Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Gửi Em, Cô Gái Chịu Thương Tổn Từ Người Bố

"Daddy, are you out there?

Daddy, won't you come and play?

Daddy, do you not care?

Is there nothing that you want to say?"

- Daddy - Cold Play


"Bố ơi, bố có ở ngoài đó không?

Bố ơi, bố sẽ không đến và chơi cùng con sao?

Bố, người không quan tâm con đến vậy ạ?

Có lẽ chẳng còn điều gì bố muốn nói với con nữa rồi?"


Trong suốt nhiều năm liền, em vẫn luôn giữ thói quen chất vấn bản thân với cùng một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp, em thu mình lại, em sợ hãi và mặc cảm vì sự tồn tại của chính mình, em loay hoay tự tìm cho mình một câu trả lời thỏa đáng nhưng đồng thời lại mải miết trốn chạy vì vết thương lòng cứ chực chờ dày xéo, nuốt chửng lấy em. Những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời em, tôi để ý đều thiếu vắng hình bóng của người đàn ông quan trọng nhất cuộc đời em, tôi để ý thấy cả em vụng về giấu đi sự thất vọng, hụt hẫng mà sau này em đã coi là điều quá đỗi bình thường trong đôi mắt nâu đen trầm buồn như giấu cả một mảng trời Hà Nội cũ kỹ. Lặng lẽ, tôi quan sát em luôn ý thức được cách thu vén những u ám uẩn ức của mình, tự chịu trách nhiệm và tách biệt riêng rẽ hoàn toàn với một cô gái tươi vui, luôn tràn đầy năng lượng lạc quan. Vui mừng nhưng cũng đầy lo âu và đau xót, tôi đã chứng kiến khoảng thời gian em tự mình chống chọi với dông bão cuộc đời, tự mình ôm lấy sinh thể mỏng mảnh đi qua những tháng năm chênh vênh lạc lõng và để rồi khi em đã quen với những ngày chỉ có một mình xoay xở, một mình vỗ về bản thân mong tìm kiếm chút dịu dàng thì cũng chính là ngày em biết cách giết chết những chiếc mầm non của thành ý, thiện cảm từ những cậu bạn khác giới gửi đến em.


Quan điểm của em khi ấy đã rất rõ ràng, nếu như người đàn ông đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong cuộc đời em không khiến em cảm thấy được yêu thương, chăm sóc và nâng niu vô điều kiện thì liệu em có đủ tỉnh táo và khôn ngoan để tìm được một người đàn ông tốt đúng nghĩa không đây? Vậy nên thay vì mải miết kiếm tìm trong vô vọng, em thà bảo bọc và yêu thương lấy chính mình còn hơn chị ạ, em đã kiên quyết với tôi như vậy. Nhưng em à, dù có cố gắng tỏ ra mình an ổn đến thế nào đi chăng nữa thì em cũng chẳng thể nào nhẹ lòng và sống trọn vẹn cuộc đời của mình nếu như cứ tiếp tục canh cánh một dấu hỏi nặng trĩu trong lòng, và tôi nghĩ đã đến lúc em cần phải làm rõ câu hỏi của cuộc đời mình rồi. 


1. Có phải em đang chịu tổn thương từ người bố?


Em đã từng rụt rè kể với tôi, từ nhỏ đến lớn, em chẳng bao giờ chia sẻ và chuyện trò với bố được quá một giờ đồng hồ. Bố em không thích con gái, bố em chỉ mải mê với hạnh phúc của riêng mình, bố em không bận làm thì cũng bận răn đe và quát mắng em mà thôi. Lâu dần em chỉ còn cảm thấy an toàn với sự hiện diện của chính mình chị ạ, nghe đến đây tôi chỉ biết im lặng ôm em thật chặt, tôi hiểu tất cả những lời an ủi đều là ngôn từ sáo rỗng, cũng có thể do tôi không biết cách lựa chọn từ ngữ phù hợp nhưng tôi thấy khi đó, em thực sự chỉ cần một chiếc ôm, và một cô bé nhạy cảm tinh ý như em sẽ hiểu, vậy là đủ. Tôi đã dần hình dung ra vấn đề mà em đang gặp phải trong cuộc đời mình, đó là "daddy issues" -  "Vấn đề có liên quan đến người bố".


"Daddy issues" chính là hậu quả của một mối quan hệ bố - con bị đứt gãy, xa cách hoặc chịu nhiều bất đồng và không có sự thấu hiểu; "Vấn đề có liên quan đến người bố" thực chất ảnh hưởng đến cả hai giới nhưng thường thì các cô gái phải chịu nhiều hơn nam giới. Khởi điểm của vấn đề bắt nguồn từ những người trong quá trình lớn lên không có người bố ở bên cạnh hoặc do sự ra đi của người bố đã dẫn đến những thiếu thốn về tình cảm cũng như là vật chất trong tuổi thơ bé. Theo như nhà phân tâm học Freud, sự ảnh hưởng của người cha lên cô con gái có một tầm quan trọng nhất định trong cả cuộc đời và đồng thời cũng quyết định sâu sắc đến cách mà cô gái khi lớn lên chọn người đồng hành trong cuộc sống và hôn nhân sau này. Ngoài ra, theo thuyết quan hệ với bản thân (Self-in-relation theory) thì sự phát triển ý thức về bản thân giữa nam giới và nữ giới là hoàn toàn khác biệt. Trong khi nam giới ý thức về bản thân một cách chủ động và độc lập thông qua một quá trình tách biệt khỏi những người lớn xung quanh (đầu tiên là tách rời khỏi sự chăm sóc của người mẹ, sau đó là những người chăm sóc và các thành viên trong gia đình) thì nữ giới lại có xu hướng xác định danh tính và suy nghĩ cá nhân thông qua các mối quan hệ xung quanh mình; có thể nói những sợi dây kết nối với các thành viên khác trong cùng một nhóm người hoặc cộng đồng chính là căn cơ để nữ giới xây dựng định nghĩa, khái niệm về giá trị bản thân của cô ấy. Do đó, sự thiếu vắng liên kết và an toàn với người bố khiến cô gái cảm thấy mình không đủ xinh đẹp, ngoan ngoãn và không có giá trị để được yêu thương.


Không còn hoài nghi gì nữa, hẳn là dư chấn của sự vắng bóng hình ảnh cũng như sự kết nối từ người bố đã khiến em sinh nỗi tự ti, né tránh và luôn ngờ vực về chính bản thân mình. Tôi biết lúc này em sẽ tiếp tục tra khảo chính bản thân mình với hàng loạt những câu hỏi tại sao; tại sao mình không đủ tốt, tại sao mình không được yêu thương bảo vệ như những cô gái khác; tại sao việc đơn giản nhất là để bố yêu quý mình cũng không làm được đồng thời em sẽ nhanh chóng kết luận thì ra muốn nhận được cảm tình từ người khác, em phải đạt được điều kiện (như xinh xắn, giỏi giang, nghe lời, biết điều, tốt bụng, khéo léo,...). Thực chất tình yêu thương thì không cần phải có điều kiện nào để nhận, chỉ đơn giản là sự yêu quý thuần túy nhưng trong em đã sớm bị hậu quả của mối liên kết lỏng lẻo giữa bố và con gái làm cho biến chất. Em cũng vô tình xa lánh, lảng tránh những mối quan hệ lãng mạn trong vô thức vì em cảm thấy không an toàn và đầy tính ngẫu hứng. Em bảo với tôi em chẳng thể tin được một người khác giới nào nữa chị ạ, em nói thật. Nghe đến đây, tôi chợt thấy nhói trong lòng từng chút một vì tôi không ngờ rằng một cô bé nhỏ hơn mình nhiều tuổi mà đã phải thốt lên câu nói đầy cay đắng đến vậy; có thể em lạc quan và mạnh mẽ ở những phương diện khác trong cuộc sống nhưng cứ nhắc đến bố,  nhắc đến tình cảm nam nữ là em lại như một con mèo cáu kỉnh, vùng vằng chối bỏ đối phương vậy.



2. Em là ai trong tình yêu và các mối quan hệ?


À thì ra tôi phải đọc thêm nghiên cứu từ Krohn và Bogan (2001) về những bất lợi trong tình cảm mà một cô gái thiếu vắng người bố có thể xảy ra để hiểu thêm về em.


Biểu hiện đầu tiên của cô gái đó chính là sự né tránh tương tác xã hội với người khác giới hoặc tỏ ra xa cách với họ - khái niệm này được chứng minh bởi Thuyết Gắn Bó của John Bowlby về kết quả của mối liên kết với bố mẹ từ khi còn nhỏ đã ảnh hưởng đến mối quan hệ khi trưởng thành của một người. Theo đó, cô gái với kiểu gắn bó tránh né, cảm thấy không an toàn trong mối liên kết với bố mẹ vì lúc nhỏ đã thiếu vắng sự đáp ứng nhu cầu từ chính bố mẹ của mình nên khi trưởng thành cô sẽ tránh hình thành các mối quan hệ với người khác và cho rằng tình cảm nam nữ cũng sẽ không đáp ứng được nhu cầu gì của mình (Jeong và các đồng sự, 2017). Đối với nhiều cô gái, họ tránh hoàn toàn các mối quan hệ với đàn ông. 



Biểu hiện thứ hai của cô gái đó là luôn chạy theo tình yêu khi trưởng thành để tìm kiếm sự chú ý và chấp nhận từ một người đàn ông. Lý do là bởi vì cô gái này mang trong mình mối liên kết lo âu và thiếu an toàn với bố mẹ khi còn nhỏ dẫn đến cô không cảm thấy sự nhất quán trong tình yêu thương và hình thành nên sự thiếu tin tưởng vào gia đình mình. Vì thế, cô ấy có xu hướng tìm kiếm sự trấn an từ người khác. Thậm chí cô ấy có thể kiếm tìm tình cảm và sự vuốt ve từ người đàn ông này cho đến người đàn ông khác chỉ để cảm thấy an toàn và được chiều chuộng. Sự mong mỏi tìm kiếm này xuất phát từ mong muốn được một người đàn ông nào đó chấp nhận mình vì cô chưa bao giờ tìm thấy sự chấp nhận ấy ở cha mình (Krohn & Bogan, 2001). 


Việc lớn lên có sự hiện diện của người bố cùng việc nhận được sự dạy dỗ từ người bố về hình mẫu của một người đàn ông tốt sẽ giúp cô gái nhận thực rõ cách lựa chọn một người đồng hành chất lượng, cách phân biệt những người đàn ông sau này sẽ gặp trong cuộc đời là tốt hay xấu và hình thành nên cách xử lý khéo léo với những mối quan hệ xã hội cùng người khác giới. Nếu thiếu đi hình mẫu đó, cô sẽ có rất ít kiến thức về một người đàn ông tốt - một người tôn trọng và yêu thương mình vô điều kiện, bao dung và sẵn sàng ở bên cạnh cô ấy trong những lúc khó khăn. Khi ấy, cô gái sẽ rất dễ rơi vào các mối quan hệ hẹn hò độc hại, nơi mà cô gặp lại một hình mẫu tương tự với của bố mình với sự thành thục trong việc bỏ rơi cảm xúc, mang đến cho cô thiếu vắng sự an toàn cùng sự hời hợt và tính vô trách nhiệm.


Và đó là những điều mà em đang dè chừng, lo sợ; mãi mãi tôi không thể hiểu được sự bất an cùng nỗi mặc cảm cuộn trào trong em suốt những tháng ngày qua. Có những điều đã lùi về quá khứ nhưng vẫn có thể dày vò người đang sống ở thì hiện tại và thậm chí là cho đến cuối cuộc đời người. Tất cả những lời khuyên nhủ "Cứ sống cho hiện tại đi", "Đừng mãi nhìn về quá khứ nữa" hay " Chuyện đã qua rồi" đều là vô nghĩa, vì vết thương thể chất có thể liền miệng lành da theo năm tháng nhưng những vết cắt tinh thần thì cứ mãi ở đó, nếu như người ta chỉ cố tình giả tạo quên nó đi thì chính vào những lúc con người ta yếu đuối nhất, vết cắt sẽ há miệng thật to để nuốt gọn linh hồn yếu đuối vào. Vậy nên dũng cảm đối mặt với vết thương lòng, bình tĩnh ngồi lại và chậm rãi sát trùng, băng bó rồi chữa lành chính mình, trong quá trình tự chữa lành cho phép được bi quan, phẫn ức nhưng không để bản thân bị lún sâu vào đó mà quên đi mục đích chính của hành trình thực chất là việc nên làm hơn cả.


3. Em xứng đáng được trân trọng và yêu thương mà


Cảm ơn em, nhờ có em mà tôi có động lực để mạnh dạn đào sâu một chủ đề mà trước giờ bản thân chưa từng quan tâm đến. Con người ai cũng có nỗi đau khó nói, cảm ơn em một lần nữa vì đã tin tưởng và chọn tôi để chia sẻ. Em không hề cô đơn như mình nghĩ, vì bên em luôn có tôi lắng nghe chuyện trò và ở ngoài kia cũng có rất nhiều người đã và đang phải đối mặt với "Daddy issues" - "Vấn đề có liên quan đến người bố".



"Tôi có những vấn đề liên quan tới bố. Vậy nên tôi luôn giữ khăn giấy ở bên mình suốt" - Ryan Reynolds


Nếu hiện tại em cảm thấy chưa thể tin tưởng một ai, vậy thì hãy thỏa thích học hỏi và khám phá thế giới này, để nhận thấy sự rộng lớn và muôn sắc muôn màu đang chờ em phía trước, để nhận thấy bản thân mình xứng đáng đón nhận những điều tốt đẹp và xứng đáng được yêu thương, một tình yêu thương vô điều kiện. Em hãy cứ tiếp tục làm những điều khiến mình cảm thấy thư thái và hạnh phúc, chơi với mèo, vẽ tranh, nghe cello, nấu ăn và chạy xe không có điểm đến nhất định trên phố mỗi chiều. Em hãy không ngừng hoàn thiện bản thân, thu hút những điều xinh xắn lạc quan và tự làm cho cuộc sống của mình thêm đủ đầy, trọn vẹn. 

Nếu một ngày nào đó em có gặp một người có cùng vấn đề tương tự, tôi mong em sẽ cảm thông và lắng nghe họ, thay vì bài xích và vội vã đánh giá họ khiếm khuyết này kia. Nỗi đau sẽ không kéo dài mãi mãi, nên khi em còn bao dung và vị tha với họ cũng chính là khi em đang tự chữa lành cho chính mình. Và tôi thật tâm mong cầu em sẽ sớm gặp được một người thật tốt để mà em có thể an tâm dựa vào. 

Tác Giả: Nguyễn Bích Ngọc

  --------------------------------

 Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

299 lượt xem, 263 người xem - 282 điểm