Phạm Thu Huệ@Triết Học Tuổi Trẻ
2 năm trước
“Job-hopping - Nhảy Việc” Liên Tục - Cơ Hội Hay Cái Bẫy Trong Sự Nghiệp Của Giới Trẻ Hiện Nay?
Có một hiện tượng ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ hiện nay, đó là “job-hopping”. Đối với một số người, nó là hành trình khám phá sự đa dạng của thế giới nghề nghiệp, nhưng đối với người khác, nó lại mang theo những rủi ro không ngờ. Vậy, job hopping thực sự là một cơ hội hay một bẫy trong sự phát triển cá nhân và sự nghiệp? Hãy cùng Triết học tuổi trẻ tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này và cách nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sự nghiệp của bạn.
“Nhảy việc” là gì?
“Job-hopping” là thuật ngữ chỉ tình trạng người lao động thay đổi việc làm thường xuyên hoặc chuyển đổi công ty trong một khoảng thời gian ngắn, thường là trong khoảng từ vài tháng đến một vài năm. Người lao động có xu hướng “job hopping” thường không ổn định trong công việc và xem công việc là một cách để kiếm lương, thay vì đầu tư vào sự phát triển dài hạn ở một vị trí cố định.
Vì sao người trẻ liên tục “nhảy việc”?
- Không có cơ hội để phát triển
Với đặc điểm ở độ tuổi này, giới trẻ thường hướng đến các công việc năng động, đổi mới, nhiều trải nghiệm. Vì thế, những công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại sẽ khiến họ chán nản và mất đi động lực, dần dần sẽ hình thành suy nghĩ: “Nếu tiếp tục làm việc ở đây thì mình sẽ mãi giậm chân tại chỗ, không có tương lai, không có cơ hội thăng tiến”. Vì thế, nhiều người đã tìm một công việc mới phù hợp hơn.
- Thiếu mục tiêu và định hướng
Không thể phủ nhận rằng hiện nay, nhiều bạn trẻ mạo hiểm chọn một công việc chỉ vì thấy bạn bè xung quanh cũng làm công việc này, hay bởi vì tin vào những lời mời chào “việc nhẹ, lương cao”, “được đi du lịch thường xuyên”,...
Đây là điều khó tránh khỏi vì khi mới ra trường, các bạn trẻ còn nhiều bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, nhiều bạn còn chưa xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp hoặc chưa biết đúng hướng đi, nên muốn thử nghiệm nhiều công việc khác nhau để tìm ra đúng hướng của mình.
- Không hài lòng với môi trường làm việc
Môi trường làm việc không thân thiện, cảm giác không được công nhận, hoặc có mâu thuẫn với đồng nghiệp có thể khiến người trẻ muốn thay đổi công việc. Đây là nguyên nhân mà đa số “newbie” thường gặp phải. Vào làm công ty đã lâu nhưng vẫn chưa hòa hợp được với đồng nghiệp. Về lương và công việc có thể cải thiện, nhưng theo suy nghĩ của một số người nếu đã là nguyên nhân về con người có lẽ sẽ rất khó để thay đổi.
Ngoài ra, mô hình làm việc truyền thống 8h/ ngày tại văn phòng không còn gây hứng thú nhiều so với mô hình làm việc freelance, hybrid, remote,... Do đó, giới trẻ đang có xu hướng chuyển sang các mô hình này.
Những ưu điểm của “nhảy việc”:
- Vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân
Khi quyết định thay đổi công việc, bạn thường phải đối mặt với một môi trường mới, với những yêu cầu và thách thức khác biệt và buộc phải học cách thích nghi nhanh với môi trường mới. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt cả trong nhận thức và hành động. Bạn phải nắm bắt kiến thức và kỹ năng mới, thích ứng với văn hóa công ty mới, và tìm hiểu về thị trường làm việc mới.
Hơn nữa, việc vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân có thể giúp bạn phát triển sự tự tin. Khi bạn đối mặt với các tình huống và thách thức mới, bạn sẽ phát triển khả năng giải quyết vấn đề và định hình môi trường làm việc theo cách bạn mong muốn. Điều này sẽ tạo ra nền tảng bền vững cho sự nghiệp của bạn mở rộng hơn trong tương lai.
- Có cơ hội tăng thu nhập
Hiện nay, thị trường lao động trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Các công ty cần phải thu hút và giữ chân những nhân viên xuất sắc. Do đó, họ có thể sẵn sàng trả mức lương và phúc lợi cao hơn để thu hút những ứng viên tài năng từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, khi làm việc ở nhiều công ty và lĩnh vực khác nhau, bạn sẽ có cơ hội để phát triển kỹ năng và kinh nghiệm mới. “Nhảy việc” có thể giúp bạn trở thành một ứng viên có giá trị hơn trên thị trường lao động, và dẫn đến mức thu nhập tốt hơn.
- Mở rộng các mối quan hệ.
Nếu nghỉ việc trong trong hòa bình, “nhảy việc” có thể giúp bạn xây dựng và phát triển mạng lưới quan hệ đa dạng. Khi chuyển từ công ty này sang công ty khác, bạn sẽ quen biết được nhiều đồng nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Sở hữu mạng lưới quan hệ rộng lớn có thể đem lại cho bạn những cơ hội việc làm hấp dẫn trong tương lai.
Những tác hại do tình trạng “nhảy việc” gây ra:
- Đối với ứng viên
Sự trung thành và gắn bó lâu dài với công ty luôn là điều mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm. Vì vậy, khi “nhảy việc” quá nhiều, các nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ về thái độ làm việc cũng như mức độ trung thành của bạn. Họ sẽ đánh giá bạn là người dễ bỏ cuộc và e ngại khi trao cho bạn những cơ hội để phát triển bản thân.
Một phần lớn giá trị của việc làm trong sự nghiệp là tích lũy kinh nghiệm và phát triển kỹ năng. Khi thay đổi công việc trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau sẽ có thể làm cho ứng viên không có đủ thời gian để xây dựng kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cho một lĩnh vực cụ thể.
Trong thực tế, các nhà tuyển dụng thường ưu tiên hơn với những ứng viên có kỹ năng chuyên sâu và gắn bó lâu dài với công việc. Do vậy, việc bạn biết nhiều lĩnh vực nhưng không chuyên về một công việc nào đó sẽ gây cản trở tương lai của chính bạn.
Những nhân viên trung thành thường sẽ được giữ lại nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn. Với kiến thức chuyên môn và có hiểu biết rõ về công ty, những người lâu năm thường sẽ có nhiều lợi thế hơn khi công ty cắt giảm bớt nhân sự. Chính vì vậy, đối với một nhân viên thường xuyên “nhảy việc” thì nguy cơ bị sa thải sẽ rất cao.
- Đối với nhà tuyển dụng.
Mỗi khi một người thay đổi công việc, công ty thường phải đầu tư vào quá trình đào tạo để làm cho nhân viên mới quen thuộc với công việc và môi trường làm việc. Điều này gây lãng phí về cả thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp
Tuyển được nhân sự chỉ không phải là tất cả, chiêu mộ được ứng viên phù hợp và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mới là mục tiêu mà nhà tuyển dụng hướng đến. Trong những năm gần đây, các nhà tuyển dụng thực sự cũng gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều nhân sự trẻ làm việc tại công ty chưa đầy 1 năm.
Khi nhân viên nhảy việc như vậy, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng liên tục. Điều này khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí vào việc quảng cáo vị trí và quá trình tuyển dụng.
Doanh nghiệp cần làm gì để giữ chân người lao động?
- Tăng lương, thưởng xứng đáng
Mức lương và thưởng hợp lý là nguồn động lực mạnh mẽ để nhân viên làm việc chăm chỉ và hiệu quả. Khi họ thấy công ty công nhận công sức và đóng góp của họ bằng cách tăng lương và thưởng, họ sẽ có động lực cao hơn để duy trì và nâng cao hiệu suất làm việc.
Bên cạnh đó, muốn giữ chân nhân viên giỏi và thu hút tài năng mới thì việc duy trì mức lương, thưởng hấp dẫn là một trong những yếu tố hàng đầu. Ông Lý Quang Diệu – Cựu Thủ tướng Singapore, đã nhấn mạnh: “Dù là một cảnh sát, nhân viên di trú hay hải quan thì việc họ bị trả lương thấp là điều rất nguy hiểm”.
- Đề cao vai trò của nhân viên trong doanh nghiệp
Nguồn nhân lực là “tài sản quý báu” của doanh nghiệp. Họ mang lại những giá trị, lợi nhuận và đóng góp vào sự phát triển của tổ chức. Khi nhân viên cảm thấy được tôn trọng và đề cao, họ sẽ có xu hướng cống hiến hơn cho công việc. Nhân viên có tinh thần cao cũng sẽ đóng góp tích cực hơn vào sự thành công chung của doanh nghiệp. Việc công nhận và đề cao vai trò của nhân viên không chỉ là một nhiệm vụ đạo đức mà còn là một chiến lược thông minh để xây dựng một doanh nghiệp mạnh mẽ và thành công.
- Đánh giá lại năng lực của người quản lý
Bên cạnh tính chất công việc, người quản lý cũng có thể là nguyên nhân khiến nhân viên nghỉ việc. Nếu năng lực quản lý yếu kém sẽ làm hỏng mọi nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giữ chân và thu hút nhân tài.Hãy sử dụng các phương pháp và công cụ để tìm ra nguyên do tại sao người quản lý trở thành yếu tố khiến nhân viên nghỉ việc.
Người quản lý xuất sắc không chỉ là người quản lý tài năng mà còn là người tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và thành công của nhân viên.
Kết luận
Triết Học Tuổi Trẻ mong rằng qua bài viết này, các bạn trẻ sẽ có quyết định đúng đắn và phù hợp nhất cho đường sự nghiệp vẫn còn rất dài của mình. Bên cạnh đó, Triết học tuổi trẻ cũng mong rằng những đề xuất trên sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp trong chiến lược giữ chân nguồn nhân lực có hiệu quả.
----------------------------
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
654 lượt xem, 580 người xem - 580 điểm