Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Giữa Những Ngày Giãn Cách, Mình Dò Xét Lại “Sợi Dây Tình Thân”.

Gần 20 năm trước, vào một chiều thứ 7 với nắng giòn tan trong hương gió thoảng….


có bé gái nặng 3,2 kí-lô chào đời với tiếng khóc thật to. Bạn đoán được là ai chứ? Yupp, là mình đây! ^^ Ba mẹ mình bảo, lúc mới chào đời, đầu mình đã tua tủa những tóc là tóc. Ba mình bảo lúc mình được tầm 1-2 tuổi, tóc mình dày và nhanh dài lắm. Cứ mấy tuần, ba lại phải cắt tóc cho mình một lần. Hồi đó, gia đình mình còn khó khăn, ba mình làm thuê kiêm luôn công việc sổ sách cho công ty tư nhân sát nhà. Ông chủ cũng là họ hàng xa với gia đình mình. Trong tâm thức của mình từ bé đến giờ, công ty đó trông giống một ngôi nhà bình thường với một cái kho chứa cà phê siêu to khổng lồ. Hồi đó, mình hay theo chân ba “sang bển”. Ba đi đâu mình cũng loắt choắt đi theo. Có đợt ba tới nội, mình theo sau ba còn chẳng hay biết, chú làm chung ới gọi, ba mình mới hay. Mẹ mình kể lại cho mình nghe như thế. Hay thật! Lại nói chuyện ngày đó, mình thích theo ba sang chỗ làm vì cái ao nhỏ có đủ loài cá lượn vòng dưới nước, quanh cái ao đó là thảm cỏ xanh mướt và mình hay nằm trên đó mỗi mùa cà phê tới. Mình sẽ được nằm đó, ngồi đó nhìn ba mẹ sàng, cào, phơi khô cà phê. Mình ở đó, với cái mũ tai bèo đã cũ của mẹ, dõi theo đôi ủng đang rảo qua lại trên những hạt cà phê, dưới cái nắng 30 độ chói chang, nụ cười tươi trên môi vẫn hiện diện cùng mồ hôi lấm tấm khi ba mẹ nhìn mình.


Mẹ kể chuyện hồi mẹ mang bầu mình, ba chỉ kịp chở mẹ sang vườn, trải bạt ra để mẹ hái cà. Công việc ở chỗ ba làm vẫn đang cần người, ba phải về để làm cho xong. Lần đó không may mẹ bị ngã, mỗi lần nghe đến câu chuyện này, mình lại thấy sững người, phút chốc lại thấy sự kỳ diệu khi mình vẫn đang được hiện diện giữa đời. Ba mẹ mình, ban ngày đi làm việc vất vả, tối đến lo cho mấy chị em ăn, học, ngủ rồi lại chăm lo cho đàn heo, đàn gà sau nhà. Sáng sớm 1-2h, khi gà còn chưa thức, ba mẹ mình đã dậy nấu rượu rồi. Có những hôm rượu được nấu trước bữa cơm tối, mình hỏi ba cơm nấu rượu ăn được không, ba bảo có nhưng ăn ít để bụng ăn tối. Mình vâng dạ và phải công nhận, “cơm rượu” này là loại sơn hào hải vị độc nhất mình từng được ăn. Không một lần nào ở quãng đời sau này, mình tìm lại được hương vị đó nữa - thứ hương vị tình yêu, hương vị tuổi thơ đậm màu cơm trắng. 

Ba kể chuyện hồi mình 1-2 tuổi, mình hay chọc tay vào bình rượu của ba rồi mút mút, xỉn xong té lăn quay. Mình hay bị ba khẽ vào tay, còn bị ba đánh nữa. Mỗi lần ba hỏi mình có nhớ không, mình chẳng hay biết gì. Ở độ tuổi đó, dù có muốn nhớ đi nữa cũng thật khó. Lớn hơn chút nữa, tầm 4 tuổi, mình bắt đầu theo mẹ đến trường mẫu giáo. Mẹ mình là cô giáo mầm non, vừa đi làm vườn vừa đi dạy trẻ. Và chuyện làm mất bịch thun Hello Kitty khi học lớp Mầm là một trong những mẩu chuyện kinh điển có 1-0-2 tại series “1001 chuyện đi học của Hiền Trần”. Buổi sớm hôm sau khi làm mất bịch thun, mẹ đã chở mình lên trường sớm để tìm lại nhưng không thấy có, mình bị mẹ la một trận vì không biết giữ gìn cẩn thận vật dụng cá nhân. Mình nhớ mãi! Hồi mẹ nghỉ việc ở trường mẫu giáo đó, mình đi học ở gần nhà, bây giờ ở đó là hội trường thôn. Mình đi học hay quên mang cặp, nhưng may mắn nhà gần nên ba mẹ mang cặp sang cho mình nhanh lắm. 

                                                  (Hoa cà phê Lâm Đồng - Mình chụp khi cùng ba sang thăm vườn cách đây 2 năm)


Hồi đó, bàn học của mình là những bao cà phê trắng phau. Cà phê và cà phê, mình được nuôi lớn từ những bao cà phê đó. Bao nhiêu mùa cà phê đi qua là bấy nhiêu câu chuyện nhỏ to khác nhau diễn ra trong ngôi nhà nhỏ. Chúng cứ nằm im lìm trong góc nhà cho đến khi được giá bị bán đi, im lìm chứng kiến những quả bóng bay được thổi căng để rồi bị đè bẹp cho nổ thật to, lắng nghe những lần mẹ dặn dò chị em mình sắp xếp ngăn nắp tập vở trong tủ tivi nhỏ, dõi theo những đường bút của ba khi vẽ tranh cho mẹ đi dạy buổi hôm sau, những lần mình vẽ hình tròn bằng miệng dĩa đồ chơi, những lần mình học bảng cửu chương trong nước mắt với lời răn đe của mẹ, những lần mình bị mẹ đánh vì dây nơ trên áo xuề xòa bung bét sau ngày dài đến lớp, những lần mẹ đội nón cho mình ra ngoài trời nắng, những lần mình bị ba quát mắng vì chui chuồng chó chạy ra vườn rau nghịch đất, những lần mình khóc tức tưởi vì nhớ ba khi ba đi học nghề xa nhà…. Còn nhiều lắm những cái những được mấy bao cà phê chứng kiến: Từ nhà cũ sang nhà mới, từ vườn rau hóa thành cái nhà bự, từ chuồng heo thành vườn cây ăn trái có chú chó canh chừng, từ giáo viên mầm non thành người phụ nữ bán hàng duyên dáng; từ thợ hồ kiêm luôn sổ sách, làm vườn sang chạy xe hợp đồng và cùng buôn bán với vợ,.... từ những cái này thành những cái kia,…từ một đứa trẻ bi bô tập nói, tập đi, lúc nào cũng có ba mẹ kề bên lắng nghe, thấu hiểu đến khi mình rời xa vòng tay ba mẹ khi tròn 15. Những lần chứng kiến, lắng nghe, dõi theo,... biết bao mùa yêu thương đã qua như thế. Sau này, những bao cà phê thưa dần, rồi vụt mất khi ba mẹ mình quyết định bán cà phê tươi sau mỗi độ thu hoạch. Cứ thế, mình dần lớn lên với những kỷ niệm, và hiểu được nỗi lòng của ba mẹ nhiều hơn. Hương cà phê nơi miền đất nắng gió, mảnh đất Lâm Đồng nơi mình sinh ra, ở đó có những người thân mình thương thật nhiều...


Thoảng nghe những câu chuyện tuổi thơ giòn tan niềm vui ấy, chắc hẳn mọi người đều nghĩ gia đình mình rất hạnh phúc, êm ấm và không có bất kỳ rối ren nào đúng chứ? Thật ra, đan xen với những yêu thương ấy là những lần xích mích, những lần trách cứ, oán than vô cùng nặng nề giữa ba mẹ và mình cùng hai đứa em. Phải, chuyện gia đình là thế! “Không một gia đình nào là hoàn hảo. Vẫn có những cãi vã, vẫn chiến tranh thậm chí là sự lạnh lùng trong một thời gian dài. Nhưng cho đến cuối cùng gia đình vẫn là gia đình. Nơi tình yêu luôn hiện hữu một cách vô điều kiện” ( Page Hoa Hướng Dương - Facebook). Và mình cũng phải công nhận, những lần cơn giận chiến thắng, sự bình tĩnh mất đi và hậu quả để lại là những vết sẹo lòng lớn khủng khiếp.


Gần 20 năm sau buổi chiều thứ 7 xa xôi ấy, là lúc này, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp,..


đứa bé tua tủa tóc con nay đã có mái tóc dài nhuộm hoe. Và mình hiện tại đang ở một nơi xa - không phải nơi có ba mẹ, hai em - gia đình nhỏ của mình bên cạnh, mình đã ngồi ngẫm thật nhiều: về những gì mình đã trải qua, những điều mình đã đọc được, những câu chuyện mình được nghe từ bạn bè…


“Mình cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi giữ được sợi dây khăng khít, gắn bó để cùng lắng nghe và tâm sự với ba mẹ, cả bà nội mình nữa” 


“Mình bắt đầu lưu tâm, suy tư nhiều hơn về vấn đề gắn kết tình thân trong gia đình”


Và mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn qua các trang thông tin, đồng thời dựa trên trải nghiệm riêng của bản thân để soi chiếu, phân tích và giải quyết thật cặn kẽ các nguyên nhân nảy sinh “khoảng cách thế hệ”. Mình mong rằng những chia sẻ này sẽ có thể là một “tài liệu tham khảo” cho bất cứ ai đang đi tìm sợi dây kết nối bị lạc với gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ đang gặp phải nhiều nỗi lo khác để rồi quên mất có một nơi luôn yêu thương, vỗ về bản thân.


Vậy nguyên nhân của việc không thể/ khó có thể kết nối giữa các thế hệ trong gia đình là gì?


Theo bài đăng Bí quyết dung hoà các thế hệ trong gia đình” của Vietcetera.com, “những lý do thật sự dẫn đến khoảng cách thế hệ là: văn hóa, tuổi tác, môi trường sinh sống, và sự khác nhau về tâm sinh lý và cách hành xử của mỗi thế hệ”.


Mình ngẫm thấy đúng lắm, vì văn hóa, tuổi tác, môi trường sinh sống là 3 yếu tố quan trọng tác động mạnh mẽ đến tâm sinh lý và cách hành xử của mỗi cá nhân, cụ thể trong những mẩu chuyện của cá nhân mình luôn nhé!

                                           (Ảnh: https://www.tiepthithegioi.vn/wp-content/uploads/2020/04/a1-2.jpg)


* Về văn hóa: 

Trong bài “Văn hóa gia đình xưa và nay” của báo QĐND: “Văn hóa gia đình là toàn bộ giá trị chân chính về đạo đức, nhân phẩm, khuôn mẫu, nghi thức, lễ nghĩa… và những giá trị nhân văn truyền thống trong gia đình người Việt có cấu trúc hệ thống nhà-làng-nước (tục nhà, lệ làng, phép nước)”.

Dễ dàng nhận thấy, gen Z Việt Nam sống trong nền văn hóa gia đình nói riêng, nền văn hóa truyền thống của cả nước nói chung và cả nền văn hóa hiện đại trên toàn cầu, diện rộng. Trong bài báo cũng nêu rõ, điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề gia phong, gia lễ của từng gia đình bị chi phối bởi các nhân tố: Kinh tế, văn hóa vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp, thị hiếu và giải trí… Sự bộc lộ mâu thuẫn giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình thể hiện công khai hơn, dễ nhận thấy hơn”. 


Soi chiếu vào cuộc sống đời thường trong gia đình, ba mẹ và chị em mình thật sự rất quan trọng vấn đề ăn mặc kín đáo. Mình được dạy phải mặc quần dài và số lần mặc quần đùi từ khi học lớp 1 đến năm 11 thực sự đếm trên đầu ngón tay. Cho đến khi 17 tuổi, mình đã gạt suy nghĩ đó đi, và bắt đầu đi ngủ với chiếc quần đùi hoa mình thích. Mình chỉ mặc quần đùi ở nhà thôi, lúc cần ra ngoài tuyệt nhiên mình sẽ chẳng mặc quần đùi, và quần ngắn ngang gối cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ba mẹ mình lưu tâm vấn đề này, và xung quanh mình vẫn còn nhiều người lớn lên tiếng gắt gao hoặc tỏ thái độ không hài lòng với việc ăn mặc hở hang, khoe hàng của giới trẻ. Có lẽ, đó là tâm lý chung của người lớn rồi; còn các bạn trẻ, theo xu hướng mới, theo sở thích cá nhân, các bạn cứ thích là sẽ nhích. Rõ ràng ta thấy hai thái cực tương phản: một bên theo lối sống tập thể với những quy chuẩn truyền thống, một bên nhân danh bản thể độc nhất để sống và làm những điều mình thích…. Có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều giữa người lớn và người trẻ, từ ăn uống, chào hỏi đến trang phục, đầu tóc…. 


Theo bài đăng trên blog Phamngocanh.com - “4 khác biệt trong gia đình Việt xưa và nay”, chúng ta thực sự thấy rõ hiện trạng này: “Giữa một phía quyết giữ bằng được mọi giá trị truyền thống và một bên ra sức phá bỏ, luôn luôn xảy ra những mâu thuẫn. Người già luôn đem những câu chuyện ngày xa xưa ra làm chuẩn mực để dạy dỗ thế hệ trẻ, còn người trẻ thì cho đó là lạc hậu, cổ lỗ sĩ, không biết tiếp nhận cái mới. Tiếng nói chung giữa hai thế hệ ngày càng ít”


Đúng vậy, mỗi khi mình đến thăm bà nội, bà sẽ kể cho mình nghe những câu chuyện thời xa xưa. Bà lặp lại câu chuyện 2-3 lần trong một buổi mấy tiếng đồng hồ. Rồi bà dặn mình phải giữ sức khỏe, ăn uống điều độ, không nên đi đêm, phải giữ thân con gái, không nhuộm tóc, không mặc đồ hở hang, không nói chuyện với trai lạ,.....rất nhiều những câu chuyện, những lời khuyên, những câu ca dao, tục ngữ của buổi xưa được bà đan xen trong những lần trò chuyện. Nét văn hóa truyền thống hằn lên tâm hồn và con người bà một cách rất rõ nét. Và bạn biết điều gì không? Mình cảm nhận rất rõ bản thân có được đôi nét truyền thống của bà - người con gái xứ Huế mộng mơ một thời xa xưa ấy. Mình rất thích nghe những câu chuyện bà kể nếu không phải nói quá là tới nhà nội chỉ để nghe nội nói hết nỗi lòng cũng đủ khiến mình thấy hạnh phúc. Dù đôi lúc, nội sẽ nhắc mình không được nói chuyện cởi mở với con trai ngoài đường, không nên nhuộm tóc vì nhìn ăn chơi, không được mặc quần đùi vì sẽ bị đánh giá.... mình vẫn sẽ nghe nội trải lòng và làm những gì mình thích, miễn là nó không quá đáng và mình thấy ổn. Mình cũng biết điều đáo để mà!! 


* Về tuổi tác: 

Khi mình tra tìm khái niệm “Khoảng cách thế hệ là gì?” trên google, Wikipedia đã cung cấp thông tin: “các nhà xã hội học hiện đề cập đến khoảng cách thế hệ là "sự phân biệt tuổi tác". Các nhà xã hội học chia tuổi thọ thành 3 mức: ấu thơ (Childhood), trung niên (Midlife) và Hưu (Retirement). Thông thường khi bất kỳ của các nhóm tuổi được tham gia vào các hoạt động chính của nó, từng thành viên có thể chất được phân lập với những người của thế hệ khác, với ít sự tương tác qua rào cản tuổi tác, ngoại trừ ở cấp độ gia đình. Xã hội học Karl Manheim nhận thấy sự khác biệt trong quan niệm của tuổi trẻ và sự chuyển tiếp tới tuổi trưởng thành trong suốt các thế hệ Các nhà xã hội học quan sát và nghiên cứu những cách mà các thế hệ tách biệt giữa nhóm này và nhóm khác, và không chỉ trong gia đình mà còn trong các hoàn cảnh xã hội và khu vực. Theo nhà xã hội học Gunhild O. Hagestad và Peter Uhlenberg, sự phân biệt thế hệ này là mối quan tâm rất lớn vì nó thúc đẩy "chủ nghĩa phân biệt tuổi tác" và "gia tăng nguy cơ cô lập" khi người ta già”. 


Chà, những khái niệm mang đầy tính học thuật và khô khan nhỉ, nhưng cũng khá dễ hiểu ấy chứ. Mình thì cảm nhận thấy, con người có giai đoạn, cũng như nước sông vậy: nước ở khúc đầu sông với nước ở khúc giữa hay cuối sông đều là nước, nhưng có rất nhiều yếu tố tác động đến nước ở mỗi vùng khác nhau bao gồm nông, sâu của đáy; sinh vật trong lòng sông; nhịp sống của muôn loài quanh bờ sông đó…. Trải nghiệm sống ở từng độ tuổi cũng chẳng thể giống nhau. Theo cá nhân mình nhìn nhận, mọi người đang quá chú trọng đến sự thay đổi tâm sinh lý của con người ở giai đoạn 20 năm đầu đời. Điều đó là rất cần thiết vì đây là thế hệ vàng với nhiều hứa hẹn. Nhưng ….


“những người cha, người mẹ, người ông, người bà trong gia đình ơi, hãy để cho những đứa trẻ được tự trải nghiệm trong phạm vi nhất định. Bởi sự bảo bọc, che chở quá mức không phải là cách tốt nhất để con, cháu các vị phát triển tối đa năng lực của chúng đâu!” 


Đó là điều mình muốn gửi gắm cho những bậc phụ huynh đang đọc những dòng chữ này, trong đó có ba mẹ mình.


Mẹ mình đích thực là một người mẹ hết mực yêu thương con khi luôn quan tâm từng li từng tí đến thực phẩm mình ăn, sinh hoạt hàng ngày của mình. Hồi mình học cấp II, cấp III, mẹ sẽ hỏi giờ mình đi học đi về, mẹ ít khi cho mình đi chơi, mẹ sợ mình gặp tai nạn, gặp bất trắc trên con đường ngoài kia. Mẹ bán hàng ở chợ nên không quán xuyến mọi việc hàng ngày của ba chị em mình nhiều, nhưng tối nào về mẹ cũng sẽ hỏi han tụi mình thật nhiều. Mọi việc ở nhà hầu như đều do ba quản, và ba mình lại chiều chuộng tụi mình rất nhiều. Mẹ đã luôn lo lắng, sợ hãi nhiều thứ xảy ra với những đứa con và mình công nhận, mình đã sống theo ý mẹ cho đến khi mình lên cấp 3, ở xa nhà và đi xem phim với cô bạn đến 11h đêm, đi dạo ở quảng trường lúc 8h tối với cậu em cùng trường, đi hát karaoke mừng sinh nhật cô bạn trong nhóm bạn 6 đứa, đạp xe đạp trên quãng đường hơn 40km về nhà và nói xạo rằng bus đã chở cả mình lẫn xe về đây… Trái với mình, em mình thường làm trái ý mẹ. Nó làm những điều nó thích, không ít lần nó mua đồ thật nhiều, đi chơi tối thật nhiều và có cả người yêu lén ghé ngang cổng nhà để thăm. Chà, trước đây mình thấy nó hư quá, còn giờ thì mình thấy nó cừ quá. 


Nếu soi chiếu bản thân vào quy định chung của người lớn, qua những câu chuyện mẹ kể về mình trong câu chuyện với người mua hàng, mình là một đứa con ngoan chính hiệu trong những năm tháng cấp I, cấp II. Lúc đó, mình chỉ biết học thôi, thật sự rất ít trải nghiệm thực tế. Mình tự thấy bản thân rất hiền nếu không phải nó là rất khờ. Năm lớp 7,8, so với những đứa trẻ đồng trang lứa bướng bỉnh, mức độ bướng bỉnh của mình ở tầm trung. Lắm lúc cảm thấy bức xúc quá, mình chỉ khóc thôi. Duy chỉ có một lần kia mình lấy hết can đảm để cãi lời mẹ, mình đã buông ra một câu mà mình nghĩ nó đã xát muối vào trái tim của mẹ: 


“Mẹ có biết là lúc nào mẹ sắp về nhà là tụi con cũng lo sợ không, con còn mong mẹ đừng về để không bị mắng vậy nữa...”


Trái với hình ảnh những người mẹ bất lực rơi nước mắt trên phim, mẹ mình đã quát mình rất nặng, và cả đêm hôm đó cho đến sáng hôm sau, hai mẹ con không nói chuyện. Mẹ mình lên chợ sớm nên chỉ viết một bức thư ngắn để trên lồng bàn đậy đồ ăn sáng. Tối hôm đó, mình đã xin lỗi mẹ, và mẹ vẫn mắng mình thêm mấy câu, nhắc lại vấn đề đó như radio bật suốt 2 tiếng, mỗi tiếng một lần, sau lại thôi, và cười xòa cho qua. Sau này cứ có dịp, mẹ sẽ nhắc lại và lắm lúc mẹ con lại to tiếng với nhau, hết cơn giận lại dịu đi, qua hết. Vào những lúc ấy, ba mình thường sẽ chứng kiến tất cả và khi cần sẽ can thiệp, không quên nhắc nhở về cách cư xử và ngôn từ sử dụng khi mất kiểm soát. Ba hay làm dịu lòng mẹ, lại hay “bảo kê” cho chị em mình quá, nhiều lúc phát cáu, mẹ trách ba hoài. Những lần đủ bình tĩnh để cùng nhìn lại, mẹ hay bảo:


“Sau này con làm mẹ rồi con sẽ hiểu được mẹ”


và trong những lần nói chuyện về gia đình, ba mình cũng hay trầm ngâm: 


“Sau này có gia đình rồi, con sẽ hiểu được lòng người làm cha mẹ”.


Ba mẹ mình thương nhau, cho mình ra đời có cuộc sống đủ đầy. Cứ vậy, mình lớn lên, trong tình yêu thương, sự đối kháng, nước mắt, nụ cười, biết ơn…. và biết mình có đủ. 


* Về môi trường sinh sống:

Đây được xem là nguyên nhân lớn thứ 3 tác động đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Mình cảm thấy được khai sáng khi đọc bài “Tính cách bẩm sinh hay do nuôi dạy và môi trường” của genesolutions.vn: “Môi trường học tập là môi trường giúp con người hình thành tính cách và trí tuệ. Môi trường gia đình là nơi tính cách bắt đầu được hình thành. Nếu gia đình ngập tràn yêu thương, hạnh phúc sẽ tạo nên một con người có tính cách lành mạnh. Còn môi trường tâm lý được xem là nơi nuôi dưỡng tinh thần, hình thành cảm xúc. Nếu môi trường tâm lý tốt, sẽ hình thành nên những tính cách tốt”. 


Không thể phủ nhận, điều kiện sống và sinh hoạt chung của giới trẻ ngày nay tốt hơn rất nhiều so với thời buổi ngày xưa. Với thế hệ 9x trở về trước, thế hệ của ông bà, cha mẹ chúng ta, tuổi thơ của họ được bao quanh phần nhiều bởi những sông hồ, ruộng đồng bát ngát; còn gen Z chúng ta, đa số đều được bao phủ bởi 4 bức tường nhà, tường trường học, vì nỗi lo tai nạn giao thông, không khí ô nhiễm, trộm cướp và tệ nạn xã hội rình rập bên ngoài, vì nỗi lo sợ con thua kém bạn bè đồng trang lứa nên phải cho con học dồn học nén.... Người lớn quá lo lắng vì sợ con mình sẽ trải qua những bất trắc. Còn những đứa trẻ được “bảo quản” quá kỹ lại không đủ trải nghiệm để phát triển hoàn thiện.


Tuy vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận môi trường sống tốt ngày nay đã tạo nên cơ hội phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần cho giới trẻ. Mình đã có được cơ hội tiếp xúc với nhiều quyển sách, nhiều ngôn ngữ, nhiều con người đến từ nhiều quốc gia, nhiều những điều mà chỉ thời buổi nay mới có thông qua các thiết bị thông minh. Ngày bằng tuổi mình bấy giờ, ba mẹ vẫn chưa được trải qua những công nghệ hiện đại này. 


Nhưng hạn chế của việc phát triển vẫn có mà nguyên nhân xuất phát từ chính hệ ý thức người dùng. Nhà nhà điện thoại, người người điện thoại; màn hình TV cả nhà xem chung trong bữa cơm gia đình ngày nào giờ đây cứ thao thao bất tuyệt mình nó; bật lên cho có không khí thôi, chứ ai cũng có niềm vui riêng trên màn hình nhỏ của mình rồi. Dần dần, bữa cơm gia đình không còn nữa. Nhịp sống hối hả, bận rộn cuốn ta đi xa gia đình đã mấy dặm rồi, có còn gần nữa đâu. Ngẫm, thấy điện thoại làm người ta xa nhau trong bữa cơm chung, lại thấp thoáng kéo gần ta lại khi người với người ở những chốn chia xa. Thiết bị công nghệ lợi hại quá! 


Thực sự, cá nhân mình rất mong các bậc phụ huynh cũng như mẹ mình đừng xem quá nhiều thông tin tiêu cực, mãi lo xa hay sợ hãi sẽ vô tình để thế giới quan nhuộm màu u ám, khiến những điều tích cực mãi không có đường đến với cả cha mẹ lẫn con cái. Sáng nay, mình mới đọc được trên Facebook - Page “Mỗi ngày một trang sách”, và mình rất tâm đắc với câu: “Cuộc đời này có rất nhiều màu sắc. Nên đừng chỉ dùng đôi màu đen để nhìn đời”. Như mẹ mình mãi lo xa, hay đọc mấy tin thực phẩm độc hại, buôn bán nội tạng nên cứ sợ mãi, mẹ sợ luôn cả nỗi sợ của mình. Dù đúng thật nhưng ở mức độ vừa phải sẽ dễ thở hơn. Cứ mỗi lần mẹ đưa ra lời khuyên như vậy, mình sẽ lắng nghe dù hơi khó chịu, và mình sẽ gọi mẹ là “Bác sĩ bách khoa” hay “Cảnh sát thời sự” =)) những cái tên gần gũi mình chế ra để mẹ an tâm. Và dịch này ở trong nhà hoài nên mình chỉ cảnh giác với Cô Vy thôi hihi

                                    (Ảnh: https://ct.qdnd.vn/bao-qdnd-cuoi-tuan-xuan-canh-ty-2020/van-hoa-gia-dinh-xua-va-nay-524371)

Trong phần phân tích các nguyên nhân trên, bằng trải nghiệm cá nhân, mình cũng đã đưa ra một số cách giải quyết trong từng tình huống cụ thể. Song, câu hỏi đặt ra là vấn đề này có cách giải quyết tổng quát nào không, vì từ cái tổng quát cho tất cả sẽ có thể cụ thể hóa theo từng trường hợp riêng, tùy vào hoàn cảnh và độ nhạy của mỗi cá nhân, đúng chứ? Và câu trả lời là có! Tất nhiên, vấn đề nào cũng có cách giải quyết cả. Vì “Khi bạn quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp bạn đạt mục đích đó” ( trích “Nhà giả kim” - Paulo Coelho). Và phải,  mình đã rất muốn tìm giải pháp chung cho vấn đề này nên đã tìm kiếm thông tin. Dọc theo các trang mạng xã hội, không khó để mình có thể tìm thấy những biện pháp gắn kết tình thân. Cũng từ những lần mất kết nối cho đến khi kết nối lại được với gia đình, mình cũng có những giải pháp riêng để làm bền soi dây gắn kết với người thân


Vậy làm cách nào để tìm lại sự nối kết cho sợi dây tình thân?


1. Bước quan trọng nhất, đó là tự nhìn lại chính bản thân mình.

Phải, muốn thay đổi người khác, trước tiên phải thay đổi chính mình.


  • Đối với người lớn:

Các bậc ông ba, cha mẹ hãy nhìn lại mà xem, có phải mọi người thường có dấu hiệu lảng tránh các câu hỏi của trẻ thơ khi vấn đề đặt ra xoay quanh phân biệt giới tính, xâm hại tình dục, bình đẳng giới, những câu hỏi tại sao, thế nào của những đứa trẻ? Thêm vào đó, người lớn thường quá bận rộn trong công việc, không có thời gian lắng nghe chia sẻ của con cái, hoặc thậm chí gạt phăng đi khi các vấn đề được cho là liên quan đến tâm linh, xui xẻo, nói gở mồm. Người lớn thực sự cần chú trọng nhìn nhận, thay đổi và khắc phục dần cách ứng xử trước các thắc mắc của con trẻ, tùy thuộc vào thực trạng về lối sống, sinh hoạt của gia đình.


Nhìn nhận một cách khách quan, ta thấy thói quen so sánh là khởi nguồn mạnh mẽ nhất thúc đẩy quá trình tạo khoảng cách thế hệ diễn ra nhanh chóng! “Căn bệnh này” lậm vào người phụ huynh lẫn con cái một cách nặng nề. Ngày xưa, mọi người sống quy cũ quá, đến cả việc hiện thực hóa ước mơ hay thậm chí nghĩ đến ước mơ thôi họ cũng chẳng dám, chẳng có điều kiện; còn thời nay, con người có đủ điều kiện, được sống tự do hơn lại chẳng tránh khỏi những lần bị cho là lố lăng, kệch cỡm, khác người khi so sánh với những quy cũ, chuẩn mực lâu đời….Song, những câu chuyện nhìn bạn A nhà ông B với thành tích C-D-F “giỏi hơn con biết bao, sáng đi học về, chiều đi làm, không học thêm học thắt gì vẫn giỏi”; nhìn con X nhà ông bà YZ mới 12 tuổi đã biết nấu ăn, trông em, phụ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa; nhìn con người ta mà thấy con mình sao buồn quá;….Không thể chối bỏ, những phán xét, so đo hơn thua đã góp phần làm rộng hơn khoảng cách thế hệ. Phụ huynh liệu có chắc rằng mình đang đưa ra một hệ quy chiếu hợp lý, khi mà con mình là do mình sinh ra? khi mà con mình là một cá thể độc nhất? Xin hãy nhớ rằng, mỗi người đến với cuộc đời đều có sứ mệnh riêng.


“Nếu các vị cảm thấy không thể cho những đứa con của mình có đủ tự do để tự trải nghiệm và học hỏi, xin đừng sinh chúng ra. Chúng thật sự không cần được sinh ra trong một khoảnh khắc để chết đi suốt cả phần đời còn lại”. 


  • Đối với các bạn trẻ: 


Mình viết vậy không đồng nghĩa với việc cổ súy cho giới trẻ ăn chơi, hưởng thụ trên mồ hôi, nước mắt của mẹ cha. Chúng ta tự do đi đến mục tiêu, ước mơ, tự do trong khuôn khổ, tự do đẻ sống và chết đi có giá trị. Trong xã hội rộng mở ngày nay với nhiều con đường, nhiều lựa chọn, mỗi bạn trẻ đều bị thu hút đến một mảng nào đó ngoài việc học ở trường lớp như anime, dựng phim, viết truyện, vẽ tranh, ca hát, du lịch, youtuber, kinh doanh, làm từ thiện,... Tất cả các khía cạnh của cuộc sống, những vấn đề nổi cộm đều được giới trẻ khai thác với niềm say mê, hứng thú. Cũng vì thế, không ít bạn trẻ tỏ ra chán ngán khi nghe người lớn kể chuyện xa xưa và gán mác “lạc hậu”, “cổ lổ sĩ”, “không có giá trị trong hiện tại” cho những câu chuyện đó.


“Các bạn trẻ, mình nghĩ đôi khi chúng ta nên tự thấy bản thân đang quá ích kỷ!”


Mình không biết mình sẽ sống được bao nhiêu năm tháng về sau, nhưng khi tưởng tượng vào ngày này năm 2050, khi mình quây quần bên đám con cháu và hí hửng kể cho chúng nghe những video tiktok mình đã quay, những chuyến du lịch mình đã đi, những hồi ức về ba mẹ mình - tức là ông bà, cụ cố của chúng, …. những câu chuyện mình tâm đắc nhất của một thời vàng son đó, được rút ra từ tâm can để kể cho những người yêu thương nhất lại bị gán mác “vô giá trị”, không quan tâm... Điếng hồn!!! Mình nghĩ dù có là người mạnh mẽ từng phiêu bạt, đi qua những khó khăn, kiên cường đến mấy cũng sẽ có lúc cảm thấy cô đơn giữa chốn đông người, và khoảnh khắc đó sẽ buồn hơn cả vì cô đơn trong chính căn nhà có những người mình hết mực thương yêu. Tâm lý tuổi già cũng như trẻ thơ vậy, cả hai đều muốn kề cạnh những người thân nhất, nhưng người già sâu sắc hơn, họ lúc nào cũng hiểu cho cuộc sống riêng tư của con cháu để rồi buồn một mình, suy tư một mình thật nhiều. Mình có thể hiểu được bà nội mình, hiểu được ba mẹ mình, dù không quá sâu sắc nhưng mình nghĩ là “đủ dùng cho hiện tại cũng như mai sau”. Và bà già Hiền Trần một thời ngạo nghễ tuyên bố “không lấy chồng đâu” lúc đó sẽ đang ngồi giữa đàn con cháu, miệng cười khà khà lật cuốn album tuổi thơ để kể, trên môi bà là nụ cười và trong lòng bà ánh lên những niềm vui vì đàn con cháu không theo kịp độ xì-tin của bà. Nghĩ đến cảnh đó, mình vừa mắc cười vừa hy vọng sự nhìn nhận, thấu hiểu và sẻ chia sẽ luôn hiện diện trong tâm thức của các thế hệ. Khi gen Z về già, chắc cũng sẽ mong bản thân đã từng lắng nghe nhiều hơn những điều ông bà, ba mẹ nói. Tin mình đi, tương lai sẽ cho bạn thấy. Bạn hỏi mình là ai mà dám khẳng định vậy? Mình là bà già Hiền Trần nhé! Hehe


                                                                       (Ảnh: Page Hoa Hướng Dương - Facebook)


2. Sau khi đã nhìn nhận, thay đổi bản thân, hãy bắt đầu quá trình tương tác chân thành để tìm lại kết nối.

 

Chúng ta cần hiểu rằng, “mỗi thế hệ, khi tương tác với thế hệ khác có một sự giàu có của thông tin để truyền lại cho những người khác.” (“Khoảng cách thế hệ” - Wikipedia)

“Ví dụ, các thế hệ già hơn có thể cung cấp nhiều tài chính và hiểu biết về kinh nghiệm của con người cho thế hệ trẻ hơn, trong khi đó thế hệ trẻ hơn có thể xâm nhập vào xu hướng âm nhạc và công nghệ hiện đại. Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng: đôi khi các thành viên của thế hệ cũ có thể rất thân thiện với xu hướng hiện nay, và các thành viên của thế hệ trẻ có thể bị mê hoặc bởi âm nhạc và văn hóa cũ.” (“Khoảng cách thế hệ” - Wikipedia)


Đúng vậy, người lớn có nhiều kinh nghiệm hơn những gì chúng ta có, ít nhất là trong mảng sinh ra và nuôi dạy, yêu thương hết mực một đứa dở hơi, ngang bướng mà không ai ngoài họ có thể chấp nhận được =)) Tin mình đi, đó là sự thật. Đại đa số luôn là thế. Khi tâm hồn luôn tràn ngập sự mới mẻ và muốn mới mẻ, mẹ bạn có thể bật bài nhạc USUK nào đó lên và nhảy, ba bạn ở tuổi 50 ngoài niềm vui với hòn non bộ, mấy chậu lan cũng thích xem các trận đua xe, theo dõi các trận bóng để reo hò như hồi 20, bà của bạn vẫn sẽ cùng bạn xem các màu tóc nhuộm hot nhất thu-đông 2021 trong một ngày đẹp trời, và chính bạn sẽ ngồi nghe “Cát bụi” mà ngậm ngùi suy tư cho một kiếp nhân sinh ở tuổi 19. Nào có ai cản ngăn được một tâm hồn vùng vẫy làm những điều nó thích. Thay vì đánh đồng quan điểm “cũ rích” lên người lớn và “trẻ trâu” lên người trẻ, hãy thử nhiều lần sống trong thế giới của đối phương để thấy cái hay, cái mới. Sống với nhiều cuộc đời là đang tự tạo ra sợi dây kết nối. Nói vậy không đồng nghĩa với sống giả tạo, tạm bợ. Hãy đem hết lòng thành và nhiệt huyết ở độ tuổi của mình, bất kỳ ai, hòa nhập vào thế giới của nhau: như cách mình cùng bà lạy Phật ngày vía Quan Âm hồi còn nhỏ, như cách mình cùng ba mẹ và hai đứa em chụp những kiểu ảnh trendy, tập luyện quay tiktok, những buổi cùng mẹ nghe câu hò xứ Nghệ, cùng ba đàn hát khúc nhạc Trịnh Công Sơn,....Những lần cùng nhau ấy, tâm hồn mình được nuôi dưỡng để thành một vườn hoa lá đa dạng sắc màu. Và cũng những lần cùng nhau ấy, vô hình trung cả người lớn lẫn người trẻ cũng đang tự thu hẹp khoảng cách với những người thân thương nhất. 


Đôi lời muốn nhắn gửi đến các bậc ông bà, cha mẹ và các bạn trẻ đang trong hành trình tìm lại “sự kết nối bị lạc”:


Xin được gửi đến các bậc phụ huynh:

Trong cuốn sách “Hoàng tử bé”, tác giả Saint-Exupéry đã nhắn gửi đến độc giả, mà có lẽ đối tượng cụ thể nhất là các bậc phụ huynh - một điều mà chắc hẳn khi vang lên, nó sẽ in sâu trong tiềm thức của bất cứ ai, rằng “Tất cả những người lớn đều từng là trẻ con...nhưng rất ít người trong số đó nhớ về điều đó”. Các bậc phụ huynh, xin hãy nhớ về những ngày còn thơ, những ngày đã lớn lên trong lứa tuổi của con em mình; dù thời thế đã khác. Trong yêu thương, xin vẫn để con mình sải cánh bay, hãy để chúng tự trải và thấu hiểu được từ chính kinh nghiệm của bản thân, chúng sẽ chẳng biết đau thương là gì khi chưa trải qua thương đau thực sự. Chúng sẽ cảm thấy thật may mắn khi được học từ kinh nghiệm của người đi trước, nhưng sẽ tuyệt biết bao nếu chúng được tự mình dấn thân và rút ra bài học đường đời. Mỗi cá thể được sinh ra để sống một cuộc đời thật toàn vẹn, xin đừng vội vàng áp đặt và mạ vào người chúng những điều sáo rỗng quá đáng. Xin hãy lắng nghe chúng nhiều hơn và sẵn sàng làm bạn với chúng. “Nhân danh” là một thành viên trong cộng đồng người trẻ, xin được trích lại bình luận của Facebook K.T trong "vụ việc nam sinh nhảy cầu cách đây 2 năm trước mặt mẹ ở Trung Quốc" theo bài đăng trên kenh14.vn, thay cho tất cả: "Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn. Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ 17 tuổi chỉ như cái miệng giếng, nhưng với đứa trẻ ấy, nó là cả một bầu trời." 


Xin được gửi đến các bạn trẻ!


Cũng là một trong số những người trẻ đã có chút trưởng thành, biết băn khoăn, suy tư về vấn đề “khoảng cách thế hệ”, mình mong người trẻ chúng ta sẽ thôi suy nghĩ sống cho bản thân. Vì thế giới này cần nhiều màu sắc cho sự sống, hãy chấp nhận sự khác biệt của bản thân, của mọi người, của ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình, ngoài xã hội. Nếu ai cũng giống nhau, thế giới này đâu cần nhiều người đến thế, đúng chứ? Nhưng trong tương quan gia đình, mình lại cảm thấy sự tiếp nối các thế hệ rất diệu kỳ. Chúng ta được sinh ra và thừa hưởng những nét riêng của nhiều thế hệ trước, trong gia phả bên cha bên mẹ. Mình đã từng tâm sự với cậu bạn mình, rằng: dường như người lớn muốn có con, muốn được nhìn thấy những đứa trẻ vui tươi, hồn nhiên trong vòng tay yêu thương của họ…. để họ được thấy lại mình của một thời xa xưa trong chính giọt máu đào 9 tháng 10 ngày kỳ diệu ấy. Phải, thật kỳ diệu quá!


Tổng kết và gợi ý….

Tóm lại, mình đã đưa ra 3 nguyên nhân chính tác động đến sự kết nối giữa các thế hệ trong bài viết này, dựa trên bài nghiên cứu trong một bài đăng mình đã giới thiệu ở trên. Thoáng trông có vẻ cụ thể đấy nhưng chưa phải là tất cả. Vì cuộc đời mà, vấn đề nào cũng có nhiều lắm những nguyên nhân nhưng dựa trên tìm hiểu và trải nghiệm của bản thân, mình chỉ có thể đưa đến cho bạn những góc nhìn như thế. Với những phương pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề cũng vậy, thoáng trông thật tổng quát nhưng phải dựa vào lối sống riêng của từng gia đình để tìm hướng giải quyết đúng đắn, chi tiết và phù hợp. Mình từng nghe cô giáo dạy Văn cấp III căn dặn tụi mình mỗi khi nhụt chí, nản lòng, rằng: “Ngã ở đâu đứng lên ở đó”. Tương tự, vấn đề ở đâu giải quyết ở đó. Tường tận, cụ thể theo chất riêng của bạn và gia đình bạn. À, đừng quên đi sức mạnh của tình yêu thương khi giải quyết vấn đề nhé! 


…. Cùng những câu hỏi tu từ treo lửng lơ??


Trong những cảm quan suy tư về sự kỳ diệu của tình yêu thương, mình cũng nhiều lần thắc mắc về “siêu năng lực” của bà nội và ba mẹ mình:


-  Sao cuộc đời nội nhiều sóng gió mà nội ‘đỉnh của chóp’ quá vậy?,

- Sao mẹ mình làm mẹ giỏi thế?,

- Sao ba mình làm ba đỉnh vậy ta?,

- Mình được đi học đàng hoàng, sống cuộc đời đủ đầy hơn đấy, kỳ vọng của mọi người vào bản thân mình cũng nhiều thật đấy. Mình nghĩ mình có thể làm được mọi thứ rất tốt nếu mình muốn và nỗ lực. Còn việc làm mẹ của những đứa con mình, mình không biết mình có làm được tốt như mẹ không nhỉ, và chồng mình nữa, sau này tụi mình sẽ chăm sóc tốt cho đàn con thơ chứ? Và chúng sẽ giữ được sợi dây kết nối khăng khít với các thế hệ trong gia đình - như cách mình đã để lạc, để đứt rồi loay hoay tìm cách kết nối lại thật bền, thật chặt với chất xúc tác mạnh mẽ là tình yêu thương của ba mẹ mình, phải không?

Chuyện mai sau ấy, khó nói quá nhỉ?...


Thôi thì cứ sống thật trọn vẹn hôm nay, vì mình vẫn nghe da diết mãi trong tim một câu: “Đủ nắng hoa sẽ nở, Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”.


(Ảnh gia đình mình chụp cách đây gần 1 tháng, mình không thể về cùng gia đình nên được em gái ghép vào trong bức hình để cảm thấy hạnh phúc, ấm áp)


Ở Sài Gòn ngày giãn cách cuối tuần, khi viết những dòng này, mình thấy nhớ bà nội, nhớ ba mẹ với 2 đứa em thân yêu nhiều quá. Lâm Đồng hãy bình yên nhé! Sài Gòn cũng sẽ sớm khỏi ốm thôi….. Và mình sẽ lại được vòng tay ôm lấy ba mẹ, giữa trưa ngồi đấm lưng cho bà, đêm đến trước khi ngủ sẽ skincare với 2 đứa em, và thủ thỉ tâm tình những chuyện nhỏ to: yêu đương mới lớn, học tập trên trường, sinh hoạt ngoại khóa, những chuyến đi xa và cả những lần được trở về. 


Bao lâu rồi bạn chưa nói chuyện với ba? Bao lâu rồi bạn chưa nhìn sâu vào đôi mắt của mẹ? Bao lâu rồi bạn chưa ngắm nhìn họ để thấy có đôi bàn tay đã chai sạn theo tuổi đời của những đứa con, có sợi tóc đã điểm bạc trên mái tóc đen láy một thời của anh chàng chăm chỉ, cô nàng hoa khôi năm đó. Được và mất bao lâu, Được và mất những gì... để khoảng cách tình thân không xa vời như khoảng cách địa lý, để “khoảng cách thế hệ”“khái niệm xa xưa” được tìm lại trong tương lai gần phía trước. Con thương ba mẹ nhiều lắm! Ba mẹ thương con nhiều lắm! Những lời ấy xưa kia nghe thật nhiều mà nay nhớ lại sao thấy đã quá xa. Lâu rồi chưa thể nói, chưa được nghe, vậy thì ai ở xa hãy bắt đầu một cuộc gọi trong buổi sớm mai, ai ở gần hãy tranh thủ nói yêu thương nhiều hơn nhé. Ban đầu sẽ khá ngượng ngùng đấy, nhưng dần rồi sẽ lại quen, vì tất cả những điều đẹp đẽ chúng ta sắp làm với ông bà, cha mẹ là những điều đã từng đi qua, ở một đoạn đường bỗng dưng bị lãng quên, bị lạc mất, nay mới kịp tìm lại… Mình cũng tạm dừng tại đây nhé! Đi ngủ sớm, mai dậy mình sẽ gọi về nhà yêu thương như mọi khi ^^ Hãy có giấc mơ thật đẹp về sợi dây kết nối tràn ngập yêu thương nhé, goodnight!!!


Chúc toàn thể các bậc ông bà, cha mẹ và các bạn trẻ giữ gìn sức khỏe thật tốt, cùng nhau gắn kết tình thân trong thời gian này và nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh thật tốt nhé! <3


Chín bút và yêu thương,

Tác giả: Hiền Trần

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là ""Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ"".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

97 lượt xem, 94 người xem - 96 điểm