Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Học Ngôn Ngữ - Đam Mê To Lớn Và Sự Kiên Nhẫn Bền Bỉ

Việc học ngôn ngữ là một xu hướng chung của tất cả mọi người trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày nay. Mọi người co xu hướng chung về việc chạy đua học ngôn ngữ bất chấp là thời gian hay tiền bạc. Đó là lý do tại sao thế hệ trẻ ngày nay, còn gọi là thế hệ gen Z luôn thể hiện được sự tài năng, đặc biệt là trong khả năng ngôn ngữ.


Không phải ai cũng là thiên tài

Chúng ta có thể thấy những thế hệ ngày nay, dù là một đứa bé mới chỉ cấp một thôi mà đã có khả năng phản xạ tiếng anh hơn cả những thế hệ trước. Không chỉ riêng tiếng Anh, ngôn ngữ dường như trở thành sự tiên phong dẫn đầu xu hướng trong ngành giáo dục và được đưa lên là ưu tiên hàng đầu dù bất cứ mọi lĩnh vực nào. Mới gần đây, bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất về việc sẽ cho tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình giảng dạy như một môn học bắt buộc đối học sinh từ lớp ba đến lớp 12. Đây là quyết định chưa biết sẽ như thế nào và đi về đâu nhưng giới học sinh sinh viên đã có những tranh cãi kịch liệt về quyết định này.  Lý do cho cuộc tranh cãi này chính là việc không giảm bớt áp lực học tập các môn học ở trường mà còn gia tăng áp lực lên học sinh chỉ vì sự hợp thời và cũng vì sự hội nhập quốc tế. Đó chỉ là một lý do đơn giản khi chúng ta nói ra nhưng việc thực thi là rất khó, nếu có thật sự thực thi được thì cũng rất khó lâu dài. Chúng ta không phủ nhận thực lực của các bạn trẻ tài năng và nhiệt huyết ngày nay, chứng kiến được rất nhiều người được cho là thần đồng ngôn ngữ khi còn rất nhỏ hoặc có những người nói được hàng chục thứ tiếng là chuyện rất bình thường. Nhưng với một số cá nhân khác thì đây là một quyết định không khả quan vì tiếng Anh đã là một gánh nặng, nay lại thêm tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình giảng dạy. Liệu rằng điều đó có hợp lý? Chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao họ lại tiếp thu được nhiều ngôn ngữ cùng một lúc nhưng với một số người khác thì lại không. Chúng ta hãy suy nghĩ đến một trường hợp như thế này. Tại sao nhà bác học Albert Einstein ngồi dưới gốc cây táo mà phát hiện được thuyết tương đối và lừng lẫy khắp thế giới với sự tài năng của ông trong khi những nhà khoa học trước đó hay những người khác bỏ hàng trăm năm cũng không thể phát hiện ra. Đó gọi là thiên phú! Mỗi người đều có một thiên phú, không ai giống bất kỳ ai. Mà thiên phú về ngôn ngữ chỉ là với một số cá nhân chứ không phải là tập thể cộng đồng. Có thể tiếng Hàn, Trung, Nhật, Anh, Pháp hay bất kể một thứ tiếng gì khác đang là một xu hướng tiềm năng cho sự phát huy giá trị kinh tế cũng như mang lại giá trị to lớn về mặt ngoại giao với các nước khác. Vậy chúng ta đặt ra câu hỏi chúng ta đang đặt lợi ích gì cho giáp dục trong khi giáo dục cần sự hiệu quả chứ không phải là sự cải cách qua loa vì những tiềm năng trước mắt? 


Học ngôn ngữ không đơn giản là chỉ là học

Yếu tố đầu tiên để thật sự tiếp thu và gắn bó lâu dài với ngôn ngữ đó là sự yêu thích ngôn ngữ. Khi bạn làm những điều bạn yêu thích thì bạn dù có bất khó khăn gì thì cũng sẽ đều vượt qua một cách dễ dàng. Cũng giống như khi bạn chơi một trò chơi điện tử bạn yêu thích trên điện thoại. Bạn sẽ chơi từ màn này qua màn khác để chiến thắng được trò chơi đó nhằm kiếm điểm hoặc thăng hạng. Nếu bạn cảm thấy chán thì bạn sẽ kiếm trò chơi gì khác đủ để làm bạn vui hơn, thỏa mãn với sở thích của bạn. Học ngoại ngữ cũng như thế. Nếu bạn không đủ đam mê và sự yêu thích thì dù bạn học như thế nào thì cũng chỉ là sự đối phó qua loa chứ không hề tiếp thu được bất cứ thứ gì khác. Hơn nữa, mỗi ngôn ngữ đều có một câu chuyện cho chính nó và chờ đợi người học khám phá ra những bí ẩn đằng sau những con chữ đó. Ngôn ngữ đại diện cho sự hiện diện của một quốc gia, nếu không có ngôn ngữ, chúng ta dù có tồn tại thì cũng không là gì cả. Ngôn ngữ là tiếng nói thể hiện cái tôi của bản thân mỗi con người và thể hiện bản sắc văn hóa độc nhất đặc trưng cho từng quốc gia. Do đó, bản chất ngôn ngữ chứa rất nhiều sự đa dạng và phong phú, do đó, người học phải thật sự có hứng thú tìm hiểu ngoại ngữ thì mới chìm đắm được trong kho tàng đó.


Ở Việt Nam, chúng ta dường như đang quan niệm sai lệch về ý nghĩa việc học ngôn ngữ. Người học thường học ngôn ngữ để đạt được mong ước tương lai của họ như đỗ vào trường mình mong muốn, làm đẹp đơn xin việc để ứng tuyển vào vị trí mình mơ ước bấy lâu nay hay đáp ứng một tiêu chí nào đó để có được công việc ổn định trong một môi trường cạnh tranh,… Tuy nhiên, phía sau hàng vạn những mong muốn đó thì tất cả có thật sự là năng lựa ngôn ngữ hiện tại của bạn hay chỉ là con điểm trên tấm bằng chứng chỉ? Thực tế ở Việt Nam, căn bệnh chấn thương ngôn ngữ đang diễn ra khá nhiều. Học ngôn ngữ không sai, nhưng không làm chủ được ngôn ngữ thì thật sự là một vấn đề nan giải. Chúng ta thường thấy những bé trai bé gái còn rất nhỏ, có khi còn chưa thể nói chuyện rành rọt ngôn ngữ mẹ đẻ mà phụ huynh đã đưa con cái đi học trong môi trường quốc tế. Tư duy của họ trong việc này chính là con mình tham gia vào môi trường quốc tế sớm thì khả năng sử dụng ngôn ngữ quốc tế của con mình sẽ tốt hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác, đồng thời mai sau sẽ có lợi cho tương lai và mở ra được một con đường rực rỡ cho con cái mình. Thực chất điều đó là sai. Tùy độ tuổi mới có thể học ngôn ngữ và phụ thuộc vào khả năng tiếp thu. Đó chỉ làm nặng áp lực cho trẻ nhỏ khi học ngôn ngữ khi tuổi của chúng còn quá nhỏ. Chính điều đó làm cho trẻ nhỏ không thể sử dụng chắc chắn một ngôn ngữ cố định và va vào tình trạng lai căng. Chúng sử dụng không đúng ngôn ngữ cần sử dụng trong hoàn cảnh đang diễn ra. Đặc thù là những người trẻ học ngôn ngữ thì tình trạng lai căng thể hiện càng rõ ràng hơn. Do thời kỳ hội nhập đỉnh cao ngày nay khiến tư duy con người và tư duy ngôn ngữ của mỗi người phải nâng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đặt ra và để không bị lạc hậu. Nhưng như thế con người dễ va vào lai căng ngôn ngữ, lai căng lối sống. Không làm chủ được phong cách truyền thống mà đổi mới nó theo xu hướng Tây hóa hoặc nửa tây nửa ta.

Hãy để ngôn ngữ trở thành sự lựa chọn chứ không phải là sự ràng buộc


Khi nói đến học ngôn ngữ, yếu tố cần thiết để duy trì việc rèn giũa ngôn ngữ đó chính là sự kiên trì, quyết tâm và đam mê. Thật tế rằng chả một ai có hứng thú học tập lâu dài cùng với một thứ mà họ không thích. Ngôn ngữ cũng vậy. Nếu bạn thích những con chữ và sự biến hóa của chính nó qua từng cấu trúc ngữ pháp hay cách phát âm nó thì bạn hãy đến với thế giới cho ngôn ngữ. Chúng ta luôn đặt ra câu hỏi tại sao có rất nhiều người được cho là thần đồng ngôn ngữ thông thạo nhiều thứ tiếng cùng một lúc. Có khi những người bạn cùng trang lứa lại học ngoại ngữ giỏi như thế trong khi mình lại thua kém họ hay học mãi cũng không thấy tiến bộ chút nào. Vậy chúng ta hãy đi từ nguyên do tại sao có người lại giỏi nhưng có người lại không như vậy. Với những người học ngôn ngữ, đa số họ được tiếp cận với những phim hoạt hình hoặc phim ảnh trên các đài truyền hình như  Disney Channel hay Cartoon Network, HBO,.. Họ cũng được tiếp cận và sử dụng ngoại ngữ từ sớm. Họ không ngừng cải thiện bản thân từng ngày. Họ có rất nhiều sách, thích đọc sách, thích viết lách và thích tiếp cận những con chữ nhiều hơn là với những con số. Và quan trọng là mục đích của họ đến với ngôn ngữ quốc tế là để rèn luyện và biến nó thành công cụ giúp họ trong tương lai chứ không phải là hình thức đối phó tạm thời. Hầu hết những người học không tốt về ngôn ngữ thì mong muốn bản thân mình giỏi và kiếm điểm cao để chứng minh thực lực của bản thân. Đặc biệt là ở những đối tượng học sinh cấp hai hoặc cấp ba đề gặp tình trạng không thích ngoại ngữ nhưng cũng phải học ngoại ngữ. Đây có lẽ là điều thường thấy và dường như là điều dĩ nhiên. Chả ai mong muốn mình bị điểm kém cả, ai cũng muốn bản thân mình điểm cao, được tuyên dương, được học sinh giỏi, đạt danh hiệu nào đó. Áp lực học sinh nhận là rất nhiều và nó đều vô hình. Một khi áp lực được thể hiện ra thì họ lại khó được thấu hiểu bởi ba mẹ. Có những phụ huynh vùi dập đi đam mê của con cái chỉ vì việc học ngoại ngữ. Họ cũng chỉ vì tình thương nhưng tiếc là tình thương đó lại đặt sai chỗ. Những điều đó tạo nên căn bệnh sợ học ngoại ngữ. Như thế sinh ra việc dễ nản chí khi học, dễ từ bỏ. Có nhiều bạn học sinh vào lớp chỉ để nghe cho có lệ, học cho hết giờ, về nhà với tâm thế nhờ người giỏi gửi đáp án cho chép và ngày hôm sau vẫn thế miễn điểm vượt qua mức trung bình là được. Chả biết nên ôn từ đâu cho hợp lý, có nên bỏ luôn không hay phải chăm. Mà dù chăm chỉ bao nhiêu thì người ta cũng hơn được bao nhiêu bước rồi mà giờ mình chỉ mới đi được một bước. Điều đó được gọi là áp lực đồng trang lứa.

Người bằng tuổi mình học giỏi hơn mình, tài năng hơn mình, tương lai sáng lạn hơn mình khiến cho giấc mơ của mình ngày càng nhỏ đi và biến mất từ khi nào cũng không biết. Nên học ngôn ngữ không phải ngày một ngày hai hay một lộ trình là bạn giỏi. Mà cần có sự kiên nhẫn và đam mê nhiệt huyết với nó, quyết tâm thì mới có thể theo đuổi lâu dài. Hãy để việc học ngôn ngữ là một sự lựa chọn mà bất kỳ ai cũng được phép chọn hoặc từ chối nó nếu đó không phù hợp với khả năng tiếp thu của họ.

Tác Giả: Phạm Tú Trinh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100038947118615 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

652 lượt xem, 614 người xem - 617 điểm