Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hoạt Động Ngoại Khóa: Kinh Nghiệm Gì Cho Tân Sinh Viên?

    • Em muốn tham gia thật nhiều Câu lạc bộ, Đội, Nhóm.

    • Làm sao để cân bằng giữa việc học và hoạt động ngoại khóa?

    • Hoạt động ngoại khóa nhiều có học giỏi được không?


    Suốt 12 năm trên ghế nhà trường, mình là một đứa cực thích hoạt động tập thể và chưa từng từ chối tham gia bất cứ thứ gì. Ba năm cấp Ba mình học ở một ngôi trường chuyên của tỉnh, sống trong những lời khen tấm tắc của thầy cô, bạn bè: “Học sinh chuyên tụi nó vừa học giỏi mà chơi cũng giỏi nữa”. Bởi vậy, mình càng khao khát được khẳng định mình, khẳng định chữ “chuyên” trên ngực trái không phải chỉ là cái danh. Khi đó, mình đã có cho bản thân một thời cấp Ba khó quên với hàng núi deadline của hoạt động ngoại khóa. 


    Trong ba năm, mình tham gia một trong những câu lạc bộ lớn nhất trong trường, tổ chức đủ loại sự kiện, chạy truyền thông từ hằng ngày tới các dự án quan trọng. Chúng mình đã làm được những sự kiện khiến người lớn phải thốt rằng: “Không ngờ một nhóm học sinh cấp Ba có thể làm tốt như vậy”. Có những lần hạnh phúc và cả những khoảnh khắc muốn bỏ cuộc, có những đêm họp đến 3 giờ sáng lên kế hoạch, thậm chí có những lúc thực sự phải đặt Câu lạc bộ và cuộc sống riêng của bản thân lên bàn cân để quyết định, nhưng mình chưa từng thôi biết ơn những trải nghiệm đắt giá ấy.


    Chuẩn bị lên Đại học, mình nghe và đọc thấy nhiều trăn trở của các bạn đồng lứa về chuyện tham gia Câu lạc bộ, Đội, Nhóm. Ai cũng biết rất rõ tầm quan trọng của hoạt động ngoại khóa và những tác động tích cực mà nó mang lại, nhưng họ cũng có không ít phân vân, đắn đo, đong đếm.


    Vậy, phải hoạt động ngoại khóa như thế nào để vừa tích lũy được kỹ năng, kinh nghiệm có giá trị, vừa làm đẹp hồ sơ, vừa cân bằng được với việc học và cuộc sống cá nhân? Mình sẽ chia sẻ một chút về trải nghiệm của riêng mình và những lời khuyên mà các anh chị tiền bối đã từng nói với mình nhé!


    1. Số lượng không nói lên được tất cả.



    Bạn đã từng nghe khái niệm FOMO chưa? Fear of missing out (hay còn gọi tắt là FOMO) được biết đến như hội chứng tâm lý ám chỉ những người sợ bị bỏ rơi. Mình từng bị FOMO khi muốn tham gia nhiều Câu lạc bộ, dự án nhất có thể. Mình nhìn thấy những anh chị, bạn bè xung quanh đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động ngoại khóa và sợ hãi rằng nếu mình không làm như vậy, mình sẽ bỏ lỡ những cơ hội hay ho. 


    Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng cật lực làm nhiều việc cùng lúc, mình nhận ra quỹ thời gian của mình có hạn và mình phải đưa ra lựa chọn để cân bằng. Từ lúc đó tới giờ, mình luôn quan niệm rằng, thà bạn chỉ tham gia một tổ chức, tiếp thu tất cả những tinh hoa của tổ chức đó, còn hơn là “một chân nhiều thuyền”, chuyện gì cũng lỡ dở rồi “xôi hỏng bỏng không”.


    Thứ nhất, năng nổ cùng hoạt động ngoại khóa sẽ khiến bạn giỏi giang hơn, nhưng không phải “cùng một lúc”. Việc bạn có quá nhiều tổ chức để làm việc sẽ khiến thời gian, tâm trí và sức lực của bạn bị chia nhỏ nhiều phần. Bạn sẽ khó để tập trung và học hỏi một điều gì đó dứt điểm. Ví dụ, bạn tham gia cùng lúc 4 Câu lạc bộ. Đến mùa sự kiện, bạn phải chạy cùng lúc 4 chương trình. Bạn chưa kịp nhập tâm vào kế hoạch này đã phải sốt sắng có mặt ở cuộc họp kia. Chuyện tiếp thu kinh nghiệm cần đi theo quá trình nghiên cứu - thực hành - sửa chữa - đúc kết, mà quá trình này chỉ diễn ra tốt đẹp khi bạn đó đủ thời gian cho công việc bạn đang làm. 


    Thứ hai, việc tham gia thật nhiều có thể cho thấy bạn không hề có sự thống nhất trong định hướng. Bộ hồ sơ chỉ đẹp khi tất cả những gì bạn làm đều thể hiện con người bạn: bạn là ai, bạn muốn điều gì, bạn biết mình đang làm gì. Ví dụ, truyền thông là thứ mình thích và cũng là định hướng nghề nghiệp của mình. Vậy nên ngay từ đầu, mình sẽ dồn năng lượng vào các Câu lạc bộ truyền thông, hoặc ban truyền thông của các tổ chức, dự án. 


    Thứ ba, bạn thực sự không đủ thời gian và sức lực đâu, bạn còn việc học nữa. 


    Thứ tư, Ban Chủ nhiệm của các Câu lạc bộ sẽ e ngại chuyện thành viên của mình tham gia quá nhiều tổ chức. Họ sợ bạn không hoàn thành tốt công việc của mình, họ sợ một ngày nào đó bạn quá bận và người khác phải chịu trách nhiệm thay bạn, họ còn sợ về vấn đề bảo mật thông tin nữa. Chuyện này sẽ gây ảnh hưởng đến mức độ công việc bạn được giao (quan trọng - ít quan trọng) và cơ hội để lên vị trí cao hơn trong tổ chức.


    Quy tắc 80/20 cho thấy, hóa ra, với 10 điều bạn dự định thực hiện, có tới 8 điều không thực sự quan trọng như bạn nghĩ. Tất cả những gì cần làm là xác định 2 điều quan trọng nhất và ưu tiên thực hiện chúng. Nếu bạn không tập trung vào 20% đó, cuối cùng, bạn sẽ lãng phí 80% thời gian của mình. Hãy nhớ: Chăm chỉ không sai, nhưng không có nghĩa là ồm đồm tất cả.

     

    Bởi vậy, hãy chắt lọc và cân nhắc thật kỹ những gì mình dự định tham gia. Đừng tốn công sức cho những thứ ít liên quan đến sở thích cá nhân hay định hướng sau này. Hãy chia thời gian hợp lý, bạn chỉ có 24h mỗi ngày và 4 năm Đại học sẽ trôi qua rất nhanh. Hãy làm những điều thực sự đem lại lợi ích. Hãy work-smart, đừng chỉ đâm đầu vào work-hard. 


    2. Thực ra tấm certificate không có nhiều quyền lực đến thế.



    Có rất nhiều bạn trăn trở việc tham gia hoạt động ngoại khóa vì muốn lấy giấy chứng nhận để làm đẹp hồ sơ của mình.


    Mình quen nhiều anh chị đã đi làm, khi nói đến chuyện bạn này bạn kia có cả xấp giấy chứng nhận, anh chị chỉ cười và lắc đầu: “Nó không phải là tất cả”. Môi trường làm việc khác xa rất nhiều, rất nhiều so với môi trường hoạt động ngoại khóa. Bạn sẽ rất khó có được những kinh nghiệm thuộc về chuyên môn nếu chỉ hoạt động mà không học thêm kiến thức chuyên ngành. Các nhà tuyển dụng biết rõ điều ấy. Họ sẽ không vì những tấm certificate mà ưu ái bạn, mà bạn phải chứng minh bằng nội lực của bản thân mình.


    Giá trị của certificate trong mắt nhà tuyển dụng - theo như anh chị mình chia sẻ - là minh chứng cho thấy sự nỗ lực và sự đáng tin ở bạn. Ví dụ, bạn nói bạn luôn cố gắng, luôn kiên trì, năng nổ, nhiệt huyết. Làm sao họ tin bạn khi mới gặp bạn lần đầu? Bởi vậy, họ sẽ căn cứ vào chất lượng của những gì bạn làm trên giảng đường Đại học. 


    Vậy giá trị lâu bền từ việc tham gia hoạt động ngoại khóa là gì? 


    Đó là phát triển kỹ năng, bồi dưỡng cá tính và nhận thức rõ về bản thân mình. Bạn học được gì từ những dự án, tổ chức bạn tham gia? Năm lớp 11, 12, mình chỉ tham gia duy nhất một câu lạc bộ và lên đến vị trí Phó Chủ nhiệm. Mình tiếp nhận rất nhiều công việc. Ở vị trí thành viên, mình học kỹ năng sử dụng google drive, viết content và lên ý tưởng. Ở vị trí leader, mình học cách lên kế hoạch tổ chức sự kiện, kế hoạch truyền thông, kế hoạch phát triển nội bộ, cách vận hành một hệ thống, quy trình làm việc và ứng xử với con người. Mình rèn được tính nhẫn nại, khả năng chịu áp lực cao và biết sắp xếp, quản lý và chủ động khi làm việc. Chẳng phải những thứ ấy quý giá hơn tấm bằng rất nhiều hay sao? Thậm chí những thứ mình nhận được, học được, chẳng một tờ giấy nào có thể chứng minh nổi. 


    3. Đừng ngại dừng lại nếu xảy ra vấn đề.



    Sau một thời gian hoạt động, có thể bạn sẽ cảm thấy tổ chức không còn phù hợp với mình nữa. Bạn sẽ cảm thấy chán nản, mất nhiệt và không muốn đóng góp, làm việc hay thậm chí là trò chuyện. Hoặc có thể bạn gặp áp lực quá nhiều, hoặc việc học của bạn bị ảnh hưởng. Hoặc bạn đã học hết những gì bạn đặt mục tiêu và bạn cần tham gia một tổ chức khác để học thêm điều bạn muốn. Bất cứ khi nào bạn phát hiện có vấn đề, đừng tiếp tục trong trạng thái “tự ép bản thân” mà hãy thẳng thắn ngồi xuống và tự hỏi mình những câu hỏi như: 


    • Nếu đã hết mình với Câu lạc bộ, vậy bạn có nhận được bài học, kinh nghiệm xứng đáng hay không?
    • Phong cách làm việc của Câu lạc bộ có khiến bạn ngột ngạt, khó chịu hay không?
    • Bạn đã đạt được mục đích ban đầu khi vào Câu lạc bộ chưa? Bạn muốn ở lại vì điều gì? 


    Việc rời khỏi một tổ chức không phải là một điều gì đó khó khăn, đáng sợ. Những người ở lại cũng sẽ không trách móc bạn vì bạn rời đi, chỉ cần bạn hãy cân nhắc thật kỹ và nói lời tạm biệt văn minh nhất có thể. Tức là bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ của bạn, bàn giao công việc và rời đi trong hòa bình. 


    Hãy nhớ rằng bạn cần dùng quỹ thời gian quý giá của mình cho những điều thực sự có giá trị. 


    4. Tham gia hoạt động ngoại khóa và việc học tập.



    Vừa học giỏi, vừa năng nổ hoạt động ngoại khóa không phải là không thể đâu. Mình đã từng chứng kiến rất nhiều anh chị, bạn bè vừa có bảng điểm “đỉnh của chóp”, vừa chạy nhiều dự án cực xịn. Vậy mình đã học được gì từ các anh chị, các bạn ấy? 


    Thứ nhất, mọi chuyện bạn làm đều phải có mục đích và hướng tới mục tiêu cụ thể. 


    Bạn cần điều gì khi ra trường? Bạn cần GPA cao hay cần trải nghiệm nhiều? Như mình đã nói ở trên, bạn không có quá nhiều thời gian. Vì vậy, mục tiêu sẽ như “kim chỉ nam” hướng toàn bộ việc hoạt động ngoại khóa, học tập, làm thêm ở trục này. Ngay bây giờ, bạn hãy tìm hiểu về ngành học của mình, xác định cho mình những yêu cầu, mục tiêu, biết mình cần phải tập trung vào điều gì và lập kế hoạch thực hiện. Đừng “đâm theo lao”, hãy chủ động kiểm soát mọi thứ diễn ra trong cuộc đời mình. 


    Thứ hai, hãy có kế hoạch, bao gồm kế hoạch trước mắt và kế hoạch lâu dài. 


    Khi học cấp Ba, mình đã lập cho bản thân một kế hoạch 3 năm từ lớp 10. Mình sẽ dành cả lớp 10 để tập trung toàn bộ vào môn chuyên, cho bản thân một nền tảng để dễ dàng trau dồi thêm ở lớp 11, 12. Lên 11, mình sẽ dùng kiến thức mình có từ lớp 10 để thi Học sinh giỏi, để mình có một tấm bằng phục vụ cho việc xét tuyển Đại học. Việc đó chỉ mất trong nửa năm 11 thôi, nên mình cũng đã tham gia Câu lạc bộ từ đầu năm 11. Lên lớp 12, việc học của mình nhẹ nhàng hơn vì đã có nền tảng, có một số ưu điểm để xét tuyển thẳng. Lúc này, mình dành phần lớn thời gian cho hoạt động ngoại khóa. 

    Tương tự với Đại học, chúng ta hãy xem xét xem từng năm, nhiệm vụ nào là quan trọng nhất. Năm Nhất sẽ tập trung vào điều gì, năm Hai sẽ làm những gì...? Đó là kế hoạch lâu dài.


    Vậy còn kế hoạch trước mắt là gì? 

    Đó là những gì bạn có thể lường trước được trong một học kỳ hay một năm học. Ví dụ, bạn biết đến tháng mấy trường sẽ tổ chức thi học kì, đến khi nào là có bài kiểm tra, bao giờ là mùa sự kiện. Khi đó, hãy lập kế hoạch học tập và kế hoạch hoạt động ngoại khóa từ sớm, chạy song song. Hoặc nếu một tuần sau là thi, thì hãy giãn việc hoạt động ngoại khóa. Thay vào đó, trong những ngày không quá nặng việc học tập, hãy hoàn thành những đầu việc quan trọng trong Câu lạc bộ, dự án để đảm bảo năng suất của mình và mục tiêu đề ra.


    Thứ ba, có những lúc không thể cân bằng, vậy thì bạn hãy lựa chọn.


    Mình nhận ra là có đôi khi, mọi chuyện ập tới cùng lúc và chúng ta không thể cân bằng một cách lý tưởng. Đó là cách bộ não nói với ta rằng nó mệt rồi. Vì vậy, hãy đưa ra lựa chọn rằng bản thân sẽ ưu tiên thực hiện công việc nào hơn. Lúc này, hãy xem lại mục tiêu của bạn. Với mình, “lùi một bước để tiến hai bước” vẫn là nước đi đáng để cân nhắc. Tuy nhiên, hãy chú ý tới trách nhiệm của bạn - trách nhiệm với kết quả học tập, trách nhiệm với Câu lạc bộ, dự án để có biện pháp giải quyết phù hợp.

    Cân bằng và quản lý thời gian là cả một nghệ thuật và là kết quả của quá trình liên tục thử sức. Nhưng không hề bất khả thi đâu nha!


    Lời kết

     

    Hoạt động ngoại khóa không dành riêng cho những người đặc biệt, tài giỏi hay những người mà bạn thấy họ “sinh ra để tỏa sáng”. Nó là sân chơi của tất cả mọi người. Khi chúng ta còn trẻ, có thời gian, có nhiệt huyết, có sức khỏe, chưa bị bó buộc bởi điều gì, hãy cố gắng dấn thân. 

     

    Câu lạc bộ, Đội, Nhóm cũng không phải là nơi để chỉ vào chơi, vào kết bạn, vào nói chuyện. Đó là nơi để bạn làm việc, học hỏi kinh nghiệm, là điều bạn phải bỏ ra công sức và tâm trí để nhận được những bài học xứng đáng. Vì vậy, hãy chọn cho tốt “ngôi nhà” mà mình sẽ gắn bó và hết lòng với nó.

     

    Cuối cùng, đừng quên sức khỏe của bản thân bạn nhé! Hãy nhớ rằng bạn không chỉ sống trong một mùa sự kiện, một mùa thi. Bạn cần khỏe mạnh để sống một cuộc đời. Chúc bạn may mắn và có 4 năm Đại học ý nghĩa.

    Tác Giả: Đào Yến Thanh
    --------------------------------

    Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: : https://www.facebook.com/profile.php?id=100003149630527

     

    (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

    ----------------------------

    Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

    1,024 lượt xem, 909 người xem - 913 điểm