Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Không Phải Ai Cũng Đủ Tinh Tế, Kiên Nhẫn Và Thấu Hiểu...Phải Không?

"Tôi thích hẹn hò với ai đó từ một gia đình không tan vỡ."" (Reddit)

Đó là một lời thổ lộ thật tình, dứt khoát của một người bạn trai.

Tôi thích sự thẳn thắn đó nhưng thật sự có chút chạnh lòng. Tôi không phải bạn nữ kia nhưng tôi đã học được một điều rất hay từ quyển sách Daring Greatly: How the Courage to Be Vulnerable Transforms the Way We Live, Love, Parent, and Lead. Dù tôi chưa trải qua câu chuyện như vậy, nhưng tôi có nhiều đồng cảm bởi tôi hiểu những cảm xúc mà bạn đã trải qua, từ cảm giác bị tổn thương, đến bị người khác từ chối, chỉ là trong tình huống khác.


"Khi bạn hạnh phúc ở nhà, đi đâu bạn cũng sẽ hạnh phúc."

Tôi thích câu nói này. Có nhiều cách để định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Với tôi, hạnh phúc là khi nhìn thấy những người thân xung quanh mình hạnh phúc. Thế nhưng, gia đình hạnh phúc là một điều đáng mơ ước và theo đuổi đối với một số người, đặc biệt trong xã hội hiện đại ngày nay.


Không phải ai cũng đủ tinh tế, kiên nhẫn và thấu hiểu để tiếp tục đồng hành cùng một người khi biết họ là một tâm hồn mang đầy tổn thương, phải không?


Cảm giác khi hẹn hò với một người từ một gia đình tan vỡ?

Này các cậu! Cuối cùng tôi cũng [hẹn hò] được một cô gái rất dễ thương trong nhóm [...], nhưng trong buổi hẹn hò đầu tiên khi nghe câu chuyện về gia đình của cô ấy (môi trường rất 'độc hại' ngay cả bây giờ + cả bố và mẹ đều ly hôn và tái hôn) tôi đã hơi nghi ngờ về điều đó. Có vẻ như cô ấy đã bị ảnh hưởng bởi tính cách hơi nhạy cảm .. Tôi đoán tôi sẽ tìm hiểu thêm về cô ấy theo thời gian, nhưng trong khi đó tôi vẫn tò mò: Bạn đã trải nghiệm gì khi hẹn hò với ai đó từ một gia đình mâu thuẫn cao? (hoặc chính bạn đến từ một gia đình như vậy) Mọi việc đã diễn ra như thế nào? Gánh nặng đã nặng hơn đáng kể chưa?

Tôi đã ở trong vị trí của [người bị động] (gia đình tôi tan vỡ và 'độc hại' nhưng tôi đã chữa lành khỏi nó và bước tiếp). Tôi thực sự rất ấn tượng với người đàn ông mà tôi đã nói chuyện và chúng tôi rất hợp nhau, nhưng đến lúc nói về gia đình tôi thì anh ấy nói với tôi rằng anh ấy sẽ không gặp tôi nữa vì lý do đó. Anh ấy nói "Tôi thích hẹn hò với ai đó từ một gia đình không tan vỡ." Tôi mừng vì anh ấy thành thật, nhưng nó đau quá. Nếu bạn quyết định từ bỏ cô gái này và vì lý do đó, hãy nhẹ nhàng làm điều đó.

Nguồn: Reddit


Một số người sẽ nghĩ, chỉ khi nào ai đó tự chữa lành hết những tổn thương của bản thân thì họ mới thật sự sẳn sàng cho một mối quan hệ. Nếu không, họ sẽ chỉ tổn thương bản thân nhiều hơn. Đôi khi cũng có lí. Một số khác lại nghĩ, người như vậy sẽ khiến người khác mệt mỏi. Sự thật là, một người trưởng thành từ một gia đình không hoàn hảo, bị tổn thương, thiếu cảm giác an toàn, có thể bị trầm cảm hoặc các bệnh tâm lí là chuyện bình thường.


Thế nào là một gia đình "nhiều rắc rối"

Gia đình có nhiều mâu thuẫn là một trong những dấu hiệu khá điển hình. Một điều dễ thấy ở một gia đình không hạnh phúc là việc vợ chồng thường xuyên tranh cãi lớn tiếng với nhau trước mặt con cái khi có mâu thuẫn...cho dù mâu thuẫn sau cùng vẫn cứ là mâu thuẫn. Một môi trường căng thẳng kéo dài luôn là kẻ thù số một của sức mạnh tinh thần. Trong khi đó, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn.

Tác hại của nó giống như tác hại của việc hút thuốc lá thụ động vậy.

Những đứa trẻ phải nghe bố mẹ dùng lời lẽ xúc phạm nhau thay vì những lời yêu thương, đe doạ li hôn, nhìn họ ném đồ đạc, chiến tranh lạnh,...Nó khiến đứa trẻ mất dần cảm giác an toàn. Chúng không biết khi nào bố mẹ lại lớn tiếng, cũng không biết có phải họ sắp li hôn không.

Điều này nếu lặp đi lặp lại sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ về lâu về dài. Một bài viết đăng trên trang verywellfamily chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lí hay sức khoẻ tinh thần của đứa trẻ lớn lên trong sự cãi vả của bố mẹ. Trong đó có nêu ra vấn đề về các mối quan hệ. Đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy có nhiều khả năng mắc phải "chứng trầm cảm, lo lắng, hay các vấn đề về hành vi."

Theo WHO, ước tính có khoảng 350 triệu người trên thế giới mắc bệnh trầm cảm. 

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, kể cả những người thân trong gia đình, bạn bè hoặc chính người yêu của bạn. Trầm cảm, một trong những điều mà có lẽ chàng trai kia lo lắng nhất, điều mà một cô gái trưởng thành với nhiều vấn đề trong gia đình có thể gặp phải. (Vinmec.com)

 Thế nhưng họ sẽ không dễ dàng để cho bạn nhìn thấu điều mà họ chịu đựng!

Họ có thể trông giống bất kì ai. Nếu thân hơn một chút, có thể bạn nhìn thấy họ như một người nhút nhát, thiếu sự tự tin,...hay khép kín, ít chia sẻ chuyện cá nhân,...hay thiếu sự chủ động, quen với việc thu mình lại. Sự thật là, một người chịu tổn thương khá giống như một người hướng nội điển hình.


Yêu một người mắc trầm cảm là trải nghiệm như thế nào?

Sự thật là, không dễ đối với một số người.



Bạn phải học cách hiểu họ và chấp nhận sự khác biệt. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy như phải chịu đựng rất nhiều thứ vô lí. Điều đó có thể khiến bạn mệt mỏi.

Bạn không thể dễ dàng hiểu họ muốn gì để đem đến cho họ.

Họ dễ rơi vào trạng thái buồn bã và chìm trong suy nghĩ tiêu cực, không có nhiều năng lượng như mong muốn, và rất dễ nổi cáu. Nếu họ đang cảm thấy buồn và ở lì trong phòng, điều họ muốn có thể là ai đó yêu thương họ tìm đến họ hơn là để họ có thời gian và tự giải quyết cảm xúc ấy một mình. Họ tự dựng nên một bức tường, trốn phía sau đó, nhưng lại mong muốn bạn kiên nhẫn phá nó, lôi họ ra phía bên kia.

Bạn đôi khi không thể mong muốn họ làm những điều bạn muốn, điều mà đôi khi những cặp đôi khác đều làm. Khi bạn muốn họ đi chơi, họ có thể sẽ không chịu đi đến những nơi khiến họ cảm thấy không thoải mái hay lo lắng ví dụ như nơi có đông người lạ.

 

Nhưng,...ai cũng có một câu chuyện đằng sau

Gia đình 'rắc rối' tạo nên một rào cản tâm lí cho những ai trải nghiệm nó, nhưng cách một người phản ứng lại trước rào cản đó mới là điều làm nên con người họ. Người bị trầm cảm có lúc họ cũng không chiến thắng bản thân, nhưng họ sẽ biết cách để giữ những người thương yêu trong vùng an toàn do họ tạo nên bằng sự chân thành.

Có lí do để bạn muốn yêu một người bị trầm cảm

Sự thật là, họ mạnh mẽ hơn hầu hết chúng ta, họ không muốn làm gánh nặng cho ai, họ không “thương tật” hay “khiếm khuyết”, họ luôn nỗ lực chống lại căn bệnh này, họ hoàn toàn có khả năng cho và nhận yêu thương... (Lifehack)


Pinterest

"Đâu là lần cuối cùng bạn đã trải qua một cuộc mâu thuẫn gay gắt, dù là bằng hành động hay lời nói? Giờ hãy tưởng tượng năng lượng đó [diễn ra] trong đầu bạn và không có hồi kết. Chống lại trầm cảm là một cuộc chiến liên tục với tâm trí. Với vũ khí là sự cô đơn, trống trải, và vô vọng..., bạn có thể tưởng tượng là bất cứ ai chống lại trầm cảm có thể là một trong số những người mạnh mẽ nhất, một trong những người có khả năng chịu đựng tốt nhất mà bạn biết. Đôi khi họ không chiến thắng, nó đòi hỏi rất nhiều sự can đảm và quyết tâm."

Nguồn: YouTube video


Đâu mới là mảnh ghép phù hợp cho một tâm hồn đầy vết thương cần được chữa lành bởi tình yêu thương? Không có lựa chọn đúng hoặc sai!!!

Tôi tâm đắc bởi câu nói, "đừng sợ chọn sai, hãy tin vào sự lựa chọn của mình và bằng mọi cách làm cho nó trở nên đúng đắn."

Không ai đáng bị từ chối khi gia đình họ là một vấn đề   

"Một người không có quyền chọn lựa gia đình của họ. [...] tình huống mà họ không có tiếng nói và không thể thay đổi. [...]  Vâng, nó đã có một tác động lớn [...]. Đúng vậy, chúng tôi cũng chịu trách nhiệm về việc chữa lành vết thương của mình và vì vậy tôi đã cố gắng rất nhiều vào bản thân và không để vết thương lòng của mình lên người khác. Một người phản ứng thế nào với chấn thương trong quá khứ là một điều rất riêng. Nếu bạn không thể [chịu được] cách một người cho phép gia đình hoặc quá khứ độc hại của họ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ, đó là đặc quyền của bạn và bạn không có nghĩa vụ phải hẹn hò với họ. Nhưng đừng phủ đầu không cho ai đó cơ hội chỉ vì họ đã có một nền giáo dục độc hại. Đó không phải là lỗi của họ và có lẽ họ đã khá nhạy cảm về điều đó."

Nguồn: Reddit


Điều cuối cùng

Những người đang chống lại rào cản tâm lí, chỉ là họ đang học cách yêu thương bản thân họ mà thôi. Nếu họ đã chấp nhận yêu thương ai đó, dám nói ra điều mà họ muốn dấu đi, điều đó rất đáng trân trọng. Bởi điều đó có nghĩa là, họ có lẽ đang không mong chờ ai đó chữa lành, mà là bắt đầu mở lối cho việc yêu thương bản thân họ. Đừng e ngại. Đừng nghi ngờ.

Bài đọc này có thể không phù hợp với bản thân bạn nhưng biết đâu lại hữu ích với những người xung quanh bạn, chẳng hạn như ai đó trong số bạn bè của bạn. Có một câu nói tôi tâm đắc "Điều đơn giản có được đối với người này đôi khi lại là điều đáng mơ ước đối với người khác." Chúng ta nên trao nhau niềm tin và cơ hội khi có thể, phải không?


https://www.reddit.com/r/CatholicDating/comments/jlpuw5/feelings_about_dating_someone_from_a_quite_broken/

https://www.verywellfamily.com/how-parents-fighting-affects-children-s-mental-health-4158375

https://www.lifehack.org/articles/communication/20-things-remember-your-loved-ones-suffer-from-depression.html


Tác Giả: Tran Huynh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ho.vi.5496683/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,454 lượt xem, 6,415 người xem - 6442 điểm