Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Giới Trẻ Chúng Ta Vì Sao Đang Trở Nên "Ăn Diện" Hơn?

Hết hạn

Sự tiến bộ không ngừng của ngành thời trang, mĩ phẩm và chăm sóc sắc đẹp. Con người dần tăng thời gian và tiền bạc bỏ ra cho vẻ bề ngoài. Con người đang trở nên thiếu tự tin và mặc cảm về chính bề ngoài của họ, và như luôn tìm kiếm điều gì đó…Chúng ta có đang trở nên quan tâm nhiều hơn tới trang phục và bề ngoài không?

Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nói về các nguyên nhân khiến chúng ta đang trở nên "ăn diện" hơn

Bàn một chút về trang phục, với một chút quan điểm cá nhân mang tính hạn hẹp, nhỏ gọn của các thế hệ đi trước, ta chỉ nhìn nhận nó là một công cụ để che chắn thân thể, thay cho việc ăn ở lông lá kiểu thời tiền sử. Điều đó đồng nghĩa với việc, mặc chỉ là phụ, và mục đích ăn mặc của mọi người là giống nhau, nên sự phân biệt là không tồn tại. Nhưng nếu bây giờ chúng ta nói vậy thì rõ ràng là sai. Thử hỏi xem, có chắc rằng bạn có thể mặc-bất-kì loại trang phục nào khi ra đường hay không? Hay bạn có đang ăn mặc dựa trên thị hiếu của người khác. Nói một cách dễ hiểu, ăn mặc thời nay, thực chất là để phô ra bên ngoài dưới con mắt nhìn của người khác, chứ nằm gọn trong phạm vi “che chắn” cơ thể. Theo một bài báo Công Thương vào năm 2019 đã nhận định rằng: “Thị trường thời trang Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn”. Các thương hiệu thời trang đang dần thể hiện được xu thế của mình. Điều có thể hiện được gì không?
Khi tôi vào Google để tìm kiếm “Xu hướng ăn mặc của giới trẻ hiện nay”, cho ra hơn 59 triệu kết quả khác nhau. Và lướt những mục đầu, ta dễ dàng thấy được cái gọi là sự “ăn mặc mang tính chất ganh đua”. Ganh đua trong ăn mặc, một cụm từ nói về việc, ăn mặc không chỉ là cho bản thân, mà còn là sự tranh đấu giữa mọi người. Tất nhiên, điều này được lộ rõ hơn ở phái nữ. Sự ganh đua là có tồn tại. Nếu không, tại sao bạn phải luôn tìm cách để mình đẹp hơn chứ? Trong một bữa tiệc, chắn chắn ăn mặc không bao giờ là trùng lặp, thay vào đó, vì mọi người luôn cố gắng cho việc ‘mình đẹp nhất’, ‘mình nổi bật’. Điều này dẫn đến sự ganh đua. Ngoài ra, có thể nói là một cuộc chiến. Cuộc chiến trong việc được chú ý và nổi bật trong đám đông. Khao khát được chú ý một sự ngoi lên giữa tập thể. Trong đó, ai cũng mong muốn là người ‘hoàn hảo’ nhất. Giải thích cho khát khao được chú ý của loài người, ta có thể nói rằng, giữa một tập thể đang có sự trùng lặp, nghĩa là, ai cũng giống nhau, bạn mong muốn là số một. Đó là nền tảng cho việc ăn mặc đẹp, hay tạo tiền đề cho các hãng thời trang, mỹ phẩm lên ngôi, và cuộc chiến giành được sự chú ý từ đó là không có hồi kết. Theo một công ty nghiên cứu thị trường toàn phần tại London, thị trường mĩ phẩm ở Việt Nam hiện nay trị giá khoảng 2,3 tỷ USD.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu chỉ rõ rằng, con người khao khát được chú ý bởi người khác giới nhiều hơn so với người cùng giới. Điều này đồng nghĩa với việc các bạn đang phụ thuộc nhiều đến suy nghĩ và đánh giá của những bạn khác giới.  Khoảng hơn 5 triệu kết quả được hiện ra khi tìm kiếm “ Đàn ông khao khát gì ở phụ nữ”, hoặc ngược lại. Điều này giải thích cho việc, con người có xu hướng ăn mặc đẹp hơn khi có người khác giới. Xinh đẹp là một trong những điều kiện được quan tâm, chú ý, và xa hơn là để được yêu thương. Con người theo thời gian đã tự chứng minh rằng, việc ăn mặc có phụ thuộc nhiều đến nhìn nhận của người khác giới nói riêng, và người khác nói chung.

Điều này có vô tình hạ thấp giá trị giới tính của họ không? Có thể. Theo cuốn American Girls , tạm dịch là Những cô gái Mỹ của Nancy Jo Sales, vì một xã hội bình đẳng đồng nghĩa với một xã hội không bị phụ thuộc lẫn nhau về mặt giới tính. Một cách nói vui rằng, nhiều người đang cảm thấy việc mình mặc gì vô tình phụ thuộc tới người khác, đặc biệt là nữ giới, đối tượng tham gia lớn trong nhóm thích ăn diện.

Nắm rõ về xu thế này, các hãng thời trang, mĩ phẩm là người được lợi nhất. Họ tận dụng được cái vòng xoáy luẩn quẩn giữa việc ăn mặc là nền tảng của sự chú ý. Còn có các thương hiệu làm đẹp, hay viện thẩm mĩ. Một viện thẩm mĩ đã lấy khẩu hiệu, LÀ CON GÁI, AI CŨNG MUỐN ĐƯỢC XINH ĐẸP. Điều này là đòn đánh mạnh vào tâm lí, khao khát được chú ý, và sự ganh đua. Việc ăn mặc mang tính ganh đua lớn, việc đẹp hơn cũng vậy. Một người có làn da trắng muốt gây ảnh hưởng tiêu cực tới những người có làn da đen sạm, tạo ra tâm lí so sánh, khao khát, thậm chí cả ganh ghét. Các tờ tạp chí, truyền hình, phim ảnh càng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra tâm lí ganh đua đó, khi tất cả ngôi sao truyền hình đều mang vẻ đẹp ‘không tì vết’, trong mắt chúng ta, họ hoàn mĩ, đẹp đẽ.

Điều này càng khiến nhiều người mong muốn được đẹp hơn, ốm hơn, đùi thon hơn… Các hãng lại càng tận dụng cái đà đó, tạo ra lợi thế trên thị trường bằng việc quảng bá sản phẩm theo hướng “bạn đẹp hơn khi dùng hàng của chúng tôi”, khi con người đang dần trở nên quan tâm thái quá đến ngoại hình.  John Galliano, giám đốc sáng tạo của hãng thời trang Christian Dior từng nói rằng, “The joy of dressing in an art”, tạm dịch là Tận hưởng việc diện đồ là nghệ thuật đích thực. Rất nhiều câu slogan trong giới thời trang đều tỏ ý rằng thời trang đang ngự trị, hiện hữu trong nhiều đời sống cá nhân, và bằng cách nào đó, họ cần, hay nên ăn mặc đẹp hơn đi.
Ngoài ra, xu hướng, hay xu thế thời trang cũng nằm trong những nguyên nhân cho việc ăn mặc đẹp hơn. Xu hướng đó thường phải mang tính chất được công nhận rộng rãi, nghĩa là, có nhiều người đã cho rằng “nó đẹp”. Theo quan điểm của các nhà tâm lí học xã hội, xu hướng thời trang, hay gọi là mốt thời trang có liên quan mật thiết tới sự “bắt chước”. Rằng, con người là một phần tử của một tập thể, một xã hội, và con người chịu sự tác động lẫn nhau, dù nhiều hay ít thì việc làm của một người có mang tính liên quan và ảnh hưởng tới người kia. Và sự bắt chước ra đời, nghĩa là hành động mang tính phụ thuộc tới người khác. Nhiều bộ phận thường bắt chước tới những gì họ cho là tốt, đặc biệt là giới trẻ có tâm lý tìm kiếm “cái mới”. Mốt có thể bắt nguồn qua sự lan truyền, ảnh hưởng từ những người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên. Họ có thể tạo ra ra xu hướng có họ có tiếng nói trong nhiều tầng lớp xã hội, tạo thêm sức mạnh cho tâm lí bắt chước, từ đó mốt ra đời. Cộng thêm cùng khát khao được chú ý đã đề cập, con người cảm thấy cần chạy theo một điều gì đó mới lạ, những gì chưa từng được hiện hữu trong phạm vi xã hội đó trước đây, và tâm lí chinh phục những điều mới lạ có sẵn trong giới trẻ, khiến họ là đại bộ phận chạy theo xu hướng.

Lấy từ quan điểm cá nhân, tôi lại cho rằng “xu hướng thời trang” vô tình lại nhấn chìm việc khẳng định bản thân. Xu hướng là một tập thể, đồng nghĩa với việc rất nhiều người sẽ làm theo cái xu hướng đó. Nhưng nó lại mang tác động tới việc con người ít khi được sáng tạo và khẳng định mình. Sẽ thế nào khi cả một tập thể đó chỉ việc dựa theo một xu thế để thể hiện, vậy còn “cái riêng”. Đặc biệt là giới trẻ, việc được tự khẳng định cá tính, chủ nghĩa cá nhân mang tầm quan trọng, và một trong những cách đó là thể hiện qua trang phục, trái nghĩa với việc quá ưa chuộng một xu thế nào đó đã được chạy theo bởi nhiều người.
Thêm vào đó, tôi cho rằng, “sự thịnh vượng” của con người mang tác động không nhỏ đến việc chú ý đến ăn mặc của con ngoài. Thời trang cũng là một dạng đầu tư, và yêu cầu tối thiểu là tài chính. Khi con người dần đáp ứng được nhu cầu cơ bản, thiết yếu như ăn uống, nhà ở…họ tìm đến thời trang. Trong nền kinh tế có sự bổ trợ, “cộng sinh” lẫn nhau thì việc này càng được thể hiện rõ, nghĩa là đời sống con người trở nên dễ dàng tác động gián tiếp tới việc, con người đang trở nên ăn diện.

Một trong những xu thế chung nữa, đó là so sánh. Sự so sánh nguyên thủy là sự ganh đua trong một tập thể nói chung, và tranh đua trong chuyện ăn mặc nói riêng. Nhưng từ bao giờ thì chuyện ăn mặc còn liên hệ tới đẳng cấp của một người. Giải thích cho việc này chính là sự ra đời của các thương hiệu thời trang đắt tiền. Con người chú ý tới ăn mặc cá nhân, và cả những người xung quanh mặc gì, tô điểm thêm cho “tâm lí so sánh”. Nói rõ hơn, việc bạn sử dụng thương hiệu thời trang lớn chứng tỏ bạn có tài chính, và cái cuộc chiến bắt nguồn từ sự ganh đua lại bắt đầu. Khi bạn mặc một chiếc áo giá rẻ tiết kiệm, và bản năng so sánh được bộc lộ khi bạn nhìn thấy ai đó mặc chiếc áo của một thương hiệu nào đó. Sự so sánh này mang tính tiêu cực, khi con người đôi khi lại để tâm quá nhiều vào việc đó. Họ cảm thấy tự ti, mặc cảm, thậm chí ám ảnh bởi cái việc chi bao nhiêu cho ăn mặc. Một số người lại tìm thấy sự dò xét, không công nhận khi cả một tập thể ăn mặc sang trọng hơn mình. Khi đó, họ càng phải chú tâm nhiều tới việc diện đồ, khi mà trang phục vô tình trở thành thước đo của sự giàu có, theo đó, trang phục có tính phô trương, và ăn mặc rõ ràng phụ thuộc rất lớn vào việc người khác nghĩ gì khi bạn mặc nó.

Một thứ tác động tới việc này nữa chính là mạng xã hội. Hiện nay có đến hơn 2 tỷ người dùng mạng xã hội Facebook, tiếp đến có Youtube và WhatsApp với 1,5 tỷ. Có rất nhiều trang thông tin đã cho rằng, sự lớn mạnh của công nghệ có liên quan tới nhiều khía cạnh đời sống của nhiều người. Và các mạng xã hội cũng vậy. Với một lượng người dùng khổng lồ như hiện nay, ta liên tưởng nó là một xã hội thu nhỏ, và theo đó, sự ăn diện đương nhiên có nằm trong cái “xã hội” đó. Khát khao được chú ý trên mạng xã hội cũng đồng nghĩa với khát khao được chú ý trang phục. Tôi có rất nhiều người bạn thường xuyên khoe giày hiệu, áo đắt tiền mới mua trên các trang cá nhân, và theo quan điểm cá nhân, điều này tạo ra tâm lí đầy tính mặc cảm cho những người khác khi họ đang lấy nó làm chuẩn mực cho sự không ngừng so sánh bản thân và tự tạo áp lực ngầm cho sự thúc đẩy việc quan tâm tới việc ăn diện.

Kết lại:

Vậy thì những việc này có tác động gì đến đời sống mỗi người? Tôi cho rằng, việc mỗi cá nhân quan tâm QUÁ mức về trang phục có mang tính tiêu cực lớn. Đây là cách nhiều người tạo ra “tâm lí an toàn” cho bản thân, để khiến họ cảm thấy được “công nhận” và hòa nhập hơn trong một tập thể. Ngoài ra thời trang có mang tính để khẳng định bản thân. Mỗi con người là một cá nhân hoàn toàn khác nhau, và giữa xã hội đang dần bị “hòa tan” bởi sự giống nhau và trùng lặp thì việc khẳng định “cái tôi” và bản ngã của mình đóng vai trò rất lớn. Nhu cầu được thể hiện bản thân như là một chữ kí, hay dấu vân tay để đánh đấu cái riêng của bản thân. Về mặt thời trang, nó đóng vai trò thể hiện cá tính, sở thích riêng của một người.

Một chủ đề nữa là, việc tự thể hiện có tạo ra tác động tới việc “ăn mặc hở hang, phản cảm không?” Thể hiện cái tôi qua trang phục, kéo theo tới sự phô trương bản thân, cơ thể qua những bộ trang phục quá ngắn, hở hang…Việc này lại còn liên quan tới khao khát được chú ý. Nhưng tôi cho rằng, “khác người” mang tính cá biệt, đi ngược với tập thể nhiều hơn so với việc thể hiện màu sắc của cá nhân đó.

Với suy nghĩ cởi mở thời đại, ta có thể cho rằng, thế hệ trẻ cùng với cách ăn mặc ngày càng được chú trọng từ suy nghĩ, đang góp phần vẽ lên những màu sắc tươi mới hơn cho thế giới. Tại sao không chứ? Mọi thứ đang lao vùn vụt trong thời đại mới, và giữa cái vòng xoáy đó, mỗi cá nhân đang tự tô điểm để không bị hòa tan, “pha loãng”. Điều đó tốt mà, đúng không?

Tác Giả: Quế Anh 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ngocqueanh.nguyen.54

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

 

Hết hạn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

768 lượt xem, 734 người xem - 742 điểm

lh-fulllh-x