Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Khi Tiêu Cực Trở Thành Chất Gây Nghiện, Đã Đến Lúc Trùm Cuối Lộ Diện

Bố mẹ khen bao nhiêu lần cũng chỉ làm bạn hào hứng nhất thời, nhưng cô giáo chỉ trách mắng trước lớp một lần đã làm bạn thù luôn cả môn học ấy. Từ thuở nhỏ đến giờ, chúng ta không ít lần rơi vào hội chứng thờ ơ về những lời khen nhưng hao tâm tổn sức với những ý kiến trái chiều.

Tôi để ý rằng, mỗi lần ngồi tụ họp cùng đám bạn cũ để tâm sự, thế là toàn nhắc lại về tai nạn hài hước trong buổi cắm trại, những lần trượt môn, bị mất tiền, chia tay người yêu hay khoảnh khắc đáng xấu hổ nào đó. Những kí ức không-mấy-tốt-đẹp có vẻ sẽ ghi dấu sâu đậm hơn là việc trở lại cảm xúc lần được khen thưởng hay những trải nghiệm vui vẻ khác.

Có sai thì có đúng, có phải thì cũng có trái, những căn bệnh về tiêu cực như trầm cảm, tự kỉ ngày càng gia tăng nhưng lại không phát hiện căn bệnh nào về sự lạc quan thoái quá.

Bất công thay, bộ não - thủ phạm bí ẩn đứng đằng sau hàng loạt các vụ án kia chỉ chăm chăm tập trung vào những trải nghiệm tiêu cực. Và đừng nghĩ chỉ riêng bản thân bạn đang bị cái quái gì đây. Bộ não loài người đều đã được tiến hóa với cách nghĩ ấy và chúng ta cần cẩn thận để không trở thành đồng phạm của chúng.

Bạn hiểu bộ não của mình đến đâu?

Cấp độ ngớ ngẩn 1: Bạn thấy điều nào khó chịu hơn: chuyến bay delay 2 tiếng hay tất cả máy bay bỗng bị người ngoài hành tinh cướp mất khỏi trái đất. 

Điều hai sao, thật bất tiện


Không, tôi dám chắc rồi chúng ta sẽ dần thích nghi với những chuyện đi tàu xe thay cho dịch vụ hàng không thôi, nhưng đã mất công dậy sớm để chạy kịp đến sân bay mà lại cho leo cây thì hãng hàng không này thật quá quắt. Lý do là bộ não có một hệ thống giúp bạn đối mặt với thảm họa nhưng mấy chuyện vặt vãnh thì nó mặc kệ.

Khi biết mình sẽ không còn di chuyển xa trong vòng vài tiếng nữa, não bạn nổ ra loạt phản ứng giúp bạn dịu lại, đẩy lùi nỗi đau (ví dụ: không sao, Colombo thuở xưa còn đi thuyền buồm và khám phá ra châu Mỹ, và giờ thì đến tổng thống Mỹ cũng không được đi trực thăng hạng sang nữa mà, việc di chuyển chẳng là gì so với cơ hội được đi khám phá ở một nơi xa...). Phản ứng này hao tốn nhiều năng lượng và sự tập trung của não nên nó chỉ được dùng ở lúc nguy cấp.

Đây gọi là Nghịch lý vùng Beta (The Region-Beta Paradox). Bởi vì những chuyện như mình giúp đứa em mà nó không chịu cảm ơn, một vết vấy bẩn lên áo trắng, tiếng hát karaoke lúc 10 giờ tối của nhà hàng xóm ... là những chuyện “không đáng” để bộ não tốn sức giải quyết.

Cấp độ ngớ ngẩn 2: Bộ não tiến hóa để thích nghi với những điều tồi tệ

Giữa điều tồi tệ và tồi tệ hơn, nó chọn cái thứ hai. Giữa lời khen và lời chê nó vẫn thích giải quyết cái thứ hai.

Đã bao giờ bạn nhận thấy cái xu hướng kì quặc là bạn có thể lướt qua những lời khen ngợi, nhưng lại cảm thấy rất tồi tệ khi bị chỉ trích? Cả một ngàn lời khen có thể không khiến bạn chú ý, nhưng chỉ một dòng “đồ tồi” lại ám ảnh bạn trong nhiều ngày.

Bạn đã rơi vào hiệu ứng phản tác dụng, bạn dành nhiều thời gian hơn với những thông tin trái chiều hơn là những thông tin mà bạn tán thành. Bạn sẽ lơ là ngay những thông tin mang lại niềm vui nhất thời, nhưng khi gặp phải một điều gì đó đe dọa đến những niềm tin có sẵn, mâu thuẫn với những quan niệm đã có sẵn của bạn về thế giới, bạn khựng lại và chú ý.

Đó là điều tiến hóa tự nhiên, vì tổ tiên chúng ta ngày xưa phải luôn đối mặt với bao hiểm nguy để bảo vệ mạng sống, để sinh tồn và duy trì nòi giống. Chúng ta phải thầm cảm ơn lựa chọn này, đó là cách để chúng ta được ra đời và thống trị trái đất như bây giờ. Phần thưởng chưa thể trở thành giá trị cốt lõi để tồn tại.

Cấp độ báo động đỏ: Suy nghĩ quá mức: Nghệ thuật tự tạo thêm vấn đề vốn dĩ không tồn tại

Bạn nghĩ rằng mình có thể đi guốc trong bụng người khác?

Bạn né tránh khi gặp lại một người bạn cũ thời trung học, sợ rằng họ nhìn thấy lại lấy ngay câu chuyện xấu hổ của mình 5 năm trước để trêu chọc. Thử nghĩ xem, bình thường thì bạn có nhớ được khoảnh khắc buồn cười 5 năm trước họ đã làm là gì không? Không nhớ ra hay khi tôi gợi ý thì mới cố nhớ lại để trả lời nhưng cũng chả đáng để tâm. Thật sự chỉ có bản thân mới ám ảnh với những khoảnh khắc mà mình muốn chui-ngay-xuống-đất và tự cho rằng nó cũng sẽ dai như đỉa trong kí ức của người khác. Và họ thì cũng như bạn thôi, bận lo lắng về những trải nghiệm day dứt của bản thân mà không còn chỗ chứa cho những câu chuyện vặt của người khác. Và cũng vì khoảnh khắc xấu hổ của bạn là câu chuyện cười cho họ, mà nói rồi, bộ não cũng chỉ thích giải quyết chuyện tiêu cực thôi.

Đẩy cảm xúc đến mức tột cùng bằng những mối liên kết phức tạp.

Trong khi một số người có thể chỉ đơn giản nhận ra suy nghĩ tiêu cực và dừng lại, những suy nghĩ này có thể được nhìn nhận theo cách khác nặng nề hơn khi ai đó đặc biệt lo lắng về điều gì hoặc ở những người có rối loạn lâm sàng như mất ngủ, lo lắng, trầm cảm.


Trong những trường hợp này, có thể cảm nhận những suy nghĩ đó một cách đau khổ hơn, suy nghĩ nhiều hơn về những cái kết buồn cho dù chỉ mới có một chút dấu hiệu xấu xuất hiện hoặc thậm chí đè nén thêm bằng những suy nghĩ khác. Giống như việc chỉ vì buổi chiều người yêu đã quên gọi món ăn yêu thích của mình mà đêm đó, não bạn lại bận rộn phân tích về việc tuần trước anh ta đã quên giờ hẹn, không nhận ra kiểu tóc mới của bạn vào đầu tháng trước, hôm Noel năm ngoái quên tặng quà, gom tụ lại để đẩy cảm xúc giận hờn vu vơ lên một tầm cao mới, và thậm chí còn nghi ngờ anh ta có phải đang có một mối quan hệ mập mờ bên ngoài nên mới lơ là mình đến thế.

Những ký ức này thường được liên kết trong một mạng lưới, và do đó việc khởi động một ký ức buồn ban đầu có thể dẫn đến việc kích hoạt hàng loạt những ký ức khác. Vấn đề không phải ở cảm xúc mà là do ta đã xử lý chúng như thế nào. Chúng ta không muốn nửa vời và yêu cầu bộ não phải đưa ra một kết luận hoàn hảo một cách nhanh nhất. Một hành động cụ thể mới xảy ra thì chưa đủ sức nặng, thế là bộ não buộc phải chạy deadline bằng cách tìm mọi bằng chứng để ủng hộ giả thuyết chúng ta đưa ra.

Mà giả thuyết thì đến từ những niềm tin, dù đúng hay sai.

Một người mới gặp mặt lần đầu nhưng lại không có thái độ niềm nở với bạn, bạn tin rằng người ta không thích bạn. Khi niềm tin ấy đã được thiết lập, nếu thấy người đó nói chuyện thì thầm với ai khác mà có ánh mắt hướng về phía mình, bạn khó chịu và tin chắc rằng họ đang nói xấu mình. Bạn lèo lái mọi hành động của cô/anh ta đều xuất phát từ việc không có thiện cảm với mình, còn nếu bỗng dưng có thái độ vui vẻ tốt bụng với mình thì ắt hẳn đang có mục đích gì đó.

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã chứng minh chúng ta thực chất nhớ rất ít chi tiết về những trải nghiệm và sau này chỉ “chắp vá” trí nhớ bằng những giả định và, đúng vậy... niềm tin. Các nghiên cứu khác cũng đã chứng minh chúng ta thường chỉnh sửa niềm tin cho phù hợp với cảm xúc và sự thôi thúc của mình, chứ không phải dựa trên những gì thực sự diễn ra hay những bằng chứng có được.

Điều đó không sai? Chúng ta không có đủ trải nghiệm và thời gian, bộ não không thể tìm hiểu mọi câu chuyện cuộc sống một cách cặn kẽ như việc tìm tài liệu chuyên môn được. Vì thế, chúng ta có xu hướng tin vào những giả thuyết sẵn có, lời cha mẹ, thầy cô dạy, là ý kiến chiếm số đông, là thứ đầu tiên ta biết được, và cũng có thể sẵn sàng đứng lên cãi nhau với đứa có ý kiến trái chiều mặc dù mình cũng thực sự chẳng hiểu gì về điều đó, chỉ vì không muốn để mất niềm tin thụ động ban đầu.

Tiếc là không phải niềm tin nào cũng có lợi, đôi khi chúng phản bội ta.

Xung quanh chúng ta không thiếu những thiên kiến tiêu cực về phân biệt giới tính, chủng tộc, tầng lớp xã hội, sự tự ti về hàng ti tỉ những vấn đề nho nhỏ và được bộ não phóng đại ra to như cái vũ trụ. Ở mọi trường hợp, họ hủy hoại bản thân với những niềm tin nghèo nàn của mình.

Tránh khỏi những cú lừa của bộ não

Trùm cuối lộ diện đầu phim thì mất hay

Có cái tồi tệ thì cũng sẽ có cái tồi tệ hơn. Nên đừng nghĩ rằng bạn đã gặp được trùm cuối sớm thế nhé. Nghe có vẻ đau đớn nhỉ nhưng điều xấu đâu phải là do chúng ta lựa chọn và quyết định nó đến khi nào, bộ não đã cho ta thông tin về những cảm xúc tồi tệ thì chính nó cũng phải chịu trách nhiệm giải tỏa chúng.

Sắp tới phải đi nhổ răng khôn bạn cảm thấy như thế nào, tất cả những nỗi ám ảnh quá khứ về mùi thuốc khử trùng của phòng nha sĩ đang được ùa về, từ cái kiêm chích đến cái khoan răng (tôi không biết gọi nó là gì nhưng nó cũng chẳng khác gì khoan răng như đục nhà), điều đáng sợ chưa dừng lại ở đó. Cái kim nhọn kia chỉ đang cố gắng kìm nén nỗi đau đớn của bạn lâu nhất có thể. Nhưng cũng chẳng được lâu sau khi bước ra phòng khám, chuỗi ngày dài đau ê buốt và thèm thuồng những món ăn nhai sột soạt còn khó chịu hơn cảm giác đau nhói ít ỏi trong khi nhổ. Yên tâm đi, phòng khám răng chưa phải đoạn kết đâu. 

Và tuyệt hơn là với những lời an ủi mình rằng việc chịu đựng thứ này còn quá nhỏ so với điều khác, bạn sẽ dễ chấp nhận và xoa dịu bớt những phần khó khăn phía sau. Khi đi hiến máu sẽ có giai đoạn xét nghiệm máu trước và tôi luôn lo sợ những cái thứ sắt nhọn tưởng bé nhỏ nhưng lại rất lợi hại. Nhưng nghĩ đến lúc lát nữa sẽ vào giai đoạn chính với chiếc kim… không phải là kim nữa mà là một cái ống hút nhọn cắm phụt vào da thịt, thì thật sự khâu đầu còn chưa phải cửa ải lo sợ nhất. Nhưng khi đã chịu được với cái nhói ban đầu thì tôi cũng cảm thấy ống lấy máu cũng chỉ có lực mạnh hơn cái kim tiêm trước một xíu thôi.

Bộ não luôn đánh lừa rằng bạn quá nhỏ bé so với mọi hiểm nguy và để cho chúng ta càng phải lo lắng suy nghĩ về điều phía trước hơn - cái thứ sẽ luôn xảy ra dù ta có nghĩ đến hay không. Chúng ta sẽ không nghĩ rằng mình mạnh mẽ cho đến khi bắt buộc phải mạnh mẽ.

Thay đổi những cảm xúc tiêu cực, tôi hiểu, rất khó, có những trường hợp chỉ có thể giải quyết bằng chất hóa học.

Vậy thì mong bộ não có thể trở thành một trùm cuối thông minh.

1.      Hãy chủ động kiểm soát suy nghĩ

Tiêu cực là một loại cảm xúc, nhưng cảm xúc không có ranh giới với suy nghĩ. Bạn phải chấp nhận cảm xúc vì nó không còn là một sự lựa chọn, nhưng suy nghĩ về nó như thế nào thì bạn có thể điều khiển được.

Thay vì “Mình thật tiêu cực” hãy nghĩ rằng “Mình cảm nhận thấy có một chút tiêu cực”, “Tôi tức giận” thành “Tôi cảm thấy sự tức giận đang xâm chiếm mình”, “Đứng bên cạnh cô ta cảm thấy mình chẳng có giá trị gì” trở thành “Tôi đang cảm thấy mình có chút ghen tị rồi đấy”. Điều này bạn trở thành thế chủ động kiểm soát những cảm xúc nhất thời và tìm cách giải quyết chúng chứ không còn bị lèo lái theo lối mòn cũ.
2.      Chắc chắn tôi sẽ đối mặt, chỉ là chưa phải bây giờ

Những cảm xúc tiêu cực thường hay làm phiền bạn vào thời điểm nào trong ngày? Lúc ngồi trên xe bus đi làm, nhâm nhi trong quán cafe một chiều mưa buồn, trước khi ngủ và mặc dù đang rất buồn ngủ nhưng chúng vẫn đeo bám không tha. Chúng có thể đến, không ai cản được, chỉ là không phải lúc này. Mai phải dậy sớm cho tiết học lúc 7h, chuẩn bị cho một sáng tác thiết kế mới nhưng lại không có tâm trạng, chán ăn, mất ngủ, deadline ngập đầu nhưng lại vướng phải mớ hỗn độn cảm xúc – những vị khách không mời và cũng rất khó để đuổi đi.  

Cảm xúc tiêu cực cũng tựa như cát lún: bạn càng vùng vẫy muốn thoát ra, bạn lại càng bị nhấn chìm sâu hơn. Cho dù bạn cố loại bỏ một suy nghĩ hay cảm xúc nào đó, bạn càng làm nó trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn càng chú tâm vào cảm xúc, cảm xúc càng mãnh liệt hơn.  

Không hứa lúc đang say và không đưa ra quyết định khi tức giận. Chúng ta hoàn toàn có quyền chưa chấp nhận giải quyết ngay khi vấn đề vừa đặt ra. Hãy thỏa hiệp với chúng để đưa ra một cái hẹn khác nhé!

Hoàn toàn chịu trách nhiệm với những cảm xúc của mình, rằng việc này chắc chắn sẽ được nhắc lại, sẽ suy nghĩ tiếp, tôi sẽ gặp anh ta để nói chuyện cho rõ, sẽ tìm hiểu thêm về những nguyên nhân để giải quyết. Nhưng chắc chắn không phải bây giờ, tôi cảm thấy hơi mệt rồi và hôm nay cũng rất vui nên chưa muốn mất hứng. Nếu không gấp rút, chúng ta sẽ giải quyết mọi thứ tiêu cực và suy nghĩ sâu sắc hơn về nó trong thời gian gần nhất, sau khi hoàn thành deadline chẳng hạn. Như thế vừa không ảnh hưởng đến công việc hiện tại lại có thể giành một khoảng trống mà tâm trí sáng suốt nhất để phân tích đúng đắn về những trải nghiệm vừa qua.

3.      Tin vào những niềm tin có ích chứ không phải tất cả

Tất cả những câu chuyện nhắc nhở bản thân, một kết luận hay một dự định thì cũng đều mang màu sắc của niềm tin bạn đặt ra.

Tin một điều gì đó tức là bạn đã từng bị thuyết phục bởi dữ liệu bằng chứng từ đó. Nhưng dữ liệu thì luôn gây tranh cãi. Bạn nói rằng mình nên để dành tiết kiệm ngay từ nhỏ để học cách kiểm soát chi tiêu và có khoản tiền dành dụm cho sau này. Điều đó cũng gây tranh cãi. Bạn quan niệm rằng phụ nữ không nên chỉ biết việc nhà mà còn phải đảm đương tốt công việc xã hội vì bạn thấy sau kết hôn chả mấy người sẽ hạnh phúc nếu chỉ loanh quanh việc nội trợ. Điều đó cũng gây tranh cãi. Nhưng điều đó thật sự có ích cho bạn không?

Niềm tin có ích có thể là tích cực hoặc tiêu cực, là đa số hay chả mấy ai tin, nhưng nó sẽ giúp bạn nhận ra và phát triển bản thân, và đó mới là hướng giải quyết vấn đề khi thu thập thông tin. Bạn nghĩ rằng mình kém hấp dẫn và không thu hút được người đối diện thì bạn sẽ tự ti, rụt rè, ăn nói lắp bắp khi giao tiếp, đó mới là nguyên do làm bạn càng trở nên kém thu hút. Nhưng có khi bạn tự tin rằng bản thân sẽ thu hút thì bất ngờ là thu hút lại đến từ chính sự tự tin đó, mặc dù có thể ban đầu bạn không hề có sức hút bằng những người xung quanh. Tin hay không tin đó hoàn toàn là sự lựa chọn, nên hãy lựa chọn thông minh.

Lần tới khi bạn cảm thấy ngu ngốc hoặc thiếu tự tin, hãy tự hỏi bản thân liệu đó có phải là một niềm tin có ích hay không. Lần tới khi bạn cảm thấy kém cỏi hoặc không có khả năng đạt được điều gì đó, hãy tự hỏi bản thân liệu đó có phải là một niềm tin có ích hay không. Lần tới khi bạn cảm thấy thiếu hấp dẫn hoặc không được yêu thích, hoặc một tình huống bất khả thi, hãy tự hỏi bản thân liệu đó có phải là một niềm tin có ích hay không. Sự thật có tồn tại lâu thế nào thì nó luôn là điều tranh cãi. Có thể đúng với mỗi hệ quy chiếu, đúng với người này, sai với người khác. Vậy tại sao lại không ủng hộ bên có lợi cho bạn?

Và dù cho việc bạn không tin vào một điều gì hết, đó cũng là một loại niềm tin.

4.      Tìm một thế lực khác làm lung lay niềm tin tiêu cực

Bạn đang cảm thấy chán nản tuyệt vọng vì thất bại trong hàng loạt các kế hoạch và bắt đầu nghi ngờ bản thân, ủng hộ cho niềm tin trước đó rằng “mình sẽ chẳng bao giờ thành công được”. Mà ngay trong lúc không có niềm tin vào chính mình, cũng là lúc bạn sẽ đi tìm kiếm ngay một niềm tin khác lấp chỗ. Đó là lí do đang trong trạng thái suy sụp, chúng ta lại càng muốn nhận thêm nhiều lời khuyên từ người thân, bạn bè vì bản thân luôn có niềm tin vào họ với khát khao điều gì đó sẽ loại bỏ được sự tuyệt vọng vô ích của bạn ngay lúc này. Hãy lựa chọn thông minh vì nếu như ta nhận được một lời trách mắng, mọi thứ sẽ tồi tệ thảm hại hơn rất nhiều. Với một lời an ủi, ủng hộ, mọi thứ sẽ trôi quá rất dễ dàng, dù sao thì cô bạn thân thông minh, tài giỏi còn đáng tin cậy hơn là những phân tích hẹp hòi đang bủa vây bạn. Vậy nên, hãy ngưng với việc tự đối phó, đến quán trà sữa quen thuộc tìm đồng minh cái đã, nhận lấy đôi tay từ một niềm tin khởi sắc và lý trí hơn để kéo bạn ra khỏi đống bùn lầy của đoàn quân tiêu cực nhé.

5.      Sự trả thù đau đớn nhất là tha thứ

Dù sao đi chăng nữa, cũng phải thừa nhận rằng chính bản thân ta là hung thủ thật sự, chúng ta có trách móc bộ não kiểu gì thì cũng không thể quăng nó ra khỏi đầu được. Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm với những cảm xúc của mình, dù là tiêu cực, vì chính bản thân đã cho phép nó đến, tức là nó không hề vô nghĩa.

Cảm ơn bộ não lo lắng cho buổi hẹn hò đầu tiên để tôi cẩn trọng hơn và tìm những thứ phù hợp làm mình tự tin nhất. Cảm ơn sự trừng phạt của bộ não cấm tôi không được phép đi chơi tuần này vì đã làm bài kiểm tra giữa kì điểm kém để thức tỉnh tôi phải học hành chăm chỉ hơn cho bài thi cuối kì và tận hưởng kì nghỉ hè không lo toan.

Một tuổi thơ bị thờ ơ cho chúng ta ý thức để trở thành người cha người mẹ tốt để xây dựng hạnh phúc gia đình. Bị đuổi việc cho ta tín hiệu kết thúc một môi trường không còn phù hợp với bản thân và biết đâu lại là cơ hội thử nghiệm công việc mới mà ta luôn mơ ước. Chia tay cho ta cơ hội nhìn nhận trung thực về bản thân và hành vi của ta ảnh hưởng đến mối quan hệ với người yêu như thế nào. Ôi, những trải nghiệm này vẫn đau đớn chết đi được. Nhưng…

Cuối cùng thì tiêu cực vẫn là một phần của cuộc sống

Nếu bạn cho rằng màn hình trắng này không mang lại ý nghĩa gì thì làm sao bạn đọc được chữ màu đen nổi trên đây. Có quá nhiều điều sai thì càng làm người ta tôn vinh điều duy nhất đúng. Có cảm nhận tiêu cực thì người ta mới hiểu sự lạc quan, hạnh phúc là quan trọng như thế nào. Để trân trọng. Để cảm nhận rõ nét hơn.

“Đời vốn không buồn, nhưng người ta cứ làm cho nó buồn”. – Nguyễn Ngọc Tư

Không phải lúc nào ta cũng điều khiển được điều gì xảy đến với mình. Nhưng chúng ta luôn điều khiển được: cách ta hiểu những gì xảy ra với mình và cách chúng ta phản ứng lại với những điều ấy. Lựa chọn không hiểu những sự việc trong cuộc sống cũng là một cách hiểu những sự việc trong cuộc sống. Lựa chọn không phản ứng với các sự việc trong cuộc sống cũng là một phản ứng với các sự việc trong cuộc sống. Mọi trải nghiệm dù là tích cực hay tiêu cực đều có ý nghĩa riêng và cuộc đời của mỗi chúng ta sẽ là cuộc hành trình khám phá ra những ý nghĩa đó.  

Tác Giả: Nguyễn Hà Phương Thảo

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/haphuongthao.nguyen.56/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,146 lượt xem, 4,060 người xem - 4083 điểm