Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Kết Nối Công Nghệ - Con Người Có Thực Sự Gần Nhau?

Con người được kết nối?


Có lẽ, cái tên Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã chẳng còn mấy lạ lẫm với những thế hệ đang trải qua sự phát triển không ngừng của thời đại này – thời đại mà khoa học công nghệ đã đạt tới một tầm cao mới mà dường như trước đó con người chỉ có thể tưởng tượng ra mà thôi. Trong các bộ phim, câu truyện khoa học viễn tưởng, những thứ máy móc rồi ứng dụng xuất hiện như một phép màu đầy kì diệu, tinh xảo trong giả tưởng ấy giờ đây gần như đã được hiện thực hóa. Có thể ví von một cách nôm na rằng chúng ta là những người “sống ảo” bởi lẽ tất cả đều đang phát triển cuộc sống của chính mình nhờ có các ứng dụng đầy tiện ích và thông minh được ra đời. Chính con người tạo ra ứng dụng để phục vụ, cải thiện chất lượng sống, sự ra đời của những phần mềm tưởng chừng như ảo đó lại có thể đem đến cho con người những thành quả rất đỗi chân thật. Chúng như một công cụ đầy ma thuật có thể là phẳng trái đất, trái đất không còn là hình cầu trong con mắt hữu hình mà ta biết vì dường như mọi thứ trên thế giới đều có thể được kết nối và thiết lập. Chưa bao giờ việc tương tác ở khắp mọi miền, ở bất kì nơi đâu trên hành tinh này lại trở nên dễ dàng đến thế, nhờ có công nghệ - công cụ thần kì giúp con người sát lại gần nhau, nhanh chóng kết nối.


Chúng ta có thể gửi đi những lời nhắn hay dòng thông báo một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất qua thư điện tử, hay những nền tảng công nghệ như Facebook, Instagram, Google Drive và những ứng dụng tương tự như thế. Có lẽ, chưa bao giờ việc giao tiếp, trao đổi thông tin giữa chúng ta lại trở nên thú vị tới như vậy. Chẳng hạn bằng giao diện của Facebook – trang mạng xã hội rất đỗi quen thuộc, mỗi chúng ta sở hữu tài khoản riêng, dễ dàng chia sẻ những dòng trạng thái, giãi bày tâm trạng, cảm xúc của bản thân hay của những người xung quanh lên đó để lan tỏa, để trò chuyện khi mọi người thả những biểu tượng cảm xúc, nhắn gửi tương tác với bạn. Sự thích thú hơn cả khi sử dụng các ứng dụng như thế là khi ta dễ dàng tạo nhóm, trao đổi thông tin một cách nhanh nhất với nhiều người, thả biểu tượng cảm xúc, nhãn dãn, tệp gif thay cho biểu hiện của chúng ta khi đó, một cách biểu thị đầy sinh động và hấp dẫn. Qua những nền tảng ấy, ta biết thêm về nhau, dễ dàng tìm kiếm nhau, bắt gặp cả những gương mặt mới qua đó. Thế giới như được thu hẹp lại, con người dễ dàng tương tác. Thế nhưng, kết nối công nghệ một cách nhanh chóng, tiện ích như thế có thực sự làm chúng ta trở nên thân thiết với nhau hơn hay không?

 

Chúng ta dần xa dời nhau?


Tôi không phủ nhận những lợi ích lớn lao mà công nghệ đã mang lại cho con người, chỉ là đôi lúc chính sợi dây kết nối ấy đồng thời cũng là con dao chia cắt những khoảnh khắc thực sự giữa chúng ta.


Khi tôi đến một môi trường mới, tôi chẳng hề quen biết một ai, tất cả đều là những người lạ mặt, chẳng hiểu vì sao khi đó, như một phản xạ tự nhiên, một thứ bản năng vốn có, tôi liền lấy ngay máy điện thoại, ngồi xuống một chỗ nào đó như để tránh cái cảm giác đơn lẻ và thừa thãi. Chiếc điện thoại lúc ấy như một vật dụng có thể khiến tôi trông tự nhiên và tự tin hơn nhưng tôi đâu nghĩ rằng nó lại là một hạn chế ngăn cản cơ hội để tôi có thể làm quen với những gương mặt mới trong môi trường mà tôi sẽ gắn bó sau này. Thế nhưng, việc cầm điện thoại vào thời điểm đó là một việc rất tự nhiên mà hầu hết mọi người xung quanh tôi cũng làm như vậy. Mỗi người một chỗ, ngồi nhìn vào điện thoại của mình, căn phòng đầy sự im ắng và có lẽ ta chỉ có thể dễ dàng giao tiếp với nhau sau một khoảng thời gian tương đối.


Tôi đã từng tự hỏi rằng tại sao có những người có thể dễ dàng giao tiếp, tương tác với những người mới và nhanh chóng trở nên thân thiết, không chí ít là trò chuyện một cách tự nhiên đến vậy. Khi vào đại học, tôi nghĩ rằng bản thân mình nên thay đổi thói quen cố hữu đó trong ngày đầu gặp lớp mới, tôi không thể chỉ ngồi im một chỗ, rồi nhìn vào điện thoại liên tục như trước. Quả thật khi bản thân tôi tự động thay đổi, sự việc cũng thay đổi theo một chiều hướng đầy mới mẻ và tích cực. Chính tôi đã tự tạo ra một sợi dây kết nối với mọi người chứ không phải nhờ vào công nghệ, tôi đã bắt chuyện với những người xung quanh, giao tiếp với họ và điều đó không khó khăn như tôi đã từng nghĩ.


Không chỉ riêng chuyện đó, ngay cả khi tôi có những buổi tụ tập bạn bè, hội nhóm, đã từng có những lúc chúng tôi trở nên như thế này “Ngồi bên nhau, cầm điện thoại thật lâu”. Chúng tôi đã tốn rất nhiều thời gian để chụp được những bức ảnh đầy nghệ thuật rồi đăng lên mạng xã hội, hầu hết là thời gian dành cho việc đăng trạng thái, câu chuyện lên những nền tảng đó. Quả thật, chúng ta đã thật sự kết nối với nhau qua công nghệ. Nhưng rốt cuộc buổi đi chơi như thế, chúng tôi chẳng nói chuyện với nhau được mấy và điều đó đôi lúc khiến tôi cảm thấy đầy tiếc nuối. Nếu gặp nhau mà mỗi người cầm một chiếc điện thoại nhiều tới vậy thì chi bằng chúng ta nên trò chuyện ở nhà thì hơn.


Tôi nghĩ bản thân cần phải tập cho mình một thói quen, tôi phải coi như chiếc điện thoại không hề tồn tại để những buổi giao lưu như thế không trở nên vô nghĩa. Cuối cùng thì tôi cũng đã cảm nhận được sự gắn bó thật sự khi chúng tôi ngồi trò chuyện, cùng cười nói, để cảm xúc được trở nên thật hơn trong khoảnh khắc như thế. Đã có những chuyến đi chơi mà chúng tôi hầu hết chẳng đụng vào điện thoại, chúng tôi gặp nhau theo đúng nghĩa đen của nó và thời gian quả thật đã trôi qua thật nhanh, chúng tôi cùng tạo ra những kỉ niệm thật sự chứ không đơn thuần chỉ là những hình ảnh để lưu niệm trên mạng xã hội. Tôi vẫn nhớ một người bạn của mình đã cảm thấy vô cùng bất ngờ khi điện thoại của cậu ấy vẫn chỉ dừng lại ở mức bốn mươi hai phần trăm pin từ trưa cho đến tối bởi chúng tôi chẳng có thì giờ đâu mà động tới điện thoại. Những lúc như vậy, tôi mới có thể cảm nhận một cách chân thật nhất sự gắn bó giữa người với người.


Ngay cả trong gia đình, không chỉ những người trẻ như tôi mà ngay cả những người lớn cũng bị sự kết nối của công nghệ dẫn dắt. Trong bữa cơm, có người cầm điện thoại để nhắn tin, có người bật một bộ phim để theo dõi, có người thì lại chơi điện tử. Thậm chí có những lúc, trong bữa cơm, có người ăn người không vì còn bận xem cho hết một tập phim, chơi cho hết một ván điện tử hay là trò chuyện qua mạng vẫn chưa kết thúc. Tất cả những điều ấy đã hoàn toàn làm mất đi cái giá trị đẹp đẽ, sự tinh túy vốn có mà bữa cơm gia đình mang lại. Chúng ta dường như trở nên sôi nổi hơn khi ở trên mạng, chúng ta kết nối với nhau nhưng lại quên mất rằng những bữa cơm như thế sẽ có lúc khiến ta nhớ lại. Đấy là lí do khi ta đi du học, khi ta xa nhà hay ta phải ăn một mình, những bữa cơm như thế mới cho ta giá trị, ta trân trọng những khoảnh khắc quây quần bên nhau ấy. Khi đó, chẳng có thứ công nghệ nào có bồi đắp được.


Thậm chí đôi khi ta giận dỗi nhau chỉ vì ta không tương tác cho những dòng trạng thái được đăng tải lên mạng xã hội, có những cặp đôi cãi nhau chỉ vì gửi những lời nhắn muộn màng. Đừng để cho sống ảo thì cảm xúc thật còn sống thật thì cảm xúc ảo. Hãy sống một cách chân thành nhất trong những khoảnh khắc thật sự quý báu, để có thể dễ dàng cảm nhận sự thân thiết và gắn bó giữa mọi người.

 

Vậy lỗi là ở công nghệ hay là ở chúng ta?


Bởi công nghệ được sinh ra là để phục vụ lợi ích, để phát triển, cải thiện đời sống của con người, để kết nối mọi thứ. Đó là giá trị của nó, vậy cớ sao ta lại phải chạy theo nó, thậm chí làm “nô lệ” cho nó rồi quên mất những lúc chúng ta bên nhau? Ta không thể đổ lỗi cho công nghệ, vì việc dùng nó như thế nào, với mục đích gì đều phụ thuộc vào con người. Ở Nhật Bản, một quốc gia với khoa học và công nghệ phát triển đến thế, vậy mà người dân của họ, có rất nhiều người vẫn không tránh khỏi sự cô đơn. Thậm chí đã có sự xuất hiện của dịch vụ bầu bạn cho người Nhật cô đơn. Người dân ở đất nước mặt trời mọc đang dần có khuynh hướng tự cô lập bản thân ra khỏi xã hội, hay hiện tượng “hikikomori”, thật đáng buồn khi chủ yếu những người trẻ tuổi đều ở lì trong phòng chơi điện tử và không có nhu cầu ra khỏi nhà, tham gia các hoạt động xã hội. Tất cả đều nằm ở con người, chúng ta sẽ quyết định lựa chọn việc sử dụng công nghệ một cách thông minh hay không.

 

Làm thế nào để ta có thể dễ dàng trở nên gần gũi với mọi người xung quanh?


Sẽ có vô vàn các cách khác nhau để có thể làm quen với mọi người. Đối với tôi, theo như tôi đã làm thì trước hết bản thân chúng ta đừng coi việc đó là một việc gì đó to tát, hãy bắt chuyệt với mọi người bằng một câu hỏi đơn giản, hay một lời chào, hãy thật tự nhiên như bản thân bạn vốn là thế.


Để trở nên gần gũi với nhiều người, tại sao ta không thử tham gia vào một câu lạc bộ, một tổ chức xã hội nào đó để có nhiều cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện và hoạt động cùng nhau? Thông qua những lần trò chuyện, ta sẽ thực sự hiểu thêm về nhau chứ không đơn thuần là những lời bình luận đôi khi mang tính sáo rỗng, lời nhắn vụn vặt trên mạng.


Hãy đừng quên, luôn là chính mình trong mọi khoảnh khắc để bản thân được trở nên tự nhiên nhất, thoải mái nhất. Bản thân thả lỏng như vậy mới có thể dễ dàng kéo mọi người tới gần bạn hơn.

Một lần nữa, đừng để khi sống ảo thì cảm xúc thật, sống thật thì cảm xúc ảo!

 


Tác giả: Mạc Khánh Vi

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/khanhvii.mac

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,259 lượt xem, 1,058 người xem - 1060 điểm