Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hãy Để Con Được Là Chính Mình

    Cha mẹ nào không muốn con mình thành công và hạnh phúc, nhưng đôi khi mong ước ấy lại vô tình tạo thành những suy nghĩ áp đặt các bước cho cuộc đời của con theo lập trình định sẵn. Tôi tin hiện nay vẫn còn rất nhiều người phải chịu sự gò bó, áp đặt của cha mẹ trong học tập hay trong cuộc sống hàng ngày. Cha mẹ không ngừng tạo áp lực cho con cái bằng những mục tiêu lớn lao và khiến trẻ phải khổ sở vì điều đó. Nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ, con cái mình nhất định phải là người thành công, 18 tuổi phải thi đỗ vào một trường nổi tiếng, 22 tuổi phải tốt nghiệp được bằng giỏi, 25 tuổi phải kết hôn,…Và nếu trẻ thành công, họ hiển nhiên cho rằng điều đó mang lại hạnh phúc cho gia đình và cho chính bản thân đứa trẻ. Nhưng một điều hiển nhiên là nếu con trẻ có thành công nhưng chúng có thật sự hạnh phúc hay không thì không ai biết chắc điều đó. Như vậy con đường phát triển của các con sẽ bị đóng khung theo mong muốn của cha mẹ chứ không phải ước mơ của chúng. Điều này hết sức đơn giản vì cha mẹ thường không chịu lắng nghe từ chính con cái mình mà luôn bị tác động bởi yếu tố bên ngoài – những định kiến, chuẩn mực xã hội và tâm lý sĩ diện của đại đa số gia đình Việt Nam. Sự kỳ vọng của cha mẹ có thể xuất phát từ tình yêu thương và hướng đến mục tiêu mang đến cho con một tương lai tốt đẹp, nhưng đôi khi họ lại quên rằng điều mang lại hạnh phúc thực sự chính là con cái chúng ta được nhìn nhận đúng theo cách mà chúng thật sự mong muốn. Và để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, trẻ đã phải từ bỏ các mong muốn cá nhân, phải đối diện với những sở thích không phải của mình và thậm chí còn phải sống với ước mơ của người lớn.



        Con phải nghe mẹ, vì đó là điều mẹ muốn

    Tôi thích để tóc dài nhưng mẹ tôi bảo để tóc dài lòa xòa nhìn xấu, tôi thích mặc đồ rộng nhưng mẹ tôi kêu như vậy là không nữ tính, tôi muốn nhuộm tóc xăm hình nhưng mẹ tôi cho rằng đó là hư hỏng. Có lẽ cha mẹ chỉ quan tâm đến lý trí mách bảo nhưng lại quên đi việc cảm xúc của con. Lý do bắt nguồn từ việc có thể cha mẹ và con cái là những thế hệ ở cách xa nhau đến vài chục năm cuộc đời, những điều mà con trẻ thích bị cho là nhố nhăng, lố bịch còn những suy nghĩ của người lớn lại được con hiểu là cổ hủ, lạc hậu. Cuộc đời mà cha mẹ từng trải qua khác với cuộc sống của con trẻ đang sống hiện nay. Có lẽ cả tôi hay các bạn và cha mẹ đều không thể đặt suy nghĩ vào vị trí của nhau, bởi những gì đã trải qua không hề giống nhau nên sự thấu hiểu dường như cũng vì thế mà chẳng thể tồn tại. Các bạn có bị cấm yêu đương không? Tôi tin chắc rằng ở đây nhiều bạn giống như tôi cha mẹ cấm việc yêu và đi chơi tối mặc dù tôi đã qua 18 tuổi. Việc trẻ lớn và có những cảm xúc đặc biệt với những bạn khác giới là một điều hết sức bình thường ở nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam việc trẻ yêu đương sớm là một điều cấm vì cha mẹ cho rằng yêu đương sẽ ảnh hưởng tới việc học, là hư hỏng,.. Có rất nhiều cuộc cãi vã giữa cha mẹ và con cái xảy ra chỉ vì bất đồng quan điểm, đỉnh điểm của những cuộc cãi vã là những trận đòn roi rồi những đứa trẻ bỏ nhà đi bụi,… chỉ vì cha mẹ không hiểu mình.

        Học đi con! Cố gắng như con nhà người ta đó, bằng con…

    Có hàng triệu gia đình tại Việt Nam luôn luôn so sánh con cái mình với con nhà người ta rằng con nhà người ta thế này, con nhà người ta thế kia. Bằng tuổi con thì cái A đã được IELTS 7.0 rồi con học hỏi người ta đi!, Cái B nhà hàng xóm đã lấy chồng rồi đó… Liên tục là những câu hỏi so sánh con trẻ với con nhà người ta điều này đã vô tình gây ra áp lực đè nặng lên con. Có một câu nói nổi tiếng của một nhà vật lý Albert Einstein: “Ai cũng là thiên tài. Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó sẽ sống suốt đời với suy nghĩ mình thật đần độn”. Câu nói này thật đáng để chúng ta phải suy ngẫm, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều là một thiên tài nếu chúng ta biết nhìn nhận và tạo dựng cơ hội phát triển chúng đúng hướng. Để đạt được thành công, con trẻ nhất định phải hạnh phúc, phải tự giác, năng động, độc lập và có mối quan hệ tích cực với gia đình và bạn bè, điều này sẽ được sinh ra và phát triển khi chúng được nhìn nhận và sống đúng với chính mình. Theo rất nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng chỉ có cảm giác hạnh phúc này mới có thể dẫn đến thành quả to lớn ở hiện tại và tương lai cho trẻ. Chính vì điều đó các bậc làm cha làm mẹ cần có tư tưởng giáo dục tiến bộ và đúng đắn để có thể chắp đôi cánh tốt cho trẻ. Nếu các bậc phụ huynh có thể nhìn vào bản chất vấn đề này và từ bỏ mọi kỳ vọng cũng như ước mơ không phải của trẻ trong tương lai thay vì thế hãy quan tâm ưu tiên đến việc khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc. Khi đứa trẻ được sống là chính mình và được cha mẹ công nhận sự khẳng định của bản thân thì điều đó mang lại hạnh phúc thật sự cho chúng. Hãy để con trẻ được sống và tự lập với ước mơ của chính bản thân mình. Không phải kỳ vọng lớn của cha mẹ là nhìn thấy con mình hạnh phúc hay sao?


        Hãy làm bạn với con mình.

    Tôi nghĩ điều này sẽ rất khó với nhưng bạn trẻ vì ngày nay các bạn hay tôi đều không thể thân thiết với cha mẹ rất khó để khó thể ngồi xuống nói chuyện với nhau như những người bạn. Nhưng nếu chúng ta không trò chuyện thì liệu mâu thuẫn có được giải quyết không hay là nó sẽ như một quả bom âm ỉ chờ ngày nổ, chi bằng chúng ta hãy thử một lần ngồi xuống nói chuyện với cha mẹ về những điều mình mong muốn để cha mẹ có thể hiểu thêm về mình. Còn các bậc cha mẹ ơi, chúng con không phải là những đứa trẻ hư luôn cãi lời cha mẹ, nhưng cha mẹ hãy để cho con được sống là chính mình, được tự do làm những điều mình thích bởi có như vậy con mới thật sự hạnh phúc. Đối với những gia đình có con nhỏ các bậc làm cha mẹ hãy học cách làm bạn với con chỉ cần qua những điều nhỏ nhặt sau đây:

        Tôn trọng cảm xúc của con

    Nhiều bậc cha mẹ thường mắc sai lầm khi áp đặt hành động của con bằng suy nghĩ của bản thân. Khi con khó chịu, cáu giận không lý do,... thay vì chia sẻ, lắng nghe thì nhiều bố mẹ lại bỏ qua, thậm chí là gắt gỏng với con. Những hành động tuy nhỏ đó sẽ khiến khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình bị đẩy ra xa hơn, thậm chí con còn nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực như cô đơn, tự ti, chống đối,...

        Thể hiện sự tin tưởng với con

    Mặc dù, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống nhưng với sự phát triển của xã hội, thế hệ trẻ luôn là người cập nhật xu hướng nhanh nhạy hơn chúng ta rất nhiều. Bởi vậy, bố mẹ cũng nên chủ động học hỏi từ con như việc sử dụng các ứng dụng, thiết bị công nghệ,... để con và bố mẹ có thêm nhiều thời gian trò chuyện với nhau hơn, đồng thời cũng giúp con tăng khả năng truyền đạt. Đơn giản hơn, bố mẹ có thể đặt niềm tin vào con bằng những việc nhỏ nhặt như động viên con sẽ đạt điểm tốt, cho con quyết định khi mua sắm,...

        Kiểm soát cảm xúc của mình 

    Áp lực lớn trong công việc và cuộc sống luôn đè nặng lên vai của các bậc phụ huynh, nhưng đó không phải lý do mà bố mẹ có thể “trút‘ gánh nặng lên người khác, đặc biệt là con. Bởi mỗi người đều có những vấn đề riêng của mình và con cũng vậy. Những áp lực học tập, những xích mích trong quan hệ bạn bè cũng là những áp lực mà con cần bố mẹ ở bên. Vậy nên mỗi lúc căng thẳng, bạn cố gắng đừng mang sự khó chịu về nhà, thay vào đó hãy học cách lắng nghe con nhiều hơn.

        Tạo ra những hoạt động để chơi cùng con

     Để gia đình thêm gắn kết và thấu hiểu nhau hơn, các thành viên nên cùng nhau tham gia các hoạt động tập thể như dã ngoại, vui chơi cùng nhau. Những hoạt động tập thể ngoài trời, không chỉ tình cảm gia đình thêm gắn kết mà tinh thần của cả gia đình cũng được thoải mái hơi.

        Luôn có những bữa cơm gia đình

     Tưởng chừng như rất nhỏ nhưng bữa cơm gia đình lại là sợi dây gắn kết gia đình. Những bữa cơm là lúc mà mọi người có thể chia sẻ những câu chuyện, những vấn đề trong suốt một ngày dài. Nên dù bận thế nào đi nữa thì gia đình bạn cần có ít nhất một bữa ăn cùng nhau. Trong bữa ăn, bố mẹ cũng nên chủ động khơi gợi cho con nói nhiều hơn. Khi tình cảm của các thành viên trong gia đình khăng khít thì con có thể dễ dàng chia sẻ những khúc mắc trong quá trình khôn lớn. Nhờ đó, cha mẹ có thể thấu hiểu và có nhiều định hướng tốt hơn cho tương lai của con sau này.

    Trừ những thành phần cá biệt thì bố mẹ nào mà chẳng mong muốn con cái của mình được sống hạnh phúc. Và hạnh phúc đối với tôi, là luôn được cảm thông và thứ tha ngay cả khi có lạc đường, để tôi hiểu được, dù có ở đâu trong cuộc đời này thì vẫn luôn có điều ấm áp nào đó sẽ bao dung và chờ tôi quay trở về. Hãy để con trẻ được là chính mình thay vì hy vọng con sẽ trở thành "một ai đó". Hãy để chúng con được sống cuộc đời mà mình mong, sự cảm thông và sẻ chia của những đấng sinh thành sẽ là động lực, sẽ là sự vững tâm giúp cho chúng con không đi lầm đường. Thay vì nói "con phải thế này" hãy nói với chúng con rằng "con sẽ phải thật cố gắng nhé!", sẽ ấm áp và an ủi hơn biết bao nhiêu. Bố mẹ ạ!

Tác Giả: Khánh Linh
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

571 lượt xem, 475 người xem - 477 điểm