Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Giao Tiếp Với Loài Người Có Thực Sự Đáng Sợ Với Bạn?

Tôi đã từng bị hỏi rất nhiều lần từ khi đi học đến cả lúc đi làm những câu hỏi đại lại như thế này:

“Sôi nổi lên!”

“Tại sao lại im lặng thế?”

“Sao không nói chuyện với mọi người?”

 “Mày phải hoà đồng lên!”

Những câu nói vô tình của mọi người xung quanh mang tính chất đóng góp giúp tốt lên, lại tạo áp lực rất lớn đối với tôi. Tôi đã lớn lên với suy nghĩ mình cần phải thay đổi, một cách hoàn toàn bị động theo những lời góp ý của những người xung quanh như vậy.



Thử thay đổi bản thân để hoà nhập với đám đông?

Những năm sinh viên, tôi đã thử thay đổi bản thân “tốt lên” bằng cách tham gia các câu lạc bộ của trường. Còn môi trường nào tốt hơn cho sự náo nhiệt, sôi nôi và tự tin giao tiếp như đội tình nguyện. Bởi thế tôi không chần chờ gì đăng kí ngay đội tình nguyện - đây chắc chắn là nơi tôi có thể học được từ mọi người và biến tôi “trở thành một người giao tiếp rộng” như tôi mong muốn.

Nhưng thực tế đáng buồn là sau 1, 2 buổi tham gia họp đội thì không ai còn thấy tôi có mặt nữa, có thể mọi người còn không nhớ đã có thành viên là tôi.



Các buổi họp đội, nhóm quá đông người với tôi. Tiếng ồn ào, cười nói của các cuộc nói chuyện khiến tôi thực sự quá tải, tôi cảm thấy khá lạc lõng.

Nó giống như mình phải đeo mặt nạ khác vậy tốn rất nhiều năng lượng để duy trì. Bạn cố nán lại lâu bao nhiêu thì pin càng giảm bấy nhiêu. Đến lúc về 1% thì bắt đầu có tình trạng đơ và lag chỉ chờ sập nguồn. Và nếu bạn không cắm sạc pin kịp lúc mà để bản thân sập nguồn thì chúc mừng bạn, bạn cần rất nhiều thời gian để sác mới lên lại nguồn.

 

Hiểu rõ bản thân mình?

Đến sau này khi tôi đủ trưởng thành và bắt đầu hiểu rõ về bản thân mình. Tôi có cái nhìn khái quát hơn, rằng các tình huống tôi gặp, trạng thái của tôi là hoàn toàn bình thường. Đơn giản bởi tôi là một người hướng nội (introvert) có những nhóm tính cách khác với nhóm hướng ngoại (extrovert).  

Những người hướng ngoại lấy năng lượng từ môi trường bên ngoài, vì vậy biểu hiện của họ là năng động và cần tiếp xúc với xã hội để nạp pin cho bản thân. Còn năng lượng của người hướng nội lại ở bên trong, biểu hiện là thích yên tĩnh và thích ở một mình,  họ có khả năng tự tạo ra pin cho bản thân. Việc đó giải thích cho câu chuyện thời sinh viên tại sao mà tôi lại cảm thấy mất quá nhiều pin khi tham gia các câu lạc bộ như vậy.




Biểu hiện của người hướng nội

Người hướng nội được đánh giá là “khó để tiếp cận” nhưng khi họ mở lòng với ai thì sẽ rất chân thật. Họ sẽ sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của bạn trên cương vị khách quan không áp đặt cái tôi vào.

 

Họ không thích nhờ vả và luôn sợ làm phiền người khác khi nhờ người xung quanh. Trên căn bản, họ luôn hiểu rõ bản thân mình cần gì hơn bất kỳ ai. Do đó, sự giúp đỡ của những người xung quanh đôi khi khiến họ cảm thấy đôi chút khó chịu.

 

Điểm mạnh của người hướng nội là tư duy logic, do đó những công việc như viết lách, nghệ thuật, sáng tác… là thế mạnh, hoặc có thể xem là bản năng trời phú. Họ phát huy khả năng bản thân tốt nhất trong môi trường yên tĩnh và một mình.

 

Nhưng nếu được yêu cầu làm việc nhóm, thì họ cũng sẽ không từ chối. Họ có thể học theo kỹ năng của người hướng ngoại rất nhanh. Và nếu có sự chuẩn bị trước kĩ lưỡng trước, họ có thể hoàn toàn như một người hướng ngoài vậy.

 

Không khó hiểu khi những người hướng nội là người thích quan sát những chi tiết nhỏ. Và có khả năng tự học rất tốt, họ cảm thấy học tốt hơn khi tự tổng hợp và sắp xếp theo cách của bản thân.



Sự ưu ái cho nhóm “Hướng ngoại”

Cả quãng thời gian học sinh tôi được giáo viên nhận xét là  “học sinh ngoan, rụt rè, cần sôi nổi hơn”.

Đây là một thực tế ở xã hội khi mà mọi người đặt thước đo chuẩn là người hướng ngoại – luôn hoạt ngôn, năng động, dễ hoà đồng để áp chung cho người hướng nội. Nó như việc bắt cá phải bay vậy!

Kể cả trong tuyển dụng, cụm từ “Hướng nội” khiến cho các doanh nghiệp e dè khi tuyển dụng nhân sự. Nhiều người có cái nhìn sai lệch về người hướng nội rằng họ nhút nhát, ít nói, không đóng góp.



Hay chính những bạn sinh viên cũng có cái nhìn sai về bản thân mình. Quan điểm một số ngành nghề đặc trưng chỉ hợp với hướng ngoại. Tôi có thể ví dụ điển hình là nghề bán hàng – 1 ngành có mức thu nhập rất cao hiện nay. Tại sao ư? Khi phỏng vấn các em luôn nghĩ công việc ý đòi hỏi người bán hàng phải hoạt ngôn cũng như sự tự tin tiếp xúc với khách hàng và cảm thấy mình hướng nội không phù hợp. Đây là lý do vì sao các bạn hướng nội thường rất hay tránh chọn nghề bán hàng.

 

Nhưng tôi có thể khẳng định với bạn nhân viên bán hàng giỏi lại hoàn toàn là người hướng nội. Bạn biết tại sao không? Có 1 công thức trong bán hàng là nếu bạn để khách hàng nói 90% và người bán tư vấn 10% thì chắc chắn bạn đã thành công. Vì thế mà người hướng nội luôn là nhân viên bán hàng giỏi nhất. Họ có khả năng lắng nghe khách hàng muốn gì? Họ giỏi trong việc thấu hiểu khách hàng cần gì và được xoa dịu ở đâu để tư vấn sản phẩm phù hợp với khách hàng, họ đặt lợi ích khách hàng lên trên và bán thứ khách hàng muốn.

 

Mong rằng những quan điểm cổ hủ thích phán xét người hướng nội hay đề cao người có xu hướng ngoại sẽ dần được mọi người định nghĩa lại. Người hướng nội có rất nhiều đặc điểm khiến người hướng ngoại phải học hỏi như: Suy nghĩ kĩ trước khi nói, lắng nghe nhiều hơn thay vì nói, có những mối quan hệ sâu sắc thay vì những mối quan hệ xã giao ồn ào…



Làm chủ sự cân bằng

 

Không thể phủ nhận việc nếu giữ tính cách hướng nội chúng ta sẽ có khá nhiều bất lợi trong cuộc sống. Bạn sẽ không muốn bỏ lỡ những cơ hội thăng tiến trong công việc, hay những cột mốc quan trọng của gia đình và bạn bè vì sợ đám đông.

 

Một người hượng nội hoàn toàn có thể học được những kĩ năng như người hướng ngoại. Bởi kĩ năng là thứ  ta có thể trau dồi và học được từ người xung quanh. Chỉ có điều là bạn có nhận thức được mình cần phải thay đổi để học hay không thôi.

 

Chúng ta đều có vòng tròn an toàn của bản thân mình đó là giới hạn mà bạn ý thức được giúp cho bản thân tránh khỏi những sự khó chịu hay gây tổn thương mình từ phía bên ngoài tác động. Một số người dùng vòng tròn an toàn đấy để từ chối thay đổi bản thân.

 

Một số người dùng vòng tròn ý để thử thách bản thân. Cải thiện bản thân mình trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình. Bằng cách đối mặt với những thứ mình sợ và tập chinh phục nó.




Sự lựa chọn hoàn toàn là do bạn quyết định, chỉ cần bạn nghiêm túc, cố gắng vượt qua trở ngại tâm lý để đạt được mục tiêu và lý tưởng của mình, sẽ tốt hơn rất nhiều việc bạn đổ lỗi do bản tính của mình mà rũ bỏ sự cố gắng.

 

Bản thân tôi cũng đang chinh phục vòng tròn an toàn của mình từng ngày một. Bạn cũng biết người hướng nội thường suy nghĩ rất nhiều nhưng hiếm khi chia sẻ quan điểm của bản thân với người khác. Khiến nhiều lúc thường bị đánh giá là không có quản điểm cá nhân. Đây có lẽ là thử thách khá lớn với người hướng nội khi chia sẻ suy nghĩ của bản thân dài quá 1 dòng về một vấn đề gì đó.

 

Nếu bạn có tìm thấy mình ở đâu đó trong câu chuyện của tôi,

và bạn muốn chia sẻ về câu chuyện hướng nội của bạn thì tôi rất hào hứng để nghe.


Tác Giả: HaHa, Illustrator

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ha.thanh.93 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do

Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên

tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết

trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,925 lượt xem, 2,891 người xem - 2967 điểm