Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hội Chứng Kiệt Sức Của Người Trẻ: Không Phải Lười Biếng Cũng Không Phải Quan Trọng Hoá Vấn Đề

  • Mỗi lần định đọc một cuốn sách hay xem TV, tôi lại lo mình đang phung phí thời gian mà nhẽ ra tôi phải để dành làm những việc khác tốt hơn cho sự nghiệp và tương lai. 
  • Mỗi lần định ngủ sớm hay dậy muộn một tí, tôi lại thấy tội lỗi vì nhớ đến câu nói “Trong lúc bạn ngủ, có ai đó đang nỗ lực và thành công”.
  • Mỗi lần stress và kiệt sức muốn từ bỏ công việc để tạm GAP YEAR hay nghỉ ngơi phục hồi cảm xúc, tôi lại ám ảnh bởi “Tốc độ thành công của bản thân phải nhanh hơn tốc độ già của bố mẹ”.
  • Mỗi lần định từ bỏ công việc này vì quá stress, tôi lại phải tự trách mình quá kém cỏi. Vì so với bố mẹ, người phải vất vả dậy sớm từ 4-5h sáng để mở hàng và quần quật buôn bán cả ngày đến 7-8 tối (tức 14- 15 tiếng mỗi ngày), tôi chẳng có tư cách để than thở.
  • Không chỉ 8 tiếng ở văn phòng, việc ôm laptop về nhà khiến tôi lười và mệt mỏi đến mức không còn thời gian để tự rút tiền, dọn dẹp phòng, nấu nướng, cắt tóc hay xử lý những công việc lặt vặt.

    Nếu rơi vào những tình huống tương tự như trên, chắc chắn không phải bạn lười biếng mà là đang rơi vào trạng thái “kiệt sức”. Nếu thế hệ trước hiểu được những áp lực gì người trẻ đang phải gặp hiện nay, có lẽ họ sẽ bớt nghĩ rằng người trẻ bây giờ chỉ có lười biếng và hay quan trọng hóa vấn đề. 

Gần đây thôi, tôi đọc được một bài dịch về hội chứng kiệt sức ở thế hệ trẻ, về ranh giới giữa công việc và cuộc sống, sự mất cân bằng giữa lý trí và cảm xúc cũng như những áp lực vô hình khiến chúng ta mệt mỏi,...và tôi thấy chúng ta có rất nhiều phần trăm tương tự. Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết nhiều lần, kể cả dòng tâm sự của cô gái 28 tuổi trên mạng xã hội, cho đến ý kiến của nhà tâm sinh lý học người Anh, góc nhìn của cây bút phương Tây,...và phát hiện phản ánh đúng cả về hiện trạng của cả giới trẻ châu Á. Điển hình như tôi. 

Hội chứng kiệt sức cho đến nay vẫn không phải một chứng bệnh được công nhận, cũng không có con số thống kê cụ thể nào hết. Nhiều lý do được nêu ra để xác định nguồn gốc của căn bệnh, về khách quan là do những kỳ vọng quá sức từ gia đình, công việc, và xã hội hay chủ quan là do “việc so sánh bản thân mình với người khác” hoặc có thể do một nguyên nhân thần bí khác; mắc kẹt ở ranh giới “healthy & balance” hay “nỗ lực 100% . Đây là loại stress khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi nhất, là trạng thái căng thẳng đầu óc dẫn tới kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.

 Nguồn ảnh: Internet


Vậy chúng ta LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỔI BAY “KIỆT SỨC” & “MỆT MỎI”? Chúng ta không có phép màu cũng chẳng có thuốc điều trị, chúng ta chỉ có thể tìm hiểu một xíu về những áp lực làm chúng ta kiệt sức để giảm bớt chúng thông qua một số cách thay đổi tư duy. Ví dụ như:

1. TỰ TIN VỚI SỰ CHỌN LỰA CỦA BẢN THÂN

Shark Linh từng nói: “Hai mấy tuổi không nên nghĩ về work-life balance. Hai mấy tuổi nên nghĩ về công việc”. Vì đối với chị, thời gian còn trẻ và khỏe là lúc để phấn đấu, học hỏi và thành công. Đến độ tuổi ngoài 30-40, khi cơ thể bắt đầu mệt mỏi, gia đình cần bạn chăm sóc thì bạn sẽ thầm cảm ơn những nỗ lực khi còn trẻ đã giúp bạn đủ ổn định để dành thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi và tận hưởng. Tôi thấy hoàn toàn đúng, sự nỗ lực của hiện tại sẽ giúp cuộc sống bạn sau này dễ thở hơn.

Nhưng nếu tôi nói với bạn rằng, không sao đâu, bạn học tập, làm việc vừa đủ để nuôi sống bản thân và tận hưởng cuộc sống của chính mình đi vẫn hợp lý thì sao?

Gần đây, tôi cùng bạn mình xem lại Bộ phim 2012 (Đại thảm họa). Kết thúc phim, chúng tôi cùng thảo luận “Nếu ngày tận thế xảy ra như vậy, chúng tôi sẽ làm gì ở phút cuối cuộc đời?” - Dĩ nhiên, cả đám không thể có đủ 1.5 tỷ EUR để mua vé VIP lên tàu trú ẩn mà và chẳng thể nào may mắn một cách xuất sắc để chộp lấy 1/1,000,000 cơ hội sống sót trước đại họa. Chúng tôi chọn sẽ ăn bữa ăn ngon, gọi điện hoặc đến gặp người thân và trang điểm thật đẹp nằm xem một bộ phim hay đến lúc chìm trong biển nước. Người thành công đến đâu, giàu có đến cỡ nào, thông minh ưu tú bao nhiêu cũng thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Vậy thì tại sao chúng ta không vui vẻ nhiều hơn 1 ngày, sống như thể ngày mai là tận thế? 

Không có cách sống nào là sai cả, bạn có quyền lựa chọn và sống như thế, người khác có thể phán xét nhưng bất cứ điều gì bạn chọn đều có lý do và ưu điểm của nó. Nếu một đêm nào đó, bạn cảm thấy khó ngủ vì không biết bạn có chọn sai thành phố để sống, hối hận vì một quyết định đã qua, do dự rời bỏ một thứ gì đó, bạn có thể nghe thử đoạn radio của Nhụy Hy mang tên 你的人生,都藏在每一个选择里 (tạm dịch: Nhân sinh của bạn, đều ẩn giấu trong sự lựa chọn của bạn). Bạn sẽ được nghe những câu chuyện để hiểu rằng nhân sinh là nằm trong tay bạn, do bạn tự chọn lựa. Hãy tin vào sự lựa chọn của mình.

2. NGỪNG SO SÁNH BẢN THÂN VÀ NGƯỜI KHÁC

Bản chất chúng ta luôn không ngừng so sánh và nó tồn tại ở 2 trạng thái: có lúc là đố kỵ, có khi là ngưỡng mộ. Người đang cày cuốc ngoài đồng ngưỡng mộ những thanh thiếu niên sành điệu ở đô thị, người chạy thục mạng kiếm cơm ở công xưởng ngưỡng mộ nhân viên công sở ngồi máy lạnh hưởng lương, người ngồi văn phòng ngưỡng mộ cuộc sống tự do tự tại không áp lực của freelancer,....

Tôi kể với bạn trai mình về áp lực công việc và cảm thán trước cuộc sống của chị đồng nghiệp. Tôi bảo rằng tôi cần học tập ở chị, với những điều kiện tốt sẵn có, chị vẫn không ngừng phấn đấu trong công việc, đi dạy thêm ngoại ngữ, đi học đàn hay chèo thuyền, chạy bộ, du lịch,....thi thoảng còn đọc podcast cho bạn bè. Tôi càng ngưỡng mộ trong khoảng thời gian dịch bệnh, chị nấu cơm hỗ trợ người vô gia cư, kêu gọi quyên góp để giúp đỡ bệnh nhân,...Tôi xấu hổ vì cùng một quỹ thời gian 24h mỗi ngày, chị làm nhiều thứ đến thế, còn tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, làm việc, viết lách rồi lại nằm thở vì cạn năng lượng. Rồi tôi lại tự thiết lập một chuỗi hoạt động cho mình để làm nhiều hơn rồi KIỆT SỨC vì những to-do-list, bucket list.

Rồi bỗng một ngày, tôi đi ăn trưa cùng chị, chị lại nhìn tôi bằng ánh mắt ngưỡng mộ: “Chị thích được như em, có một vô vàn lý do để nỗ lực từng ngày, biết mình cố gắng để nuôi em trai, biết hoàn thành tốt công việc buổi sớm để tối videocall cùng người yêu, biết mình đi làm thật tốt để cuối tuần được gặp gỡ bạn bè và biết mình đã cố gắng rất nhiều để trân trọng những ngày nghỉ lễ”. Chị luôn giỏi, vẫn chăm chỉ và không ngừng nỗ lực sống hết mình nhưng chị khá cô đơn, cũng có lúc chị cảm thấy bất lực trước tuổi già, áp lực lập gia đình, giao tiếp với bố mẹ,....Thế rồi, tôi dần nhận ra, ai cũng có nỗi khổ riêng, tại sao chúng ta lại so sánh với người khác để thấy tự tin, buồn bã với chính mình ở hiện tại. 

Thế hệ này ai cũng đang nỗ lực, kể cả người sinh ra ở vạch đích, họ giỏi xuất sắc vẫn đang nỗ lực. Vậy sự nỗ lực của một người quá bình thường như chúng ta làm sao so bì? 

“Đây không phải là một chứng bệnh được công nhận nào cả, và không có con số thống kê cụ thể, nhưng ở Anh, có đến 74% người trẻ nói rằng họ bị stress tới mức không thể chịu được. Ngoài ra, 49% người trẻ hay bị stress trong độ tuổi từ 18 đến 24 cảm thấy rằng việc tự so sánh bản thân mình với người khác là nguyên nhận chính gây ra stress, trong khi ở những độ tuổi lớn hơn thì nguyên nhân này ít ảnh hưởng hơn. Đây chính là loại stress làm chúng ta thấy mệt mỏi nhất – trạng thái căng thẳng đầu óc dẫn đến kiệt sức về thể chất và tinh thần.”  - trích BBC. Nguồn ảnh: Internet.

So sánh để chúng ta học hỏi và có thêm động lực để làm điều gì đó chứ không thể so sánh để chúng ta sống cuộc sống giống người khác. Đừng để bộ não liên tục làm phép so sánh và KIỆT SỨC.

3. GIẢM HY VỌNG & KỲ VỌNG

Có rất nhiều bạn trẻ trong số chúng ta, không phải phấn đấu vì thành công và danh vọng, tiền bạc mà chỉ để bố mẹ tự hào. Giống như câu nói “Sự kỳ vọng của bố mẹ dành cho ta còn nhiều hơn chúng ta dành cho bản thân mình". Cũng vì thế, chúng ta lại KIỆT SỨC để càng ưu tú hơn và càng muốn bố mẹ tự hào về mình.

Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng việc sống thật vui và khỏe đã là thành công và hạnh phúc của bố mẹ mình chưa? Bất kỳ ai cũng mong bạn tốt hơn, nhưng chẳng ai nói bạn phải vui vẻ. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bạn đã không thật sự làm tốt với sự kỳ vọng của bố mẹ, hãy nhớ đến một đoạn thư của bà Gam Ri trong Hometown Cha Cha Cha: “Cháu nói điều tốt nhất cha mẹ có thể làm cho con cái là đừng đau ốm và sống thật lâu? Đúng chứ ? Lòng cha mẹ cũng hệt như vậy đấy. Nếu con cái đổ bệnh thì trái tim cha mẹ cũng tan nát.”.

Đấy, không cần thiết áp lực chính mình phải "rất gì và này nọ" mới là tốt nhất. Thành công về mặt sức khoẻ và tinh thần cũng là một trong những loại thành công mà con người cần hướng tới.

4.  ĐỪNG CỐ TRÁNH NÉ ÁP LỰC

Cô bạn thân tôi lúc ở Sài Gòn bảo “Giá mà về quê làm việc, ắt hẳn sẽ bớt khói bụi kẹt xe, ăn uống ngon bổ rẻ lại không tốn phí sinh hoạt đắt đỏ” nhưng đến khi chuyển hẳn về quê vẫn than thở “Lương thấp, mỗi ngày đi làm về lại phải đi ăn uống xã giao và chẳng còn bạn bè thân thiết để đi ăn khuya, uống vài ly”.

Anh chàng đồng nghiệp cũ tôi lúc còn làm chung bảo “Chuyển đi công ty khác, không cần phải nhìn sắc mặt sếp khó tính này nữa” nhưng đến lúc nhận việc mới anh chàng mới nhắn tôi rằng “Làm việc công ty nhỏ quá lâu, anh đã quen với sự nhiệt tình, vui vẻ và ấm áp ở đó sang đến công ty lớn mỗi bộ phận đều tách biệt, thật khó để hòa nhập”.

Chúng ta luôn tự tưởng tượng ra những viễn cảnh tốt đẹp hơn kèm theo “Giá như…”. Bạn có thể né tránh thành phố này, công việc này, người này,...nhưng vĩnh viễn không thể né tránh những áp lực cuộc sống. Càng né, chúng ta càng hao tốn năng lượng và KIỆT SỨC. Việc của chúng ta là nhìn ra những điều đẹp đẽ bạn đang có được và tiến về phía trước.

5. ĐỪNG CHẠY THEO XU HƯỚNG

Bài tâm sự của cô gái 28 tuổi nói về Hội chứng kiệt sức có một đoạn thế này: “Vào thời cha mẹ mình, chỉ cần một công việc với mức lương khấm khá là quá đủ rồi, nhưng bây giờ chúng ta luôn cảm thấy mình vừa phải có một công việc vừa lương cao, vừa thú vị, vừa truyền cảm hứng, đúng theo sở thích và đam mê. Tiêu chuẩn về sức khỏe cũng vậy. Với mẹ tôi, điều độ healthy tức là ăn ngày ba bữa và luôn có quần áo sạch. Còn bây giờ, lối sống lành mạnh là phải dậy sớm đi gym từ 5 giờ sáng, đi kèm 30 phút chạy để tập cardio, ăn càng nhiều rau xanh càng tốt, và chăm lo cho làn da để nó không bị nhăn nheo lão hóa đi hàng ngày. Tức là cái gì cũng phải thật tốt cho sức khỏe, đúng trend, đúng mốt – và cứ thế chúng ta ngày ngày vắt kiệt sức của mình.”

Một bộ phận giới trẻ của chúng ta đang gặp vấn đề như thế, không phải quá tiêu cực nhưng bạn tự ép mình vào khuôn khổ đến ngộp thở như thế sẽ có lúc không thở được. Tôi nghĩ rằng cũng giống như việc ăn kiêng, nếu thực hiện sai cách, hiệu ứng Yoyo (càng ăn kiêng càng tăng cân) sẽ xuất hiện. Hãy đặt mục tiêu hợp lý và thay đổi khoa học hơn, chúng ta sẽ đỡ KIỆT SỨC trong hành trình chạy theo chuẩn mực tốt đẹp của xã hội.

6. NGỪNG CẢM THẤY CÓ LỖI

Tôi thức dậy từ 4h30 mỗi sáng để đi tập yoga, về nhà luộc ít rau củ và thịt để mang theo cho bữa trưa ở văn phòng, tối muộn nhưng vẫn không quên skincare tận 7 bước và từ bỏ những thứ như trà sữa, chocolate, bánh ngọt,...để mình thật healthy. Không phải vì xu hướng mà vì tôi cảm thấy có lỗi nếu mình làm trái với những điều đó.

Đơn cử như: Hôm nào uống 1 ly trà sữa full-topping, tôi sẽ cảm thấy có lỗi với cơ thể mình. Tối nào đi làm về muộn và quên kem dưỡng mắt, môi sáng hôm sau tôi sẽ tự trách mình thiếu trách nhiệm. Những ngày được tan làm sớm, ăn uống xong xuôi mới 7pm tôi sẽ lo lắng nơm nớp về việc liệu có còn task nào chưa giải quyết xong không,...và chỉ cần làm sai một điều gì đó, tôi sẽ tự vấn, dằn vặt cả mấy ngày.

Bạn trai tôi bảo rằng tôi đang bị "cảm giác có lỗi" chi phối. Tôi thừa nhận điều đó và anh note lên giấy vài dòng để tôi hiểu ra bản thân mình không hề tội lỗi như tôi tưởng:

  • Không phải tôi lướt TikTok cả ngày bỏ bê công việc.
  • Tôi không thể béo phì và bị ung thư chỉ vì một vài bữa ăn uống thả ga.
  • Không phải tôi lười 1-2 buổi skincare mà tôi đã kiên trì rất nhiều ngày trước....
  • Nếu hôm qua tôi tắt máy và ngủ sớm, hôm sau tôi có thể dậy sớm để làm thêm nhiều thứ tôi muốn.

Tất cả chúng ta phải ngừng phóng đại tội lỗi của bản thân. Nguồn năng lượng mỗi ngày đều có giới hạn, thay vì dùng nó tiêu tốn cho việc đau khổ vì lỗi lầm dẫn đến KIỆT SỨC, chúng ta cần học cách vượt qua và cải thiện vào hôm sau. 

Nguồn ảnh: Internet

KẾT LUẬN

Bạn có thể lăn xả hết mình và ép bản thân chăm chỉ làm việc, ép mình phải tham gia những cuộc xã giao, lớp bồi dưỡng…. để không bị đào thải khỏi nhịp sống hiện đại, phát triển quá nhanh này. Nhưng bạn cũng có thể học cách “say NO” với những thứ không thuộc về mình. 

Bạn có thể lắng nghe những người thành công chia sẻ về cách họ vượt lên chính mình thế nào. Nhưng hãy tự chọn lựa cuộc sống mà mình đủ khả năng theo đuổi.

Bạn có thể hành động để biến kỳ vọng của bản thân thành sự thật. Nhưng đừng để kỳ vọng của người khác đè nặng trên đôi vai mình.

Bạn có thể phấn đấu để không phụ lòng ông bà, bố mẹ, người thân đã kỳ vọng. Nhưng tôi tin chắc rằng họ cũng sẽ vui vẻ khi thấy bạn cười tươi mạnh khỏe trước mặt họ mỗi lần gặp lại.

Nếu thế hệ trước hiểu được những áp lực gì người trẻ đang phải gặp hiện nay, có lẽ họ sẽ bớt nghĩ rằng người trẻ bây giờ chỉ có lười biếng và hay quan trọng hóa vấn đề. Và nếu thế hệ hiện tại bớt đòi hỏi vừa "healthy & balance" vừa "thành công mỹ mãn", có lẽ chúng ta sẽ bớt bị quan trọng hoá vấn đề KIỆT SỨC.

Tác Giả: Bunny

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.instagram.com/bunniexiuxiu/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,852 lượt xem, 1,743 người xem - 1785 điểm