Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Khuyết Thiếu Cảm Xúc: Những Người Trẻ Cô Độc Với Cảm Xúc Của Chính Họ

Khuyết thiếu cảm xúc vốn là một triệu chứng phụ của Tâm thần phân liệt ( Schizophrenia), đúng hơn là giảm biểu lộ tình cảm, thường xảy ra ở giới trẻ độ tuổi từ 18- 50, không thường xuyên hoặc rất hiếm khi mắc phải ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Sự khuyết thiếu cảm xúc có thể do nhiều nguyên nhân, chủ quan hay khách quan, do gia đình có người thân mắc phải Tâm thần phân liệt hoặc do một tuổi thơ nhiều biến động và cả sang chấn tâm lý. Thế nhưng, những năm gần đây, tỉ lệ người trẻ mắc phải các vấn đề về tâm lý ngày càng nhiều, đặc biệt là các rối loạn về cảm xúc như: trầm cảm (Depression) , rối loạn lưỡng cực (Bipolar disorders – RLLC), v...v... Khuyết thiếu cảm xúc hay giảm biểu lộ tình cảm là một trong các triệu chứng trong hầu hết các căn bệnh tâm lý nêu trên.

1. Bạn có đang phải đối mặt với khuyết thiếu cảm xúc?

Khi một người trẻ mắc phải khuyết thiếu cảm xúc, họ thường tỏ ra thờ ơ và mất hứng thú với cuộc sống, công việc và cả những mối quan hệ tình cảm. Họ sống giống như một khách trọ, mà gia đình trở thành một nơi dừng chân tạm thời và đa số họ thường không có vẻ gì là chán nản, thờ ơ hay thất vọng. Họ giống như tất cả mọi người, làm tất cả các công việc thường ngày, một vài người có cuộc sống đầy ắp thành tựu và phong phú, thế nhưng họ không hề cảm thấy hạnh phúc hay buồn khổ, khi trở về nhà sau một ngày, họ rơi vào sự trống rỗng tột cùng.Khác với khủng hoảng hiện sinh, một rối loạn tâm lý khiến chúng ta hoài nghi bản thân, thường xuyên tự hỏi và ý nghĩa của bản thân với cuộc sống và xã hội. Những người khuyết thiếu cảm xúc thường không dành nhiều thời gian để tự hỏi bản thân, họ phớt lờ và thậm chí bỏ qua sự hiện diện của bản thân mình. Họ thờ ơ với bản thân và tất cả các sự vật xung quanh, họ rất có thể là một đồng nghiệp dễ tính đến mức dễ dãi, tất cả mọi công kích hay khiêu khích cá nhân đều không khiến họ có bất cứ động thái nào. 

" Tôi không thường để ý đến mọi việc ngoài phận sự của mình. Một ngày có một đồng nghiệp đến tìm tôi để tâm sự, dù trong lòng không muốn, nhưng tôi không thể từ chối được, câu chuyện của cô ấy thật nhàm chán, tôi không giải thích nổi cảm xúc của cô ấy. Mỗi ngày trở về nhà, tôi cầm điện thoại xem vớ vẩn rồi đi ngủ, sáng ngày mai tôi lại đến nơi làm việc, tôi không thấy cuộc sống như vậy có vấn đề gì. Tôi không giao tiếp với hàng xóm, giữ mối quan hệ bình thường với đồng nghiệp, không hay tụ tập bạn bè. Tôi không phải là người giỏi giữ các mối quan hệ, đa phần đều là do người khác chủ động"- N.T.N.A

Trong cuộc sống, những người khuyết thiếu cảm xúc không thường giỏi bộc lộ cảm xúc của chính họ, họ cũng khuyết thiếu đi sự đồng cảm, cuộc sống của họ giống như ranh giới giữa "bắt buộc" và "không bắt buộc". Đối với họ, vui, buồn, giận dữ hay hạnh phúc không nhất thiết buộc phải biểu lộ, đa số họ là những người không biết từ chối người khác, họ bỏ rơi cảm xúc của chính mình. Đôi lúc, họ thấy mệt mỏi, phiền toái khi phải lý giải hay chịu đựng cảm xúc của người khác, thay vì nói họ không hiểu thì chỉ đơn giản là họ gặp khó khăn khi lý giải cảm xúc của người khác. 

    Trong rạp chiếu phim đang chiếu một bộ phim tình cảm, khi nam nữ chính bắt buộc phải rời xa nhau, một vài người đã rơi nước mắt, một vài người lại dửng dưng. "Tôi thấy thật xấu hổ khi khóc ở nơi đông người!". Một vài người khuyết thiếu cảm xúc kiềm chế bộc lộ tình cảm vì họ không thể đồng cảm, nhưng một vài người vì không thể chịu được khi thể hiện cảm xúc. Họ được dạy rằng, khóc trước mặt người lạ là một chuyện đáng xấu hổ, lối sống khắc chế của người Châu Á đôi khi lại tạo ra những cá thể lạnh lùng. Vui, buồn, giận dữ hay ghê tởm là những cảm xúc cơ bản của con người, thế nhưng cuộc sống hiện đại khiến càng nhiều người kiềm chế thể hiện cảm xúc của mình chỉ vì sự phán xét của những người xung quanh.

    2. Nguyên nhân bạn giảm bộc lộ cảm xúc?

    Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, đa số các chứng rối loạn cảm xúc đều có liên quan đến di truyền, tỉ lệ mắc Tâm thần phân liệt chiếm 1% dân số, nhưng nếu trong gia đình có người thân có tiền sử Tâm thần phân liệt con số này sẽ tăng lên 12%, tức là gấp 12 lần tỉ lệ mắc bệnh. Tương tự, nếu gia đình có người thân trầm cảm thì nguy cơ mắc bệnh ở đời sau là cao. Những người mắc các chứng rối loạn cảm xúc, đều có một điểm chung là sự biểu lộ cảm xúc của họ có vấn đề, lúc thì quá phấn khích (hưng cảm), lúc lại quá u uất (trầm cảm) và đôi khi là hoàn toàn dửng dưng. 

    Sự khuyết thiếu cảm xúc cũng đến từ thời thơ ấu không mấy hạnh phúc, bạo hành gia đình, bỏ rơi cảm xúc từ cha mẹ, các sự kiện ám ảnh thời thơ ấu, v...v... là một trong các lý do quan trọng khiến bạn gặp khó khăn khi bộc lộ cảm xúc. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc thường có tỉ lệ mắc các chứng bệnh tâm lý khi trưởng thành cao hơn những người khác. Ngoài ra, dù sống trong sự chu cấp đầy đủ và lo lắng từ cha mẹ, một vài đứa trẻ vẫn phải đối mặt với sự bỏ rơi cảm xúc, một vài cha mẹ cho rằng cảm xúc của trẻ là không đáng có, không quan trọng. Việc bỏ qua cảm xúc của trẻ, khiến trẻ hiểu rằng cảm xúc của bản thân là không quan trọng, khiến trẻ từ bỏ việc bộc lộ bản thân, đơn độc tự đối mặt với cảm xúc của mình. Và khi đứa trẻ không thể tự thỏa mãn cảm xúc của chúng, chúng sẽ tự bỏ qua cảm xúc của chính mình.

    Cảm xúc là nền tảng để định hình bản thân, nếu từ nhỏ bạn đã không thể bộc lộ cảm xúc của chính mình thì bạn rất khó để phát huy điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình. Việc bỏ qua cảm xúc thời thơ ấu, cũng khiến bạn mất đi sự tự trọng của bản thân, không biết từ chối và dễ dàng hùa theo người khác. Một vài người khi trưởng thành cảm thấy tê liệt hoặc trống rỗng khi bộc lộ cảm xúc của chính mình hoặc thấy bất lực vì không thể điều khiển chúng. 

    " Hồi nhỏ có một lần bố tôi mua cho tôi một quả bóng bay, tôi rất vui, nhưng mà sau đó tôi không cẩn thận làm bóng bay bay mất, tôi òa khóc nức nở. Bố tôi cho rằng, là con trai thì không được khóc vì những chuyện nhỏ nhặt như vậy, ông ấy không để ý đến tôi, thậm chí còn tức giận khi tôi khóc quá lâu. Sau này, tôi không bao giờ rơi nước mắt trước mặt người lạ nữa, là đàn ông thì không được khóc. Dù vậy, đôi khi tôi không thể chịu đựng được, tôi thấy chơi vơi và không tìm được sự giải tỏa" -N.V.T

    Nguyên nhân của khuyết thiếu cảm xúc đôi khi lại đến từ chính môi trường xung quanh, một công việc nhàm chán cứ lặp đi lặp lại, một cuộc sống áp lực về mặt vật chất đều là nguyên do khiến bạn bỏ qua nhu cầu thể hiện cảm xúc hoặc mài mòn cảm xúc của chính bạn. Cuộc sống càng tốt, khiến áp lực phát triển xã hội tăng cao, đè nặng lên vai người trẻ những trách nhiệm với gia đình, với xã hội, khiến họ phải càng cố gắng thành công. Trong cuộc chạy đua không cân sức, họ chấp nhận bỏ qua nhu cầu cá nhân, trong đó có các nhu cầu về cảm xúc để biến mình thành các cỗ máy không biết mệt mỏi. 

    3. Hãy lắng nghe bản thân mình!

    Thể hiện cảm xúc khiến bạn dễ dàng đạt được sự thỏa mãn về mặt tinh thần, nuôi dưỡng và phát triển tình cảm với chính mình cũng quan trọng như việc giao tiếp với đối tác hay bạn đời. Khi bạn làm một công việc yêu thích, tìm kiếm sở thích của bản thân, từ chối những việc bạn không thích khiến cuộc sống của bạn dễ thở hơn rất nhiều. Các biện pháp trị liệu dành cho những người khuyết thiếu cảm xúc có rất nhiều, trong đó có khuyến khích họ bộc lộ cảm xúc của chính mình. Bạn có thể bắt đầu bằng việc viết nhật ký, kể lại những câu chuyện vụn vặt hằng ngày, viết lại tất cả vui buồn oán giận của bản thân, sau khi viết ra, bạn có thể đạt được một sự thỏa mãn nhất định. Dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, để chính mình được làm những gì bạn muốn, khi bạn thỏa mãn được cảm xúc của bản thân, việc bộc lộ cảm xúc của bạn với người khác là rất dễ dàng. Phương pháp tự hỏi cũng là một cách tốt khi bạn phải đối mặt với sự xấu hổ khi thể hiện cảm xúc của mình " Họ có đang thực sự quan tâm tới tôi không?" " Họ có thật sự cười nhạo tôi nếu tôi bộc lộ cảm xúc của chính mình?" Thật ra, đa phần mọi người đều không thực sự quan tâm, vì vậy hãy để bản thân được thoải mái với chính mình.

    Tác giả: Mặt bánh bao

    Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100008978685171

    --------------------------------

    Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

    (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

    ----------------------------

    Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

    1,358 lượt xem, 1,277 người xem - 1279 điểm

    lh-fulllh-x