Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hãy Thấu Cảm Với Người Trầm Cảm!

“Vui lên đi, cuộc sống còn tươi đẹp, nhiều người khó khăn hơn cậu nhiều!”

“Sao bạn cứ suy nghĩ tiêu cực thế nhỉ?”

“Cậu nhạy cảm quá. Mạnh mẽ lên.”

 

Những câu nói trên thoạt nghe có vẻ giúp họ phấn chấn và hưng khởi lên, nhưng thực ra nó làm họ cảm thấy bất lực và tự ti hơn. Họ đã đánh mất động lực của họ ngay lúc trước bạn động viên họ. Họ có một câu chuyện giấu kín.

Đó là căn bệnh hiện đại họ mắc phải nhiều năm liền. Bệnh trầm cảm.

Bệnh trầm cảm được rất nhiều nhà khoa học với nhà tâm lý học nghiên cứu, song phần lớn mọi người chưa thực sự sẵn sàng đón nhận nó hoặc trang bị một chút kiến thức để phòng bệnh. Trầm cảm thường bị hiểu nhầm với buồn chán, thực chất có sự khác biệt nằm ở thời gian. Buồn chán vài ngày là tâm trạng hửng nắng lên, còn trầm cảm thì cả năm trời u uất bầu mây đen xám xịt. Những căn bệnh kinh niên thường có những triệu chứng tồn tại trong một thời gian dài, trầm cảm cũng không phải là ngoại lệ. Vậy, chúng ta cần mở rộng suy nghĩ đa chiều về căn bệnh quái ác đó.

Trong chủ đề này, tôi sẽ không đề cập đến bằng chứng khoa học về căn bệnh từ các thí nghiệm. Trầm cảm là sứ giả của thần chết xâm phạm vào đời thường. Người bình thường chỉ cảm thấy mất niềm tin lâu dài vào cuộc sống, buồn bã, mất ngủ vì sự kiện đau thương nào đó, cũng có thể là dấu hiệu của trầm cảm.

Tôi sẽ nói về tính tổn thương đa dạng của lời nói nhằm giúp đỡ người bệnh tiến triển hơn. Nói cách khác là hãy tư duy về lời nói của mình. Và hiểu được lời mình nói có khả năng gây tổn thương cho người khác đến mức nào. Nếu bạn không biết nói gì với họ, hãy ôm họ một cái thật chặt và nhìn vào đôi mắt thẳm sâu của họ, bạn sẽ dần dần hiểu được người trầm cảm đang chiến đấu rất mạnh mẽ.

Lời nói tôi muốn góp ý nhất đó là những lời đại loại như “Than vãn mãi chẳng giải quyết được gì”, hoặc “Mỉm cười lên!”... như tôi nói thì đấy không phải là lời thần chú an ủi có ích. Nếu họ mỉm cười thì họ đã mỉm cười từ lâu, nếu họ biết ơn thì họ chẳng nói một câu ca thán làm chi. Vấn đề là, chúng ta không biết rằng người trầm cảm đang đối đầu với nhiều chông chênh, mà tệ hơn, họ phải đứng lên một mình. Họ phải gồng gánh cả thế giới tưởng như sụp đổ, bạn có thể thấy là chỉ một lời nói tưởng chừng vô hại thôi cũng khiến người bệnh đi vào đường cùng sâu hơn. Tôi là một người trầm cảm, nên tôi biết rõ điều đó. Tôi chỉ chưa biết sau khi nghe tôi nói, các bạn có hiểu ý tôi nói hay không.

Nếu không thể nói được những lời trên, đa số mọi người sẽ nói câu “Chịu thôi!”, đó là một câu dễ làm người trầm cảm buồn lòng nhất. Thực ra bạn không giỏi an ủi người khác không có nghĩa là bạn không có lòng trắc ẩn hay thấu cảm. Sát cánh cùng người trầm cảm rất khó, tuy vậy, nó sẽ thong thả hơn khi cả hai bạn cùng thành thật với nhau mà không có định kiến đầy rẫy. Thành thật đi đôi với hành động, đó là giải pháp đầu tiên giúp suy nghĩ về bệnh trầm cảm ngày một rộng mở và tiến bộ hơn.

Vậy, người trầm cảm thực ra như thế nào?

Họ mang trong mình căn bệnh khiếm khuyết về tinh thần. Như một người khiếm thị lắng nghe thính tai hơn, một người câm nhìn từ xa rõ nét hơn, một bộ phận không hoàn hảo đổi lấy những giác quan nhạy bén hơn. Giác quan của người trầm cảm rất đặc biệt.

Họ biết lắng nghe những tâm tư và giới hạn của bạn.

Họ rất chân thành, cởi mở với bạn.

Cảm xúc trong họ rất đa chiều và sâu sắc.

Họ có thể không biết nhiều kiến thức về thế giới bên kia, nhưng chính những trải nghiệm giúp họ có kỹ năng nhuần nhuyễn và kinh nghiệm dày dặn vươn lên trong cuộc sống.

Chúng ta hãy đối đãi với người trầm cảm như chăm sóc những người khuyết tật.

Những người bình thường ban đầu chưa rèn giũa sự thấu cảm được. Thời đại phát triển với nhịp sống gấp gáp, thời gian dành cho một người là rất ít. Con người hiếm khi dành thời gian chăm sóc cho lời nói của mình nên làm chỗ dựa cho người bệnh quả không dễ. Không sao. Chúng ta chỉ cần đặt mình vào vị trí người nghe, cảm giác sẽ ra sao khi nếu người bên cạnh nói vậy với ta.

Vì sao sự thấu cảm rất quan trọng đến thế?

Vì đó là liều thuốc cơ bản nhất trong việc chữa trị.

Nó giúp ta có góc nhìn cởi mở và chân thật hơn về những vấn đề ta gặp phải. Nó cho ta nhiều câu trả lời thú vị về quy luật tự nhiên, về sự chuyển động vĩnh hằng của sự vật. Đồng thời ta cảm thấy trong lòng an nhiên hơn, thoải mái hơn, tạo nền tảng thấu cảm sâu sắc hơn với lòng người.

Có rất nhiều bài viết chỉ ra triệu chứng của căn bệnh, nhưng có rất ít bài viết hay gợi tả thông điệp hãy đón nhận trầm cảm như một làn gió thần kỳ. Nhân đây tôi muốn kể một câu chuyện.

 

Tôi là một người đồng tính nữ với một mối tình trong sáng.

Bạn gái tôi từng mắc bệnh trầm cảm vì xảy ra mâu thuẫn gia đình. Bố mẹ không chấp nhận cô là lesbian, thế là cô chuyển về trọ ở cùng tôi và từ mặt họ suốt ba năm. Và đến giờ cô vẫn không có ý định về nhà nối lại tiếng nói với người thân.

Như người khác thì họ nói, “Dù gì họ đẻ ra cháu, cháu không được bất hiếu với họ. Cháu phải về.”

Nhưng tôi thì khác.

Tôi hiểu cô ấy không muốn tìm tới ai khác ngoài tôi vì không ai đáng tin cậy bằng tôi.

Tôi thấy tim mình đau xót và bị nguyền rủa bởi nỗi oán hận nếu tôi nghe lời người ngoài nói như trên.

Công khai giới tính thật với bố mẹ là bất hiếu?

Thật thà với bố mẹ là bất hiếu?

Những lời cay độc trên chẳng khác gì những con dao đâm vào con tim mềm yếu của chúng tôi.

Người trầm cảm khi làm một điều gì đó chính trực, họ tiếp tục vươn lên làm nó khi được khuyến khích hết mực, ngược lại, họ tự ti và từ bỏ nó khi bị chê cười, xúc phạm.

Tôi ôm chặt em vào lòng, hôn má em vài cái.

“Tình yêu bị ngăn cấm đẹp lắm em à. Em cứ khóc, vì chị là người duy nhất hòa lẫn nước mắt của em với nỗi đau của chị. Chị biết em sợ chúng ta phải xa nhau một ngày, nhưng chị muốn em biết, em không có trách nhiệm quái gì phải làm cho người khác hiểu khi họ không dành một phút lắng nghe em. Bố mẹ có cấm cản em thì chị không để yên đâu!”

Và em ôm tôi chặt hơn, rồi nói...

“Em thấy mình còn yếu mềm, chị ạ. Em sợ làm gánh nặng của chị mất.”

Người trầm cảm sợ làm cục tạ của người khác, với tôi, đó không hề nặng nề gì, chỉ là cảm giác của người ấy khi nói vậy. Chúng tôi yêu nhau tự do, không ràng buộc, và dĩ nhiên, em mạnh mẽ lắm. Không giống như những bạn gái khác tôi gặp, có cô phải lấy chồng, có cô bỏ rơi tôi để theo một người tốt hơn, nhưng em kiên quyết ở bên tôi đến cùng.

“Thực sự thì khi em nghe những lời cáng đểu này, em chỉ muốn chửi thẳng vào mặt họ một câu: “Người như bạn thì biết cái trời gì mà nói như đúng rồi”, nhưng em đã giải tỏa nỗi bực đó khi em hiểu ra người ta đâu thấy tội lỗi khi em nói vậy. Hiểu được người trầm cảm với người ta giống như một ràng buộc đáng ra không nên có, em buồn lắm. Người trầm cảm như bị ra rìa vậy, nên em hay đương đầu một mình, ít chia sẻ...”

Nước mắt tôi đã rơi khi nghe em tâm tình về những tháng ngày u tối nhất của đời em...

Em không sợ cô đơn hay cái chết.

Em chỉ sợ bị lừa dối.

Thế nên em mới quyết không về nhà. Em đi làm kiếm sống trang trải, tự sống một cuộc sống không có định kiến. Đã từng có lúc em lựa chọn sống không có người yêu bên cạnh, như là một lời thách thức với cuộc đời chỉ để sống như tồn tại. Và giờ em ở bên tôi, niềm ước mơ về cuộc sống độc thân đó vẫn hiện trong đầu em, tôi lo lắng rằng em sẽ chết sớm nếu em cứ một mình thế này.

Nên tôi quyết tâm trau dồi lòng thấu cảm để nghe được tiếng nói yếu đuối của em. Yếu đuối không phải là một điều gì đó xấu, chỉ là tiếng báo hiệu một con người kiên trường cần được nghỉ ngơi một giấc để tái tạo năng lượng chiến đấu cho những ngày giông bão tiếp theo.

Từ đó, tình yêu của chúng tôi lớn dần theo bước chân của người trưởng thành. Tính ra hai đứa đã yêu nhau được gần hai chục năm, và giờ vẫn sống tốt ở một căn trọ nhỏ xinh. Chúng tôi không chùn bước trước bất kỳ ràng buộc hay thành kiến nào ngáng trở.

 

Căn bệnh trầm cảm luôn là một bài toán thách thức lòng nhân từ của chúng ta.

Rất nhiều người không giải được bài toán này.

Và sẽ có nhiều người giã từ cuộc đời rất sớm.

Chúng ta không phải là người xấu nhưng cũng chưa hẳn là người tốt hoàn toàn. Trầm cảm không nói lên độ tốt tính của ta, mà nói lên những sự thật bấy lâu nay ta chưa hề biết. Sự thật đáng nhớ nhất chính là đôi khi mọi thứ không đơn giản như ta mơ mộng. Luôn có những cái kết đau lòng chúng ta không muốn đón lấy. Sự thấu cảm của ta quyết định tiền đề về sứ mệnh giải cứu người bệnh khỏi đám mây u tối. Người trầm cảm vui sống hoặc ủ rũ còn tùy vào cách chúng ta khéo léo ứng xử, phụ thuộc vào sự kiên trì và trung thực nữa.

Tôi mong rằng không có nhiều người phải ra đi trong đơn độc. Chúng ta luôn xứng đáng được yêu thương, trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn có một người thấu hiểu lòng ta khi ta đang vùng vẫy ở thời khắc tuyệt vọng nhất. Chỉ có ta mới cứu lấy bản thân ta, dẫu vậy, không đồng nghĩa là phải gánh lấy một mình. Hãy thấu hiểu tiếng lòng của nhau để cùng tiến lên vượt qua mọi giông bão, và tôi tin rằng, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.


Tác giả: Bùi Minh Thúy

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/allyrebel123

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,156 lượt xem, 1,138 người xem - 1386 điểm