Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Kỳ Vọng Ít... Thất Vọng Ít. Không Kỳ Vọng Sẽ Chẳng Thất Vọng

Giữa lúc đại dịch Corona đang hoành hành, một con bé rảnh rỗi chợt tìm thấy ý tưởng trong những bản dịch của mình. Tôi rất thích đọc báo, dịch những bài viết tiếng Anh, câu chuyện của những người nước ngoài, và từ đó tìm thấy cảm hứng của chính mình. Trong lúc đó, mượn cảm xúc từ hai bài viết “Expect Nothing, and You Have Nothing to Lose” và “How High Expectations Can Lead to Disappointment, Depression, and Anxiety”, tôi chợt tìm thấy cảm hứng của chính mình. Tôi nghĩ “Hay là mình viết về sự kỳ vọng, để tham gia vào cuộc thi Triết Học Tuổi trẻ nhỉ, nó sẽ đánh dấu cho một hành trình mới”. Tại sao lại lấy chủ đề này để bắt đầu? Vì tôi muốn mình tỉnh táo, liên tục nhắc nhở bản thân rằng “Không kỳ vọng nhiều, tôi sẽ được hạnh phúc”.


Tôi hỏi bạn “Trong cuộc sống của bạn, đã bao lần bạn bực bội, chán chường, khóc lóc khổ sở hay thậm chí có nghĩ đến chuyện tự kết liễu cuộc sống của mình chỉ vì hai chữ “Thất vọng”. Từ chuyện gia đình, công việc đến tình yêu ngay cả chuyện đi chơi thư giãn với đám bạn thôi cũng thất vọng vì chúng nó chẳng đến đúng giờ, đặt lịch một ngày và đến ngày đấy chẳng thấy mặt mũi đứa nào xuất hiện. Chỉ còn mình bạn với một sự hào hứng ngây ngất rồi đến một nỗi thất vọng chán chường. “Tao đang rất cao hứng cơ mà, chúng mày khiến tao thật thất vọng”. “Cụt hứng, mất hứng” là những từ tôi nghe thấy thường xuyên, thậm chí là xuất hiện ở chính miệng tôi và những đứa bạn. Nhưng bạn ơi, chỉ ta kỳ vọng và thất vọng. Người khác không cảm nhận được hay đồng cảm đâu. Cuộc sống này luôn là như thế, luôn vận hành theo cái cách ghì ta xuống và chẳng mấy khi đáp ứng kỳ vọng của ta. Những dòng đầu tiên bài viết “Expect Nothing, you Have Nothing to Lose”, người viết đã gửi đến tôi một thông điệp: “If you expect nothing, you open yourself up to a world where you're free from the weight of expectations”. (Nếu bạn không kỳ vọng điều gì, bạn sẽ mở ra một thế giới nơi bạn thoát khỏi sức nặng của những kỳ vọng). Và chỉ khi bạn thoát khỏi chúng bạn mới được hạnh phúc. Bạn nghĩ sao về câu này? 

Hãy cùng tôi phân tích một câu chuyện nhỏ xảy ra hàng ngày giữa ba mẹ và con trong các gia đình: “Một ngày người ba đi chơi mua về cho cậu con trai một bộ đồ chơi lego, cậu bé rất thích và nghĩ rằng cứ khi nào ba về cậu bé sẽ có đồ chơi mới. Nhưng không phải vậy, đó chỉ là một lần “ngẫu hứng” của người cha, lúc đấy nghĩ đến con và mua quà. Chứ không phải mục tiêu ngày nào cậu bé cũng có quà, người cha không có nhiều kinh phí, thời gian đến như vậy. Những ngày sau cậu bé cứ kỳ vọng rồi lại thất vọng; cho đến một ngày không có sự kỳ vọng đó nữa, cậu bé cũng không còn thất vọng”. Thất vọng đến khi cậu bé đặt nhiều hy vọng vào người cha nhưng cũng chính cậu đã không thất vọng khi không kỳ vọng. Phải không? 


Trẻ con cũng vậy, người lớn chúng ta cũng vậy. Chúng ta liên tục đặt “áp lực” lên chính chúng ta và đối phương, để rồi mọi thứ không xảy đến theo cách ta muốn, chúng ta lại thất vọng, trách móc, đau khổ và khiến mọi thứ tan vỡ. Các mối quan hệ cũng vì thế mà dừng lại. Cha mẹ đặt quá nhiều hy vọng vào con, thầy cô giáo đặt quá nhiều hy vọng vào học trò, và khi sếp đặt quá nhiều mong đợi vào nhân viên sẽ thất vọng vì “những người đang được đặt kỳ vọng kia” không thể đáp ứng hoàn toàn thậm chí là không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Nói một chút về tình yêu nhé, anh chàng ngày hôm qua đặt ly rượu bên môi bạn, bế bạn từ tầng lầu của quán bar nào đấy về phòng và hưởng thụ; cô nàng ngày hôm qua đang e ấp trong vòng tay bạn, cùng bạn xuống phố, đi xem phim? Họ đâu rồi? Có thể hôm nay bạn vô cùng hạnh phúc, trông mong vào cuộc sống tương lai của hai người nhưng ai biết ngày mai người đó lại đang “tay trong tay” cùng một người khác và họ đang tái diễn lại đúng cái cảnh mà bạn vừa trải qua ngày hôm qua. Vậy nên,  bạn tôi ơi, đừng kỳ vọng quá nhiều! Hãy tỉnh táo lên, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

“Phật giáo nói rằng chúng ta đang cố gắng tìm kiếm hạnh phúc, nhưng sự thật là hầu hết mọi người đều đi sai hướng”. Vậy hạnh phúc là gì, hạnh phúc ở đâu khi bạn xây dựng nó từ việc kỳ vọng vào người khác, vào những điều sẽ phải xảy đến theo ý muốn của bạn? Việc dựa dẫm vào một ai khác hay một điều gì khác sẽ không mang lại hạnh phúc vĩnh hằng. Cái họ nhận thấy chỉ là tuyệt vọng, trầm cảm và lo âu. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn những người mắc các bệnh trầm cảm, mắc các ca bệnh về trí não và tinh thần hay tự sát đều là những người có đổ vỡ trong hôn nhân, công việc, gia đình; họ là những người kỳ vọng cao vào năng lực bản thân và cuộc sống của họ. Con số này đang  tiếp tục tăng lên, tại Việt Nam và thậm chí cả những nước phát triển khác. Thực tế, tôi đang ngồi đây, cũng góp phần vào con số thống kê đó; và là nạn nhân của “sự kỳ vọng” do chính mình gây ra. Có biết bao đêm tôi chống tay ngồi dậy, uống cốc nước sôi và viết nhật ký. Chỉ khi nào giải tỏa hết ấm ức trong lòng, nước mắt đã cạn tôi mới thanh thản một chút và chìm vào những giấc ngủ sâu. Điều này không tốt, chỉ riêng việc thức đêm đã làm hại đôi mắt của tôi , bộ não và sức khỏe của tôi . Huống chi còn lại một mớ bòng bong những suy nghĩ trong đêm.


Vậy phải làm gì để ngăn chặn những tổn thương do “kỳ vọng” tạo ra?

Câu trả lời tốt nhất là không kỳ vọng. Nhiều người sẽ dễ dàng mắc phải cái bẫy rằng không kỳ vọng tức là chẳng suy nghĩ gì, lúc nào nằm dài ra đấy, và cứ thế để từng phút trôi qua một cách lãng xẹt. Đó không phải là “không kỳ vọng” một cách tích cực mà đó là hưởng thụ, là lãng phí thì giờ. Bạn có thể tạo ra một hy vọng nhưng hãy chuẩn bị tốt hy vọng đó có thể không xảy ra theo cách bạn muốn. Bạn mời một người bạn đến nhà chơi, bạn dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Sẽ thật tốt nếu người đó đến và tận hưởng cùng bạn, cùng trò chuyện với bạn nhưng nếu người đó không đến thì sao? Hãy tự hưởng thụ một mình, ăn và bật nhạc lên nghe; sau đó, dọn dẹp và tiếp tục công việc hàng ngày. Tôi cũng vậy. Có hai lần tôi mời một người bạn rất đặc biệt đến, một lần người đó đến và một lần thì không. Tôi đã không dành thời gian sau đó để khóc lóc đập phá hay trách móc vì sao người không tới và đổ đi những món ăn nguội tanh nguội ngắt do chính mình chuẩn bị, thay vào đó tôi ăn và dọn dẹp. Tâm hồn tôi vẫn giữ được bình yên và không xao động.

Hãy tìm kiếm hạnh phúc từ trong chính tâm hồn bạn và cả sự bình yên. Nếu bạn không kỳ vọng quá cao vào một tình huống, một câu chuyện nào đó, hay một người bạn, thì bạn sẽ có mọi thứ. Và trên hết là hạnh phúc. Nói cách khác, bạn mở lòng với mọi kết quả, bạn mỉm cười với mọi điều xảy ra trong cuộc sống.

                                                                                                                                           

Tác Giả: Lê Việt Hương

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/viethuong.le.509511

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +8,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info <3  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

8,168 lượt xem, 6,951 người xem - 6953 điểm