Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hỏi Đời Có Gì Đẹp?


Tôi như trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà

chờ nghe thế kỉ tàn phai

- Trịnh Công Sơn -

Theo thuyết Sáng thế, loài người được tạo ra bởi Thượng Đế. Adam và Eva là những cá thể đầu tiên của loài người. Sau khi tạo dựng loài người, Thượng Đế ban cho họ cây của sự sống. Nhưng loài người dại dột (?) đã ăn trái cây biết điều thiện và điều ác và trái cây dẫn đến sự chết. Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn địa đàng như một sự trừng phạt. Từ đây, loài người phải đối diện với khó khăn, bệnh tật, cái chết. Loài người bỗng trở nên yếu đuối, họ phải làm việc vất vả mới đủ ăn, họ phải trải qua những tổn thương tinh thần và những mất mát thể xác, họ sẽ già đi, sẽ mắc bệnh, sẽ chết. Phải chi Adam và Eva vâng lời Thượng Đế thì đời sống của họ và con cái họ sẽ hạnh phúc biết mấy! Đáng lẽ tất cả họ có thể sống đời đời trong hạnh phúc. Đáng lẽ không ai phải già đi, mắc bệnh và chết.

Có lẽ tôi và hầu hết mọi người nên trách móc các vị tổ tiên xa xưa đã dại dột trái lời Thượng Đế. Có lẽ trong những thời khắc khó khăn của cuộc đời, tôi và hầu hết mọi người nên biện bạch bằng một lý do rất mực chính đáng: đây là những hình phạt rơi rớt lại từ sai lầm của tổ tiên, thay vì than vãn do hoàn cảnh hay “sám hối” với chính mình. Như thế nhẹ lòng biết bao!

Lầm lỡ của các vị tổ tiên đã quẳng con cháu vào những cuộc đời phải đối diện hết khó khăn này đến khó khăn khác, hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Từ khoảnh khắc chào đời cho đến lúc từ giã, con người trải qua lần lượt các giai đoạn khủng hoảng. Trẻ sơ sinh không có khủng hoảng? Không, chúng phải đối mặt với nỗi khủng hoảng đầu đời khi bị đưa đến một thế giới hoàn toàn khác môi trường sống an toàn trong bụng mẹ. Trong tâm lý học tồn tại những thuật ngữ: khủng hoảng tuổi sơ sinh, khủng hoảng tuổi dậy thì, khủng hoảng tuổi thanh niên, khủng hoảng tuổi trung niên, khủng hoảng tuổi nghỉ hưu. Tức là không có giai đoạn nào con người được phép “nghỉ ngơi” trong hạnh phúc vô tận.

Cuộc đời đã được lập trình như vậy, luôn thường trực những rủi ro và luôn tiềm ẩn những bất hạnh.




Một ngày nào đó, có lẽ tôi sẽ trách móc các vị tổ tiên của mình đã gián tiếp tước đoạt cuộc đời tràn ngập hạnh phúc khỏi loài người như tôi. Bởi ngày đó tôi nhận ra điều tệ nhất không phải bản thân có vấn đề, mà là ai cũng có vấn đề.

Những người bản lĩnh đã trải qua nhiều tổn thương để đổi lấy tấm huy chương cho danh hiệu “mạnh mẽ”. Một người hào hứng thức dậy đón bình minh vẫn có thể ngẩn ngơ tự hỏi về nghĩa lý cuộc đời khi màn đêm buông xuống. Một người rộng lòng giúp đỡ người khác cũng từng chịu những mất mát tưởng chừng không thể liền sẹo. Ai cũng có vấn đề. Ai cũng có một góc riêng để giấu kín những vấn đề. Có lẽ chỉ những vì sao được nghe hết tâm sự của loài người và chỉ giấc ngủ mới hiểu thấu hết những buồn đau mà chúng ta trải qua.

Tôi chẳng hiểu sao loài người ganh nhau đưa ra các dẫn chứng hòng chứng tỏ nỗi buồn của mình lớn lao hơn, kiểu như người ta lao vào tranh luận thất tình hay thất nghiệp khổ sở hơn, như thể chứng tỏ được sự mất mát của mình là một điều đáng vui mừng. Họ ganh nhau làm chi khi họ chỉ chăm chăm phô bày nỗi khổ sở của cá nhân chứ có đoài hoái gì đến nỗi khổ sở của người khác? Người thất tình không hiểu được những lo toan tột độ khi nhìn thấy hóa đơn thuê nhà, hóa đơn điện nước, hóa đơn ăn uống của người thất nghiệp. Nhưng người thất nghiệp cũng không hiểu được nỗi buồn héo úa như thể cuộc sống mất đi sắc điệu của người thất tình. Câu chuyện của ai cũng có những nốt trầm không thể cất lên. Trong lòng ai cũng cất giấu một nỗi buồn không muốn kể cùng thế giới. Nhưng hỡi ôi, dẫu có so sánh hay không so sánh, chẳng phải tất thảy những khổ sở đều quá chừng khổ sở khi so sánh với cuộc sống thiên đàng mà chúng ta đáng ra được thừa hưởng ư?

Vì sai lầm của tổ tiên, chúng ta sẽ không bao giờ được nếm trải hạnh phúc vô tận, không bao giờ được hưởng sự “ổn định” vĩnh viễn như ước mong của các vị phụ huynh dành cho con cái mình. Khi cuộc sống cựa mình chuyển động, nó kéo theo những va đập bất ngờ đối với cuộc đời mỗi cá nhân: một hợp đồng bị hủy bỏ, một người thân thiết bỗng ra đi, người thân kịch liệt phản đối ước mơ, con cái ngoan ngoãn bỗng nhiên nổi loạn, bệnh tật đột ngột ập đến… Tôi không tài nào liệt kê hết những biến cố có thể gieo xuống đầu những sinh linh bé nhỏ tội nghiệp như chúng ta. Nhưng có một điều chắc chắn: cuộc đời luôn thường trực những rủi ro và luôn tiềm ẩn những bất hạnh, thậm chí những mất mát cùng cực.

Vì cuộc đời khổ sở quá, làm sao tôi kể hết khổ sở của muôn người, tôi chỉ đành viết ra một trong những khổ sở lớn nhất của loài người: cái chết. Paul Kalanithi (nhà giải phẫu thần kinh, nhà văn người Mỹ gốc Ấn Độ, tác giả cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không”) đã tuyệt vọng đến mức nào khi căn bệnh ung thư phổi giáng xuống như một bản án tử? Thần Chết đã đưa ra phán quyết khi Paul đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Dẫu còn tha thiết luyến tiếc cuộc đời, Paul chẳng thể chống lại phán quyết của tạo hóa. Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, Kate Bowler (phó giáo sư về lịch sử Kitô giáo, tác giả sách) đã bật khóc ngay trên sân khấu diễn thuyết khi kể về ngày định mệnh – ngày cô nhận được giấy chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn IV. Cô không tin nổi mình phải từ bỏ cuộc đời tươi đẹp, phải chia tay người chồng yêu dấu, phải lìa xa đứa con trai Zach bé bỏng, phải giã từ sự nghiệp đang phát triển. Nhưng cả hai biến cố đau lòng ấy đều không biến họ thành những kẻ bi quan với cuộc đời. Khi số phận tạo ra những khó khăn, nó cũng giấu trong đó những mảnh lộng lẫy. Cũng may cuộc đời “biết điều”, nếu nó chỉ gieo cho chúng ta toàn đau khổ, chúng ta ắt hẳn đã tiến hành một cuộc khởi nghĩa.

Kỳ diệu làm sao, ngay trong khó khăn đã gieo những hạt mầm sẽ biến thành trái ngọt




Tôi biết chúng ta không xa lạ với những giá trị của khó khăn. Chúng ta đọc về nó hằng ngày và cảm nhận nó trong suốt hành trình của mình. Nhưng tôi vẫn phải kể với bạn về những điều tốt đẹp tiềm ẩn trong khó khăn, những ý nghĩa vẫn tồn tại trong bất hạnh.

Nếu không có khát vọng để lại giá trị cho đời, Paul Kalanithi đã không có động lực làm việc 16 tiếng một ngày trong vai trò bác sĩ phẫu thuật, cũng không có gì thôi thúc anh ta hoàn thành cuốn tự truyện vào những ngày cơ thể đã suy yếu cùng cực. Nếu không tìm thấy những niềm vui trong đời, Bowler có lẽ đã ngã gục trên đường đi bộ từ nhà đến bệnh viện mỗi ngày để trị xạ, thay vì tới sân khấu của Ted Talk để truyền cảm hứng cho mọi người.

Nếu trong bất hạnh chỉ có bất hạnh, con người sẽ chẳng kiên cường tới thế! Nếu chẳng cảm nhận được niềm vui ở đời, tôi chẳng còn động cơ để sống tiếp, chưa nói đến việc kiên cường vượt qua khó khăn. Có phải vì thế chăng, có những người đã bỏ chúng ta đi hòng giải thoát khỏi con quỷ trầm cảm cứ đeo bám lấy họ, hòng vượt thoát thế giới họ cho rằng chẳng có gì đẹp đẽ sất. Tôi không gặp được họ, nên tôi không thể hỏi họ cảm thấy khá hơn chưa. Nhưng tôi có thể gặp được mọi người, để nói với mọi người: vì trong bất hạnh đã có hạt mầm sẽ hóa thành trái ngọt, người ta mới có động lực vượt qua bất hạnh để chờ ngày nếm được quả chín.

Bất hạnh mài dũa da thịt chúng ta trở nên kiên cường, nhưng lại mềm hóa trái tim chúng ta trở nên bao dung. Bất hạnh làm chúng ta càng trân quý những điều đẹp đẽ ở đời. Khó khăn và bất hạnh là tất yếu của cuộc sống. Điều chúng ta có thể làm là kiếm tìm những giá trị đáng trân trọng ngay trong khó khăn và bất hạnh. Cuộc đời sẽ thiếu sót biết bao nếu chỉ kịp trao chúng ta niềm vui mà lãng quên những khó nhọc. Như Đặng Hoàng Giang đã viết: “Ý nghĩa của cuộc sống là gì nếu không phải đi qua những phép thử của tạo hóa mà không bị phá hủy”, những phép thử nghiệt ngã ở đây với nhiệm vụ tra khảo loài người: “Quý ngài có cảm thấy đáng giá không? Cuộc đời của quý ngài ấy? Hay quý ngài vẫn sẵn sàng đổi cuộc đời mình lấy một cuộc đời như trong vườn địa đàng?”

Cuộc đời này liệu có còn gì đẹp đẽ, nếu không phải một cuộc đời hòa quyện giữa khổ đau và hạnh phúc?




Hạnh phúc đúng là chất gây nghiện, một dạng gây nghiện lành mạnh hơn tất thảy chất gây nghiện khác như heroin, thuốc lá, bia rượu… Vì thế, sẽ có hiện tượng “nhờn thuốc”, cần tăng liều lượng. Sau khi hoàn thiện nghiên cứu của mình, hai nhà nghiên cứu tâm lý Ed O’Brien (Trường Kinh doanh thuộc Đại học Chicago) và Samantha Kassirer (Trường Quản lý Kellogg tại Đại học Tây Bắc) đã phát hiện niềm vui của sự nhận lại sẽ ngày một giảm đi. Nói cách khác, niềm vui sẽ đến khi chúng ta nhận được thứ gì đó vào lần đầu tiên, nhưng những lần sau nữa, sau nữa và sau nữa, chúng ta sẽ đón nhận thứ ấy bằng thái độ nghiễm nhiên, tức là chẳng còn gì vui. Các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Princeton thì công bố kết quả khảo sát cho thấy người Mỹ có thu nhập năm thấp hơn 75,000USD ít hạnh phúc hơn, nhưng những người có thu nhập vượt ngưỡng này cũng không hạnh phúc hơn dù họ kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu bạn từng nghe về việc nỗi buồn không kéo dài mãi mãi, thì giờ đây bạn có thể biết thêm rằng không có niềm vui nào vĩnh viễn.

Nếu khổ đau kéo dài có thể khiến chúng ta trở thành những kẻ lạc lối, thì sự nghỉ dưỡng triền miên có thể biến chúng ta thành những con người trống rỗng và vô nghĩa lý với cuộc đời. Soi chiếu từ quy luật mâu thuẫn của triết học, cõi toàn hạnh phúc là cõi vô giá trị. Trong bất kể sự vật nào cũng tồn tại hai mặt đối lập, đấu tranh lẫn nhau, soi chiếu lẫn nhau, vì nhau mà tồn tại. Sẽ chẳng ai hiểu hạnh phúc là gì nếu nỗi đau không ở đó. Sẽ chẳng ai biết mất mát khổ sở thế nào nếu không từng trải qua hạnh phúc.

Cuộc đời hòa quyện giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa tốt và xấu, vì thế nó mới hóa thành một cuộc đời trọn vẹn.

Tựa như điện tâm đồ lên xuống đều đặn biểu hiện chúng ta còn sống. Hạnh phúc, khổ đau, đều đặn. Thành công, thất bại, đều đặn. Loài người sẽ còn lăn vào những chu kì ấy đến ngày nhịp tim trên điện tâm đồ hóa thành một đường thẳng. Lúc tất cả hóa thành một đường thẳng không dao động, ấy là lúc tất cả kết thúc. Ấy là lúc chúng ta không tồn tại cùng cuộc đời nữa. Khi cuộc đời mất đi những thăng trầm, chúng ta, có lẽ cũng không tồn tại cùng cuộc đời nữa.

Do đó, tôi sẽ thôi than vãn về hình phạt rơi rớt từ sai lầm của tổ tiên. Loài người là chúa than vãn. Nhưng ngoài là chúa than vãn, loài người thật vĩ đại khi sáng tạo ra sự biết ơn. Cảm tạ cuộc đời hòa quyện giữa khổ đau và hạnh phúc, nhờ đó chúng ta mới trở thành con người tuyệt vời nhất trong những năm tháng tuổi đời của mình. Những mâu thuẫn trong lòng chúng ta, những khổ đau và hạnh phúc quyện hòa đã khiến ta biến ảo thành những con người hoàn thiện hơn. Tựa như lý do các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định vùng Đông Nam Á tiền sử là một vùng văn hóa năng động và phát triển. Đó là bởi vùng văn hóa này tương đối khó khăn và tương đối thuận lợi. Sự hòa quyện giữa thuận lợi và khó khăn khiến con người của vùng đất này không dựa dẫm, ỷ lại, nhưng cũng không rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Trong quá trình tự giải quyết mâu thuẫn nội tại, vùng đất này tận dụng những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, từ đó dần phát triển. Sánh câu chuyện của cá nhân nhỏ bé như chúng ta với câu chuyện của cả vùng Đông Nam Á tiền sử rộng lớn có khiến cõi lòng bạn thêm can đảm? Hãy nói có, các quý ngài của tôi.

Vì nếu không mài dũa sự can đảm, các quý ngài sẽ chao đảo trong nhiều giờ phút của cuộc đời. Cuộc đời còn oái ăm hơn thế. Cuộc đời tựa như vòng tròn âm dương, sâu thẳm trong lòng sự trọn vẹn của vòng tròn là sự chia cắt của hai sắc đối lập đen và trắng, đó là khổ đau và hạnh phúc. Nhưng khi mỗi sắc thái đạt đến đỉnh, trong lòng nó còn xuất hiện cả cái đối lập với nó. Trong khổ đau cũng có hạnh phúc, thậm chí trong niềm hoan lạc cũng xen lẫn những nao lòng.

Trong hành trình chiến đấu với ung thư của Paul, của Bowler, của nhiều những chiến binh kiên cường khác, họ nếm trải khổ đau của bệnh tật, của mặc cảm chia lìa, nhưng cùng với đó, chưa bao giờ họ cảm nhận được yêu thương nồng nàn như bấy giờ, chưa bao giờ họ cảm nhận cuộc đời tràn trề ý nghĩa như bấy giờ.

Cũng tương tự như vậy, trong hoan lạc cũng có những niềm luyến tiếc, tôi đã lặng người khi nhận ra khoảnh khắc trọn vẹn nhất cũng là khoảnh khắc phải rời đi. Những ngày cuối cùng trước khi tôi rời trường phổ thông là lúc tôi và bạn bè đều chạm tới thành tựu rực rỡ, đều gạt bỏ hết những ganh ghét để yêu thương nhau hết lòng, nhưng ấy cũng là khoảnh khắc tôi phải bỏ lại phần tuổi đời tươi đẹp ấy để tiến vào giai đoạn khác. Một sự kiện kết thúc, một dự án bế mạc, một kế hoạch vừa thành công tốt đẹp, tất cả để lại trong lòng chúng ta niềm vui, xen lẫn sự luyến tiếc. Chúng ta nhớ về nó trong hình hài rực rỡ nhất.

Cuộc sống đúng là oái oăm! Một hình phạt cho thật ra hình phạt! Một hình phạt tầm trung chắc chỉ để loài người nếm trải khổ đau bất tận. Nhưng một hình phạt đầy trí tuệ là hình phạt bắt chúng ta không ngừng giải quyết những mâu thuẫn tự thân. Chúng ta là những sinh vật tuyệt vời, ắt thế, nếu không Thượng Đế chẳng cố công sử dụng một hình phạt đầy thông thái đến vậy!

Cuộc sống này oái oăm thật đấy. Nhưng vì chúng ta là giống loài kiên cường, chúng ta không những vượt qua hình phạt này, mà còn tận hưởng nó.




Cuộc sống tồi tệ thật đấy! Nhưng chẳng lẽ chỉ vì thế mà chúng ta ngừng yêu cuộc đời này? Không. Chúng ta vẫn yêu. Chúng ta yêu cuộc đời ngay trong sự xấu xí của nó. Chúng ta yêu cuộc đời ngay cả khi nó đầy rẫy những khuyết điểm.

Những khổ sở trong cuộc sống khiến chúng ta học được cách trân quý những niềm vui nhỏ bé của cuộc đời. Vì những niềm vui, dù nhỏ bé trong cuộc đời mà loài người có thể chịu đựng nỗi buồn và chờ ngày mai tới.

Làm sao ta biết được giá trị của cái tốt khi cái ác không ở đó?

Làm sao ta biết được hạnh phúc có vị gì nếu những nỗi buồn không gọi tên?

Làm sao ta có thể sống trọn vẹn với cuộc đời nếu không phải một cuộc đời đầy rẫy những khổ đau nhưng cũng đầy ắp những hạnh phúc.

Cuộc sống được lập trình để chúng ta lăn lộn trong nó, gục ngã trong nó, và thăng hoa cũng trong nó.

Cuộc sống điên rồ thế đấy. Nhưng bạn có cách nào khác ngoài khiêu chiến với cuộc đời đâu? Tôi, ở đây, chờ đợi tôi, chờ đợi bạn, chờ đợi chúng ta trưởng thành từ những giông bão.

Các vị tổ tiên xa xưa, cảm ơn các ngài, vì dẫu “sự dại dột” của các ngài đã làm con cháu chúng tôi không được phép thụ hưởng một “nền hạnh phúc” dài lâu, nhưng nhờ “sự dại dột” của các ngài, mà chúng tôi hiểu được giá trị thực sự của cuộc đời.

Hỏi đời có gì đẹp? Đời đẹp trong hình hài của nó. Đời đẹp trong cả nét xấu xí khôn cùng. Đời đẹp trong cả những bóng tối ảo não. Đời cũng đẹp cả trong trái ngọt chim mừng. Đời cũng đẹp cả trong xao xuyến yêu thương. Có yêu một cuộc đời trọn vẹn cả hạnh phúc và khổ đau, người ta mới tìm thấy bản thân mình. Có sống một cuộc đời trọn vẹn cả hạnh phúc và khổ đau, người ta mới hết mực trân quý sự sống.

Hãy yêu ngày tới, dù quá mệt kiếp người

Còn cuộc đời ta cứ vui

- Trịnh Công Sơn -


 

Tác Giả: Lưu Thị Thu Giang 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/vi.nguyet.9

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

453 lượt xem, 452 người xem - 459 điểm