Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Khủng Hoảng Và Bệnh Tâm Lý Ở Người Trẻ: Làm Gì Nếu Chính Bạn Đang Mắc Phải?

Từ những câu chuyện...

            Mình có một người em họ năm nay 18 tuổi, xinh như hoa khôi, theo học tại một trường đại học danh tiếng, gia đình khá giả và bố mẹ thì hết mực yêu thương nhau cũng như yêu thương con cái. Thế nhưng em lại mắc một căn bệnh tâm lý với diễn biến ngày càng nặng. Hằng đêm em không ngủ được còn ban ngày thì chìm đắm trong khói thuốc để trốn tránh những suy nghĩ tiêu cực lúc nào cũng chực chờ "áp bức" cảm xúc của em. Bố mẹ đưa em đi chạy chữa khắp nơi, từ Bạch Mai đến bệnh viện quốc tế, gặp các giáo sư, bác sỹ được cho là giỏi nhất để giúp em thoát khỏi tình trạng trên. Nhưng năm cũ rồi sang năm mới, sức khỏe tinh thần của em không có mấy thay đổi. 

            Mình đem chuyện này tâm sự với một người bạn đang học ngành tâm lý học thì mới biết hóa ra cậu bạn này cũng đang mắc bệnh. Mỗi ngày, cậu đều phải uống những viên thuốc mà người thường nếu lỡ uống nhầm sẽ có ngay cảm giác quay cuồng, thậm chí nôn khan. Cậu đã từng rạch tay thành những vết sẹo song song, đấm thùm thụp vào tường đến khi chảy máu, khóc, gào thét và vật lộn với những cảm xúc của mình.

            Về câu chuyện của bản thân, mình cũng từng mắc một căn bệnh tâm lý, đã từng cấu vào tay đến thâm tím mỗi khi khóc để bắt bản thân ngừng khóc. Mình thậm chí còn cảm thấy sung sướng khi cấu vào tay, đơn giản là bởi khi ấy, đau đớn thể xác giúp lấn át đi đau đớn tinh thần - thứ còn đáng khiếp sợ và có sức giày vò hơn.

            Ba câu chuyện trên đều là chuyện thực về đời sống tinh thần của những người thực đang sống giữa mảnh đất thủ đô. Rất có thể xung quanh bạn cũng có rất nhiều những câu chuyện tương tự, chẳng qua là người trong chuyện có chọn nói cho bạn biết hay không mà thôi. Những người ấy đang gặp khủng hoảng tâm lý, nếu tệ hơn thì họ đang mắc những căn bệnh tâm lý - loại bệnh không gây đau đớn mệt mỏi nhất thời như ho sốt viêm nhiễm nhưng lại ngấm ngầm hủy hoại họ từ trong suy nghĩ đến cảm xúc.

Nguồn ảnh: Pinterest

            Đến thời điểm hiện tại, chưa có một định nghĩa thống nhất “thế nào là bệnh tâm lý” nên mình không thể đem đến cho bạn một định nghĩa chính xác được. Tuy nhiên, mình sẽ chia sẻ câu chuyện thật của bản thân để bạn tham khảo. Trong một cuộc trò chuyện vào cuối năm ngoái, bác sỹ có giải thích với mình, đại ý như sau: "Cơ chế cảm xúc của con người gồm 2 cực âm và dương tương đương với xúc cảm tích cực và tiêu cực. Trong trạng thái bình thường, hai cực này cân bằng. Một người bị bệnh là khi cực âm nổi lên lấn át cực dương; cảm xúc và các hành động mang tính âm diễn ra trong một thời gian dài tác động tiêu cực đến cuộc sống và gây hại cho sức khỏe thể chất của người đó”. Dù không trực tiếp gặp bác sỹ, mình tin là trong nhiều trường hợp các bạn cũng có thể dùng “cơ chế tự cảm nhận” để nhận biết mình có đang rơi vào khủng hoảng hay mắc các bệnh liên quan đến tâm lý hay không.


Nguyên nhân là gì?

            Loại bỏ các nguyên nhân như lượng chất dẫn truyền trong não bị lệch khỏi chỉ số bình thường...vv, có hai nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng hoặc các bệnh liên quan đến tâm lý. Nguyên nhân thứ nhất là các tác động ngoại cảnh, nguyên nhân thứ hai là nỗi lo sợ và sự mất định hướng từ bên trong.

            Nguyên nhân thứ nhất: các tác động ngoại cảnh.

            Tâm lý của một người chịu ảnh hưởng từ các tác động ngoại cảnh. Hãy tưởng tượng nếu một ngày, người mà bạn yêu tha thiết suốt mấy năm đại học đùng một cái nói chia tay bạn; đồng thời đó là ngày cuối tháng và bạn phải trả tiền nhà mặc dù trong túi chỉ còn mấy trăm, cũng không thể mượn ai; hơn nữa kỳ thi cuối kỳ cũng sắp đến và nghe nói lần này thi vấn đáp không tài liệu đi kèm mà bạn thì không hề giỏi trong khoản đó. Nếu bạn đột ngột rơi vào tình cảnh này thì xin chia buồn với bạn là khủng hoảng tâm lý hoàn toàn có khả năng sẽ đến với bạn. Các tác động ngoại cảnh như các mối quan hệ tình cảm (người yêu, gia đình, bạn bè), vấn đề tài chính, chuyện học hành và công việc luôn là những yếu tố ngoại cảnh kinh điển tác động đến tâm lý của bạn.

            Nguyên nhân thứ hai: nỗi lo sợ và sự mất định hướng từ bên trong.

            Những người trẻ như mình và bạn đang sống trong một thế giới đổi thay từng ngày. Công nghệ đã thay đổi cuộc sống của con người một cách kỳ diệu trong một thời gian ngắn và không ai có thể chắc chắn trong vòng 50 năm sắp tới (nhiều khả năng bạn sẽ sống trọn vẹn 50 năm tới nếu bạn có tuổi thọ trung bình 70 -80 tuổi), công nghệ sẽ dẫn dắt cuộc sống của chúng ta đi về đâu.

Nguồn ảnh: Pinterest

            Bạn có bao giờ cảm thấy hoang mang khi mỗi sáng thức giấc lướt newfeeds, bạn bắt gặp hàng đống thông tin về sự ra đời của các ngành nghề và phương thức kiếm tiền mới; các brands vừa cho ra mắt dòng sản phẩm đẳng cấp mà không biết cả đời này bạn có đủ tiền mua không; người trẻ startup thành công thành những triệu phú trẻ tuổi; những người thành công và trên đỉnh sự nghiệp ở độ tuổi còn quá trẻ. Cảm giác lo lắng và đôi khi là bế tắc khiến bạn tắt điện thoại cái rụp. Nhưng sáng hôm sau, khi vừa thức giấc, như một biểu hiện của hội chứng FOMO (fear of missing out), bạn lại tiếp tục vòng tuần hoàn đó, bật điện thoại lên đọc tin tức và bắt đầu nỗi lo mới rằng cả đời này mình có thể vẫn tiếp tục là một kẻ “trung lưu tầm tầm” trong khi tầng lớp thượng lưu đang ngày một trẻ hóa.

            Nghe đến đây bạn đã cảm thấy hơi hơi giống bản thân chưa? Nhưng xin chia buồn với bạn là áp lực vẫn chưa dừng lại ở đó. Vì cạnh tranh là phát triển nên để tăng tính cạnh tranh cho một người trẻ tuổi như bạn, một loại áp lực mới ra đời với tên gọi: PEER-PRESSURE. Không đâu xa xôi, peer-pressure đến từ chính bạn bè và/hoặc những người cùng thế hệ và gần gũi với bạn. Nó xuất hiện khi bạn đang lướt facebook và vô tình thấy một tấm hình check-in địa điểm làm việc sang-xịn-mịn view đẹp giữa khách sạn trung tâm thành phố từ đứa bạn ngồi cùng bàn với mình hồi học đại học; xuất hiện khi bạn đang lướt Linkedin và thấy tin của bạn bè mình, đứa thì bắt đầu công việc mới ở công ty A, đứa thì đang thử việc tại NGO B, đứa thì mới được agency C cho đi công tác nước ngoài. Peer-pressure thậm chí cũng có thể xuất hiện khi thông tin về sự thành công của một người bạn của bạn của bạn ở tận bên kia đại dương vô tình lọt vào tai bạn qua miệng của một phụ huynh nào đó. Nói chung là lắm loại áp lực!

            Giữa tất cả những cơ hội cho bạn thể hiện mình (thế giới ở thế kỷ 21 như được tạo ra để tạo điều kiện cho người trẻ theo đuổi ước mơ) và những áp lực từ nhiều phía, sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy MẤT ĐỊNH HƯỚNG từ bên trong. Bạn biết rằng khi mình đang còn chìm trong giấc ngủ 7 tiếng mỗi đêm, người ta đang tạo ra những điều kỳ diệu ở một thành phố nào đó phía bên kia đại dương; khi bạn đang còn đang chưa chắc chắn về thứ mình muốn, điều mình cần; bạn bè của bạn dường như đã biết họ phải làm gì hoặc đủ dũng cảm để “xách ba lô lên và đi” mười mấy hai mươi nước như Huyền Chíp. Sự MẤT ĐỊNH HƯỚNG mà bạn đang gặp phải đó nhiều khả năng có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý – một thứ khủng hoảng chỉ đơn giản vì bạn không biết bạn phải làm gì.


Khủng hoảng sẽ kết thúc khi nào?

            Có sinh ắt có diệt, khủng hoảng tâm lý cũng vậy. Bạn cần hiểu rằng “điều này sẽ kết thúc chứ không thể kéo dài mãi được”. Khủng hoảng tâm lý sẽ kết thúc khi nguyên nhân dẫn đến nó không còn nữa, cụ thể là các yếu tố ngoại cảnh tác động đến bạn đã thay đổi theo hướng tích cực hơn. Ví dụ: sau khi chia tay người yêu, trái tim bạn lại mở cửa và tìm thấy “The One” một lần nữa; hay bạn vừa mới nhận được offer một công việc tốt với mức lương ưng ý; hay các mối quan hệ như gia đình, bạn bè đã có chiều hướng tốt đẹp hơn.

            Vậy nếu ngoại cảnh không thay đổi thì sao (có rất nhiều thứ chúng ta không thể quyết định nó sẽ diễn ra theo ý mình mà!)? Tin vui cho bạn là nếu ngoại cảnh không thay đổi, khủng hoảng cũng có thể kết thúc khi bạn TỰ THÍCH NGHI với ngoại cảnh. Ví dụ: nếu như trước kia, bạn không thể chấp nhận được việc người yêu chia tay mình (điều này dẫn đến khủng hoảng) thì bây giờ, bạn đã quen dần với sự độc thân. Khủng hoảng tâm lý kết thúc khi những vết thương từ sâu trong bạn lắng xuống còn bản thân bạn thì chấp nhận sống hài hòa với nó và với ngoại cảnh.


Làm gì giữa tâm khủng hoảng?

            Khủng hoảng tâm lý không bao giờ là vui cả. Bản chất của con người là luôn mưu cầu những phút giây hạnh phúc chứ chẳng ai lạ đời muốn sự khổ đau. Những lời khuyên sau đây của mình có thể giúp bạn phần nào giảm thiểu nỗi buồn và có một trải nghiệm dễ dàng hơn để vượt qua khủng hoảng.

            Thứ nhất, hiểu bản chất

            Điều đầu tiên bạn nên làm là tìm hiểu và trang bị các kiến thức cơ bản về khủng hoảng và bệnh tâm lý cho chính mình. Không bao giờ là thừa kia nói rằng: “Muốn giải quyết một vấn đề, trước tiên bạn cần hiểu vấn đề là gì đã”. Bạn cũng không nên quá lo lắng rằng chắc chỉ mỗi mình mình gặp phải vấn đề này. Yên tâm đi, mình tin là mọi người ai cũng từng gặp phải những vấn đề tương tự như bạn, chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, trải nghiệm của họ tồi tệ hay dễ chịu hơn bạn và họ có nói ra cho bạn biết hay không thôi. Bình tĩnh rằng mình không đơn độc, sau đó từ từ tìm hiểu bản chất, nguyên nhân và thời điểm chấm dứt của khủng hoảng để giải quyết nó nhé.

            Thứ hai, làm những việc khiến bản thân cảm thấy dễ dịu/ít khó chịu nhất có thể

            Đồng ý là bạn đang rất buồn chán đến mức không muốn làm gì hết. Bạn có thể khóc cả ngày, không ăn không ngủ. Nhìn đồ ăn đã ngao ngán thì làm sao mà ăn uống đầy đủ, mà ăn uống thì vận ngay vào sức khỏe, không có sức khỏe thì bạn đâu thể làm việc gì tử tế đúng không? Mình khuyên bạn trong trường hợp này, hãy làm những gì mà bạn thích hoặc có thể giảm sự khó chịu của bạn xuống mức tối đa nhất. Nếu bình thường bạn thích đọc truyện tranh, hãy đọc truyện tranh; thích xem phim ngôn tình, hãy xem ngôn tình; thích ngắm các oppa Hàn Quốc, cứ ngắm oppa. Nếu việc đá bóng có thể làm bạn vui, hãy để những giọt mồ hôi trên sân cỏ giúp bạn giải tỏa căng thẳng; nếu việc shopping và ăn đồ ngọt giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh, hãy cứ làm. Chỉ có một lưu ý nhỏ là bạn không nên quá lạm dụng các hành động trên dẫn đến hậu quả nợ chồng chất hay bị “deadine dí” bởi khi ấy, việc phải giải quyết các hậu quả do nợ tiền và trễ hẹn công việc còn có thể khiến bạn stress hơn.

            Thứ ba, chăm sóc cơ thể và bộ não

            Cơ thể và não bộ là đại diện cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của bạn (não bộ chứ không phải trái tim là đại diện cho sức khỏe tinh thần nên khi khám tâm lý, người ta sẽ cho bạn làm điện não đồ chứ không yêu cầu bạn đi đo nhịp tim). Khi cả sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tốt thì bạn mới được coi là hoàn toàn khỏe mạnh, bởi vậy nên hãy chăm sóc kỹ cho 2 bộ phận đó. Sau đây là những biện pháp có lợi cho não bộ và cơ thể:

            - Chạy bộ; đi bộ ngắm cảnh và hít thở khí trời (lưu ý thực hiện tại những nơi vắng phương tiện đi lại, mát mẻ và ít ô nhiễm như công viên, hồ nước).

            - Thiền (những bạn chưa có ý niệm gì về thiền có thể tham khảo các clip hướng dẫn ngồi thiền trên youtube).

            - Yoga (một trong những giá trị cốt yếu của bộ môn này là điều hòa hơi thở và tập trung vào từng nhịp thở nên nó rất có lợi cho hệ hô hấp và thần kinh của bạn).

            - Gym (khi vận động thể chất mạnh như tập gym, cơ thể sẽ tiết ra hocmone endorphine - một trong bốn loại hoocmone mang lại cảm giác hạnh phúc cho con người).

            - Ngâm chân bằng nước nóng 20-30 phút trước khi đi ngủ (việc này giúp lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ, rất có lợi cho cơ thể và não bộ, bạn cũng có thể cho thêm muối tắm vào nước ngâm chân để tăng cảm giác dễ chịu và đạt hiệu quả hơn).

            - Tắm bằng nước nóng để nước và xà bông cuốn trôi đi bụi bẩn trên cơ thể, trong lúc ấy bạn có thể bật lên một chút nhạc và chill.        

            Nhưng nếu tất cả những việc trên là quá sức đối với bạn, bạn đang đánh vật với cảm xúc đến mức không thể làm gì được thì điều tối thiểu bạn cần làm là luôn giữ cơ thể và đầu tóc sạch sẽ. Lúc bình thường hơi bẩn còn chấp nhận được chứ lúc stress mà bẩn thì sẽ khó chịu đấy.

Nguồn ảnh: Pinterest

            Thứ tư, "Back to the Present"

            Cách hoạt động của suy nghĩ tiêu cực là nó đến đồng loạt, đến cùng nhau như một “đội quân” áp bức cảm xúc của bạn vậy. Khi một suy nghĩ tiêu cực khởi lên, nếu không ngăn chặn kịp thời, rất nhiều suy nghĩ tiêu cực sẽ kéo đến phía sau. Trong một bài giảng của mình, thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói, đại ý: con người luôn không hạnh phúc vì cứ mãi khổ đau cho những sự việc đã xảy ra trong quá khứ và chìm vào lo lắng về tương lai; tập trung cho giây phút trong hiện tại, "Back to the Present", con người sẽ sống hạnh phúc hơn (link bài giảng của thầy mình sẽ để ở cuối bài viết). Mỗi khi những suy nghĩ tiêu cực kéo đến và trước khi nó trở thành một “dòng sông” nhấm chìm bạn, hãy vận dụng kỹ thuật “Back to the Present” để thoát khỏi cảm xúc tiêu cực và trở về với thực tại nhé.

            Thứ năm, chia sẻ với gia đình, bạn bè

            Mỗi cá nhân là một cá thể độc lập, tuy nhiên khi quá yếu ớt, bạn hoàn toàn có thể quay về tìm sự chia sẻ từ gia đình mình. Đối với hầu hết mọi người, gia đình đều là một nơi an toàn, một điểm tựa để quay về và nhận được sự giúp đỡ khi cần nhất. Bạn cũng có thể tâm sự với bạn bè của mình để xin lời khuyên hoặc đơn giản là “nói ra cho nó nhẹ lòng”. Bạn bè tốt, đặc biệt là những người bạn có tính cách tích cực chính là những viên vitamin liều cao cho sức khỏe tinh thần của bạn trong lúc này. Nhưng lưu ý chọn mặt gửi vàng, hãy chỉ chia sẻ câu chuyện của mình với những người bạn thân thiết hoặc có nhiều nét tính cách giống bạn nếu không muốn nhận được những hậu quả không đáng có.

            Thứ sáu, tìm đến sự trợ giúp y tế

            Nếu cảm thấy lo lắng, bạn có thể đi khám bởi rất có thể bạn đang mắc bệnh mà chưa nhận ra do sự hiểu biết y học còn nhiều hạn chế. Ở Hà Nội, một trong những địa chỉ khám chữa uy tín là Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai; ở TP.HCM là Bệnh viện Tâm Thần TP. HCM. Lời khuyên cho bạn khi khám lần đầu là hãy đi thẳng đến bệnh viện, ở đây sẽ có các trang thiết bị đo điện não đồ cũng như nhân viên y tế hướng dẫn bạn làm bài test tâm lý. Những lần sau đó, bạn có thể chọn bác sỹ và khám tư tại phòng khám của họ để tiết kiệm thời gian chờ đợi. Một phương pháp chữa trị truyền thống thường “đánh vào” hai phương diện: sự trợ giúp của thuốc và sự trợ giúp tâm lý từ bên ngoài (gia đình, bạn bè). Tuy nhiên, nghị lực tự chữa bệnh của bản thân bạn mới là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên có những kiến thức cơ bản phân biệt bác sỹ tâm lý và bác sỹ tâm thần, xem xét xem mình phù hợp với sự trợ giúp của bác sỹ nào (ở Việt Nam, việc đào tạo và khám chữa bởi bác sỹ tâm lý không phát triển cho lắm).


Ý nghĩa của sự "có ý nghĩa"

Nguồn ảnh: Pinterest

            Có một mẫu số chung không thể phủ nhận cho con người đó là ai cũng cần được đáp ứng các nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ, nghỉ, giao tiếp, được sống trong một cộng đồng và nhu cầu cảm thấy có ý nghĩa. Bởi vậy cho nên dù rất nhiều tựa sách về ý nghĩa cuộc sống đã ra đời (men’s search for meaning, vv), câu hỏi “what’s the meaning of this life” vẫn luôn khiến các nhà triết học đau đầu đi tìm lời lý giải. Trong một xã hội mà từ ăn uống, dịch vụ y tế đến giáo dục muốn tốt thường phải trả nhiều như hiện nay, để cuộc sống dễ dàng hơn thì bạn nên có tiền. Nhưng để có một cuộc sống trọn vẹn thì bạn phải tìm được ý nghĩa của mình trong đó. Hãy tưởng tượng cuộc sống như một dòng sông trôi chảy, còn ý nghĩa như mặt biển rộng: “Like a river flows surely to the sea” (như dòng sống chắc chắn chảy về biển rộng). Làm những việc mà bạn cảm thấy có ý nghĩa chính là đáp ứng cho nhu cầu từ bản chất con người trong bạn và giúp bạn tránh khỏi những cơn khủng hoảng tâm lý. Còn như thế nào là ý nghĩa? Câu hỏi này chỉ có bạn mới có thể trả lời.

            Chúc bạn có một sức khỏe tinh thần thật tốt!                        

            P/s 1: Link bài giảng của thầy Thích Nhất Hạnh: https://www.youtube.com/watch?v=dDXcIaUKHDU

            P/s 2: Việt Nam quyết thắng đại dịch!

Tác Giả: Lunna 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/luu.lunna.77

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,636 lượt xem, 2,606 người xem - 2638 điểm