Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Khá Bảnh Và Góc Khuất Trong Cách Tôn Sùng Thần Tượng Của Một Bộ Phận Giới Trẻ Hiện Nay

Thời gian gần đây, khi lướt các trang mạng xã hội hay dạo qua các mặt báo điện tử, chúng ta thường xuyên nhìn thấy những bài viết với dòng tiêu đề được giật cực nóng, kèm theo đó là một cái tên: Khá Bảnh. Vậy Khá Bảnh là ai? Tại sao anh ấy lại nổi tiếng đến như vậy cơ chứ, đặc biệt là trong một bộ phận giới trẻ ngày nay? Và điều này có tốt hay không? Không hoàn toàn! Bởi vì ở phía sau sự nổi tiếng của anh chàng ấy là một vấn đề khá đau đầu mà giới trẻ chúng ta đang phải đối mặt hiện nay – sự dung dưỡng không đúng các thần tượng.

Bạn gì đó đang đọc bài viết của tôi ơi, trước khi đọc những dòng tiếp theo trong bài viết của tôi, hãy giúp tôi làm một việc nho nhỏ nha! Gửi lời cảm ơn tới bạn trước!

OK! Bây giờ, đây là việc tôi muốn nhờ bạn làm!

Hãy mở YouTube, vào ô tìm kiếm và gõ ký tự: “k”. Hãy ghi nhớ nhanh một vài kết quả đề xuất của YouTube mà bạn cảm thấy ấn tượng sau khi gõ ký tự tìm kiếm vừa rồi. Đây là link truy cập YouTube dành cho bạn: https://www.youtube.com/

Bây giờ, hãy cho tôi biết một vài kết quả tìm kiếm YouTube vừa đề xuất cho bạn mà đủ khiến bạn phải ấn tượng và ghi nhớ chúng.

Dưới đây là một vài kết quả tìm kiếm đã gây ấn tượng với tôi:

  • Chắc chắn một cái tên nổi tiếng tầm cỡ thế giới như Katy Perry sẽ không thể thoát khỏi bộ lọc tìm kiếm thông minh của YouTube rồi. Kênh YouTube của cô ấy có tới 33 triệu lượt theo dõi cơ mà!
  • Karik – Chàng ca sĩ điển trai, tài năng và si tình của nhạc Việt – cũng xứng đáng có một vị trí trong những đề xuất của YouTube. Nhạc của Karik thì hay khỏi phải bàn! Chắc chẳng ai trong số chúng ta không biết đến hit Anh không đòi quà của anh chàng này đúng không?
  • Đứng đầu kết quả tìm kiếm chắc chắn phải là M/V Kill This Love của nhóm nhạc K – POP nổi tiếng BLACKPINK. Tại thời điểm 14:00 ngày 18/04/2019, M/V này đang đứng thứ 8 trong mục “Xu hướng” của YouTube.
  • Khá Bảnh.

Tại thời điểm mà tôi thực hiện tìm kiếm này (14:00 ngày 18/04/2019), đề xuất “Khá Bảnh” của YouTube còn xếp trên cả các đề xuất như “Katy Perry” hay “Karik”, và nó chỉ xếp dưới duy nhất đề xuất “Kill This Love” mà thôi! Điều này chứng tỏ cụm từ “Khá Bảnh” đã được tìm kiếm rất nhiều trên YouTube trong thời gian vừa qua.


Chàng trai này có gì đặc biệt mà lại hot đến như vậy nhỉ?

Sự thành công đáng ganh tị của một YouTuber Việt Nam

Khá Bảnh là ai, có lẽ không cần phải giới thiệu quá nhiều. Bắt đầu với những điệu nhảy “múa quạt” trong bar, danh tiếng của dân chơi giang hồ sinh năm 1993 đến từ Bắc Ninh này nhanh chóng đi lên. Từ một trò vui có vẻ vô bổ mà mạng xã hội lan truyền, Khá Bảnh bắt đầu tiến xa hơn trong việc tạo ra sức ảnh hưởng lên cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Nếu tìm kiếm về nhân vật này trên Google, chúng ta sẽ có được hơn 12 triệu kết quả. Quá sốc đối với một nhân vật mới nổi trong cộng đồng mạng, đúng không? Không sai nếu chúng ta gọi anh chàng này là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, là một social influencer (người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng) đúng nghĩa. Kênh YouTube của Khá Bảnh (giờ đã bị YouTube xóa) từng là một thành công lớn nếu chúng ta nhìn nhận nó dưới góc độ kinh tế. Điều này có nghĩa là sao? Hiểu một cách đơn giản, YouTube có thể giúp cho các YouTuber kiếm được một khoản tiền nếu những video họ sản xuất và đăng trên đó có độ lan tỏa (viral) trong cộng đồng, kèm theo đó là sự xuất hiện của các quảng cáo (ads) trong những video đó. Như vậy, nếu một video càng viral, quảng cáo xuất hiện và hiển thị càng nhiều, thì YouTuber đó sẽ càng kiếm được nhiều tiền.

Vậy các video trên YouTube của Khá Bảnh có viral không?

Câu trả lời quá rõ ràng! Viral! Rất viral là đằng khác!

Thông qua kênh YouTube của mình, Khá Bảnh đã kiếm được một khoản tiền không hề nhỏ. Anh từng nhận được Nút vàng của YouTube và nghiễm nhiên trở thành một trong những nhân vật có sức thu hút và lan tỏa, luôn tạo ra các trending (xu hướng) trên kênh YouTube Việt Nam, ngang ngửa với những cái tên nổi tiếng khác như Sơn Tùng, Bích Phương,..., và chắc chắn bỏ xa rất nhiều YouTuber khác vẫn đang phải cật lực xây dựng các nội dung hữu ích cho kênh của họ. Nếu bạn còn đang thắc mắc Nút vàng của YouTube là gì thì đó là phần thưởng mà YouTube dành cho một YouTuber khi kênh của anh/cô ấy cán mốc 1.000.000 người đăng ký.

Và danh sách đó đã từng xướng tên Khá Bảnh!

Đó chính là lý do vì sao tôi lại gọi Khá Bảnh là một YouTuber thành công khi nhìn nhận dưới góc độ kinh tế. Những sản phẩm mà anh ấy làm ra (là các video) đã đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng (là những khán giả của anh ấy), và một lẽ tất yếu, các video của anh ấy được đón nhận một cách nhiệt tình từ cộng đồng mạng. Sự viral đó đem lại cho anh ấy một khoản tiền không hề nhỏ. Vậy thì chẳng phải là quá thành công còn gì nữa!

Nhưng đó mới chỉ là khi chúng ta nhìn nhận dựa trên góc độ kinh tế! Thực tế, đằng sau sự nổi tiếng của Khá Bảnh vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề vô cùng nhức nhối, trở thành một “cái nhọt” không dễ gì có thể “nặn” đi trong ngày một ngày hai.

Thảm họa của sự viral – Sự hình thành những “sân chơi vô hình”

Phải công nhận một điều là Khá Bảnh nổi tiếng thật. Video của anh ấy đăng tải lên nhận được rất nhiều lượt xem, lượt thích, bình luận và chia sẻ. Nhưng bạn có bao giờ băn khoăn rằng:

Giữa hàng triệu lượt xem, có bao nhiêu lời khen ngợi, bao nhiêu lượt thích là thật sự yêu thích anh chàng này?

Giữa hơn hai triệu người đã từng theo dõi kênh YouTube của Khá Bảnh, họ theo dõi anh ấy như một nhân vật giải trí vô hại hay thực sự theo dõi vì đồng tình với những nội dung và giá trị mà anh ấy đăng tải?

Tôi không tin rằng câu trả lời dành cho cả hai câu hỏi trên là 100%. Nhưng cho dù con số đó có là bao nhiêu đi chăng nữa, thì nó đều đã vô tình tạo ra một góc khuất vô cùng tối tăm của sự viral, đó chính là nó đã tạo ra một “sân chơi vô hình” dành cho những chàng trai như Khá Bảnh. Trên “sân chơi” ấy, Khá Bảnh tự do quậy phá trên “cơn sóng” niềm vui của phần đông cư dân mạng. Họ đã vô tình xây một sàn diễn, dựng một dàn đèn, và dẫu đùa vui, vẫn gọi tên Khá Bảnh như cổ vũ một hình mẫu thần tượng thực thụ. Cũng trên “sân chơi” ấy, Khá Bảnh bắt đầu xây dựng được thanh danh của mình từ sự vô tư của số đông. Một vài điệu nhảy, một kiểu tóc buồn cười không thể gây phương hại gì đến ai cả, cộng đồng mạng tin là như thế. Họ vui vẻ gọi Khá Bảnh là “thần tượng”.


Đó chính là thảm họa của sự viral. Đó là khi sự viral không đến từ những M/V hit như “Kill This Love”, không đến từ những ca khúc đang hot và cũng không đến từ những thông tin hữu ích được chia sẻ trong cuộc sống như các kiến thức kinh tế, các bài giảng về kỹ năng mềm,.... Nó đến từ sự cổ xúy của một bộ phận cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ, đối với các hành vi lệch chuẩn của xã hội.

Robin Hood của xã hội

Tôi rất thích phong cách sống của Khá Bảnh, nhưng chỉ khi anh ta là một “Robin Hood” của xã hội mà thôi!

Chắc chắn sẽ có nhiều bạn có cùng suy nghĩ với tôi ở điều này. Chúng ta biết được điều gì là tốt đẹp, là xứng đáng nên học hỏi từ người khác. Và khi nhìn nhận trường hợp của Khá Bảnh, không phải là không có điểm sáng gì để chúng ta học tập cả.

Sẽ có rất nhiều bạn trẻ thích chàng trai này ở điểm anh ấy là hình mẫu của một giang hồ đi bar sàn, gái gú, nhưng sống tốt, sống tình nghĩa với anh em. Cũng sẽ có nhiều người yêu quý Khá Bảnh vì mặc dù là một tay giang hồ hổ báo nhưng anh luôn khuyên bảo mọi người không nên dính dáng đến cờ bạc, ma túy.

Dưới góc nhìn này, kể ra Khá Bảnh không chỉ khá “bảnh” đâu mà còn khá “tốt” ấy chứ!


Nhưng

Đó không phải là những lý do mà bạn có thể mượn để cổ xúy, cổ vũ cho những hành động ngông cuồng và bồng bột của chàng trai sinh năm 1993 này!

Bạn không nên lấy lý do Khá Bảnh là một chàng trai sống có trước có sau với anh em để cổ vũ cho hành vi đốt xe máy công khai của anh ấy. Bạn càng không nên lấy thu nhập của Khá Bảnh từ YouTube hay các hợp đồng quảng cáo để khích bác, phỉ báng người khác hoặc bênh vực cho những hành vi lệch chuẩn của anh ấy. Hãy nhìn một vài bình luận đã từng xuất hiện trên Facebook sau:

Khá Bảnh nó kiếm được 500 triệu một tháng, mày chửi nó nhưng mày thì có gì nào?

Ra ngoài đường thì nó hổ báo nhưng nó vẫn sống hiếu thảo với mẹ, sống tình nghĩa với anh em của nó, còn hơn lũ nói đạo lý nhưng sống chẳng ra gì!

Những Facebook-ers này đang mượn “mặt Robin Hood” để bênh vực cho những mặt trái đang tồn tại ngay trước mắt của họ. Đây chính là một trong những tư duy cực kỳ nguy hiểm mà một bộ phận giới trẻ ngày nay đang gặp phải.

Đó chính là....

Sự bênh vực thần tượng một cách mù quáng – Góc khuất trong cách tôn sùng thần tượng của một bộ phận giới trẻ hiện nay

Nguyên nhân đến từ đâu?

Tất cả gói gọn trong hai từ: “Thước đo”! Nhiều người mải miết với những thứ giá trị dạng “thô nhưng thật”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà không thể vạch ra một ranh giới đúng đắn giữa sự ngay thẳng, tử tế, dũng cảm, rộng lượng với sự bạo lực, thô tục, ngang ngược. Và đó chính là lý do một bộ phận giới trẻ thường xuyên bênh vực những hành động ngông cuồng của những người như Khá Bảnh. Vấn đề chính nằm ở “thước đo” của họ.

Vậy “thước đo” mà tôi muốn nói ở đây là gì? “Thước đo” chính là cách mà tôi hình tượng hóa thế giới quan hành vi của bạn. Đó chính là cách mà bạn nhìn nhận tính đúng/sai của các hành vi trong cuộc sống. Khi “thước đo” của bạn bị bóp méo, bạn sẽ có xu hướng đặt một hình mẫu không có gì đáng tôn vinh ngang hàng với những hình mẫu tử tế khác. Bạn sẽ luôn ở trạng thái sẵn sàng bênh vực những hành vi không chuẩn mực bằng những lý lẽ đánh tráo, vội vàng và thiếu suy nghĩ. Hãy hiểu rằng, một vài “chấm trắng” không phải là lý do mà bạn có thể mượn để làm bàn đạp cổ xúy hay bênh vực cho một “tờ giấy bẩn”.


Quay trở lại trường hợp Khá Bảnh, với một bộ phận giới trẻ, họ suy nghĩ rằng những hành vi “Robin Hood” của Khá Bảnh mới là những giá trị thật sự của anh ấy, là con người thật của anh ấy, và do đó họ cổ vũ những hành động mà anh ấy làm. Họ cho rằng phải sống thẳng, sống thật như thế thì mới là sống. Đó là sự bênh vực thần tượng một cách mù quáng, và xa hơn, đó là thảm họa trong sự lựa chọn thần tượng của họ. Nhìn rộng hơn, một bộ phận bạn trẻ đang có xu hướng tán dương những hành vi lệch chuẩn mà họ cho rằng đó là việc thực thi công lý, là thi hành lẽ phải, là xử lý những hành vi mà Pháp luật không xử lý được. Họ gạt ranh giới, gạt các quy định của Pháp luật hiện hành sang một bên để nhường chỗ và cổ vũ cho những hình mẫu mà họ tự phong. Cho dù đó chỉ là một sự đùa vui trong chốc lát, một sự đồng tình nhất thời hay là một nếp tư duy đã hình thành sâu trong trí óc, thì họ đều đang góp phần dung túng cho những giá trị không tốt lan tỏa trong xã hội của chúng ta. Như một nhà báo đã từng viết:

Khá Bảnh chỉ là một nét gạch đậm trong một bức tranh nhằng nhịt, xấu xí mà nhiều người trong số chúng ta vẫn tán thưởng hàng ngày và cho rằng đấy mới là lẽ phải. 

Khá Bảnh có những hành vi không chuẩn mực và đương nhiên lỗi trước tiên là của bản thân anh ấy, nhưng với những “thước đo” đã bị bóp méo, một bộ phận cư dân mạng, trong đó phần lớn là các bạn trẻ, đã không nhìn nhận vào bản chất thực sự của những hành động ấy mà lại coi nó như một hình mẫu, một trò đùa, một trò vui vô hại, một loại giá trị đáng để tán dương. Với tư duy đó, họ đang vô tình đồng lõa với những hành động thiếu chuẩn mực, và hậu quả là họ đã vô tình hạ bệ, coi rẻ những giá trị tốt đẹp, những điều tử tế trong cuộc sống.

Giá trị của một “thước đo” tốt

Trong cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone, chú Đặng Hoàng Giang đã nêu bật một luận điểm sắc lẹm:

Có một điều đã rõ: chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Những kẻ vi phạm chuẩn của cộng đồng bị đem ra bêu riếu và ném đá trước toàn dân thiên hạ, và ở thế kỷ 21, có một không gian công cộng nào thích hợp hơn, có được sự chú ý của mọi người tốt hơn, trưng bày kẻ xấu tốt hơn, là trên mạng?

Luận điểm của chú Giang không chỉ đơn thuần nói tới những “viên gạch” mà cộng đồng mạng vẫn ném hàng ngày vào những “nạn nhân”. Ẩn sau luận điểm đó, chú Giang muốn nói đến một yếu tố có khả năng chi phối cực lớn trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, đó chính là quyền lực của cộng đồng mạng – một quyền lực cực kỳ tối cao trong kỷ nguyên Social Media 4.0. Cộng đồng mạng có quyền lực đưa bạn trở thành một social influencer và cũng hoàn toàn có khả năng dìm bạn xuống “vũng bùn” của sự tuyệt vọng. Hãy liên hệ với trường hợp của Khá Bảnh. Làm sao anh ta có thể sở hữu được Nút vàng của YouTube nếu không có sự viral được tạo dựng bởi cộng đồng mạng cơ chứ? Hãy nhìn vào thành công đó! Bạn sẽ thấy được quyền năng tối cao của cộng đồng mạng kinh khủng đến mức nào!

Nhưng đáng buồn thay, cái cách mà cư dân mạng đem đến sự nổi tiếng cho Khá Bảnh lại kéo theo nhiều hệ lụy hơn là những tín hiệu tích cực. Và đó là khi một “thước đo” tốt sẽ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là với các bạn trẻ trong thời đại ngày nay.

Chúng ta đang đứng trong một xã hội với những dòng chảy Thiện – Ác dễ lan truyền hơn bao giờ hết. Nhưng cũng chính vì thế mà những ranh giới cho điều có thể đùa vui, tán dương cũng cần được vạch ra rõ ràng và nhìn nhận thực chất nhiều hơn nữa. Suy cho cùng, những hình mẫu, thần tượng, những hiện tượng mạng đều là do chính chúng ta tạo nên và phần nào phản ánh hình ảnh của chính xã hội. Khi sử dụng quyền lực của Internet, chúng ta có thể biến một người trở thành một social influencer, và rồi sẽ có rất nhiều người khác nhìn vào hình mẫu social influencer đó và sẽ phần nào bị tác động bởi hình mẫu ấy. Như vậy, một lẽ tất yếu, những “thước đo” chuẩn mực sẽ tạo ra những người có tầm ảnh hưởng chuẩn mực. Xã hội sẽ vì thế mà tiến bộ hơn, văn minh hơn, bởi nó được xây dựng dựa trên “dòng chảy” của những điều hay lẽ phải, những hành vi có văn hóa, có chuẩn mực cộng đồng.


Ở độ tuổi “dở dở ương ương” này, hãy xây dựng cho mình một “thước đo” chuẩn mực đi trước khi quá muộn

Bạn trẻ, đã bao giờ bạn bị người lớn gọi là “Đồ dở dở ương ương” chưa?

Đừng trách họ, họ hoàn toàn có lý cả đấy. Ở cái tuổi lưng chừng đôi mươi này, nhận thức của bạn về xã hội về cơ bản vẫn còn đang được hình thành. Chúng ta vẫn đang không ngừng học hỏi dựa trên góc nhìn về các hiện tượng xã hội, tuy nhiên hiểu biết đó chưa hoàn toàn chín muồi. Chính vì thế, sẽ có những hiện tượng mà bạn cho rằng nó hiển nhiên đúng, nhưng thực tế thì không hoàn toàn là như vậy. Bạn đã phần nào đạt được độ chín trong tư duy, nhưng lại chưa phải là một độ chín hoàn toàn.

Có khác gì một “quả ương” không? Chả khác tẹo nào! Vẫn còn “chua” lắm!

Chúng ta như những đứa trẻ mới lớn vậy, chỉ khác rằng, những đứa trẻ sẽ cần học ăn học nói học gói học mở, còn chúng ta cần học đời học sống. Mọi điều mà bạn nhìn nhận về cuộc sống, tư duy về cuộc đời đều sẽ tạo ra những góc nhìn để hình thành nên thế giới quan của bạn. Và lẽ tất yếu, nếu những “lăng kính” bạn lựa chọn để xây dựng thế giới quan của mình về cuộc sống bị lệch lạc, bạn sẽ đi chệch hướng và có những hành vi thiếu chuẩn mực. Những giá trị tốt đẹp sẽ bị mai một đi nếu như những điều xấu cứ tràn ngập trong xã hội và vùi lấp đi không gian của những điều hay lẽ phải.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm cách nào để có được một góc nhìn tốt nhất về xã hội?

Đơn giản thôi, hãy xây dựng cho mình một “thước đo” thật chuẩn mực trước khi mọi thứ quá muộn.

Tôi muốn nói gì thông qua bài viết này?

Tư tưởng lớn nhất mà tôi muốn gửi gắm tới những ai đang tuổi chênh vênh đôi mươi trong bài viết này thông qua hiện tượng “Khá Bảnh” chính là:

Hãy xây dựng cho mình một thế giới quan hành vi thật chuẩn mực trước khi mọi thứ quá muộn. Hãy nhìn nhận tính đúng/sai của các hiện tượng xã hội một cách khách quan và tỉnh táo nhất! Hãy là một bạn trẻ thông thái!


Hãy thử rút ra bài học đúng/sai thông qua hiện tượng “Khá Bảnh”. Bạn nên và không nên học gì từ anh ấy?

Nếu có một “thước đo” tương đối chuẩn, bạn sẽ biết rằng mình nên học các mặt “Robin Hood” của Khá Bảnh (đối xử tốt với anh em bạn bè, hiếu thảo) và không nên học cách hành xử ngông cuồng, bồng bột của anh ấy (đốt xe, gây gổ, sử dụng chất kích thích).

Nếu có một “thước đo” tương đối chuẩn, bạn sẽ biết rằng mình không nên cổ xúy cho những hành vi lệch chuẩn, không chỉ với riêng Khá Bảnh mà còn của rất nhiều hiện tượng xã hội khác nữa. Bạn cũng sẽ hiểu được rằng một vài biểu hiện tốt đẹp không thể là cái cớ có thể vin vào để bênh vực cho các hành vi xấu.

Và quan trọng nhất, nếu có một “thước đo” tương đối chuẩn, bạn sẽ biết được rằng mình nên chọn ai là thần tượng, ai là người xứng đáng được cộng đồng mạng sử dụng quyền lực để trao danh hiệu “Social Influencer”. Chỉ khi chọn đúng người để lan tỏa giá trị, xã hội mới có thể trở nên tốt đẹp được. Xã hội là sự tập hợp của các “dòng chảy” văn hóa, và nếu đó là một “dòng chảy tinh khiết”, ắt xã hội đó sẽ trở nên văn minh. Và nếu muốn “dòng chảy” được sạch thì yêu cầu đầu tiên chính là “mạch nước đầu nguồn” cần phải sạch đã. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Hãy bắt đầu thôi trước khi quá muộn!

Bây giờ hãy trả lời tôi: Bạn đã sẵn sàng để cùng tôi xây dựng một cộng đồng văn minh chưa?

Tác Giả: DO @ Bookademy – Ybox 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: Đỗ Hà Anh

________________________

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên tác giả – Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,343 lượt xem, 1,325 người xem - 1344 điểm