Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Giới Trẻ Và Căn Bệnh Thời Đại Số: Trầm Cảm

Ở thời điểm hiện tại, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin cùng với sự đi lên của nền kinh tế toàn cầu, mỗi cá nhân ở mỗi quốc gia đều phải nỗ lực hết mình chỉ vì một mục đích duy nhất đó là tìm kiếm giá trị thặng dư. Cùng với những thành tích tăng trưởng mà mỗi quốc gia có được như hôm nay đều có sự đánh đổi của những người trẻ, sự đánh đổi ấy đã hình thành nên một căn bệnh tâm lý hiện đang phổ biến trong giới trẻ đó là TRẦM CẢM.

 


Trầm cảm là gì?

Trầm cảm theo một định nghĩa ở mức độ phổ thông thì nó là một căn bệnh về tâm lý mà ở đó sự bất lực về tinh thần đã khiến cho cơ thể ngày càng kiệt quệ và từ đó, nạn nhân mắc căn bệnh này sẽ dần tìm đến cái chết. Bên cạnh đó, theo góc nhìn từ tâm lý học thì trầm cảm là  một chứng rối loạn tâm thần phổ biến, bộ não bị rối loạn gây nên sự biến đổi bất thường trong tâm lý và tác phong. Vậy tóm lại, trầm cảm là một căn bệnh tâm lý thường gặp, nó gây nên sức ép từ bên trong khiến cho người mắc phải sẽ có những suy nghĩ và hành động khác thường theo chiều hướng tiêu cực.


Triệu chứng của Trầm cảm

Theo các nghiên cứu, Trầm cảm có ít nhất 10 dấu hiệu nhận biết bệnh dễ thấy nhất:

   +Suy sụp tinh thần

   +Hứng thú giảm sút

   +Tư duy trì trệ

   +Bi quan chán nản

   +Khiếm khuyết tính chủ động

   +Tự ti tự trách

   +Rối loạn trong sinh hoạt

   +Lo lắng một cách thái quá

   +Cảm thấy cơ thể mệt mỏi, đau đớn

   +Hay nghĩ về việc tự sát

Bên cạnh những dấu hiệu trên, có những người từng mắc trầm cảm họ lại có những dấu hiệu nghiêm trọng hơn ví dụ như mất đi niềm tin trong cuộc sống. Ví dụ khi bạn còn là học sinh, bạn bị điểm kém nhưng điều đó không khiến bạn bi quan bởi vì lúc đó bạn vẫn còn có suy nghĩ nếu lần này không được thì còn lần sau; hoặc có người khi thất bại trong công việc, họ vẫn sẽ có suy nghĩ tiếp tục bước về phía trước vì ít nhất họ vẫn tin rằng nếu không bỏ cuộc thì ắt sẽ có thành công. Vậy tóm lại vấn đề ở đây là: nếu một người bình thường gặp trắc trở trong cuộc sống, họ sẽ tự khắc đứng dậy và bước tiếp vì trong tâm lý của họ vẫn vững vàng và họ tin rằng tương lai phía trước đang có những điều tốt đẹp đang chờ. Nhưng đối với người mắc bệnh trầm cảm, họ sẽ không cảm thấy như vậy; thay vào đó, họ cảm thấy cuộc sống này tối mờ đi và họ cảm giác không có gì khiến cho họ tin tưởng vào cuộc sống nữa và cũng từ đó, suy nghĩ của những người mắc bệnh này bắt đầu đi theo hướng tiêu cực và nếu không chữa trị sớm thì nó sẽ diễn ra ngày càng tồi tệ hơn.

 

Chứng trầm cảm trong xã hội hiện nay

Theo thống kê của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), tổng số bệnh nhân trên toàn thế giới được thống kê vào năm 2019 là 322 triệu người và ở hiện tại hoặc trong tương lai con số này sẽ còn tăng lên. Trầm cảm được dự đoán sẽ là căn bệnh lớn thứ 2 trên toàn thế giới (chỉ sau bệnh tim). Theo một thống kê khoa học, ở Trung Quốc có khoảng 90% bệnh nhân trầm cảm nhưng chỉ có 4% chấp nhận chữa trị và hằng năm con số người mắc bệnh trầm cảm tìm đến việc tự sát vẫn không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển như Nhật, Hàn, Trung Quốc,…và đối tượng của căn bệnh này đa số là người trẻ từ độ tuổi 18-30. Những người trẻ tuổi mắc bệnh trầm cảm thường là những bạn học sinh bị áp lực chuyện học hành hoặc những bạn trẻ trong độ tuổi đi làm bị áp lực công việc dồn nén.

Những người mắc bệnh trầm cảm thường vẫn sống và hành động như một người bình thường, họ vẫn vui vẻ và hòa nhập với xã hội; tuy nhiên, khi họ chỉ có một mình là lúc mà căn bệnh này phát tác và quan trọng là không ai có thể nhìn thấy điều này. Những người mang căn bệnh này thường là những người trẻ, họ có thể sôi nổi cũng có thể im lặng đến mức vô hình nhưng nhìn chung, bên trong “pháo đài tinh thần” của họ đã sớm vụn vỡ.

 

Góc nhìn của xã hội về căn bệnh Trầm cảm

Hiện nay, Trầm cảm không còn là một căn bệnh hiếm gặp tuy nhiên, trong xã hội vẫn có những người chưa từng trải qua căn bệnh này vẫn hay xem thường nó và coi nhẹ việc người khác mang căn bệnh này. Những câu nói mà chúng ta hay thường nghe được thí dụ như “Bây còn trẻ đừng có nghĩ quẩn”, “Mày thì có gì mà phải buồn rồi trầm cảm?” hay “Đừng có làm quá lên thật ra cậu chỉ đang stress một chút thôi”,…Những câu nói tưởng chừng như bình thường đó thật ra đối với người mắc bệnh trầm cảm là một nhát dao vô hình đâm vào linh hồn đang tổn thương của họ. Có những người nghĩ giới trẻ là những người thanh niên khỏe mạnh về thể chất và cả tinh thần nên căn bệnh trầm cảm không có gì quá quan trọng với lớp trẻ.

Có người cho rằng trầm cảm là một căn bệnh thần kinh và có tư tưởng xa lánh những người trẻ mắc bệnh này; bên cạnh đó, còn có một số người tư tưởng lạc hậu tự nói với nhau rằng người mắc bệnh trầm cảm thật ra là bị “ma xui quỷ khiến”. Tóm lại, dù trầm cảm không còn quá xa lạ với thời đại hiện nay nhưng ở đâu đó trong xã hội vẫn có những ánh nhìn kì thị và những lời nói định kiến, vô tâm với những người mắc bệnh này.

Tuy nhiên, vẫn có một số ít những người hiểu biết, họ trân trọng và chia sẻ với những người mắc bệnh trầm cảm và còn giúp những người mắc bệnh vượt qua cơn khó khăn. Một số ít đó có thể là các bạn học sinh, sinh viên hoặc nhân viên nhưng chung quy lại trong xã hội hiện nay đã ngày càng có nhiều hơn những người tâm lý và biết cảm thông cho các bệnh nhân trầm cảm.

 


Vậy làm sao để giải quyết triệt để?

*Đến những bệnh viện uy tín để chữa trị đúng cách

Nếu có những dấu hiệu mắc bệnh, người bệnh cần đến những bệnh viện uy tín hoặc chuyên về tâm lý để điều trị một cách chính xác cũng như phát hiện sớm để cải thiện tình trạng một cách tốt nhất

 

*Đừng tránh né việc dùng thuốc

-Ông bà ta có câu: “Đắng ăn rau, đau uống thuốc”. Trầm cảm là một căn bệnh tâm lý, nó không nằm ở thể xác mà là ở tinh thần, vì vậy, khi tinh thần đang ở tình trạng bất ổn, người bệnh nên tích cực phối hợp điều trị cùng thuốc song bên cạnh đó, cũng cần có sự an ủi và thấu hiểu từ người thân hoặc bạn bè.


*Bác sĩ tâm lý là một người bạn tâm giao

Nếu mắc bệnh trầm cảm, chúng ta không chỉ nên dùng thuốc mà còn trị liệu bằng cách trình bày tình trạng của bản thân với bác sĩ tâm lý. Khi trầm cảm ập đến, nó sẽ khiến suy nghĩ của chúng ta rối như tơ vò và bản thân chúng ta không có cách nào tháo ra bởi vì đơn giản là chúng ta không tìm được nút thắt của cái đống tơ vò đó. Tuy nhiên, giờ đây đã có bác sĩ tâm lý giúp chúng ta trong vấn đề này. Bác sĩ tâm lý sẽ là người “đả thông kinh mạch” trong suy nghĩ của người mắc bệnh cũng như giúp họ nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Bác sĩ tâm lý không chỉ là người giúp người bệnh ổn định lại tâm lý mà còn đóng vai trò là một người bạn giúp họ giải tỏa những khúc mắc chưa thể tháo gỡ ở trong lòng.

 

 

*Tự hồi phục chính mình và để mọi thứ vận hành đúng quy luật cuộc sống

Tự hồi phục chính mình chung quy là để tâm lý ổn định lại, sắp xếp lại mọi thứ trong lòng mình. Người mắc bệnh có thể luyện yoga hoặc tập thiền để tâm tư an tĩnh lại và bắt đầu lại thói quen sinh hoạt thường ngày như ăn sáng, chạy bộ, đi làm,…Người bệnh có thể tập cho mình lối tư duy nghĩ tích cực một chiều, tức là mọi chuyện có thể may mắn cũng có thể xui xẻo nhưng rồi sau đó, mọi chuyện rồi sẽ đâu lại vào đấy và chúng ta không cần nghĩ nó đi theo hướng tiêu cực ngược lại.


*Đừng giữ bệnh trong lòng, hãy chia sẻ nó khi bạn còn có thể

Trầm cảm sẽ càng tồi tệ hơn khi người bệnh để trong lòng và không chia sẻ với bất kì ai. Nếu như còn có thể, người bệnh nên tìm gặp những người bạn hoặc người thân trong gia đình để nói về tình trạng của mình hoặc tệ nhất thì bác sĩ tâm lý sẽ là người lắng nghe tình hình của người bệnh.

Nhìn chung, trầm cảm là một căn bệnh tâm lý thường gặp trong đời sống hiện tại tuy nhiên, nếu phát hiện và chấp nhận điều trị sớm thì tỉ lệ người tự sát vì bênh hoặc mắc bệnh sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, các chính phủ cũng đang dần có các biện pháp chăm lo cho sức khỏe tinh thần của người dân đặc biệt là thế hệ trẻ đang gồng gánh trên vai trách nhiệm duy trì xã hội và đất nước.

 Tác Giả: Quỳnh Nguyễn

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

274 lượt xem, 227 người xem - 227 điểm