Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Khi Tình Yêu Đủ Lớn, Cha Mẹ Hãy “Buông Tay” Để Con Trưởng Thành

    Biển hỏi sóng có buồn không? Khi nằm trong lòng biển. Gió hỏi mây có phiền không? Khi cùng gió vân du. Người ta thầm thì với nhau rằng, cuộc sống là một bức tranh đẹp với muôn hình vạn trạng; trong đấy, mỗi con người là một mảnh ghép được chất keo yêu thương dán chặt lại với nhau. Hẳn đấy là lí do loài người thường tựa vào nhau mà sống, cùng dâng lên cho đời một tờ hoa thơm thảo. Thế nhưng, trong sự đùm bọc đôi khi lại ẩn chứa sự bảo bọc quá đà kéo theo đó là tính "ỷ lại". Bản tính ấy thể hiện rõ nhất trong gia đình mà Elbert Hubbard từng bộc bạch rằng: "Khi cha mẹ làm nhiều điểu cho con thì con sẽ không làm gì nhiều cho chính mình."

    Nếu ví cuộc đời là một bản nhạc, hẳn tình yêu thương của đấng sinh thành giành cho giọt máu đào của mình sẽ là một nốt trầm "xao xuyến". Bởi lẽ có cha mẹ nào không yêu thương con cái của mình? Nhưng tình cảm ấy đặc biệt ở chỗ đó là thứ tình cảm miễn phí mà con không cần đóng bất kì phí "tình thương" nào để nhận được. Nó diễn ra lặng thầm như cách cha mẹ luôn cố gắng giành mọi điều tốt đẹp nhất đối với con, như thể sẵn sàng bỏ một năm "hạnh phúc" để tránh cho con một giờ "đau đớn". Tuy nhiên, các bậc cha mẹ lại không nhận ra rằng chính tình yêu thương ấy đôi khi lại như con dao hai lưỡi: một mặt đem đến những tình cảm trọn vẹn, giúp con trở thành đứa trẻ hạnh phúc nhất trong vòng tay bố mẹ. Mặt khác lại như những nhát dao găm ghim thẳng vào tâm hồn, khiến cho chúng mãi là đứa trẻ không thể lớn, thu mình trong vỏ bọc tình thương mà gạt đi bầu trời xanh đang vẫy gọi.



    Đó có thể bắt nguồn từ tâm trạng lần đầu làm cha mẹ, luôn canh cánh nỗi lo trong lòng. Mang danh là đấng sinh thành, có ai không mong muốn con mình được sống hạnh phúc, đủ đầy? Từ việc ngăn con tự quyết định cuộc đời mình, không cho con quyền được thử thách, e dè khi con phạm sai lầm đến luôn muốn điều khiển con cái đi theo cuộc sống mà họ sắp đặt. Chính tình yêu thương sai lệch ấy đã tạo nên một lớp người trẻ sống thoạt nhìn khỏe mạnh nhưng tâm hồn đã héo úa, lụi tàn từ lâu. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng: "Tình yêu của bạn phải khiến cho người yêu được tự do”. Câu nói này dường như không chỉ thể hiện về tình yêu đôi lứa, mà còn bao gồm cả tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Bậc cha mẹ nào cũng yêu thương con của mình, tuy nhiên yêu thương phải đi đôi với "tôn trọng", nếu yêu sai cách sẽ khiến cho con càng thêm lạc lối, kẹt mình trong hố đen nội tâm. Mà không ai làm cha mẹ muốn nhìn thấy con mình như thế cả.



    Trên thực tế, những đứa trẻ được quan tâm quá mức luôn thiếu hụt kĩ năng sống so với những đứa trẻ độc lập. Bởi họ đi trên một con đường bằng phẳng với vô số hoa thơm cỏ lạ dọc hai bên đường. Vì thế khi có biến cố xảy ra, họ như những con chim trong lồng chỉ biết kêu khàn cả cổ chờ đợi phép màu đến với bản thân, mà không hề có suy nghĩ vượt qua những khó khăn và bấp bênh luôn trực chờ xung quanh mình. Trái ngược với họ, những đứa trẻ tự lực tự cường luôn biết nắm bắt cơ hội để vươn lên trước nghịch cảnh. Họ bước đi trên con đường nhấp nhô, gồ ghề bằng chính đôi chân của mình. Vì vậy, xã hội cần những người như thế để xây dựng và phát triển hơn nữa.


"Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Giáo dục, tại Việt Nam có tới 83% học sinh thiếu các kỹ năng sống. Từ thực trạng nêu trên, việc trang bị kỹ năng tự lập cho giới trẻ ngày càng trở nên bức thiết hơn."

    Ngoài ra, sự “bảo bọc tiêu cực” vô tình đã làm mai một đi khả năng tư duy, phán đoán, nhìn nhận vấn đề và cả kĩ năng sống của những thế hệ trẻ. Như chị Nguyễn Thu Trang - người con gái xứ Hà Thành, sinh ra và lớn lên trong sự kìm hãm quá mức của cha mẹ. Cô gái nhỏ bị cướp đi tự do, ngày càng nhốt mình trong thế giới riêng, trở thành một người sợ giao tiếp và tránh né xã hội. Hay anh Tùng, con trai cả của một gia đình nông dân ở tỉnh Thái Bình, 13 tuổi đầu vẫn được mẹ tắm cho như "thú cưng" để rồi trở thành con người thụ động, tương lai vô định, bấp bênh, thường xuyên phải nhận tiền trợ cấp từ gia đình (theo báo vnexpress.net). Tình yêu thương quá đà ấy đã tước đi quyền được sống trọn vẹn, được khát khao, được là chính mình của những chàng trai cô gái độ tuổi mười tám đôi mươi. Họ không có quyền lựa chọn hay mưu cầu tự do, hạnh phúc. Giờ đây, tâm trí bản thân họ dường như nằm trong đêm tối không có đường ra, cuộc sống hằng ngày chỉ là "những đứa trẻ to xác" răm rắp nghe theo lời của cha mẹ. 

    Bên cạnh sự đùm bọc quá mức, tính ỷ lại cũng là một thói xấu đáng để loại trừ. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng cha mẹ chỉ bước cùng ta đến một đoạn đường đời nhất định. Họ không thể luôn ở bên làm kim chỉ nam cho ta mãi, ta phải tự có ý thức trách nhiệm với chính cuộc sống của bản thân. Bạn không thể bắt đầu cuộc đời ở dòng thời gian của mình rồi kết thúc nó ở dòng thời gian của người khác. Cũng không thể trông chờ, ỷ lại đấng sinh thành sống giúp cuộc đời của bạn. Cuộc đời bạn phải do chính bạn viết nên. Nếu gia đình là nền tảng xây dựng tư tưởng cho ta, thì xã hội là nơi giúp ta khôn lớn. Dẫu biết rời xa vòng tay của cha mẹ là bao nhiêu sóng gió chực chờ, là bao khó khăn và thử thách vẫy gọi. Nhưng chúng ta phải như một bông hoa tỏa ngát hương thơm, như chú chim sơn ca kiêu hãnh hay như con bướm phá kén bay về bầu trời xa rộng chứ không thể ù ì ở "đáy giếng" của sự bảo bọc.

"Để trở nên xinh đẹp như thế, mỗi cá thể bướm phải trải qua một quá trình gian khổ mà sinh học gọi là quá trình biến thái bao gồm 4 giai đoạn hay 4 pha, và tất nhiên là không thể sót một pha. Tính giai đoạn cũng tương tự trong việc thay đổi của con người."

    Tuy vậy, nội tình câu chuyện cũng khó trách cha mẹ. Toàn bộ các nhà trường, gia đình và xã hội chỉ rao giảng dạy trẻ con “làm thế nào trở thành con ngoan, trò giỏi”. Còn việc “làm thế nào để trở thành cha mẹ tốt” thì mọi người đều phải tự mò mẫm mà học. Khi cả hai đều ở thế khó, thì cảm thông cho nhau là lối thoát khả dĩ nhất. Nhưng cảm thông đến từ đâu? Nếu như con cái không nhận được sự cảm thông, thì liệu đến lượt mình chúng có sẵn sàng mở lòng không?

     Bản chất của cảm thông là khả năng thấu hiểu cho người gây ra tổn thương cho mình.

    Điều kiện của cảm thông là người tổn thương phải là mình và người gây ra tổn thương không cố ý, chủ ý làm điều đó. Nếu đã vô tình gây ra tổn thương, thì xin lỗi và giải thích rằng mình không cố ý là cách để tìm kiếm sự cảm thông. Nhưng mà cha mẹ xin lỗi con cái ở văn hóa Á Đông hình như vẫn còn khan hiếm.

    Tiền đề của cảm thông là một nội tâm vững vàng. Nội tâm vững vàng thì mới đủ bình tĩnh để nhận thức rằng tình thương và mối quan hệ còn quan trọng hơn những tổn thương nhỏ. Tiền đề của cảm thông còn là một hệ giá trị đề cao tình thương, đề cao nghĩa lớn, tấm lòng rộng rãi không hẹp hòi, khoáng đạt trượng nghĩa.



    Nhưng mà ngày nay, thay vì rèn luyện tính cách, chúng ta thấy thanh thiếu niên rèn luyện cái gì là chủ yếu? Luyện thi cấp 3, luyện thi Đại học, luyện học sinh giỏi, luyện thi IELTS,... Luyện hết cái nọ đến cái kia, mong ngày một nâng cao chất lượng sống của mình trong tương lai. Ngày ngày lao vào những cuộc đua không bao giờ có đích đến cuối cùng. Để rồi… không có sau đó. Bởi các áp lực kỳ vọng cứ nối tiếp nhau, các chặng đua không có điểm cuối, chạy về phía vô cực, thì làm gì có sau đó.

     Kết quả là chúng ta còn không thể cảm thông cho chính mình khi kết quả không như ý. Chứ nói gì đến cảm thông cho người khác, cho cha mẹ?

    Thoát ra khỏi những cuộc đua, chúng ta thấy cuộc đời sẽ nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Từ đó mới có thể nhìn thấu chính mình và đón nhận người khác với đôi mắt vững vàng, cảm thông, và chia sẻ nhiều hơn. Không phải chúng ta từ bỏ những mục tiêu. Mà là chọn ra đúng mục tiêu mà mình muốn theo đuổi, mình thật sự say mê. Chọn ra điều mình có thể làm nhiều giờ mà không thấy mệt mỏi, quên hết thời gian. Được chọn điều trái tim mình mách bảo chính là một trong những sự tự do quan trọng và quý giá nhất. Trái tim mình tự do thì sẽ có nhiều tình yêu thương hơn được sản sinh ra



    Người lớn đều đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con lại chưa từng làm người lớn. Điều đó cũng đúng. Nhưng chúng ta vẫn thấy có những đứa trẻ hiểu chuyện, già trước tuổi. Sở dĩ gọi là “già trước tuổi” bởi vì đứa trẻ đó đã đặt mình vào góc nhìn và vai trò của người trưởng thành. Để có thể bước vào đôi giày của họ, bản thân chúng phải có chủ ý làm điều đó và người lớn cũng phải tạo điều kiện cho chúng thực hiện hành động cảm thông.

    Nếu một thanh niên được chăm lo mọi bề để “chỉ cần học cho thật tốt”, thì sau cùng, ngoài học ra nó cũng chẳng biết làm gì. Chưa nói đến cảm thông, bản thân việc đưa ra quyết định cho cuộc đời của chính mình, sau cùng cũng là “mẹ quyết đi”, “mẹ bảo gì con làm đó”... Đó là một quả trứng lâu năm, mãi chưa chịu nở thành con gà.



    Tóm lại, cha mẹ nên hiểu rằng chỉ tình thương thôi là không đủ. Muốn làm cha mẹ, cũng phải học tập thì mới làm được, thậm chí còn phải học kỹ. Nếu không sẽ tự mình hủy hoại cuộc đời của chính những đứa con bé bỏng. Còn với con cái: tự lập, tự chủ thì mới có được tiền đề là chủ động, cảm thông, chia sẻ với người khác. Tự lập về thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan. Tự lập về suy nghĩ, quan điểm, thái độ. Chỉ có như vậy, con người ta mới đủ sức bước vào một mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp. Cho dù đó có là mối quan hệ với chính cha mẹ của mình đi chăng nữa.



Tác Giả: Tớ Là Tú

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100069917874895

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

698 lượt xem, 493 người xem - 586 điểm

lh-fulllh-x