Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hạnh Phúc - Ẩn Số Để Chúng Ta Giải Mã Trong Trò Chơi Cuộc Sống

Đã có lúc nào bạn đặt câu hỏi rằng: Mỗi ngày bạn sẽ làm gì? Ý nghĩa sống của bạn là gì không? Nếu chưa có thì cũng không cần phải vội vã hoang mang hay bày ra khuôn mặt đầy thắc mắc. Tôi cũng từng như vậy, tôi cũng từng không biết mình phải làm gì? Tôi sinh ra để làm gì? Tại sao mọi người vẫn thường nói đời là bể khổ, nhưng có người lại nói đời là lạc thú. Có những người vẫn luôn đi tìm câu trả lời đó, trên con đường đi tìm ấy cũng có không ít người không tìm thấy được ý nghĩa sống của bản thân và họ đã từ chối bước tiếp trong cuộc sống mà lựa chọn giải thoát cho sự bế tắc, đau khổ của mình bằng cách tự tước đoạt mạng sống của chính mình. Tất nhiên việc tự tử không phải cách giải quyết vấn đề mà chỉ là cách một người lựa chọn tránh né thay vì đối mặt giải quyết vấn đề. Cơ chế của một loài là đấu tranh sinh tồn. Có lẽ bởi những cơn trầm cảm một phần cũng được nảy sinh từ cơ chế fight - fight (đánh nhau hoặc chạy). Cơ thể con người là một “cỗ máy” đặc biệt, là sự kì diệu của tạo hóa, mọi hoạt động đều vận hành theo một mắt xích thống nhất và kì diệu. Nhưng dường như thời đại ngày nay, con người càng xa rời tự nhiên, đối mặt với guồng quay của thời đại nên những vấn đề phát sinh cũng như phản ứng của con người ngày càng hoạt động mạnh mẽ. Não bộ tiến vào trạng thái phòng vệ khiến chúng ta nhạy cảm hơn với kích thích xung quanh và tạo ra phản ứng không mong muốn là thường tiêu cực hóa vấn đề. Đó cũng còn được gọi là Trầm Cảm. 

Có câu nói: “Không ai lựa chọn cái chết khi còn một bến đỗ ý nghĩa đợi họ”. Bến đỗ ý nghĩa ở đây không đơn giản là vật chất, tiền tài mà còn là một người thân, người thương hay một ý nghĩa nào đó không phải hiện vật…

Con người trên đời nếu muốn đạt được hạnh phúc thì đều cần tìm thấy ý nghĩa sống của bản thân. Cũng như Frankl - tác giả của cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” nói rằng: “Nhiệm vụ lớn lao nhất của mỗi người là tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống của mình”. Ông còn nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người là: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với người thân yêu, lòng can đảm khi đối mặt với thời khắc cam go của cuộc sống.

Hạnh phúc không có nghĩa lúc nào cũng vui vẻ mà hạnh phúc thực sự là cần được duy trì

Con người ta cũng luôn đi tìm hạnh phúc. Sự thật thì hạnh phúc không phải là đích đến mà hạnh phúc là quá trình. Cha đẻ của tâm lý học tích cực, Martin Seligman, mô tả sự “hạnh phúc” là khi được trải qua những cảm xúc tích cực thường xuyên, ví dụ: niềm vui, sự phấn khích và sự thỏa mãn kết hợp với những cảm nhận về ý nghĩa và mục đích sâu sắc hơn. Điều này ngụ ý tư duy tích cực trong hiện tại và tầm nhìn lạc quan trong tương lai. Quan trọng hơn, các chuyên gia về sự hạnh phúc đã tranh luận rằng, sự hạnh phúc không phải là một đặc điểm ổn định, chúng không dễ thay đổi mà là thứ gì đó linh hoạt khiến chúng ta có thể nỗ lực làm việc và sau cùng đạt được. 


Hạnh phúc cũng được chia làm hai loại là hạnh phúc chủ quan và hạnh phúc tâm lý. Trước đây người ta thường nghĩ hạnh phúc là phải cực đại hóa sự hài lòng và tránh suy nghĩ tiêu cực. Giống như việc người ta luôn lấy điều nhỏ nhất làm hạnh phúc, ví dụ như ăn một bữa cơm ngon với người thân là một loại hạnh phúc. Hay chẳng may ngày hôm đó bạn bị trộm ví, người thân của bạn sẽ nói rằng: “Của đi thay người”. Như thế đó, mọi thứ nhỏ nhất trong cuộc sống chúng ta thường cực đại hóa chúng lên và tự gắn mác điều đó là hạnh phúc như để an ủi tâm hồn. 

Theo triết lý đạo Phật thì chúng ta nên tạo hạnh phúc tự thân từ những điều nhỏ nhất. Nhưng quan điểm này dường như chỉ tạo ra loại hạnh phúc nhất thời và bản chất của những việc đó là sự tự ràng buộc suy nghĩ của bản thân rằng điều đó là hạnh phúc chứ chúng thực sự không phải là một loại hạnh phúc.

Điều này có một điểm tương đồng với hiệu ứng tâm lý “sự bất lực học được”. Trong suy nghĩ của người có tâm lý này là luôn chống lại việc họ phải phải thoát khỏi nó và họ lấy một lý do nào đó nhằm để tạo cho bản thân một sự ngụy biện hạnh phúc và họ không muốn đối mặt để thoát ra khỏi điều đó. Tâm lý này như một con ký sinh làm vật chủ (người mắc phải tâm lý) không có được một cuộc sống hạnh phúc nhưng vật chủ lại xem nó là bạn để hợp lý hóa sự chống đối đó. Tôi không cho rằng đây là một phương thức sai nhưng hầu hết nó được chúng ta dùng sai cách. 

Để dễ hiểu tôi lấy một ví dụ: chẳng hạn một người bình thường sống ở nông thôn, mơ ước của anh ta là trở nên có địa vị và sống đầy đủ ở một thành phố trù phú. Nhưng dường như năng lực anh ta chưa hợp thời để có một việc làm tại thành phố. Công việc đó cao quá tầm nên không thể thực hiện ngày một ngày hai, anh bất lực và cũng không còn muốn tìm công việc ở thành phố nữa, anh nghĩ đến việc chỉ nên tận hưởng cuộc sống ở quê. Nhưng nếu như tại thành phố đó có công việc thấp hơn, phù hợp với tầm của anh ta thì anh ấy vẫn muốn ở lại làm. Nhưng dường như một ma thuật nào đó khiến cho anh ta hết lần này đến lần khác thất bại, trong anh ta được hình thành một niềm tin rằng anh ta sẽ không thể nào ở lại thành phố làm việc được. Lúc đó bản thân anh ta sẽ có những lý do cho sự bất lực đó chẳng hạn như không khí ở quê trong lành hơn, thức ăn ít bị thuốc thực vật, hay chi phí ở quê sẽ thấp hơn để anh ta có thể sống hạnh phúc. Nhưng sự thực là lòng anh ta không nghĩ như vậy, đó chỉ là sự hợp lý hóa đặt ra để an ủi sự bất lực. 

Hay một ví dụ khác: Trước đây sự bình đẳng nam nữ chưa có và phụ nữ bị đối xử hà khắc. Mọi người vẫn luôn có định kiến rằng nữ giới sẽ không làm được những việc mà nam giới làm. Nữ giới nên biết thân phận bản thân và có muôn vàn lý do khác để hỗ trợ cho suy nghĩ đó. Lúc ấy nếu phụ nữ đứng lên đòi quyền bình đẳng thì sẽ cho là bị điên hoặc sẽ nhanh chóng được dẹp bỏ trong chốc lát. Điều đó hình thành nên “sự bất lực học được” và họ hình thành suy nghĩ như thế, rồi dần dần họ xem điều đó là bình thường trong cuộc sống. Nhưng nếu họ là nữ giới nhưng được hưởng những giá trị mà ở nam giới có thì có lẽ họ hạnh phúc, nhưng đáng tiếc cho đến khi phong trào bình đẳng giới được khởi xướng và có những thay đổi nhất định thì họ mới nhận ra rằng điều đó bất thường chứ không bình thường như họ vẫn nghĩ. Bây giờ suy nghĩ “trọng nam khinh nữ” đó đã dần được rũ bỏ khi một số tổ chức đứng lên với sứ mệnh thay đổi suy nghĩ cổ hủ đó.

Hay mặt khác, cũng như câu nói mà ai cũng mặc định là đúng như “đời là bể khổ” nhưng tôi lại nghĩ rằng đôi khi “đời là lạc thú”. Điều quan trọng không phải tôi muốn nói rằng câu nói ấy đúng hay sai, tôi muốn nói rằng có những thứ chúng ta mặc định trong tiềm thức là như vậy nhưng thật sự có lẽ đó chưa phải là điều tất yếu không thể thay đổi. Có lẽ điều bất thường không đáng sợ, mà đáng sợ là những điều bất thường nhưng lại được xem như một điều bình thường.

Tất cả những điều trên là hạnh phúc chủ quan. Vậy hạnh phúc tâm lý là gì? Hạnh phúc tâm lý là loại hạnh phúc có được khi chúng ta đi tìm ý nghĩa sống. Hạnh phúc này là hạnh phúc dài hạn, hạnh phúc này có thể là những trải nghiệm và cảm xúc không mấy dễ chịu, nhưng nó lại dẫn đến những niềm vui sướng và sự hài lòng ở những mức độ sâu sắc hơn. Đó cũng là ý nghĩa sống thứ ba mà Frankl - tác giả của cuốn sách “Đi tìm lẽ sống” đã nhắc đến.

 Chắc chúng ta vẫn còn nhớ game mario kinh điển mà chúng ta đã từng chơi. Chúng ta phải luôn đến một tòa tháp này và một tòa tháp khác đến tòa tháp cuối cùng chúng ta phải cứu công chúa. Hãy thử đặt hạnh phúc như một tòa tháp sau mỗi màn game và màn game này là mỗi chặng trong cuộc đời. Mỗi chặng trong cuộc đời có thể là mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng hay thậm chí là mỗi năm. Chúng ta càng đặt ra nhiều màn game cuộc đời càng nhiều càng tốt. Như bạn có thể thấy việc vì sao game luôn có nhiều màn, nhiều cấp độ và chúng ta cũng phải tăng level theo từng cấp độ. Nếu game dễ quá chúng ta dễ chán và game khó quá chúng ta cũng dễ dàng bỏ cuộc. Hãy so sánh cuộc đời như một trò chơi, mỗi chúng ta cũng cần nâng cấp và chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa mỗi tuần hay thậm chí ý nghĩa của mỗi ngày thức dậy.


 Có thể chúng ta cũng phần nào biết rằng ý nghĩa sống quan trọng nhưng thật sự để tìm ra ý nghĩa sống lại là một chuyện khác. Có thể chúng ta biết việc có cơ thể đẹp sẽ được nhiều thiện cảm nhưng biết cách để có cơ thể đẹp lại là một chuyện khác. Nhà bếp có đậu phụ, có rau thì đó vẫn là đậu phụ và rau nếu không biết cách nấu cũng không phải là một nồi canh ngon. Điều đó cũng giống như việc chúng ta thường được truyền cảm hứng vươn lên làm giàu, được bơm động lực từ internet cho đến sách self help nhưng ít ai cho ta biết cách thức cụ thể như thế nào để thực hiện điều đó. Cũng tương tự, ai cũng muốn hạnh phúc, cũng biết cần phải sống hạnh phúc nhưng ít có ai biết cách tìm ra hạnh phúc. Vậy để biết được ý nghĩa sống cũng như tìm ra được hạnh phúc và duy trì hạnh phúc với triết lý “Ikigai” 


Triết lý “Ikigai” -  ý nghĩa sống (reason to live) của mỗi người

Vậy Ikigai là gì? 

Nếu ai từng yêu thích lối sống của người Nhật cũng như văn hóa của họ chắc hẳn sẽ biết người Nhật luôn có những triết lý sống và lối sống hướng đến tối giản. Nhưng bên cạnh đó ở xứ sở hoa anh đào này còn có triết lý Ikigai - một triết lý giúp tìm ra ý nghĩa sống. 

Triết lý Ikigai cũng được rất nhiều nhà tuyển dụng dùng để đặt câu hỏi cho nhân sự khi ứng tuyển. “Ikigai” vốn là thuật ngữ được ghép từ “ikiru” nghĩa là sống và “kai” nghĩa là hy vọng. Chúng được ghép lại thành một khái niệm: “reason to live” (ý nghĩa sống). Ikigai không chỉ đơn thuần về tiền bạc hay đam mê mà còn ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

Trong mỗi chúng ta đều có một Ikigai ẩn. Chỉ khi khám phá ra chúng thì chúng ta mới thực sự hạnh phúc. Ikigai là chiếc chìa khóa giúp bạn làm việc không mệt mỏi và tìm ra được ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Nhà tâm lý học Mieko Kamiya nói rằng: “Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại” 


Có bốn yếu tố để tạo ra Ikigai của một người, Ikigai là trung tâm của sự giao thoa thông qua bốn câu hỏi: 

  • Bạn yêu thích, đam mê điều gì?

  • Bạn giỏi lĩnh vực nào?

  • Thế giới cần gì từ bạn?

  • Bạn có thể kiếm tiền từ việc gì?


Hành trình tôi tìm “Ikigai” của riêng tôi

Tôi cũng từng sống và chưa từng nghĩ tới việc đặt câu hỏi cho ý nghĩa sống của bản thân là gì. Tôi sinh ra, tôi được cho ăn, cho học, được đáp ứng đầy đủ những thứ thiết yếu của tầng thấp nhất trong tháp Maslow.

Giống như một cỗ máy được lập trình sẵn, tôi được sinh ra và tôi sống như thể đó là điều bình thường. Sống như bản năng của bất cứ loài nào trên đời. Thật đáng xấu hổ tôi cũng từng là một kẻ thất bại, một kẻ thất bại trong “sự bất lực học được”. Thật may mắn làm sao khi điều kì diệu xảy đến và tôi tìm được ý nghĩa sống của bản thân. Tôi đã tìm thấy ý nghĩa sống của mình khi tôi tự đưa bản thân vào một môi trường hoàn toàn khác, tôi va chạm nhiều người, tôi làm hoạt động ngoại khóa và tôi yêu công việc này, yêu những con người nơi đây. 

Dạo trước khi tôi tham gia một hoạt động ngoại khóa, tôi được nhận một câu hỏi: “Ba điều làm nên con người của tôi bây giờ”. Nếu câu hỏi đó được hỏi trước đây có lẽ tôi sẽ tìm đại ba điều gì đó để có cái gọi là hoàn thành câu hỏi. Nhưng lúc nhận được câu hỏi này tôi đã có dịp được biết đến triết lý “Ikigai”, không do dự, trong chốc lát tôi nghĩ đến ba thứ: Sách, tổ chức tôi đang làm và “medicine woman”. Có thể “Ikigai” sẽ có sự thay đổi sau này nhưng tôi biết rằng hiện tại đây là “Ikigai” của tôi.

“Medicine woman” đơn giản là một khái niệm mà tôi tự đặt ra khi nhận thấy trong bản thân mang một sứ mệnh chữa lành. Chữa lành không đơn giản là một liệu pháp tâm lý hay bác sĩ tâm lý, chuyên viên tâm lý hay nhà trị liệu...  Đối với tôi “Medicine woman” là những gì tôi có thể làm để nhân sinh, thế giới quan này tốt đẹp hơn. Khái niệm này được tôi lấy ý nghĩa từ bộ bài Tarot - tìm lại nguồn năng lượng thanh tẩy, chữa lành mang tính nữ của mình, khi mà cuộc sống công nghiệp thường ngày làm cho người ta có khuynh hướng sống vội hơn và chối bỏ nguồn năng lượng ấy. 

Có một sự thật tôi cảm nhận được từ sâu bên trong. Tôi thường thu hút những người bị tổn thương bước vào cuộc đời mình và nhận những “rác” cảm xúc của họ, tôi cảm nhận được cảm xúc và sự đau đớn của người khác như thể chính tôi đang bị, tôi thường bị những cơn trầm cảm hiện sinh (dễ bị ảnh hưởng bởi những mối lo về chiến tranh, nạn đói, ô nhiễm và những bất công hoặc bạo lực khác trong xã hội), tôi cũng dễ nhận thấy được tâm tư của một người mà tôi không thể diễn đạt thành lời và tôi được cho là người đáng tin cậy khi ai đó muốn tâm sự. Cứ như thế họ luôn tìm đến tôi khi họ có nỗi đau, tôi “sửa chữa” cho họ và họ rời đi.

 Mọi người vẫn luôn cho rằng đây là “món quà” mà tôi có nhưng sao tôi thấy mình cô đơn, nỗi cô đơn rất sâu trong tim, tôi cũng đau và rất đau. Nếu bác sĩ bình thường bị đau họ biết họ cần uống thuốc gì nhưng tôi thì không thể biết được mình cần phải làm gì.

 Tôi thật sự cũng muốn biết rằng tại sao tôi như thế và tại sao tôi giúp được người khác nhưng sao tôi không gặp được ai có thể giống như tôi để giúp tôi hoặc ít nhất tôi cũng muốn bản thân có thể tự giúp mình. 

Tôi cũng khao khát được thấu hiểu, được người khác lắng nghe như cách tôi làm với họ mà sao khó quá. 

Không một lời hồi đáp, không một sự thấu hiểu và tôi đã tự vùng vẫy trong mớ rối cảm xúc của riêng mình. Tôi dần né tránh những ai bị tổn thương và những ai muốn chầu chực, lợi dụng đang đội lốt bản thân họ là người bất hạnh và là nạn nhân của hoàn cảnh xung quanh. Nhưng thật tồi tệ, bản thân tôi không cho phép tôi kháng cự, tôi không thể làm trái với những gì tôi được giáo dục, tôi càng vướng vào nỗi cô đơn.

 Sau này tôi đã may mắn chuyển hóa năng lượng chữa lành này bằng cách tôi đặt sự nhạy cảm, thấu hiểu của mình vào nơi tôi làm việc. Nơi mái ấm, nơi có những đứa trẻ, những nơi này cần những người như tôi. Tôi dùng năng lượng này để viết lách để thoát khỏi mớ hỗn độn bên trong nhưng vẫn tận dụng được “món quà” mà tôi có. Và đó là cách tôi tìm thấy “Ikigai” của tôi.


Nếu bạn hỏi tôi làm sao để nhận ra những nhạy cảm trong tôi. Tôi lại thấy câu nói mà tôi từng đọc rất hợp lý của  E.Leventhal: “Sức Mạnh của một người chữa lành không phải được bắt nguồn từ một khả năng đặc biệt nào đó, mà từ việc duy trì lòng can đảm và sự hiểu biết để thể hiện và biểu lộ năng lực chữa lành từ vũ trụ mà mỗi một người đều sở hữu một cách tự nhiên”. Có lẽ sự nhạy cảm dần được hình thành khi tôi thực hiện “Stay focused, be present”. Câu này mang hàm ý luôn luôn tập trung và có mặt trong khoảnh khắc hiện tại. Bạn có thể tập trung mọi lúc mọi nơi, tập trung ở đây không đơn giản là tập trung vào công việc hay học tập thôi mà còn là tập trung trong hiện tại. Kể cả ăn, ngủ, đi đứng tôi luôn thực hành, tôi biết rất khó nhưng đang ngày ngày cố gắng để thực hiện. Tôi thường hay dùng từ “chánh niệm” để nói về điều này sát nghĩa nghĩa hơn. Đây cũng là một triết lý mà tôi học được từ cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh và thật sự tôi đã thay đổi. 


Mỗi chúng ta đều có thể tìm thấy “Ikigai” của bản thân. Nó có thể giúp mỗi người dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất vẫn có thể thấy ánh sáng ở cuối đường hầm vì phía trước chúng ta còn cả một sứ mệnh và chúng ta phải thực hiện nó. Đó là điều mà mỗi chúng ta nên làm chứ không phải chối bỏ cuộc sống này. 


Mong mỗi người dù nhận ra thế giới này khắc nghiệt vẫn cường tráng đối mặt. Hãy sống như một đóa bồ công anh, tuy mỏng manh nhưng vẫn kiên cường, sinh trưởng trong mọi loại thời tiết, kể cả là khắc nghiệt nhất. Từ vách nứt của một bức tường bồ công anh vẫn có thể nở một đóa hoa và chúng ta cũng như thế từ khắc nghiệt của cuộc sống vẫn có thể mỉm cười sống để thực hiện lý tưởng, ý nghĩa sống của riêng mình. 

Tác Giả: Nguyễn Thanh Trà

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nguyen.tra199/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

372 lượt xem, 352 người xem - 362 điểm