Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Giáo Dục Phổ Thông Có Đáng Bị Chán Ghét?

“Không hiểu tao đã sống sót qua ba năm cấp ba như thế nào?”

Không khó để bắt gặp dòng caption này trên Facebook, đi kèm là một bài toán hình học không gian, phía dưới là lượt comment siêu khủng. Nhờ đôi dòng comment viết vội, ai nấy tất tả xả hết nỗi lòng uể oải, pha chút ngậm ngùi đắng cay về một nền giáo dục từ chương, càng sửa càng sai, họa chăng đập đi xây lại mới thỏa. Bất giác lòng kẻ sĩ chợt băn khoăn: “Liệu nó có đáng bị ruồng rẫy đến thế?”

Nhân tiện, mình không phải Einstein, Lương Văn Can hay Nguyễn Trường Tộ. Kẻ này cốt chỉ là một đứa trẻ đủ hình hài tay chân, may mắn đậu lớp chuyên Anh của một trường chuyên ở Bình Thuận nắng gió, top 5 điểm THPT Quốc gia cao nhất tỉnh, duyên trời đưa đẩy thành thủ khoa một trường đại học dân lập. So với dàn siêu sao học thuật đình đám, mình đây vốn phận tép tôm. Mình liệt kê thành tích chỉ để chứng minh bản thân chẳng phải kiểu người bất cần đời, nổi loạn, biếng học; mình đã nằm gai nếm mật với nền giáo dục này nên ít nhiều cũng thấm thía những lý lẽ của nó. Giáo dục phổ thông nước ta thua xa thế giới nhiều lắm, nhưng không đồng nghĩa mọi giá trị của nó đáng bị phủ định sạch trơn.

Sau hồi lan man, tới phần trọng điểm: giá trị của nền giáo dục phổ thông. Bạn đã sẵn sàng đón nhận luồng quan điểm trái khoáy nghịch nhĩ chưa? Chưa thì cứ ung dung tĩnh tại gập màn hình lại, ra ngoài tận hưởng một ly trà sữa trân châu full topping nhé!


1. Nó cho mình ý chí chiến đấu

Hồi kiểm tra Hóa 1 tiết lớp 10, mình phải xào đi nấu lại lý thuyết halogen, oxy, lưu huỳnh; giải bài tập nồng độ mol,số khối; ôn xong bài học thêm, lại phải cày sách tham khảo. Đi học ai chả muốn điểm cao, mình cũng thế, điểm số là trên hết, điểm cao trước đi rồi nói chuyện. Kết quả bài đó trên 9, mình vui, giáo viên chủ nhiệm vui, giáo viên dạy thêm cũng vui nốt, bạn bè có vui không thì không biết. Dù học vì điểm số có thực dụng thì việc ý chí được tôi luyện là điều không thể chối cãi. Giờ đây sinh viên chỉ vì vài cái deadline nhỏ nhoi mà oán trời, thán phật, trách người bất công. Ngày xưa áp lực ná thở hơn nhiều mà.

So sánh ngày xưa với ngày nay có hơi khập khiễng, bởi áp lực đại học một trời một vực với thời áo trắng, nhưng chính những lần khổ ải cày cuốc ngày xưa đó mới giúp ta thích nghi, vững vàng trong giông bão. Nếu quá khứ chơi bời lêu lổng, giờ kiểm tra chỉ biết nhờ sức bè bạn thì hôm nay sao có thể dai sức chạy deadline, làm project, xử đồ án, nói chi tới sau này dấn thân vào chốn thị trường lao động nghiệt ngã.


2. Nó giúp mình làm điều mình không thích

Chọn lấy công việc mình yêu thích và như vậy bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời.” Phũ phàng thay, câu slogan này của Khổng Tử đã khiến ta thích mới nhích, chán nản là vứt ngang. Nhưng cảm giác thích nào có tồn tại mãi. Đang nồng cháy làm sales, nhỡ nhuệ khí mất thì sẽ dứt áo ra đi ư? Không có đúng sai ở đây, chỉ ngại tính bạn sáng nắng chiều mưa, trưa trời giông tố thì phải nhảy việc đến bao giờ? Hết cơn bĩ cực, tới hồi thái lai, kinh qua áp lực ngàn cân thì cơ đồ mới bay cao như diều gặp gió. Địa cầu hơn 7 tỷ người, tại sao chỉ số ít trở thành tinh hoa? Bởi các tinh hoa ấy đã oằn mình vượt qua được thời khắc mà phần còn lại của thế giới không thể vượt qua, như Sếp Sơn Tùng MTP đã tuyên bố: “Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được phải chịu những cảm giác không ai chịu được.”

  Nguồn ảnh: Zing.vn

Muốn làm điều mình thích trước tiên hãy tập làm những việc mình không thích. Để theo đuổi chuyên ngành thì cũng phải gắng gượng bơi qua 12 năm ròng rã, dù đôi lúc đuối nước hấp hối. Mọi điều vĩ đại nhất đều được xây nên bởi những con người chán nản nhưng vẫn tiếp tục lao động. Thứ không thích mà còn xuất sắc chinh phục thì đam mê sau này có khó gì.



3. Nó khai sáng kiến thức tổng quan

“Bộ óc con người ban đầu như một gian phòng rỗng, ta sẽ phải xếp vào đấy những đồ đạc ta thích. Kẻ ngu ngốc chồng chất vào đó đủ mọi thứ linh tinh đến nỗi các tri thức có thể giúp ích cho hắn bị đè bẹp dưới một đống tri thức khác, đến nỗi khi cần, hắn khó mà lôi ra sử dụng được. Trái lại, người thợ lành nghề chọn lọc hết sức cẩn thận những thứ xếp vào trong gian phòng ấy."

Nguồn ảnh: RadioToday.Net

Từ câu nói không rõ đúng sai này của Sherlock Holmes, ai nấy đều cho rằng chỉ nên học kiến thức sát chuyên ngành, thứ khác thì phớt lờ lướt qua. Lỡ mai này bạn cần hiểu biết bên lề để làm chuyên môn thì sao? Tích phân sẽ giúp nông dân tính diện tích thửa đất, toán học mệnh đề lại giúp nhà báo biên soạn phóng sự mạch lạc, chút vốn liếng sử học không chừng giúp marketer khởi xuất một chiến dịch văn hóa chất lừ. Phàm mọi vật trên đời đều nằm trong quy luật biện chứng, tức muôn sự liên hệ, tác động qua lại và ràng buộc lẫn nhau.

Vậy biết căn bản được rồi, cần chi chuyên sâu? Toán chỉ cần cộng trừ nhân chia, sao phải sin, cos, tan, đạo hàm, logarit? Thế có ai yêu sâu đậm khi chưa tỏ tường đối phương, nếu không phải mù quáng? Phải lĩnh hội “tinh túy tiềm tàng” của môn học để biết bản thân có hợp với nó hay không. Kém duyên với môn nào thì hạn chế chọn ngành có nó làm chủ đạo. Dở toán thì đừng chọn sư phạm toán, kỹ thuật, dở Hóa thì tránh dược, y. Dĩ nhiên có thể nghĩ tích cực “không gì là không thể, tuổi trẻ sao phải ngại dấn thân”, nhưng tuổi trẻ cũng ngắn lắm, bỏ được gì phiền hà thì bỏ, thứ mình giỏi còn chưa đủ thời gian làm, lấy đâu tâm tư đeo đuổi điều cao xa.



4. Nó giúp mình sống trách nhiệm

Như bao bè bạn, mình đi học thêm rất nhiều vì khả năng tự học yếu. Mình cũng tiêu pha ăn uống cực kỳ nhiều, ăn tới mức tụi con gái còn phát sợ. Cũng tiếc tiền và áy náy với ba mẹ lắm nhưng mồm miệng cứ giục ăn suốt. Cái khó ló cái khôn, cái khôn sản sinh diệu kế, mình tiết kiệm bằng cách...học. Học thêm xong về nhà liền ôn ngày ôn đêm để nắm chắc, ít ra tiền tiêu không uổng. Một đứa bạn biết chuyện đó thì nói: “Biết nghĩ vậy là tốt.” Không phải mình tự chuốc khổ hay bị bệnh thành tích gì, đó là lòng tự trọng và trách nhiệm của một người con. Nhận tiền của cha mẹ thì phải biết mang ơn và báo đáp. Có vay có trả, đạo lý muôn đời.


5. Nó cho mình nếm mùi kỷ luật nghiêm minh

Đời học sinh “tươi đẹp” mãi không quên vì quậy phá ngồi phòng giám thị, nắm tóc hành bạn bị cô đánh mòn thước, nhuộm tóc bị kiểm điểm trụ cờ, đập đồ bị hạ hạnh kiểm. Đó là kỷ luật, là bàn đạp để mai này giúp ta tuân thủ nội quy công ty, quy định pháp luật, từ đó kiến tạo một xã hội văn minh và một dân tộc cốt cách.

Nguồn: MotivationHub (Youtube)

Những nước phương Tây tự do cũng có một số trường hạn chế lần đi vệ sinh, cấm xung phong, cấm túc, thậm chí một số bang ở Mỹ như Texas, Alabama, Georgia còn dùng Corporal Punishment, nói văn hoa là trừng phạt thân thể, nói thẳng là roi vọt, nói hoạch toẹt là đánh đòn. Con người cứ đâu phải có tự do là muốn làm gì cũng được. Nhiều người mộng mơ áp dụng tự do kiểu Tây mà chưa nghiên cứu thấu đáo. Chỉ biết dung nạp tự do ngôn luận để chì chiết thẳng mặt, xuất khẩu cuồng ngôn, mạo phạm bất kính. Lại còn khăng khăng mỗi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nghĩ mà buồn, ngẫm mà đau.



6. Nó răn mình sống vì mọi người

Khi hòa trong lớp học, bạn có người quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn; đổi lại bạn làm gì cũng phải nghĩ cho tập thể. Đừng hiểu lầm đây là làm hài lòng số đông. Bạn hướng nội, thích học đàn, táy máy côn trùng cũng chẳng ai cấm. Nhưng xin bạn trước khi gây chuyện “động trời” thì hãy nghĩ đến mọi người dù chỉ một chút thôi. Khi xưa lớp mình có bạn mất trật tự, tiết học bị giờ B, lớp tụt hạng thi đua xuống top cuối, phải dọn rác sân trường. Những người vô can có tội tình gì đâu mà phải chịu phạt? Cái câu “mọi người vì một người” hay “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã xưa lắm rồi. Đây là thời đại tự làm tự chịu.


 7. Nó dạy mình tôn trọng cảm xúc của... tập thể

Đây là điều xa xỉ khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi. Mình ngộ được điều này mỗi lần phát ngôn hồn nhiên tuổi thần tiên, đại loại như tại sao 1+1 lại bằng 2, và bị chê cười. Cảm xúc cần được tôn trọng, dù là của số đông, đừng cứ mãi bắt đám đông chỉ tôn trọng cảm xúc của mình. Thấy câu nói thiếu muối củ chuối thì tập thể có quyền cười chứ.


8. Nó nhắc mình không được hời hợt

Một bài kiểm tra không thể đánh giá hết năng lực, nhưng đâu có nghĩa mình được quyền qua loa. Nhiều người bị điểm liệt thì thanh minh: “Chị biết làm mà có điều quên học công thức, mấy đứa kia đâu hơn gì chị, tại tụi nó ôn kỹ thôi.” Chị có thể không phục nhưng liệt thì vẫn liệt, ẩu tả vẫn hoàn ẩu tả. Đừng vin vào câu nói nổi tiếng của hiệu trưởng Singapore: “Ổn thôi mà, đó cũng chỉ là kỳ thi, con được sinh ra cho những điều lớn lao hơn thế.” Một bài kiểm tra nhỏ nhoi còn hời hợt thì ai dám chắc chị sẽ nghiêm túc với ước mơ mai này. Ai bất tín trong việc nhỏ cũng bất tín trong việc lớn. Học bò chưa xong lấy gì học chạy.

Nguồn ảnh: Tuấn Biệt thự biển

9. Nó rèn cho mình làm việc độc lập

Xã hội thời nay chú trọng làm việc nhóm. Thực tế có nhóm là bình phong che chắn cho sự ù lì và lười nhác của vài thành viên; có nhóm mọi người đồng lòng rất tốt nhưng kết quả lại rất tiếc. Một team xuất sắc phải cấu thành bởi những con người xuất sắc, muốn xuất sắc phải tự rèn luyện. Làm việc nhóm chỉ giúp cọ xát, học hỏi, nhận ra sai sót; sau đó ta có nâng tầm được bản thân hay không phụ thuộc vào việc độc lập học tập. Khi làm dự án chung mà biết mình yếu thiết kế, lúc về nhà chẳng tự mày mò Photoshop hay Illustrator thì cũng thua. Muốn tự rèn luyện phải xây dựng ý thức tự rèn luyện. Còn nơi nào tốt hơn để xây dựng ngoài môi trường giáo dục phổ thông, nơi mỗi người phải một tay cân hết các môn học và bài kiểm tra?

Vào tập cuối của Tây Du Ký, sau bị rùa hất xuống sông, thầy trò Đường Tăng thoát vào bờ rồi đem bộ kinh ướt sũng ra phơi. Bát Giới không khéo làm rách một mẩu kinh. Đường Tăng não nề: “Này thì kinh thư đâu còn toàn vẹn nữa.” Ngộ Không an ủi: “Không sao sự phụ, trời đất vốn không toàn vẹn, kinh thư không toàn vẹn cũng là lẽ đương nhiên thôi ạ!” Không gì là thập toàn thập mỹ. Hãy mở lòng một tí để tìm ra chất ngọc trong mọi sự không hoàn hảo, có vậy ta mới biết nền giáo dục bất toàn này cũng chẳng đáng bị ghét oan.


Tác Giả: Võ Đức Duy, Trường Đại học Công nghệ TPHCM 
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/voducduyabc

  --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng củaYBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,124 lượt xem, 1,093 người xem - 1095 điểm