Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hỡi Những Người Trẻ Việt Nam - Đâu Là Tương Lai Mà Bạn Muốn Chạm Đến?

 Tôi thường hay nghe những câu nói như “Hãy theo đuổi sự thành công”, “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”, hay “có tiền mua tiên cũng được”. Tôi tự hỏi rằng, chúng ta sống cả cuộc đời, để kiếm tiền, kiếm sự thành công, kiếm lấy danh vọng hay sao? Rồi tôi lại gặp đưuọc một sự giải thích cho câu hỏi đó: “Không, đích đến của cuộc đời không phải là tiền bạc hay sự thành công, đích đến của cuộc đời là sự hạnh phúc. Nhưng tiền bạc, thành công là phương tiện để tôi đạt được sự hạnh phúc”


Tôi lại nghĩ, liệu rằng không có đường thẳng nào dẫn đến hạnh phúc hay sao mà cứ phải đi đường vòng, kiếm tiền, kiếm sự thành công, để có được nó thì mới hạnh phúc, còn không có được thì vẫn không hạnh phúc. Liệu rằng để được hạnh phúc, chúng ta phải trả một cái giá lớn vậy sao?

Nhưng may thay, vụ ồn ào của gia đình Trung Nguyên làm minh chứng cho tôi thấy, rằng không phải cứ nhiều tiền, cứ thành công là hạnh phúc. Bởi nếu hạnh phúc, họ đâu phải đau đầu để phân chia tài sản, để kiện nhau ra tòa.

Nhưng nhiều người vẫn phản biện lại rằng: “Gia đình tập đoàn Trung Nguyên chỉ là thiểu số, là ngoại lệ, điều đó vẫn không làm thay đổi sự đúng đắn của công thức cứ thành công, cứ giàu có là sẽ hạnh phúc.” Ngoài kia vẫn có những gia đình thực sự giàu có, nhưng vẫn hạnh phúc mà.

Thế rồi tôi thử search “5 quốc gia giàu nhất thế giới” và “5 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” để kiểm tra xem liệu giàu có là hạnh phúc có đúng không. Tôi đã search thử kết quả năm 2018, và không có sự trùng nhau ở đây. Tuy nhiên, có một điều tôi phải thừa nhận rằng, có tiền sẽ hạnh phúc hơn không có tiền, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc có rất nhiều tiền sẽ hạnh phúc hơn có nhiều tiền. Tức là không phải chúng ta dành hết thời gian để làm việc, để theo đuổi tiền bạc là chúng ta sẽ hạnh phúc.

 Steve Jobs đã từng nói, đừng làm việc vì tiền.

Nhưng tôi không định nói đến việc vậy làm thế nào để hạnh phúc hơn đâu, cái này thì bạn phải tự hỏi bản thân mình rồi, vì tôi không đủ kiến thức để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi muốn nêu ra một số điều vô lý ở xã hội hiện đại mà tôi thấy, và điều vô lý đầu tiên là người ta cứ nghĩ giàu có và thành công thì sẽ hạnh phúc. Người ta tin tưởng vào câu nói đó, không kiểm chứng lại, họ chạy theo giàu có và thành công, để rồi khi chưa hạnh phúc, họ lại nghĩ rằng mình chưa đủ giàu có nên chưa hạnh phúc mà thôi.

Điều vô lý thứ 2 mà tôi nhận thấy, đó là chúng ta dư thừa quá nhiều. Theo thông tin tôi đọc trên báo người lao động, hiện có khoảng 1/5 dân số thế giới luôn bị đe dọa bởi nạn đói, trong khi những quốc gia giàu có hơn thì ung thư, tim mạch, tiểu đường ngày càng nhiều, và nguyên nhân chính là việc ăn quá nhiều. Tại sao không nhịn ăn một chút, để đỡ bệnh tật hơn, và còn có thể giúp được những người khác không bị ám ảnh bởi cơn đói. Tại sao chúng ta lại ích kỷ, để rồi nhận hậu quả.

Mỗi năm, chúng ta đổ hàng ngàn chiếc xe thức ăn thừa này đi, trong khi ở một vài quốc gia ở Châu Phi, người dân phải ăn bùn để sống.

Việt Nam hiện nay đã có 5 người góp mặt trong danh sách tỷ phú đô la, và cứ tinh thần theo đuổi tiền bạc, theo đuổi sự thành công này, tôi nghĩ tương lai, Việt Nam sẽ còn rạng danh hơn rất rất nhiều. Nhưng điều đó không khiến tôi thấy tự hào, bởi vì theo số liệu năm 2018, Việt Nam vẫn còn khoảng 9 triệu người nghèo, tức là khoảng 1/10 dân số.

Nhiều người lại nói, họ nghèo là do họ, họ không biết vượt khó, họ không biết làm ăn, nhưng thử hỏi một đứa trẻ ở thành phố sinh ra trên iphone, ipad với một đứa trẻ ở vùng nông thôn học đến cấp 3 dùng máy tính chưa thạo thì như thế nào là không biết vượt khó.

Và khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đang liên tục tăng. Theo nghiên cứu, thu nhập của 210 người siêu giàu ở Việt Nam trong 1 năm đủ sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo. Tức là thu nhập của 1 người có thể giúp cho 15000 người thoát nghèo chỉ trong vòng 1 năm. Vậy đấy, bạn đang giàu hơn rất nhiều người rồi, và khi bạn càng cố gắng theo đuổi tiền bạc, sẽ lại càng có nhiều nghèo hơn nữa, bởi vì ở thành phố thì kiếm tiền dễ hơn nông thôn nhiều.

Nhưng tôi cũng không cho rằng theo đuổi tiền bạc là sai bởi tôi không đủ chin chắn để phán xét điều này, tuy nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta suy nghĩ lại, chúng ta muốn nhìn thấy tương lai như thế nào? Liệu rằng chúng ta muốn nhìn thấy tương lai mọi đứa trẻ ở VN đều có cơm ăn, đều được tiếp cận mọi quyền lợi như nhau, đều được đi học, và vui chơi thay vì đi làm phụ giúp cha mẹ. Hay chúng ta vẫn mặc kệ, chuyện nhà người ta, quan tâm làm gì? Chúng ta mặc kệ những đứa trẻ không được tiếp cận với sách vở, chúng ta mặc kệ những đứa trẻ không được đến bệnh viện khi ốm đau, chúng ta mặc kệ những đứa trẻ chết đói vì chúng ta nghĩ rằng mình không thấy. Chúng ta chỉ cần chăm lo tốt cho con mình là được. Đâu là tương lai mà bạn muốn nhìn thấy?

 Đâu là tương lai bạn muốn nhìn thấy?

Trong một video tôi coi nhân ngày 8/3, đó là cuộc phỏng vấn những người phụ nữ làm công việc shipper, và hầu hết mọi người trả lời rằng, họ làm vì cuộc sống, họ làm công việc này vì họ phải làm nó, làm để mà trang trải cuộc sống, làm vì họ không có nhiều lựa chọn để làm một công việc khác tốt hơn. Những người phụ nữ, họ luôn muốn mình đẹp. Chẳng có phụ nữ nào muốn mình trưa nắng nóng, chạy xe ngoài đường, vừa bụi bặm, vừa mệt nhọc. Chẳng ai muốn, nhưng vẫn phải làm. Tại sao vậy? Tại sao cuộc sống lại khó khăn đối với họ vậy?

Rồi tương lai, con cháu chúng ta, có lẽ chúng cũng sẽ có số phận giống những người phụ nữ này, không có quyền lựa chọn bởi cuộc sống. Không có quyền lựa chọn, bởi không có đủ tiền để được lựa chọn. Không có quyền lựa chọn, cũng có thể là không biết mình có thể chọn được cái gì, không biết điều gì là tốt hơn. Không có quyền lựa chọn, còn là do họ thiếu kiến thức, thiếu thông tin. Liệu rằng, chúng ta có muốn nhìn thấy tương lai, khi mọi người đều có cơ hội lựa chọn một cuộc sống theo ý họ, chứ không phải sống một cuộc đời chỉ để tồn tại.

Và còn rất nhiều điều xấu xí ở xã hội hiện tại, chẳng hạn như chủ nghĩa tiêu dùng tăng lên. Bạn mua một bộ quần áo mới, bạn thấy vui được 3 hôm, sau đó tụi tàn. Bạn nghĩ mình sẽ hạnh phúc hơn nếu mình tiếp tục có thêm những bộ quần áo mới, rồi bạn lại mua, rồi lại hạnh phúc, rồi lại hết, rồi lại mua. Đã bao lâu rồi bạn không nhìn lại những bộ đồ cũ, những bộ đồ còn mặc được, nhưng đã bị cất trong tủ đồ bao lâu nay. Đó không chỉ là sự lãng phí, đó còn là việc làm gây ảnh hưởng đến môi trường. Bạn có nghĩ bao lâu thì những bộ đồ đó mới phân hủy được. Bạn có biết là để sản xuất ra một bộ đồ, chúng ta tiêu tốn thêm nhiều tài nguyên của Trái Đất, và đôi khi chúng ta lấy đi nguồn sống của những người ở những vùng đất khác. Chỉ là chúng ta không thấy, hoặc lờ đi, không có nghĩa là điều đó không xảy ra, không tồn tại. Và không chỉ là quần áo, đó còn là điện thoại, xe cộ, thức ăn,…

Rồi việc chúng ta ở thành phố, từ nhà ra đầu ngõ cũng chạy xe máy. Đi đâu cũng chạy xe máy. Ô nhiễm, kẹt xe, tiếng ồn, chắc hẳn bạn biết. Nhưng có thể bạn chưa biết, xăng dầu (nói chúng là nhiên liệu hóa thạch) là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu.

 Chúng ta sẽ tiếp tục tiêu xài vì cá nhân mình, để rồi sẵn sàng nhìn thấy những con gấu này biến mất vào năm 2029 hay sao?

Chưa kể xã hội ngày nay, thật dễ để nói tôi bị stress, bởi mọi thứ xung quanh quá ngột ngạt. Ở thành phố, có khi nào bạn bị tress, và muốn tìm một nơi yên tĩnh, có rừng, có cây, nhưng rồi lại thấy thật xa để đi đến đó. Tại sao tổ tiên chúng ta sinh ra ở rừng, ở thiên nhiên, mà bây giờ việc tìm về nó lại thật khó khăn, thật vất vả. Và tương lai nào, là tương lai bạn muốn nhìn thấy, muốn được sống?

Vì sao tôi lại nói đến tương lai? Bởi vì quyết định của bạn ngày hôm nay sẽ tạo nên tương lai. Bạn, tôi, những người trẻ chúng ta, chính cách sống, cách nhìn nhận vấn đề của chúng ta sẽ quyết định tương lai như thế nào.

Những người được đi học đàng hoàng như chúng ta, được tiếp cận với đủ thể loại sách vở, được tiếp cận với những nền văn minh trên thế giới, chúng ta sẽ làm gì, ngay hôm nay, để thay đổi tương lai. Chúng ta sẽ tiếp tục đi làm, kiếm tiền, theo đuổi thành công, hay chúng ta sẽ dành một ít thời gian của mình, hoặc thậm chí tất cả thời gian làm việc của mình, để kiến tạo một tương lai mà chúng ta mong muốn.

Chúng ta sẽ sẵn sàng đánh đối sự thoải mái mà có thể dễ dàng tạo ra cho bản thân, hay chúng ta dấn thân trên hành trình thay đổi tương lai của cả xã hội. Chúng ta sẽ lờ đi những người yếu thế hơn, những người ít có cơ hội hơn chúng ta, hay chúng ta sẽ chia sẻ cơ hội với họ, chúng ta sẽ tìm cách để làm mọi thứ trở nên bình đẳng hơn, và ai cũng có cơ hội nhiều như nhau.

 Liệu rằng bạn có sẵn sàng đánh đổi một chút thoải mái, một chút may mắn của mình trong cái hộp kia, để dành cho những người yếu thế hơn có cơ hội tiếp cận mọi thứ giống như bạn?

Và tất nhiên có thể có những công việc xứng đáng hơn đối với bạn, thay vì những công việc tôi kể trên. Nhưng dù sao, tôi cũng mong bạn cùng tôi, nhắm mắt lại, và tự hỏi, tương lai nào mà tôi muốn sống, và tôi cần làm gì, để bước đến được tương lai đó. Mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh trong xã hội hiện đại, khi mà điện thoại thông minh chỉ mới ra đời chưa được 50 năm đã thống trị thế giới, khi mà trí tuệ nhân tạo đang phát triển đến mức một người bình thường sẽ không biết khi nào anh ta mất việc cho đến khi anh ta nhận ra robot đã làm thay công việc của anh ta.

Cuối cùng, tôi xin trích dẫn câu nói của Yuval Noah Harari – tác giả cuốn sách Sapiens – Lược sử loài người: “ Chúng ta đang mạnh mẽ hơn bào giờ hết, nhưng chúng ta không biết làm gì với sức mạnh đó. Chúng ta gây nên sự hủy hoại thảm khốc cho các loài động vật anh em và hệ sinh thái xung quanh, khi tìm kiếm thêm chút thoải mái và vui sướng hơn cho riêng mình, nhưng chẳng bao giờ tìm thấy sự hài lòng.” 


Tác Giả: Lữ Tiến Tiệp

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tientiep.lu

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

237 lượt xem, 233 người xem - 233 điểm