Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

“Khi Chúng Ta Có Sức Khoẻ, Chúng Ta Có Rất Nhiều Mơ Ước. Nhưng Khi Không Có Sức Khoẻ Chúng Ta Chỉ Có Một Ước Mơ”

Hiện nay, hầu hết mọi người trên hành tinh nay vẫn đang ăn thịt và ngày càng nhiều hơn.Nhưng ở đâu đó, rải rác vẫn tồn tại một nhóm nhỏ thiểu số cộng đồng người ăn chay. Vậy điều gì khiến cho nhóm thiểu số kia lại có quyết định như vậy?

Lợi ích từ việc ăn chay

Có rất nhiều nghiên cứu cả khoa học và y học nói về lợi ích của vấn đề này. Nhưng hôm nay, tôi xin phép được chia sẻ về nó theo góc nhìn và kiến thức của cá nhân (tôi không theo tôn giáo nào cả).

Như chúng ta đã biết, con người là loài ăn tạp (ăn cả động vật và thực vật). Tổ tiên chúng ta từ ngàn xưa đã biết cách tạo ra lửa để nấu chín thức ăn, nhưng khoa học thời buổi hiện đại ngày nay mới phát hiện ra: hệ tiêu hóa của con người không thích hợp để tiêu thụ thịt động vật (ăn mặn). Với các dẫn chứng như sau:

1.     Chúng ta không có răng nanh dài để cắn – xé thịt

2.     Không có vuốt nhọn để bắt mồi

3.    Tuyến mồ hôi nằm dưới da (động vật ăn thịt dùng lưỡi để giải nhiệt)

4.    Răng hàm dẹp, phẳng để nhai, nghiền thức ăn kỹ hơn (ăn thịt: răng nanh và răng hàm đều nhọn để cắn và xé)

5.    Xương hàm mở chiều dọc lẫn chiều ngang để nghiền thức ăn (ăn thịt: chỉ mở theo chiều dọc để cắn xé và nuốt)

6.    Tuyến nước bọt rất phát triển để tiêu hóa trước ngay từ trong miệng (ăn thịt: tuyến nước ngọt nhỏ, gần như không phát triển, có tính axit, không có ptyalin)

7.    Nước bọt có tính kiềm với số lượng lớn ptyalin (enzyme phân giải tinh bột)

8.    Muối axit trong bao tử ít hơn 10 lần so với động vật ăn thịt

9.    Ruột dài, gấp khúc. Dài từ 6-8 lần chiều dài cơ thể (động vật ăn thịt dài 2-3 lần cơ thể, nhanh chóng thải thịt thối rữa ra ngoài)


Với những nhận định và dẫn chứng như thế, có thể kết luận sơ rằng là cơ thể chúng ta không được tạo hóa phân công để ăn thịt. Tất các thông tin đều chống lại trong việc đưa thịt vào cơ thể con người. Vậy tại sao con người chúng ta vẫn chưa có ý định dừng lại hành động đi ngược với quy luật sắp đặt của tự nhiên này? Phải chăng là vì lòng ham muốn hay thói quen? Tôi cũng chả rõ?!


Thực tế hiện nay số lượng người bị ung thư đại tràng và trực tràng ngày càng tăng, và chưa có dấu hiệu dừng lại. “Tại châu Âu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư đại trực tràng là ít hơn 60%. Tại các nước phát triển khoảng 1/3 trong số những người mắc bệnh chết. Tỉ lệ sống sót nhìn chung là thấp khi bệnh ung thư đã có triệu chứng, và chúng thường phát triển khá nhanh. Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ vào năm 2006, hơn 20% những người bị ung thư đại trực tràng đến chăm sóc y tế khi bệnh đã tiến triển (giai đoạn IV), và lên đến 25% của nhóm này sẽ bị cô lập di căn qua gan và khả năng là cắt bỏ. Trong nhóm này, những người trải qua chữa trị cắt bỏ có kết quả sống sót sau 5 năm là 1/3 các trường hợp.” (Nguồn: Wikipedia)

Các bạn có biết hàng năm con người phải tạo ra một lượng thức ăn chăn nuôi gia súc, các sinh vật, hoá chất khổng lồ, để duy trì việc mổ thịt, lấy sữa... không?


Trên đây là tôi đang muốn mượn trình bày ra những số liệu để chúng ta có thể hình dung được quy mô của ngành chăn nuôi ngày nay. Và hệ luỵ ảnh hưởng, xả thải ra môi trường như thế nào thì các bạn cũng hình dung được rồi đấy. Còn về mặt tinh thần và tính cách, nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì việc ăn thịt động vật thì sao?

Khi bạn đau ốm, cảm sốt, đứt tay chảy máu, cơ thể đau bệnh bạn liền mua thuốc hoặc đi bác sĩ… Bạn biết đau, và con vật cũng vậy.  Khi một người cầm dao cắt cổ 1 con vật thì nó đau đớn như thế nào... Rồi trong khi nó đang đau đớn quằn quại, cơ thể sẽ tiết ra chất (hócmon) tôi gọi là “đau khổ”, “giận dữ”… Các chất đó khi chúng ta ăn vào sẽ tích tụ từ ngày này qua tháng nọ (thẩm thấu), ăn riết rồi chúng ta cũng thành ra khó chịu, cau có, đau ốm, bệnh tật... (định luật bảo toàn năng lượng).


Thật vậy, nếu để ý các bạn sẽ thấy phần lớn người ăn chay tính tình nhu hòa, hiền lành, dễ tha thứ hơn người ăn mặn. Khi gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, người ăn chay thường có cách giải quyết êm đềm, nhẹ nhàng hơn, suy nghĩ chín chắn, không bốc đồng. Tất cả đều có lý do. Không phải tự dưng người xưa đã có câu: “Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”. Chính bản thân gia đình tôi cũng có bố - đã bị căn bệnh ung thư quái ác này cướp đi mất. Từ đó đã tạo động lực cho tôi đi tìm câu hỏi. Vậy phải chăng chúng ta đang theo đuổi những thứ sai lầm? 

Rõ ràng, cơ thể chúng ta từ lúc sinh ra đã không mang bệnh tật. Trong quá trình sinh sống, do ko nhận rõ được nguyên nhân và tham đắm, tạo thành thói quen nên vẫn cứ tiếp tục nạp vào cơ thể những thứ tạo hóa vốn không dành cho nó. Ông bà ta từng nói: “Ăn gì bổ nấy”. Ngay cả sữa cũng vậy. Sữa bò là chỉ dành cho con bò. Sữa bò có hàm lượng canxi cao vì chúng cần phải chạy sau khi được sinh ra để thoát khỏi những loài ăn thịt. Trong khi não trẻ cần phốt pho để phát triển thì sữa bò hoàn toàn không có. Chưa nói đến gần đây, một vài công ty sữa cũng gặp rắc rối về các sản phẩm của mình. Các bạn nghĩ sao khi mà một con bò mẹ, sau khi sinh con liền bị cách ly và bị tiêm vào người các chất nào là kích sữa, các chất kháng sinh này nọ… để có thể cho sữa trong nhiều năm trời? Rồi thì các em bé hiện nay vẫn đang dùng sữa thường có các hiện tượng dậy thì sớm, cơ quan sinh sản phát triển, tính cách gặp vấn đề, các vấn đề về sinh sản sau này… Con nít phải biết nói trước khi biết đi, đấy là hướng phát triển đúng. Con nít cần triển cái đầu trước rồi mới đến phát triển cơ thể các bạn ạ.

Có một bài chia sẻ rất hay của Tiến sĩ Ngô Đức Vượng về vấn đề này.

Link: “https://youtu.be/NIL4tJJ_ff4” 


Tôi lại lấy một ví dụ khác: Khi bạn cho con bò, con heo, con gà, con vịt… ăn các loại rau cỏ, thức ăn gia súc công nghiệp (có thuốc trừ sâu, hóa học, hoá chất…) các bạn có rửa những thứ đó trước khi cho chúng ăn hay không? Tôi nghĩ là không. Rồi sau khi các con đấy ăn xong, các chất có hại đấy chúng ta lại xẻ thịt con bò, con vịt … rồi lại ăn vào bụng chúng ta, vậy các chất đấy đi đâu? Có người bảo tôi rằng, hệ tiêu hóa của động vật và chúng ta có khả năng loại những chất có hại ra khỏi cơ thể. Vậy tôi thử hỏi, nếu cơ thể chúng ta có khả năng đó thì bệnh viện đã không có Khoa Ung thư, K-đại trực tràng...

Còn khi chúng ta ăn rau củ quả thì sao? Rau củ quả chúng ta ăn vào vẫn tồn dư một lượng chất có hại, nhưng trước khi ăn chúng ta cũng đã rửa đi rửa lại rất nhiều lần. Tuy chất có hại vẫn còn đó, nhưng tôi khăng định sẽ ít hơn cách chúng ta nạp vào cơ thể bằng cách ăn thịt. Bản thân tôi đã chuyển qua ăn thuần chay cũng đã được 1 năm, và thật sự tôi cảm thấy thay đổi rõ rệt trong cả thân (cơ thể) và tâm (tính cách) của mình. Hiện tại tôi chỉ đang cố diễn tả lại những gì tôi đã trải nghiệm qua.

Tất cả, tất cả đều là do thói quen.

Con người mặc nhiên tự cho mình có quyền sinh quyền sát đối với tất cả các loài động vật trên hành tinh này (quan niệm: vật dưỡng nhơn). Thử hỏi một kẻ đồ tể hằng ngày đã quen với tiếng kêu la thảm thiết, giết hại không biết bao nhiêu nào là heo bò, gà vịt… thì khi ra đường hoặc ở đâu đó, gặp một người hoặc con vật đang bị thương, hoạn nạn hoặc cần sự giúp đỡ thì kẻ đó có động lòng trắc ẩn không, có còn đạo đức không, có mảy may quan tâm không. Hay chỉ là ngoảnh mặt ngó lơ, lương tâm bị con gì đó tha đi mất rồi? (Cái này tôi thấy đặc biệt xuất hiện nhiều trong các video phản ánh sự vô tâm, tàn nhẫn đến lạnh lùng, man rợ trong xã hội Trung Quốc ngày nay)

Vì họ đã đánh mất đi lòng từ trong mình. (Ở đây tôi vẫn chưa nói đến vấn đề Nhân – Quả)


Khi không ăn thịt, bạn đã tạo điều kiện tốt để cho “lòng từ mẫn” trong mình được có cơ hội sinh sôi nảy nở nhiều hơn nữa. Nó như là nguồn năng lượng sẽ tích tụ từng chút một, ngày này qua ngày và thấm vào trong tâm hồn bạn. Bạn sẽ chia sẻ và đồng cảm với bất kỳ người hoặc con vật nào khi bị khó khăn, hoạn nạn. Đó chẳng phải là cách chúng ta hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều tình thương yêu hơn cho cuộc đời này sao? Đừng vì một miếng ăn, một chút ngon miệng (chỉ tồn tại phút chốc khi ta nuốt thức ăn qua khỏi cổ họng) mà nỡ tâm cướp đi mạng sống của một sinh vật vô tội nào đó, chỉ để thoả mãn theo dục ăn uống của mình, và đang dần phá hoại cơ thể này.   

Các bạn đừng nghĩ con vật không có tình cảm rồi mặc tình có những hành động vô tình hay cố ý giết hại, mặc nhiên đi ngược lại sự sắp đặt của tự nhiên mà ai cũng cần phải biết này. Tôi dám khẳng định chúng cũng có tình cảm, cũng biết buồn vui, đau khổ. 

“Đừng bao giờ tin rằng loài vật ít đau đớn hơn loài người. Đối với chúng ta hay đối với chúng, sự đau đớn đều giống nhau. Chúng còn đau khổ hơn nữa, vì không thể tự cứu chính mình” - Dr. Louis J. Camuti.


Hiện nay, cũng nhờ vào sự thuận lợi của mạng lưới truyền thông thì phong trào ăn chay đã được phát triển và nhân lên với tốc độ đáng kể. Trên thế giới, các ngôi sao nổi tiếng dựa vào sự phủ sóng của mình cũng đang có các hoạt động nhằm quảng bá, khích lệ cho phong trào này, và phản đối việc giết hại động vật nói chung (thuần chay, áo lông , da thú...). Tôi đảm bảo bất kỳ người nào có tình yêu thương đều không hoặc có ý thức hạn chế mua/sử dụng các trang phục, giày dép... được làm từ da, lông thú, sừng, vảy...

Tôi biết việc chuyển từ ăn chay sang ăn mặn đối với một số người sẽ rất khó khăn, hay có thể nói là thử thách. Nhưng một khi bạn không gợi lên và nuôi dưỡng trong đầu một ý nghĩ là sẽ thay đổi thì bạn sẽ không bao giờ hành động. Cũng như tôi, hiện nay đang hút thuốc lá. Nhưng tôi lúc nào cũng nuôi dưỡng ý định bỏ thuốc, và tôi biết tôi sẽ bỏ thuốc trong thời gian tới đây. Tất cả chỉ là thay đổi thói quen. 


Bài viết này không đả phá hay chống lại bất cứ một luồng ý kiến hay quan điểm nào. Tôi chỉ muốn tâm sự, chia sẻ, đưa ra một góc nhìn khác, một quan điểm khác trong thế giới nhị nguyên này - về cách chúng ta hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm hằng ngày.

Nếu xem Mặt trời như là nguồn cung cấp năng lượng, sự sống cho hành tinh của chúng ta, thì tôi có thể sắp xếp cách hấp thụ nguồn năng lượng ấy như sau: Mặt trời -> thực vật -> động vật ăn cỏ -> động vật ăn thịt -> con người. Rõ ràng con người trong chuỗi hấp thu năng lượng ấy nằm cuối cùng của chu trình, là loài có cơ thể yếu đuối nhất. Một con muỗi đốt cũng đủ làm chúng ta chết, một vết kiến cắn cũng làm chúng ta mưng mủ... Thực vật là loài hấp thu tốt nhất năng lượng từ Mặt trời. Vậy tại sao chúng ta không bỏ qua 2 giai đoạn ăn động vật ở trên và bắt đầu hấp thu trực tiếp thông qua thực vật? (vì cứ qua mỗi giai đoạn, năng lượng lại bị suy hao)

Nếu các bạn đọc cảm thấy có lợi cho mình thì các bạn cứ đọc, còn nếu không đúng ý bạn thì thôi, cứ coi như tôi chưa nói gì vậy. Nhưng hãy là một người biết yêu thương và lắng nghe cơ thể mình. Đừng để cuộc đời phải nằm trên chiếc giường đắt nhất thế giới. Nếu bạn thực sự biết yêu thương bản thân mình thì bạn sẽ không bao giờ nỡ làm đau kẻ khác.


Change how you see, and see how you change.

Tác giả: PhuongDH@Ybox Authors

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/foxx279

Nguồn ảnh: [https://www.facebook.com/songthuanchay]


--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,884 lượt xem, 2,641 người xem - 2661 điểm