nghĩa lý gì nữa, chỉ có hình ảnh mẹ hớt hải, bố toát mồ hôi và ông anh trai bế cô chạy xộc vào bệnh viện. Đều là gia đình ở bên lúc khó khăn nhất, đáng sợ nhất, hiểm nghèo nhất. Thật tuyệt vời khi có một gia đình êm ấm. Vậy đấy, cấp ba của tôi trải qua với những dòng suy nghĩ trân trọng gia đình, đặt gia đình lên trên hết như thế đấy.


Sau mười tám năm ở quê nhà, tôi học được nhiều bài học về yêu thương, về những điều quý giá nhất trong cuộc đời. Tôi dần hạ thấp cái tôi của mình, biết giúp đỡ và yêu quý người khác, đặt mình vào địa vị của họ để hành xử. Tất nhiên tôi vẫn còn nhiều những khoảnh khắc không kiểm soát được bản thân, hành xử thô lỗ thiển cận, nhưng phần lớn thời gian đều đã biết nên làm gì để không tổn hại đến người khác và chính mình. Khi cái tôi giảm bớt xuống, những cảm xúc tiêu cực cũng dần được gạt qua, vào đại học tôi không còn gặp nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường mới như ngày trước nữa. Một vài đứa bạn đủ thân thiết để nhờ vả lúc khó khăn, và cô bạn thân hồi cấp ba tuy có ở khác thành phố nhưng vẫn có thể chia sẻ với tôi được nhiều điều. Chỉ là khi bạn có người thương, sự quan tâm chú ý giành cho tôi giảm đi ít nhiều, nhưng tôi vẫn là một người đặc biệt quan trọng không thể thay thế trong cuộc đời cô ấy, và cô bạn đó đối với tôi cũng vậy. Chúng tôi không thường xuyên tán gẫu như nhiều cặp bạn thân khác, nhưng lúc khó khăn vẫn luôn đủ tin tưởng, thấu hiểu và tình cảm để nghĩ đến người kia đầu tiên. Càng lớn tôi càng hiểu rằng cuộc đời mình chỉ cần một người khiến mình phải nói tất cả, khiến mình nghĩ đến đầu tiên lúc bất trắc như thế là đủ. Dù giúp được gì hay không chỉ cần nói ra được và biết rằng mình được lắng nghe là đã nhẹ lòng.


Nhưng rồi cũng có những ngày mưa lất phất buồn như thế. Giữa thành phố ồn ào tấp nập chẳng muốn san sẻ cùng ai nỗi lòng mình, chỉ muốn được một mình suy ngẫm, nằm co ro trong căn phòng không ai khác riêng mình, cảm nhận chút cô đơn yên bình. Với bạn bè, với gia đình, nhận được yêu thương thì phải có trách nhiệm yêu thương mọi người. Nhưng những giây phút ở một mình, cho mình không gian riêng, mới cảm thấy bản thân có thể bỏ qua tất cả, sống chỉ vì mình mà thôi, làm những điều mình muốn mà không cần lo nghĩ đến tình trạng, thái độ của bao người xung quanh. Cảm giác ấy thật dễ chịu biết bao. Tất nhiên, chúng ta sống và luôn cố gắng vì người yêu thương ta, nhưng chính ta cũng là một người yêu thương bản thân mình cơ mà. Vì vậy, nuông chiều bản thân một chút, nuông chiều sự lười biếng của mình một chút cũng đâu có sao. Sống và cố gắng chỉ vì riêng mình mình một vài lần xem sao, điều đó cũng đáng thử lắm chứ. Khi bố đã có mẹ ở bên, khi bạn thân đã có người thương, mình cũng nên cho mình những khoảng thời gian một mình yên bình chứ. Tôi bắt đầu thực hiện những cuộc đi chơi xa một mình. Đối với tôi một mình thật dễ chịu. Muốn làm gì thì làm, thỏa sức với thế giới, với mọi thứ trên đời. Độc lập, tự do thì sẽ hạnh phúc vậy đấy. Để có những tháng ngày như thế, những ngày chỉ cần muốn “đổi gió” là xách balo lên  và đi thôi, thì bản thân tôi hiểu rằng mình cần cố gắng trong công việc, trong những mối quan hệ hơn nữa. Cố gắng trong công việc để tự do tài chính, cố gắng trong những mối quan hệ để sống biết yêu thương, yêu mình, yêu người hơn nữa, để đi đến đâu cũng có những người, những nơi chờ mình quay về.



Có một câu nói tôi cảm thấy vô cùng đúng, “Muốn hạnh phúc bao nhiêu phải đau khổ bấy nhiêu”.Cuộc đời vốn công bằng như thế, có những phút thăng trầm rút cạn sức lực của con người, có những ngày nhận ra điều bản thân coi là giá trị trước đây bỗng trở nên vô nghĩa. Vì chúng ta là con người, nên mọi cảm xúc đều được trải nghiệm, đâu như con robot, hết pin là chẳng còn gì. Vậy nên, gia đình hay bạn bè hay một mình đi chăng nữa, khoảnh khắc nào cũng là đáng giá, khoảnh khắc nào cũng cho ta những kinh nghiệm và bài học. Chỉ cần sống cho chân thành, sống biết yêu thương, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. 




Tác Giả: Trần Thoại Mỹ
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tranthoaimy106

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

923 lượt xem, 888 người xem - 888 điểm

lh-fulllh-x