Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hiểu Đúng Về Tình Yêu Và Tận Hưởng Nó Chuẩn Cách

Tình yêu quả thật là một thứ tuyệt vời.

Vâng, tôi biết chứ. Nó tuyệt vời đến mức mà ngày nay nếu bật tivi hoặc youtube lên, chúng ta sẽ thấy hẳn 5-6 chương trình chuyên về nội dung hẹn hò. Một vài cái tên tiêu biểu như “Bạn Muốn Hẹn Hò”, “Phi Thường Hoàn Mỹ”, “Lucky Me Yêu Là Chọn”, ...

Rõ ràng, việc được kết nối, bày tỏ cảm xúc, đồng điệu với một tâm hồn khác những một nhu cầu rất cơ bản và chính đáng của con người. Song, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của những tác phẩm ngôn tình, nội dung về tình yêu trên các kênh mạng xã hội ngày nay đang tác động ít nhiều đến nhận thức của người trẻ về "món ăn tinh thần" này.

Tại một khoảng thời gian nào đó, tôi cảm thấy chúng ta, những người trẻ, dường như đã dần bắt đầu hiểu sai về khái niệm, ý nghĩa cũng như cách thức mà tình yêu hoạt động.

Chúng ta bắt đầu cho rằng tình yêu và người yêu là mục đích có ý nghĩa nhất, bên cạnh các mục đích khác trong cuộc sống này.

Chúng ta bắt đầu tin rằng, phải có một mối quan hệ yêu đương, yêu và được yêu, thì bản thân mới có thể vui vẻ và hạnh phúc thật sự.

Và cao trào nhất, có lẽ chúng ta đã ngầm đồng ý rằng, phải có người yêu thì chúng ta mới có thể hoàn thiện bản thân mình ở mức độ cao nhất.


Chương trình truyền hình "Bạn muốn hẹn hò?"

Sự ám ảnh này của chúng ta có thể đã hình thành sau một thời gian dài tiếp xúc với các nội dung khoe khoang có phần thái quá về tình yêu của các cặp đôi trên mạng. 

Tôi cũng biết rằng, có không ít những cặp đôi cảm thấy bất hạnh, nhưng họ chọn tiếp tục tô điểm mối quan hệ của mình bằng những bức ảnh tình tứ cùng nhau. Thế rồi những người xung quanh thì tiếp tục ghen tị, ngưỡng mộ, còn chính người trong cuộc thì lại đang vật lộn với nhau để tìm ra một lối thoát cho bản thân.

Khi mọi sự đến hồi kết, họ không tiếc những lời chỉ trích, nhiếc móc, đổ lỗi cho người còn lại. Ai rồi cũng trở thành nạn nhân trong bi kịch tình yêu của mình. Còn những người xung quanh thì không khỏi phải băn khoăn “Tình yêu mà phải khổ sở, đày đọa thế sao?”


“Yêu, là chết ở trong lòng một ít,

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?

Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu:

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.”

 - Yêu, Xuân Diệu


Nói như vậy, yêu thực sự rất dễ, nhưng “biết yêu”, yêu đúng cách thì có vẻ thật khó. Vì chữ “biết” phải đi trước, thì cơ hồ chúng ta mới thể nếm trải quả ngọt từ tình yêu. Nếu chỉ “yêu” không thôi, thì họa chăng đây sẽ là nguồn gốc của đau khổ. Đau khổ cho cả người trong cuộc và những người xung quanh.

Vì thế, chúng ta cần hiểu đúng về tình yêu, và tận hưởng nó chuẩn cách.


A. ĐỊNH NGHĨA TÌNH YÊU

"ít ai biết được ái tình là gì, và những người biết nó, ít ai lại chịu nói ra." - Pauline de Meulan, nữ nhà văn Pháp

Nếu phải định nghĩa về tình yêu, thật là một thử thách khó khăn.

Nhà văn Nguyễn Duy Cần, tác giả của “Thuật Yêu Đương”, tin rằng nó là một cái gì đó phiền phức lắm. Cần phải phân tích để hiểu nó, nhưng sự thật nó không phải là một thứ có thể phân tích được. Càng để nó trong âm u mờ mịt, thì nó lại càng thêm vẻ đậm đà. Nếu đem nó ra ngoài ánh sáng rõ ràng thì lại trở nên chán chường mà tan biến.

Đến nhà thơ Xuân Diệu, mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”, cũng cảm nhận ra sự nồng nàn nhưng mơ hồ đó:

“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu …”


Những lúc cần phải lý giải các định nghĩa trừu tượng này, tôi thường sẽ sử dụng phương pháp luận phủ định - via negativa.

Xuất phát từ tư duy thần học và thực hành tôn giáo, phương pháp này cố gắng tiếp cận các khái niệm trừu tượng như “Thượng đế”, ”Đấng thiêng liêng” bằng cách nói về những thứ không mang tính tốt lành và hoàn hảo, vốn là đặc điểm của “Thượng Đế”, “Đấng thiêng liêng”.

Dưới đây là một vài định nghĩa về những thứ “không phải tình yêu”  thông qua việc sử dụng via negativa, để từ đó, chúng ta có thể tiếp cận gần hơn với khái niệm hai chữ “tình yêu”.


1. Yêu cho mình, không phải cho người

Có một sự khác biệt nhỏ giữa cái gọi là ""self-love" và "selfish love"

Rabbi Abraham Twerski, một giáo sĩ phái Hasidic của người Do Thái, đồng thời cũng là bác sĩ tâm thần chuyên về lạm dụng chất gây nghiện, có một lý giải về tình yêu khá là hay. 

Rabbi Twerski ví dụ tình yêu với việc ăn cá. Khi mình bảo yêu (love) một cái gì đó, tỉ dụ yêu món cá (love the fish), thì rõ ràng là mình không yêu con cá, mà là yêu việc được ăn con cá, sâu xa hơn là mùi vị của món cá làm mình cảm thấy ngon miệng, thỏa mãn và hài lòng.

Tương tự, khi mình nói yêu một ai đó, nhiều khả năng là mình đang yêu thích cái suy nghĩ, tưởng tượng người đó sẽ có thể làm mình vui sướng như thế nào, chứ đâu phải thực sự quan tâm người kia nghĩ gì và cần gì?

Và đấy, các bạn của mình, đó chính là ham muốn vị kỷ, cốt để bản thân được hạnh phúc. Đấy là tình yêu "mình". Vui tít mắt khi có được một thứ mình mong mỏi bấy lâu, hoặc thất vọng tràn bờ đê khi không có được nó *cười*.

Rabbi Abraham Twerski lý giải về "tình yêu món cá". 

Câu chuyện tương tự với cái áo, cái quần, thỏi son, cái điện thoại, đôi giày, … you name it. 

Liên tưởng thêm một chút, chúng ta thấy khi một ai bị từ chối tình cảm mà họ trở nên phẫn nộ, đau đớn, hoặc cầu xin tha thiết người kia cho một cơ hội, thì đó không phải tình yêu “người, mà là họ chỉ đang yêu bản thân mình quá mức, mà vô hình chung nhầm lẫn nó với tình yêu mà thôi.

Mưu cầu hạnh phúc cho bản thân là chính đáng, song khó có thể gọi đó là tình yêu trọn vẹn được.


2. Yêu vì sự xác nhận, công nhận

Bạn đang tìm kiếm tình yêu, hay đơn giản chỉ là sự công nhận?

Nếu các bạn là con gái, câu chuyện về tình yêu này có thể sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với phái nam.

Tôi thường hay chứng kiến những người bạn nữ độc thân mình quen biết tuy xinh xắn, dễ thương, nhưng khổ sở vì newfeeds luôn tràn ngập các nội dung hẹn hò yêu đương, đến từ các fanpage và người quen của họ. 

Cảm giác bất an khi không giống với số đông còn lại hình thành lờ mờ ẩn khuất trong lòng những bạn nữ này. Vì nếu mình xinh đẹp, dễ mến, thì tại sao mình lại lẻ bóng chứ?

Thế rồi khi tìm được người yêu, các bạn nữ này chuyển sang duy trì hình ảnh hẹn hò của mình trên mạng một cách dày đặc, một cách chứng minh với cả thế giới này rằng “Tôi đây không hề cô đơn đâu nhé”.

Mọi chuyện sẽ bình thường nếu cặp đôi này không tiến đến chia tay. Trên tường nhà facebook, instagram lúc này sẽ mất sạch những hình ảnh chụp chung, và các trạng thái lâm ly bi đát, giác ngộ ra những “chân lý” về tình yêu xuất hiện. 

Và các bạn của mình, đấy cũng không phải là tình yêu.


3. Yêu đơn giản vì … chán

"Hồi đầu công nhận cũng vui, giờ thì thèm quay lại độc thân trước hơn".

Cũng có một khoảng thời gian, tôi cảm thấy sao cuộc sống của mình thật buồn tẻ, vô vị. Ý nghĩ lúc này của tôi cũng đơn giản chỉ là “Ước gì mình có bồ như người ta, thì chắc sẽ vui lắm.” Cũng hợp lý mà, nhìn thấy người ta đi chơi, hẹn hò, chăm sóc lẫn nhau thì yêu nhau hẳn là sẽ thú vị hơn độc thân nhiều.

Sau này tôi mới ngộ ra rằng, chỉ có tự bản thân mình làm cho cuộc sống của mình trở nên hấp dẫn, thú vị. Nếu có một ai khác đến và muốn ở lại với tôi, thì họ chỉ có thể chia sẻ sự thú vị đó cùng tôi mà thôi. 

Vì sau cùng, chẳng phải con chim vẫn đặt niềm tin vào đôi cánh của nó, chứ không phải là cành cây nó đang đậu hay sao? Trông chờ người khác mang đến niềm vui cho mình, ngay cả khi điều đó thật sự xảy ra, thì chuyện sẽ thế nào khi họ rời đi? 

Tôi tự tin nói rằng trường hợp như trên là không hiếm, vì biểu hiện của nó chính là những mối tình cả thèm chóng chán. Quen nhau được vài tuần lại bỏ vì “không hợp”. Cũng đúng mà, nếu chỉ lấy duy nhất cảm xúc hưng phấn, vui vẻ làm thước đo, thì khi nó phai nhạt đi, ly tán là kết quả tất yếu.

Và các bạn của mình, đó cũng không phải là tình yêu.


B. TẬN HƯỞNG TÌNH YÊU ĐÚNG CÁCH


Khi biết được những thứ không được gọi là tình yêu, chúng ta có thể tránh phải việc sa vào những ý tưởng như thế.

Nhưng như thế chỉ mới là một nửa ổ bánh mì. 

Xin giới thiệu với các bạn 4 ý tưởng chủ quan, mà mình đúc kết từ hiểu biết và trải nghiệm riêng, trong việc tạo dựng những suy nghĩ, góc nhìn đúng đắn, từ đó có thể phát khởi và tận hưởng tình yêu đúng cách.


1. Nhiều trách nhiệm hơn là niềm vui


Mỗi khi tôi thấy một ai đó đăng tải hình ảnh vui vẻ bên cạnh người yêu của mình, tôi luôn hiểu rằng đằng sau đó luôn có những chuyện không vui, bực mình của hai người họ. Có thể có những hiểu lầm, xích mích, gây gổ, chiến tranh lạnh … và nhiều điều chưa được kể. 

Tiếc là, mọi người ai cũng chỉ muốn “tốt khoe, xấu che”, nên vô hình chung tạo ra một định kiến “Có người yêu thì lúc nào cũng hạnh phúc cười toe tóe cả”.

Song song đó, tôi cũng hiểu niềm vui thật sự của các cặp đôi không đến từ việc họ nhận được gì từ nhau, mà là họ đã làm gì cho người còn lại.

Sự săn sóc, hỏi han, yêu thương nhau, lấy niềm vui của người làm của mình, trong những ngày tháng khó khăn nhưng ý nghĩa của tuổi trẻ, mới là nguồn gốc thật sự của hạnh phúc, mà bạn và tôi hay nhìn thấy ở các cặp đôi.

Thế nên đừng ghen tị quá, nếu chẳng hay bạn bè của mình lỡ tay “úp” nhiều ảnh quá nhé. Họ không chỉ hạnh phúc từ những buổi đi chơi, ăn uống và hẹn hò với nhau đâu.


2. Ân nghĩa là nền tảng của tình yêu



Khác với quan niệm “tình yêu sét đánh”, “yêu từ cái nhìn đầu tiên”, “duyên tiền định”, … có lẽ mối tình xuất phát từ sự kính trọng, từ ân nghĩa mới có thể tiệm cận được cái gọi là tình yêu đích thực.

Nhà văn Nguyễn Duy Cần sau khi chiêm nghiệm từ trải nghiệm sống của mình, cũng như tham khảo qua các câu chuyện về tình yêu trong văn học, đã đúc kết ra rằng ân nghĩa là sợi dây ràng buộc tốt nhất trong tình yêu.

Trong văn học, không thiếu những câu chuyện vì ân nghĩa sinh duyên tình. Anh hùng Từ Hải giải thoát Thúy Kiều khỏi lầu xanh, hay chàng Lục Vân Tiên cứu nàng Kiều Nguyệt Nga khỏi đám thổ phỉ chẳng hạn. Các cặp đôi này chính là hiện thân của quan điểm ái tình do ân nghĩa và lòng kính phục gây ra, mà người xưa đã quan sát và đúc kết nên.

Còn trong cuộc sống, các bạn có hay để ý rằng, nếu một cậu con trai chỉ dạy một bộ môn nào đó, tỉ dụ học hành, nghệ thuật, các kỹ năng trong đời sống cho một cô gái, thì gần như giữa hai người họ luôn có một sự cảm mến nhau rất mạnh mẽ.

Nhà Văn Pháp André Maurois có nói: “Giữa bạn bè trai gái, trai thích dạy học gái thích học hỏi, thường dễ đổi tình bạn thành tình nhân”. Vậy nên, nếu các bạn muốn phát khởi một tình yêu, có lẽ không có gì tuyệt vời hơn là bắt đầu từ sự kính trọng, ân nghĩa với một ai đó. 

Tất nhiên, chúng ta không dùng điều này làm một thứ trao đổi để có được tình yêu, nhưng hãy quan sát và để ý những mối quan hệ xung quanh chúng ta. Những mối quan hệ nào đã được xây dựng dựa trên ân nghĩa, và lòng kính trọng, rất thích hợp để chúng ta bỏ công sức ra mà chăm sóc, vun đắp tình cảm cho mai sau.

“Người ban ân thường yêu mến người thọ ân của mình nhiều và người thọ ân thường cảm thấy kính phục người ân của mình mãi mãi. Nhờ thế mà cuộc tình duyên có thể trường cửu và đậm đà mãi được.” - Trích Thuật Yêu Đương, Nguyễn Duy Cần.


3. Ràng buộc thiếu tự do, nhưng tự do thì sẽ lạc lối


Hành giả Sadhguru có một nhận định về người trẻ, rằng họ luôn yêu cầu được “tự do”. Nhưng khi tự do, họ lại cảm thấy mất phương hướng, cô độc và luôn tìm kiếm những mối quan hệ để ràng buộc mình lại.

Rõ ràng, mỗi người sẽ có một giai đoạn riêng. Có người hẹn hò và kết hôn tuổi 25, có người thì lại là 45. Vậy nếu như thời điểm ấy của mình chưa đến, chúng ta cần phải học cách sử dụng sự “tự do” của mình thật khôn khéo.

Không nên để cảm giác lạc lối làm khó chịu chúng ta, khiến chúng ta phải bám lấy vào một mối quan hệ bất kì. Việc chọn lựa gấp gáp sẽ dẫn đến một quan hệ thiếu chất lượng và đôi khi chúng ta còn phải tốn thêm công sức để thoát ra khỏi nó.

Thay vào đó, hãy luôn nâng cấp bản thân trở nên tốt hơn mỗi ngày, dù chỉ là một chút. Rèn luyện thêm một bộ môn thể thao, nghệ thuật, kĩ năng sống, … là những lựa chọn tuyệt vời trong hành trình mãi dũa bản thân từ một viên đá thô đến một viên kim cương sáng loáng.

Hãy nhớ rằng, nếu có một ai đến ở cùng chúng ta, họ chỉ có thể chia sẻ hạnh phúc chúng ta đang có, chứ không thể gây ra hạnh phúc dùm cho chúng ta. Vì vậy, nếu khi độc thân mà bạn cảm thấy không mấy vui vẻ với cuộc sống, thì nhiều khả năng rước thêm một người khác đến ngồi chung thuyền sẽ làm tình hình tệ đi thêm nhiều đấy.


KẾT BÀI


Có một câu chuyện về người leo núi mà tôi rất thích.

Một anh chàng nọ có ước mơ chinh phục một ngọn núi hùng vĩ. Song vì thiếu kinh nghiệm, anh ta tìm đến một người đã leo lên trên đó trước, để hỏi về phương pháp leo núi cũng như trải nghiệm khi ở trên đỉnh.

Khi hỏi xong, thấy quá trình vẫn còn gian nan, anh ta tìm đến những người leo núi khác để hỏi thăm. Sau một thời gian, anh ta đã tích lũy được vô số chia sẻ và trải nghiệm. 

Nhưng bấy giờ, sự hào hứng nhằm chinh phục ngọn núi đã biến mất. Vì bấy giờ anh ta nghĩ rằng mình đã có thể hình dung việc leo núi và chinh phục đỉnh cao trên kia là như thế nào rồi, nên không cần phải gắng sức làm gì nữa.

Trong cuộc sống này, đặc biệt là về tình yêu, chúng ta có thể đã được đọc, nghe và nhìn thấy nhiều rồi. Nhưng sau cùng, chỉ khi dấn thân vào, cùng với một sự hiểu biết và cẩn thận, chúng ta mới có thể thưởng thức trọn vẹn cảm giác phức tạp của cái gọi là tình yêu. 

Chúng ta hãy là những người leo núi đích thực trong tình yêu nhé!

Tác Giả: Huỳnh Phát

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: facebook.com/Phat.Huynh.97

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,403 lượt xem, 4,351 người xem - 4363 điểm