Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hiệu Ứng Gaslighting Và Tâm Lý Chông Chênh Của Người Trẻ

Thuật ngữ Gaslighting bắt nguồn từ một vở kịch kinh điển có tên là Gaslight (năm 1938) và bộ phim cùng tên (khởi chiếu năm 1940 và 1944). Thuật ngữ này đại diện cho hình thức thao túng cảm xúc trong tâm lý học, khiến nạn nhân bị thao túng đến mức dần mất đi ý niệm về thực tế và trở nên hoài nghi chính bản thân mình. Dễ nhận thấy một số người trẻ ngày nay đang bị đẩy vào nhiều tình huống gasligting khác nhau nhưng loay hoay không nhận thức được vấn đề và vẫn lúng túng tìm cách phản ứng.

Gaslighting trong tâm lý học hành vi

Gaslighting (nghĩa đen là thắp sáng đèn ga) được sử dụng để gọi tên cho hành vi lạm dụng những thông tin sai lệch để thao túng ý thức của người khác. Người bị thao túng bắt đầu cảm thấy lo lắng về nhận thức của mình, nghi ngờ về khả năng suy nghĩ, óc phán đoán và trí nhớ của mình, dần dần bị tác động phụ thuộc hoàn toàn vào người lạm dụng. Điều nguy hiểm là những thông tin được sử dụng cho hành vi gaslighting không hề có giá trị trên thực tế, thậm chí đã bị bóp méo theo ý đồ của người lạm dụng.

Trong vở kịch Gaslight và bộ phim cùng tên, hành động của nhân vật chính Manningham là một biểu hiện cho hành vi gaslighting. Manningham cố sức thuyết phục vợ mình và những người xung quanh rằng cô ta có vấn đề về tâm lý nên đã nhớ nhầm vị trí của đồ đạc trong nhà, trong khi chính anh ta là người đã thay đổi tất cả. Trong phân đoạn Manningham truy tìm báu vật giấu trên mái nhà, người vợ nhận ra ánh đèn ga lờ mờ sắp tắt nhưng anh ta phủ nhận và cho rằng vợ đang tưởng tượng. Đây là chi tiết dẫn đến tên vở kịch và cũng là chi tiết nói lên biểu hiện của hành vi gaslighting. Thuật ngữ “Gaslighting” bắt nguồn từ đây và đã được sử dụng phổ biến từ thập niên 60 để chỉ hành vi thao túng cảm xúc trong tâm lý học.

Nhân vật Manningham và người vợ trong phim Gaslight (1944)

Muôn kiểu gaslighting mà người trẻ phải đối diện

Gaslighting không đơn giản chỉ là hành vi thao túng và áp đặt suy nghĩ lên người khác một cách trực tiếp. Những người trẻ hiện đại đương nhiên không phải là con rối mặc người khác giật dây. Song vẫn có những tình huống gaslighting không phải ai cũng nhận ra và dễ dàng giải thoát cho chính mình.

Gaslighting đằng sau việc chia sẻ kinh nghiệm sống

Một sự thật không thể phủ nhận là những lời khuyên có giá trị rất lớn đối với bất kỳ ai khi chập chững vào đời. Những ngày chật vật trưởng thành, người trẻ luôn mong chờ lời khuyên chân thành từ những người đã bước qua giai đoạn chông chênh. Những bài học cuộc sống được tiếp nhận và tích luỹ vào tâm trí, không rối ren, không mâu thuẫn. Lắng nghe và tiếp thu kinh nghiệm giúp người trẻ giảm đi lo sợ, sẵn sàng hơn cho mọi chuyện xảy đến. Trẻ mà! Ai cũng mong muốn được chỉ dạy tận tình và thật tâm.

Nhưng có đôi lúc những lời khuyên không đến từ mục đích chia sẻ và giúp đỡ. Nhu cầu thể hiện khiến nhiều người đi khuyên nhủ chưa kịp so sánh tình huống của mình và của người được khuyên. Người nhận lời khuyên lại trong tâm thế quá mong chờ và háo hức áp dụng ngay. Dần dà những kinh nghiệm thực tế cạn dần, người đi khuyên bắt đầu xây dựng lối suy nghĩ mang tính lý thuyết áp đặt để chi phối suy nghĩ của người khác, tệ hơn là thao túng và tạo sự lệ thuộc, khiến người nhận lời khuyên hoàn toàn tin tưởng và làm theo ý mình. Kiểu gaslighting này rất phổ biến nhưng không dễ nhận ra vì nó diễn ra theo một quá trình dài và hoàn toàn tự nhiên, nạn nhân hoàn toàn tự nguyện với những gì bị áp đặt.

Thực tế kinh nghiệm và trải nghiệm là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt. Kinh nghiệm được đúc kết từ một quá trình thực tiễn, được chắt lọc và biểu thị một kết quả rõ ràng. Trong khi đó trải nghiệm mang tính cá nhân và phần lớn được miêu tả dựa trên cảm nhận riêng, quan điểm riêng của mỗi người. Tất cả những kinh nghiệm đều xuất phát từ trải nghiệm thực tế, nhưng không phải trải nghiệm nào cũng mang về kinh nghiệm đáng giá để có thể sẻ chia và áp dụng trong mọi tình huống. Nếu không phân định được những gì mình lắng nghe là kinh nghiệm có thể áp dụng hay chỉ là  trải nghiệm, người trẻ dễ rơi vào tình huống bị gaslighting trong tâm thế hoàn toàn tự nguyện.

Liệu người trẻ có đang tự ‘gaslighting’ chính mình?

Gaslighting không phải lúc nào cũng là hành vi xuất phát từ người khác. Điều đáng sợ là đôi lúc chúng ta tự trói buộc nhận thức của chính mình mà không hề hay biết. Người trẻ luôn có một nỗi sợ không thể chối bỏ chính là sự lo lắng và tự ti về nhận thức non nớt của mình. Vậy nên đứng trước những người giàu kinh nghiệm hoặc khi đối diện với quan điểm cộng đồng được số đông công nhận, rất ít ai có thể thoát khỏi và bảo vệ lối suy nghĩ riêng của mình. Một số người có thể tự do trong việc thể hiện cá tính bản thân qua phong cách ăn mặc, những phát ngôn trên mạng xã hội, cách mà họ xuất hiện ở chốn đông người,…song vẫn không thể là chính bản thân mình. Tại sao lại như vậy? Người trẻ hiện đại rất linh hoạt trong môi trường nhiều cá tính khác biệt. Chúng ta có khả năng dung hoà mọi thứ, thích nghi với mọi hoàn cảnh và đối diện với muôn kiểu tình huống xảy ra. Tuy vậy khi đứng trước những tình huống yêu cầu thể hiện quan điểm cá nhân trước một vấn đề, hầu hết đều lựa chọn theo tập thể.

Oscar Wilde có một câu nói rất hay: “Man is least himself when he talks in his own person. Give him a mask, and he will tell you the truth.” (Tạm dịch: Con người bộc lộ bản thân mình ít nhất khi nói với tư cách là chính bản thân. Hãy đưa cho ai đó một chiếc mặt nạ, họ sẽ nói với bạn sự thật). Có thể hình ảnh chiếc mặt nạ đại diện cho sức mạnh vô hình khi được “ẩn thân”. Một người có thể không sẵn sàng nêu lên quan điểm cá nhân với tư cách chính bản thân mình, nhưng sẽ sẵn sàng bộc lộ bản chất nếu được ẩn mình và không lo ngại bị ai phát hiện hay phán xét. Nhưng điều đáng lo ngại là trong trường hợp bị dồn nén quá lâu, khả năng bộc lộ những cá tính tiêu cực và thái quá sẽ ngày càng nhiều. Dưới lớp vỏ bọc không sợ bị phát hiện, nhiều người vô tư thể hiện suy nghĩ của chính mình (vốn là nhu cầu phổ biến của giới trẻ). Sử dụng một vài tài khoản ảo trên mạng xã hội, tham gia một vài nhóm, cộng đồng có cùng quan điểm với mình để thoải mái phát ngôn và thể hiện suy nghĩ mà không cần quan tâm đến đánh giá của nhũng người xung quanh dù cho đó là những quan điểm độc hại, tiêu cực. Đây là một trong những cách thoả mãn nhu cầu thể hiện dù chỉ là tạm thời nhưng được rất nhiều người lựa chọn.

Nỗi lo sợ bị phán xét khiến chúng ta lãng quên chính mình

Đằng sau những “vỏ bọc”, một số người trẻ không còn ý thức trách nhiệm về hành động của mình. Tại sao nói người trẻ đang rơi vào bẫy gaslighting do chính mình tạo ra? Bởi chúng ta đề cao hình ảnh bản thân hơn là giá trị thực sự của chính mình. Đâu mới là quan điểm, lập trường thật sự của mỗi người nếu như chúng ta một mặt cố thể hiện sự khách quan trước vấn đề theo số đông, một mặt lại nuối tiếc vì không được bày tỏ quan điểm cá nhân, vì lo sợ những suy nghĩ bộc phát đi ngược lại với số đông. Hai lối suy nghĩ thao túng lẫn nhau, áp đặt lên nhau, khiến người trẻ hoài nghi về chính bản thân mình và luôn tự hỏi đâu mới là con người thật của mình. Tình trạng thao túng tâm lý chính bản thân mình cho thấy đôi lúc chúng ta mong muốn hướng suy nghĩ của bản thân theo tập thể, theo số đông hoặc những gì đã được công nhận dù trong thâm tâm có thể đang phủ nhận. Việc này rất nguy hiểm vì bạn thấy đó, chỉ cần được trao cho một chiếc “mặt nạ”, sự thật sẽ ngay lập tức được phơi bày.

Thoát ly khỏi những trói buộc tinh thần để tránh bẫy gaslighting

Gaslighting chỉ là một trong vô số những kiểu hành vi gây ức chế cảm xúc cho nạn nhân, khiến họ mất đi ý niệm về bản thân trong trạng thái hoàn toàn bất lực. Những người thái nhân cách (một dạng tính cách luôn muốn khống chế và thao túng người khác) tìm cách gây áp lực lên người khác bằng chính sự gian manh và đẩy nạn nhân vào chiếc bẫy cố hữu nhưng được tạo dựng với danh nghĩa những-áp-lực-đầu-đời ai cũng phải trải qua. Người trẻ thường chông chênh và loay hoay. Chúng ta loay hoay với cách sống, cách nghĩ, loay hoay chọn mục tiêu sống, loay hoay tìm một vị trí thích hợp để đặt bản thân vào đó. Những chiếc bẫy gaslighting ở khắp mọi nơi nhưng một khi rơi vào, sức trẻ chỉ đủ để có thể vùng vẫy. Bị gaslighting bởi người khác không đáng sợ bằng việc chúng ta đang ngụp lặn trong vòng vây gaslighting do chính mình tạo nên. Một điều rất cần thiết để thoát ra chính là hướng đến tự do trong cách suy nghĩ.

Tự do suy nghĩ không đồng nghĩa với tự do thể hiện suy nghĩ. Chúng ta không cần thiết phải giới hạn bản thân theo bất kì một quan điểm nào được cho là đúng đắn. Tư tưởng đa chiều rất hữu ích để xây dựng tư duy toàn diện và sâu sắc. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận thận trọng trước khi hành động, trước khi thể hiện suy nghĩ. Hơn hết, đừng trông chờ vào việc nhân danh tập thể hay ẩn danh để được dịp bộc lộ quan điểm của mình. Khi con người đã quen với sự trói buộc tư tưởng, luồn tư tưởng nào được ủng hộ nhiều hơn, được cổ động nhiều hơn, được buộc chặt hơn sẽ chiến thắng. Cũng giống như khi chúng ta cố ra sức thao túng quan điểm của mình đi theo hướng tích cực mà số đông ủng hộ, sẽ có hai kết quả có thể xảy ra: một là cá tính thật bên trong trỗi dậy khơi nguồn cho những hành vi phản kháng thái quá; hai là cá tính không đủ mạnh mẽ sẽ chìm dần, bản thân hoàn toàn mất đi khả năng đánh giá và nhìn nhận vấn đề trước mắt. Thật vậy, việc đứng ra bày tỏ quan điểm khá khó khăn trong khi nếu quan điểm đã được khởi xướng, được tung hô, nhiều khả năng sẽ nhận được sự đồng tình rầm rộ. Khi đó bạn đã dần trở thành một nạn nhân của gaslighting nhưng xuất phát từ thái độ thiếu chính kiến của bản thân.

Tập trung hơn vào hiện tại

Có một mẹo tâm lý khá hiệu quả để áp dụng cho những ai gặp phải tình trạng lo lắng quá độ dẫn đến căng thẳng, mất bình tĩnh trước đám đông. Đó là tìm xung quanh một vài món đồ vật, nhận biết những mùi hương đang có và gọi tên chính xác của chúng. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng hiệu quả cao vì nó khiến chúng ta ý thức được những diễn biến thực tế và quên đi những lo âu bên trong bản thân.

Tương tự như áp lực mà chúng ta cảm nhận được khi đối diện với đám đông nhiều người, hành vi gaslighting chỉ có thể gây ảnh hưởng đến những tâm-hồn-sao-nhãng. Người trẻ hiện đại không quá lo sợ về khả năng của bản thân, không còn hoang mang quá nhiều về mục đích sống. Chúng ta học được cách rèn luyện và bồi đắp tri thức nhưng vẫn còn thiếu sự vững vàng trong suy nghĩ. Nói cách khác thì người trẻ vẫn viển vông lắm.

Nhiều người chỉ có thể mạnh mẽ khi một ai đó tin họ. Điều này vô tình tạo cơ hội cho những kẻ thích gaslighting bắt đầu thao túng và kiểm soát từ suy nghĩ cho đến hành động của nạn nhân. Chúng ta bị thao túng vì chúng ta mơ hồ và viển vông. Nếu tập trung vào thực tế những gì đang diễn ra, học cách chấp nhận và hoàn thiện mục tiêu từng bước một thì khó ai có thể chen chân vào dẫn ta đi lạc hướng. Đặc điểm cố hữu của những tâm hồn chông chênh là hay hoài nghi. Liệu việc mình làm đã đúng hay chưa? Liệu những thành tích đạt được có đủ hay chưa? Chọn yêu người này thì có đúng hay không, và nếu sai rồi thì có nên tiếp tục không?,… Rất nhiều những câu hỏi, rất nhiều những ngờ vực. Đây là lúc chúng ta tạo cơ hội cho những kẻ ưa gaslighting được dịp thể hiện, tệ hơn nữa họ điều khiển chúng ta theo cách họ muốn làm, theo cách họ luôn nghĩ rằng mình đúng.

Tập trung vào hiện tại là như thế nào? Đơn giản chỉ là tập trung vào việc mình đang làm và theo dõi để kịp nhận ra từng lỗi nhỏ, từng sai lầm mắc phải. Một lỗi khá phổ biến ở người trẻ đó là quá ôm đồm lý tưởng nhưng thực tế thì dở dang. Thời gian rất cần được lấp đầy bởi từng hành động một chứ không phải một bản kế hoạch dài ngoằng và chi tiết.

"Sớm hay muộn, người thắng là người nghĩ rằng mình có thể" - Hãy tránh áp lực tác động bằng cách tập trung vào hiện tại

Đừng để gaslighting biến chúng ta thành những kẻ vật vã trong âu lo bởi áp lực xung quanh nhưng lại dật dờ và yếu đuối khi cần hành động!

 Tác Giả: Yến Nhi

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/lyngocyennhi246
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,037 lượt xem, 1,996 người xem - 2000 điểm