Quang Huy Vũ@Triết Học Tuổi Trẻ
5 năm trước
Khi Đàn Ông Cũng Khổ Sở Vì Định Kiến Giới
Chắc rằng trong cuộc sống, chúng ta đã từng nghe qua:” Đàn ông là phải thế nọ, đàn ông là phải thế kia,...” Đã qua rồi cái thời “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, ở những năm tháng hiện đại, những định kiến về giới tính đang dần được xóa bỏ, và phụ nữ đang ngày được coi trọng hơn rất nhiều. Khi những người phụ nữ đã biết đứng lên đấu tranh cho chính bản thân mình, tìm lại và khẳng định một cách vững chắc vị thế của mình thì đàn ông, những người luôn bị gắn với cái mác “Phái mạnh”, vẫn luẩn quẩn trong mớ định kiến mà xã hội áp đặt, chẳng thể nào tự tìm ra cho mình được một lối thoát. Tuy thời đại đã có nhiều thay đổi, đã có nhiều hơn những giới tính được cả thế giới công nhận, nhưng suy cho cùng về bản chất sinh lý, đàn ông và phụ nữ vẫn là 2 giới tính cốt lõi và duy nhất. Người ta thường hay nói về những định kiến đối với phụ nữ, bởi nó đã từng là một sự nhức nhối không công bằng đối với một nửa tuyệt vời của thế giới, nhưng đã từng có ai, đứng lên và đòi quyền lợi cho những người đàn ông trước những định kiến bất công chưa, hay phải chăng nó đã bám rễ sâu đến mức tưởng như đó là một điều bình thường, một lẽ hiển nhiên như bao đời nay vẫn thế?

ĐỊNH KIẾN VỀ ĐÀN ÔNG - SỰ KỲ QUẶC VÀ BẤT CÔNG MẤY AI HIỂU
Có những điều tưởng chừng như rất bình thường, nhưng khi gắn vào 2 chữ “nam” và “nữ”, chúng sẽ tạo nên những điều khá kỳ quặc.
Ví dụ như khi một người phụ nữ bật khóc, cũng là lúc cả thế giới sẽ đứng về cô ấy. Điều này thật sự đúng gần như trong bất cứ trường hợp nào. Đúng, sai sẽ chẳng còn là thước đo cho một vấn đề nữa, bởi, giọt nước mắt của phụ nữ sẽ luôn là câu trả lời đúng đắn nhất. Nhưng đàn ông thì sao nhỉ, khi người đàn ông khóc, kiểu gì thì cũng sẽ là những câu đại loại như: “Ôi dào, đàn ông mà lại đi khóc lóc như phụ nữ, phải mạnh mẽ lên chứ....”. Lạ thật, nỗi buồn thì chẳng chừa một ai, tại sao giọt nước mắt của người đàn ông và người phụ nữ lại khác nhau đến vậy? Quanh đi quẩn lại, rồi câu trả lời sẽ lại quay về với việc đàn ông là phái mạnh, và phái mạnh thay vì bày tỏ cảm xúc một cách yếu mềm như phụ nữ, hãy đứng lên và hành động. Cùng một vấn đề, nhưng chắc chắn ở khía cạnh nào đó, đối với đàn ông thì vấn đề ấy sẽ bị xem nhẹ hơn, bởi người ta tin rằng, người đàn ông sẽ đủ bản lĩnh để vượt qua tất cả, trong khi phụ nữ, dù mạnh mẽ đến đâu cũng cần thêm ít nhất là một sự che chở.
Từ bé đến lớn, cảm xúc của một người đàn ông thường bị gói gọn trong 2 chữ: ”Mạnh mẽ”. Có buồn, có đau đớn cũng phải nén lại và thể hiện bản lĩnh của một NGƯỜI ĐÀN ÔNG. Giọt nước mắt chỉ dành cho những kẻ yếu đuối, và việc đàn ông rơi lệ cũng như đánh rơi những hạt vàng vô cùng quý giá. Nước mắt đàn ông dường như trở thành một điều gì đó mà dù có đau đớn, buồn bã, tuyệt vọng đến mấy cũng phải nuốt vào trong mà tiếp tục cuộc sống. Mọi cảm xúc cần phải dồn nén lại, nhường chỗ cho sự gan góc, lì lợm để người khác nhìn vào: “Ồ, anh ấy thật mạnh mẽ.”.

Đàn ông lúc nào cũng canh cánh trong lòng về chuyện mình có thành công hay không, kiếm được bao nhiêu tiền, công việc mình thăng tiến được đến đâu, mọi người coi trọng mình như thế nào, sợ rằng mình có thể thua kém những người khác. Định nghĩa về thành công của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên trong xã hội hiện đại, thành công được gắn với việc kiếm được rất nhiều tiền, có được một công việc ổn định, một gia đình êm ấm. Những công việc mà ít phổ biến, hay công việc mang tính chất tay chân, ít đem lại giá trị tài chính hay danh tiếng như những nghề khác, là sẽ bị đánh giá một cách nghiệt ngã, Một ví dụ điển hình là anh chồng nào kiếm được ít tiền hơn vợ, nhưng có thời gian về nhà lo việc gia đình, nấu cơm nước quét dọn nhà cửa, thì kiểu gì cũng sẽ có một bộ phận những người đàn ông “thành đạt” khác chê cười. Họ chê cười có khi không phải vì công việc mà anh ta đang làm, mà là hả hê vì bản thân đã thỏa mãn đúng định kiến “Đàn ông là phải thành công”. Đàn ông thường có áp lực phải trở thành người thành đạt hết mức có thể để chăm lo, gánh vác, làm trụ cột cho gia đình. Có thể là vì động lực xuất phát từ chính bản thân họ, nhưng cũng có thể là vì sĩ diện và không muốn bị đánh giá bởi những người xung quanh.
Định kiến giới mà xã hội tạo ra không cho phép đàn ông được thua kém phụ nữ, không được nương tựa hay phụ thuộc vào người phụ nữ, dù cho là có ở những giây phút ngặt nghèo, khó khăn nhất trong cuộc đời. Phụ nữ được cậy nhờ đàn ông thì gọi là có phúc, nhưng đàn ông mà phải dựa vào phụ nữ thì gọi là "bám váy đàn bà".

Đàn ông thì phải ra dáng đàn ông, ăn mặc hay phong thái phải toát lên vẻ lịch lãm. Thật kì lạ, khi các cô nàng cá tính mặc đồ của con trai, chúng ta gọi đó là chất, là cá tính. Nhưng khi một chàng trai mặc đồ hơi nữ tính hay song tính, lại bị quy chụp là giới tính thứ 3, rồi là ẻo lả, rồi nữ tính. Hay khi các bạn gái có thể thoải mái thể hiện tình cảm thân mật với những đứa bạn thân của mình như bá vai bá cổ, thi thoảng trêu đùa bằng cách thơm má một cái, thì với những cậu bạn cùng anh bạn thân của mình, chớ dại mà thể hiện tình bạn kiểu như vậy, không là kiểu gì cũng có cả tá những ánh mắt nghi hoặc chiếu vào và chả thể nào yên ổn được.
Nói vui vui về một vài định kiến nhưng đủ để chúng ta thấy được rằng, bản thân khi là con trai, là một người đàn ông, là phải hứng chịu rất nhiều những sự quy chụp kỳ quặc, và bởi chúng được hình thành trong thời gian dài và gần như là những điều tượng trưng cho giới tính, thật rất khó để có thể thay đổi hay loại bỏ.
ĐỊNH KIẾN VỀ ĐÀN ÔNG - ĐỘNG LỰC HAY ÁP LỰC?
Những định kiến về người đàn ông, chúng bám sâu và vô cùng chắc chắn. Sở dĩ sau bao đời nay, chúng vẫn có chỗ sống là bởi, người ta chấp nhận nó như một cách để tạo nên động lực cho người đàn ông. Không cho đàn ông khóc để họ trở nên mạnh mẽ, can trường; Người đàn ông phải thành đạt là động lực để một chàng trai phấn đấu để thành công, kiếm thật nhiều tiền chăm lo cho gia đình; Người đàn ông không nên làm những việc của phụ nữ để thể hiện cái chất đàn ông, nam tính,...
Liệu rằng sự ngụy biện ấy là đúng hay sai? Đúng, nhưng chỉ một phần rất rất nhỏ. Những định kiến được hình thành từ những đặc tính vốn có của người đàn ông, và trải qua thời gian, qua bao nhiêu biến cố, hình ảnh về một người đàn ông mẫu mực dần được hình thành và những điều hiển nhiên về đàn ông cũng theo đó mà sinh ra. Những định kiến là để người đàn ông đi theo đúng những quy chuẩn đã được vạch ra sẵn, và nó giúp hình ảnh người đàn ông được trở nên hoàn thiện. Nhưng, khi những định kiến trở thành thước đo giá trị của đấng mày râu, nó sẽ tạo ra những áp lực khủng khiếp. Đàn ông ít được tự do thể hiện cảm xúc hơn, họ thường cố gắng để che đậy những nỗi buồn và âu lo riêng và chính bởi thế mà người ta lầm tưởng rằng, người đàn ông không cảm thấy gì trước những định kiến về giới tính. Sự vô lý bị lãng quên, chỉ còn lại những người đàn ông, người thì gục ngã , người thì mạnh mẽ thì có thể vượt qua, nhưng chắc chắn là cũng bầm dập với cái mớ suy nghĩ “Đàn ông phải thế nọ, đàn ông phải thế kia” đã ăn sâu vào từng tế bào của rất nhiều người trong xã hội.

KẾT
Xã hội ngày càng hiện đại, và khi phụ nữ đã có những bước tiến vượt bậc và thoát ly khỏi đàn ông, khẳng định vị thế của mình, thì còn đó vô vàn các anh chàng đang khổ sở để chống lại những mớ định kiến xã hội về “một người đàn ông đích thực”. Làm phụ nữ quả thật vất vả nhưng sự đền đáp cho việc đấu tranh không ngừng nghỉ là rất xứng đáng, còn với đàn ông, dạo gần đây hay có câu nói vui, mà đúng lắm: “Phận trai 12 bến nước!”. Vậy đấy, đâu phải cứ là đàn ông thì sẽ sung sướng?
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,706 lượt xem, 1,399 người xem - 1401 điểm