Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

"Hạnh Phúc" - Giá Trị Đích Thực Của Cuộc Sống

         Hạnh phúc thật ra không phải điều gì quá to tác, xa xôi mà chính là cảm xúc thỏa mãn khi ta đạt được điều ta muốn hoặc đôi khi nó đến một cách bất chợt, tác động từ ngoại cảnh khiến ta vui và mỉm cười. Hiển nhiên rằng dù cuộc sống giàu sang hay nghèo khổ, sung túc hay thiếu thốn thì vẫn luôn có những khoảnh khắc đem lại cho ta cảm giác hạnh phúc và yêu đời vì vốn dĩ, cuộc sống là sự hòa quyện của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, chẳng có gì là mãi mãi và viên mãn vì nó luân vận hành theo thời gian. Hạnh phúc trong quan điểm của mỗi người khác nhau, tùy vào cách ta chiêm nghiệm và nhìn nhận vấn đề. Với những đứa trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng, hạnh phúc của chúng chính là được nhận những món đồ ăn vặt, đồ chơi, những món quà trong dịp lễ,...Với lứa tuổi học sinh, chúng tìm thấy niềm hạnh phúc khi đạt kết quả học tập tốt, được thầy cô khen, được bố mẹ tâm lý luôn sẵn sàng sẻ chia, tâm sự và giúp đỡ khi chúng cần,...Với độ tuổi trưởng thành, họ cảm thấy vui khi tìm được bạn đời lý tưởng, một sự nghiệp ổn định, một mái ấm đầy ắp yêu thương,...Còn với những người già, đơn giản họ vẫn khỏe mạnh, được nhìn thấy con cháu thành đạt, ấm no, sung túc là họ đã mãn nguyện với cuộc đời rồi.

        Ở mỗi giai đoạn, mỗi độ tuổi, mỗi khoảnh khắc, nhận thức của con người lại thay đổi do những tác động chủ quan và khách quan. Do vậy, không nên ép buộc ai đó phải sống theo cách mình mong muốn mà hãy để mọi thứ phát triển theo một quy luật tự nhiên, hãy để tiềm thức của ta được đánh thức theo bản năng . Cụ thể, chúng ta không thể ép những đứa trẻ phải trở thành một phiên bản hoàn hảo, chín chắn được bởi ở độ tuổi còn đi học, chúng đang trong giai đoạn phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, chưa có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm sống, vẫn trong vòng tay bao bọc của gia đình và thầy cô nên vẫn có nét tinh nghịch, trẻ con vốn có. Càng ép, cành khắt khe có thể khiến chúng có lối sống lệch lạc hơn vì khi đó, chúng sẽ chịu áp lực lớn cả về học tập lẫn gia đình. Nhất là các bậc phụ huynh luôn quan niệm rằng học tập chính là con đường tương lai dễ dàng nhất, ngắn nhất để đi đến thành công nên thường có tính so sánh con mình với con nhà người ta nhằm tạo động lực cho con cái noi theo. Nhưng vô tình, điều này lại phản tác dụng bởi những đứa trẻ coi nó là áp lực, là sức ép hơn là động lực. Chúng thường dễ rơi vào tuyệt vọng và chán nản bởi chúng sẽ cảm thấy bản thân mình thậm tệ, dù làm thế nào, cố gắng bao nhiêu cũng chẳng đủ để khiến bố mẹ hài lòng và tự hào. Lúc đó, đối với bố mẹ, việc nghiêm khắc trong học tập là muốn tốt cho con cái, chúng sẽ phải biết ơn, cảm kích và thấy hạnh phúc khi được đầu tư cho ăn học tử tế nhưng đối với tâm lý những đứa trẻ lại không đơn giản như vậy, ở lứa tuổi tâm sinh lí chưa phát triển toàn diện, chúng rất dễ nhạy cảm bởi những điều người lớn nói và làm. Khi trong tâm thế bị ép học, quản lý sát sao, mất tự do, quyền riêng tư, chúng dễ bị tổn thương và cảm giác mình vô dụng, không được thoải mái được làm những thứ chúng muốn và đam mê, thậm chí nếu để điều đó diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến chúng nghĩ quẩn và làm liều. Bởi lẽ, khi cuộc sống chẳng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc, chẳng được sống một cuộc đời của chính mình, bất kể ai cũng dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng và trống trải, cảm giác cuộc sống chẳng còn ý nghĩa nữa. Hơn nữa, viêc tiếp thu tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực, môi trường giáo dục, thái độ học hỏi,...chứ không phải mình muốn là được. Những lúc như vậy, thay vì đem so sánh, gây áp lực học cho con cái, các bậc cha mẹ nên lắng nghe, thấu hiểu tiếng lòng của các con để có phương án giải quyết ổn thỏa, hiệu quả hơn.

        Bước sang độ tuổi phải đi làm để kiếm sống, bươn trải nhiều gian truân, thách thức của cuộc đời, họ chỉ mưu cầu một sự nghiệp ổn định và một mái ấm bình yên, đó chính là niềm hạnh phúc rồi. Đôi khi, chúng ta chỉ cần có lý tưởng, mục tiêu phấn đấu đã là lợi thế hơn bao người – những người chưa xác định được phương hướng, mục đích và kế hoạch cho chính những gì họ đã, đang và sẽ làm, vẫn còn chông chênh, lạc lõng giữa dòng đời mà không có định hướng tương lai. Khi đó, cuộc sống thật tẻ nhạt, vô vị và vô nghĩa. Có những người giàu về vật chất nhưng họ vẫn cảm thấy chưa hài lòng và hạnh phúc bởi họ còn muốn nhiều hơn thế. Bản chất con người vốn tham lam, tham vọng và cầu toàn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được điều đó để cân bằng mọi khía cạnh đời sống bởi người đời có câu: “Tham thì thâm”. Tham quá không chỉ khiến bản thân mệt mỏi, gia tăng áp lực hơn mà còn khiến ta bỏ lỡ mất nhiều giá trị quan trọng khác như gia đình, những người thân yêu, bạn bè thân thích...do ta bỏ quá nhiều thời gian và công sức để chạy đua với thế lực tiền tài, danh vọng mà quên đi những điều bình dị, đẹp đẽ gần ngay trước mắt. Khi đó, chúng ta cũng không thể có niềm hạnh phúc trọn vẹn và viên mãn vì đã đánh mất hương vị tình yêu của cuộc sống - giá trị tinh thần lớn lao. Một niềm hạnh phúc đủ đầy là khi vừa giàu về vật chất vừa giàu về tình thần. Hãy để cuộc sống của chúng ta trôi đi một cách nhẹ nhàng, bình yên và tự nhiên theo quy luật của nó, đừng gò ép nó phải tuân theo theo một khuôn mẫu nào cả, và cũng đừng để lãng phí thời gian và công sức của mình vào những thư vô bổ, viển vông và phi nghĩa. Chúng ta hãy là phiên bản tốt nhất của chính mình, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu và vận động theo hướng chân – thiện – hoàn – mỹ để đạt được niềm hạnh phúc trọn vẹn – giá trị đích thực của cuộc sống.


       Những lúc cuộc sống mệt mỏi, khó khăn quá, chúng ta hãy đi tìm đến những nguồn cảm hứng và đam mê cháy bỏng của mình để giải tỏa áp lực, thanh lọc cơ thể và vơi đi ưu phiền trong tâm trí. Một cách tốt nhất để giải sầu, tìm lại được niềm hạnh phúc và niềm vui có lẽ là kiếm cho mình một tri kỉ, một chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy chia sẻ và tâm sự. Có bạn tâm giao bầu bạn, sẵn sàng lắng nghe và thấu hiếu mình, ta sẽ cảm thấy cuộc sống này vẫn có những nút mở, vẫn có tia sáng của hy vọng, của lý tưởng, nhất là khi người ấy có thể giúp ta đứng dậy sau những vấp ngã, và vượt qua mọi thăng trầm cuộc sống. Ngoài ra, một cuốn sổ nhật ký cũng sẽ giúp ta giãi bày những tâm tư, tình cảm khi ta gửi gắm những dòng lưu bút trong đó. Hãy viết ra những ước nguyện, những niềm hạnh phúc, niềm vui nho nhỏ hằng ngày và cả những nỗi buồn thầm kín vào trong cuốn sổ ấy. Bất cứ khi nào tâm trạng, ta có thể lôi ra và đọc lại, thấm từng dòng thơ vần chữ để nhìn nhận lại bản thân, biết được mình đang là ai? mình đang ở đâu? mình đang làm gì? và mình sẽ làm gì?, từ đó có mục tiêu, động lực để cố gắng hơn. Một cách hiểu đơn giản, khi ta gục ngã ở đâu, hãy nghĩ về lý do ta bắt đầu ở đó để nhắc nhở bản thân không được từ bỏ, phải kiên trì theo đuổi đam mê và lý tưởng sống. Đó là niềm hạnh phúc đáng trân quý khi ta được sống và làm những điều mình thích chứ không phải theo đuổi những thứ viển vông, hoặc sống theo cuộc đời của bất kì ai cả vì mỗi cá thể sinh ra đã là một phiên bản của chính mình, tự làm chủ cuộc đời mình và được chia những cơ hội ngang nhau để thể hiện năng lực bản thân, khẳng định chất riêng giữa dòng đời bao la, tấp nập.

 Tác Giả: Huong Jelly

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/jelly.huong.52

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,626 lượt xem, 4,569 người xem - 4589 điểm