Uyển Đồng@Triết Học Tuổi Trẻ
5 tháng trước
Giữa Sống Và Tồn Tại, Bạn Chọn Điều Gì?
Khi nhịp sống ngày càng hối hả, đôi khi chúng ta bị cuốn theo vòng xoáy của công việc, trách nhiệm và những kỳ vọng xã hội, vùi mình trong những áp lực vô hình, để rồi chúng ta phải ngẫm lại, hỏi bản thân rằng: “Mình đang sống, hay chỉ tồn tại?” Một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, lại hàm chứa một nỗi trăn trở sâu xa về ý nghĩa của một đời người. Điều gì thật sự định nghĩa về một cuộc đời “đáng sống”? Giá trị của chúng ta trên thế gian này là gì? Và liệu chúng ta có đang lạc lối trong sự tồn tại mờ nhạt mà quên đi rằng mình có thể sống một cách sâu sắc và trọn vẹn hơn?
Trước khi bắt đầu, tôi muốn kể cho mọi người nghe về một cuốn sách mà tôi đã đọc đi đọc lại hơn năm lần, như thể mỗi lần mở ra là một lần đối diện với chính mình qua những dòng chữ. Cuốn sách ấy mang tên “Thất lạc cõi người”, hay còn được biết đến với cái tên khác là “Nhân gian thất cách”, một tác phẩm đặc biệt mà Dazai Osamu đã viết nên trong những ngày tháng cuối đời, trước khi ông lựa chọn từ giã cõi trần.
Tôi không biết nên gọi cuốn sách này là gì. Một cuốn tiểu thuyết? Một lời thú tội? Hay đơn thuần là một tấm gương phản chiếu những nỗi đau của kiếp người? Trong đó, Dazai đã để nhân vật Oba Yozo – một con người như bị đánh rơi giữa dòng đời – kể lại câu chuyện của mình bằng những lời lẽ đầy cay đắng, u uất, nhưng cũng không kém phần chân thật và sâu sắc. Yozo không chỉ sống trong sự giằng xé của hổ thẹn và cô đơn, mà còn phải đối mặt với một sự thật mà anh luôn né tránh: sự bất lực trong việc kết nối với nhân gian, với chính mình.
“Thất lạc cõi người” không phải là một cuốn sách dễ đọc, nhưng nó lại có sức mạnh kỳ lạ. Từng trang sách như một lát cắt sắc nhọn, chạm vào những ngóc ngách mà ta thường giấu đi. Nó buộc ta đối diện với câu hỏi mà có lẽ ai cũng từng đặt ra: Ta đang sống, hay chỉ đang tồn tại? Dazai không cố tìm câu trả lời, ông chỉ mở ra những nỗi đau và để chúng tự vọng lại.
Yozo, trong tất cả sự tuyệt vọng của mình, như một lời nhắc nhở rằng đôi khi, việc chấp nhận rằng mình lạc lõng cũng là một cách để bắt đầu hiểu mình hơn. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần đọc lại, tôi lại thấy một phần nào đó của chính mình trong Yozo, trong những lần anh vùng vẫy giữa nhân gian, để rồi vẫn không thể thoát khỏi cảm giác rằng mình đã “thất cách” với thế giới.
Đó chính là lý do khiến tôi nhắc đến cuốn sách này trước khi bắt đầu.
Sống và tồn tại: Hai khái niệm tưởng chừng như tương đồng nhưng lại khác biệt đến tận cùng. Tồn tại chỉ đơn thuần là duy trì sự sống về mặt thể xác. Chúng ta ăn để không chết đói, hít thở để duy trì sự sống, làm việc để có tiền nuôi thân. Trong trạng thái ấy, dù trái tim vẫn đập, cơ thể vẫn hòa mình với thế giới, nhưng con người không khác gì những cỗ máy sinh học, chỉ biết vận hành dựa trên bản năng và nhu cầu cơ bản.
Tồn tại là sự hiện diện mờ nhạt, giống như ngọn đèn leo lét – không tỏa sáng nhưng cũng chẳng tắt lịm.
Còn ‘sống’ thì sao? ‘Sống’ là gì? Sống là khi ta cảm nhận được sâu sắc từng giây phút là mình hiện diện, khi ta thức giấc mỗi sáng với một lý do để tiếp tục, một niềm tin để giữ, một người để yêu thương, hay một ước mơ để theo đuổi. Đó cũng có thể là niềm vui giản dị trong tiếng chim hót buổi ban mai, vị ngọt dịu dàng của ly cà phê đầu ngày, hay chỉ đơn giản là một khoảnh khắc đơn độc dưới ánh chiều tà, để tia nắng vàng rót nhẹ lên vai, sắc ấm trải dài trên những ngọn cây đang nghiêng mình theo gió.
Sống là khi ta biết rung động trước vẻ đẹp bình dị của đời, là lúc ta tự tay mình viết nên câu chuyện của cuộc đời mình.
Thế nhưng ranh giới giữa sống và tồn tại lại mỏng manh hơn chúng ta tưởng. Có những người, ngày qua ngày chỉ biết đi làm, giao tiếp, ăn uống, vô thức lặp đi lặp lại những hoạt động quy củ ấy, trong khi sâu thẳm trong lòng lại cảm thấy trống rỗng, vô định. Họ như thể đang sống mà không hề cảm nhận được cuộc đời mình. Lại có những người dù cuộc sống giản dị, có khi thiếu thốn, không đầy đủ vật chất, nhưng họ luôn tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ bé, cảm nhận được sự sống động trong từng khoảnh khắc.
Chính ở những người này, ta thấy sống không phải là sự tích tụ vật chất, mà là khả năng cảm nhận và trân trọng từng hơi thở, từng trải nghiệm dù nhỏ nhất.
Tồn tại chỉ cần thời gian trôi qua, nhưng sống cần trái tim dẫn lối. Tồn tại là khi ta làm mọi thứ theo thói quen, còn sống là khi ta đặt tâm hồn vào từng hành động nhỏ nhặt nhất. Tồn tại là bước đi qua ngày mà chẳng cảm thấy gì, nhưng sống là khi từng bước chân đều mang ý nghĩa, dù là để tiến lên hay đôi khi dừng lại để ngắm nhìn thế giới. Vậy thật sự, giữa những bộn bề của cuộc sống, ta có dám nhìn thẳng vào câu hỏi: “Sống hay tồn tại, đâu mới là con đường thật sự của mình?”
Những áp lực từ công việc, những tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra, hay khát khao thành công đã đẩy con người vào guồng quay không ngừng nghỉ. Chúng ta mải miết kiếm tiền để mua nhà, mua xe, để đạt được những thứ mà người khác coi là thành tựu. Nhưng khi đứng trước ngôi nhà đầy đủ tiện nghi ấy, bạn có thực sự thấy hạnh phúc không? Hãy thử nhìn lại: Bao nhiêu lần bạn cảm thấy mình đang sống một cách ý thức và trọn vẹn? Bao nhiêu lần bạn dừng lại để thực sự thưởng thức bữa ăn, lắng nghe tiếng gió thổi hay đơn giản là cảm nhận hơi thở của mình? Có lẽ là không nhiều…
Trong Bungou Stray Dogs, Dazai Osamu từng hỏi: “Có tồn tại bất cứ một ý nghĩa nào cho thứ mà chúng ta gọi là ‘Sống'?" Câu hỏi đã khiến tôi ngồi ngẫm nghĩ, và rồi tôi hiểu rằng, câu hỏi này không nhằm tìm kiếm một đáp án duy nhất, mà là để khơi dậy sự suy ngẫm trong mỗi người.
Ý nghĩa của cuộc sống không phải là điều cố định hay áp đặt, mà là thứ chúng ta tự tạo ra. Với người này, ý nghĩa của sống có thể là cống hiến cho xã hội, giúp đỡ người khác. Với người khác, đó là thể là việc theo đuổi đam mê nghệ thuật, khám phá thế giới, hoặc đơn giản là sống một đời bình yên. Và cũng có những người, chấp nhận bản thân chỉ đang tồn tại vô vị mà thôi. Không có đúng, cũng không có sai, chỉ có sự phù hợp với chính bản thân mình.
Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách mình muốn sống, và sự lựa chọn ấy sẽ quyết định ý nghĩa cuộc đời của họ. Không thể phủ nhận rằng có những giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta chỉ đang tồn tại. Nhưng con người được sinh ra trên đời là để tỏa sáng, chứ không phải là hạt cát vô danh tồn tại trên cõi đời.
Cuộc sống không nằm ở đích đến, mà ở hành trình chúng ta đã đi qua. Hãy can đảm đặt ra những câu hỏi khó: “Mình thực sự muốn gì? Mình đang sống vì điều gì?” Đừng sợ khi phải thừa nhận rằng đôi lúc ta không biết câu trả lời. Vì chỉ khi dám đối mặt, ta mới có thể tìm thấy chính mình. Đừng chạy theo những gì xã hội mong đợi, và cùng đừng để tham vọng, tiền tài, của cải xích lại đôi chân chúng ta. Hãy trung thực với bản thân, hãy theo đuổi những gì trái tim mách bảo.
Tác Giả: Vương Minh Anh | Bút danh: Uyển Đồng (婉桐.)
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Link
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
398 lượt xem, 248 người xem - 311 điểm