Hồ Tấn Đạt@Triết Học Tuổi Trẻ
năm ngoái
Giá Trị Của Cái Chết
Hồi mình còn học lớp Một, có một lần đang đợi xe đò để về lại thành phố sau khi dự đám tang đau buồn của bà nội, mình mới chợt hỏi mẹ rằng: “Sao con người lại chết vậy mẹ?”. Ở thời điểm đó, mình chưa hiểu được sự đau buồn và mất mát của ai đó khi họ chết đi. Nên nhằm giải thích một cách đơn giản nhất cho một đứa trẻ sáu tuổi, lúc ấy, mẹ có kể cho mình nghe về sự tích bất tử của con rắn. Câu chuyện là vầy!
Khi xưa, Thượng Đế phái đại thần xuống trần gian đọc bố cáo thiên hạ về quy luật sinh tồn của giống loài. Trong đó, đáng chú ý nhất là loài người, vì đây là giống loài đặc biệt nên họ được Thượng Đế ưu ái, ban cho sự bất tử chỉ bằng cách lột da. Nhưng không may thay, đại thần tuổi cao mắt kém nên nhìn nhầm bố cáo của Thượng Đế, thành ra ông lại lộn loài người với giống loài khác ở hàng trên, đó là loài rắn. Dù thấy có điều không đúng nhưng ông vẫn tuyên bố rằng: “Loài rắn sẽ được bất tử nhờ lột da, còn loài người khi đến tuổi sẽ già yếu rồi chết đi!”. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện hư cấu do người xưa truyền tai nhau kể lại. Nhưng vấn đề là khi đó, mình khá là cay cú cái kết của câu chuyện về việc con người không thể nào bất tử được! Và đó cũng là ấn tượng không nhỏ đầu tiên của mình đối với khái niệm được gọi là “CÁI CHẾT”.
Song, đỉnh điểm là vào khoảng đầu năm lớp Hai, hôm đó mình học trên lớp bình thường như bao ngày khác. Nhưng khi gần đến giờ về, Giáo viên Chủ nhiệm có kể cho lớp nghe về vòng đời sinh học của con người, thì cơ bản đó là Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Chuyện không có gì để nói cho đến khi mình được nghe cô miêu tả về chữ thứ tư trong vòng đời ấy, đúng rồi, đó là chữ “Tử”. Mình còn nhớ rất rõ rằng, cô bảo con người chúng ta sau khi chết đi sẽ được đem chôn cất ở trong quan tài rồi đem chôn. Sau đó một thời gian, cơ thể chúng ta sẽ bị phân hủy và bị những con dòi bọ ở dưới đất ăn, cho đến khi ta chỉ còn bộ xương rồi trở về với cát bụi mà thôi!
Nếu là chúng ta, có lẽ sau khi nghe điều đó xong thì cảm thấy rất bình thường vì đây là chuyện tất nhiên trong đời người. Nhưng riêng đối với một đứa trẻ chỉ có sáu, bảy tuổi như mình hồi đó thì đây lại là một câu chuyện đầy ám ảnh suốt một khoảng thời gian khá dài. Sau khi nghe cô kể xong, chiều tối đó về mình cứ bứt rứt trong lòng vì cứ sợ sệt rằng một ngày nào đó bản thân mình sẽ không còn tồn tại trên cõi đời này nữa! Đến gần giờ cơm, mình mới khóc một trận thật to với ba mẹ rồi kể lại chuyện hồi chiều vừa nãy, rồi ba mẹ cũng an ủi bảo mình những câu đại loại như là “Không sao đâu, mai mốt con sẽ sống thọ lắm…!”. Tuy nghe ba mẹ an ủi vậy thôi, nhưng trong một vài năm sau đó, câu chuyện về cái chết ấy vẫn cứ dai dẳng “bám” vào tâm trí mình. Đến nỗi, mỗi lần đi chùa hay cúng bái Phật, mình liên tục cầu xin họ rằng làm cho gia đình sống mãi mãi, đổi lại mình sẽ giúp đỡ nhiều người để đền đáp lại chuyện đó!
Thực ra, trước giờ có không ít những câu chuyện ngụ ngôn / cổ tích làm nổi bật lên những nét đẹp của con người, trong đó không thể thiếu cái chết. Tuy vậy, có lẽ trong thâm tâm chúng ta vẫn còn sợ sệt chúng khá nhiều. Chúng ta sợ rằng bản thân mình còn những điều dang dở chưa làm được và sẽ không bao giờ làm được nữa; cũng có thể chúng ta sợ rằng nếu bất chợt không còn sống trên đời này nữa thì những trách nhiệm, bổn phận mà ta đang đảm nhận cũng sẽ kết thúc; và sợ rằng sẽ không được ăn bữa cơm mẹ nấu, không còn được nghe ba la rầy nữa;… hoặc chỉ đơn giản là chúng ta sợ cái chết!
Nhưng tại sao mình lại đi ngược lại hết những điều trên mà lại cho rằng chúng ta không còn sống và tồn tại trên cõi đời này nữa lại là một nét đẹp đáng trân quý? Tất nhiên, mình không cổ xúy cho vấn nạn tự tử, hay cho bất kì hành vi nào cố tình tước đi sinh mạng của bản thân bất cứ ai. Điều mình muốn nói đó là cái chết chỉ ĐẸP khi chúng ta thực sự thấy nó như là một cái kết viên mãn, thanh thản của đời người; và là điểm dừng chân cuối cùng của trong cuộc sống ý nghĩa này! Bên cạnh đó, mình nhớ rằng trong Phật Giáo điều này được gọi là cảnh giới Niết bàn, là cảnh giới mà tâm con người đã đạt đến thanh tịnh và không còn vướng bận điều gì, cũng như đã dứt bỏ đi hết được mọi sự phiền não.
Quay lại vấn đề, câu hỏi này lại làm mình nhớ đến bài “Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập” trong Triết học, nội dung chính của học đó nôm na là các mặt đối lập thường sẽ vừa có sự thống nhất và vừa có sự đấu tranh lẫn nhau. Cụ thể hơn, chúng ta phải có đấu tranh thì mới phát triển được, hay rộng ra ta có thể hiểu là mặt xấu phải tồn tại thì chúng ta mới biết quý trọng mặt tốt. Đây chính là vấn đề mà chúng ta thường vô tình bỏ qua. Vì phải có CÁI CHẾT thì chúng ta mới biết quý trọng SỰ SỐNG! Đến đây lại làm mình nhớ đến câu nói của phản diện điện ảnh nổi tiếng, đó là Joker. Hắn ta có câu thế này: “Khi không còn những thằng như tao! Ai sẽ cần đến mày chứ người hùng?”. Đây là câu mà gã hề Joker xỉa xói và nhắm thẳng vào người hùng đang bảo vệ cho công lý là Batman. Thành ra, mình muốn mượn câu này để chia sẻ với mọi người rằng, nhờ có những khái niệm trái ngược nhau nên chúng mới bổ sung cho nhau và “làm đẹp” lẫn nhau. Hay gần gũi hơn trong cuộc sống, dễ thấy là chúng ta phải cực khổ đi làm thì ta mới biết và hiểu được giá trị hạnh phúc của đồng tiền. Vì vậy, chính vì cuộc đời là hữu hạn, chính vì cái chết là điểm dừng chân cuối cùng, chúng ta mới thấu được cuộc sống này tươi đẹp biết bao nhiêu!
Ngoài ra, trong bộ phim điện ảnh “Thanh gươm Diệt quỷ - Chuyến tàu vô tận”, nhân vật Rengoku cũng có nói rằng: “Già yếu và chết đi chính là vẻ đẹp của kiếp phù du đời người. Chính vì tuổi thọ hữu hạn nên chúng ta mới thấy cuộc đời đẹp đẽ và đáng trân trọng”. Và quả thật, sự hy sinh của anh trong trận chiến cuối cùng với con quỷ Thượng Huyền Tam Akaza đã khiến nhiều khán giả phải rơi lệ, vì anh có một lí tưởng sống quá cao đẹp. Nó cao đẹp đến nỗi dù đang bị thất thế trong trận chiến, nhưng Rengoku vẫn chấp nhận ra đòn kết liễu cuối cùng và hy sinh bản thân mình với hình hài là một con người, dù anh biết rõ tỉ lệ thắng của mình gần như bằng không. Thay vì là anh từ bỏ tất cả mọi lý tưởng, mục đích sống để biến thành một con quỷ bất tử, sống trường tồn với thời gian.
Qua những điều trên, một lần nữa mình vẫn hỏi lại rằng: “Mọi người có sợ chết không?”, mình nghĩ rằng câu trả lời phần lớn vẫn sẽ là “Có”. Có lẽ, lí do là vì nó mang một sắc thái hơi tiêu cực; và quan trọng hơn cả như mình đã nói, đó là sự kết thúc. Giống như chúng ta hay nói miệng với nhau rằng “Chết là hết” vậy. Nhưng chúng ta cùng thử ngẫm nghĩ lại xem, có phải phải có kết thúc thì hành trình mọi người đi mới thực sự ý nghĩa đúng không? Một vận động viên điền kinh chỉ thắng cuộc khi anh ta đã chạy về đích và kết thúc xong đường chạy của mình. Kỷ lục chỉ được xác lập khi chúng ta đã hoàn thành thử thách của bản thân.
Hơn thế nữa, các bạn có nhớ tựa game nổi tiếng đình đám Subway Surfers không? Cách chơi và cốt truyện của nó cực kì đơn giản. Đó là chúng ta hóa thân thành một nghệ sĩ Graffiti và thử thách vẽ tranh lên xe điện ngầm bằng sơn xịt, nhưng không may lại bị ông bảo vệ phát hiện rồi đuổi theo. Mục đích của game chỉ đơn giản là giúp nhân vật đó chạy thoát khỏi ông bảo vệ, vượt qua chướng ngại vật trên đường chạy và xác lập kỉ lục của quãng đường dài nhất có thể. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của game này là chúng ta KHÔNG BAO GIỜ THẮNG, tất nhiên đây không phải là mục đích chơi game của người chơi. Vì thứ thực sự cuốn hút người chơi chính là cái số điểm kỉ lục họ đạt được khi họ chạy và chạy được bao xa mà không đụng trúng chướng ngại vật. Thành ra, mình cũng hay nói đùa là, những game vượt chướng ngại vật tương tự giống vậy, thường chúng ta chỉ THẮNG khi chúng ta THUA.
Nên là, khi chúng ta đã nằm xuống rồi, ai cũng đều mong rằng quãng đời ta vừa trải qua nó thực sự ý nghĩa, không có gì là hối tiếc. Cái chết cũng như những kỉ lục vậy, nó ghi dấu lại những khoảnh khắc chúng ta từng bùng cháy, từng tỏa sáng hay cả những khoảnh khắc chúng ta từng hạnh phúc nhất, “vĩ đại” nhất trong cuộc đời. Song, có thể lần chọn chủ đề này sẽ khiến mình có suy nghĩ như một ông cụ non và hơi lo xa. Nhưng mà mình nghĩ hoàn toàn ngược lại. Vì chính nhờ mình hiểu rõ được sự kết thúc ấy, nên mình mới càng trân trọng hơn từng giây từng phút mà bản thân sống trên cõi đời này; và sẽ không hối tiếc bất cứ một điều gì. Để một lúc nào đó, sau khi đã đến trạm dừng chân cuối cùng của cuộc đời, mình sẽ nở một nụ cười thật tươi và hạnh phúc đón nhận nó… vì những gì đã qua!
Tác Giả: Hồ Tấn Đạt
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tandatjd5
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
284 lượt xem, 230 người xem - 250 điểm