Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Làm Chủ Đời Sống Cá Nhân Để Hiệu Quả Trong Công Việc

     Làm Chủ Đời Sống Cá Nhân Để Hiệu Quả Trong Công Việc

Thông thường, mọi người nghĩ rằng để đạt được niềm hạnh phúc trọn vẹn, giảm xung đột và căng thẳng, ta phải giảm bớt công việc. Mặt khác, để tạo ảnh hưởng lớn đến thế giới và trở nên thành công theo các kiểu tiêu chuẩn của xã hội, ta phải đặt công việc lên trên hầu hết những thứ khác trong cuộc sống.


Đó là cách nghĩ “được ăn cả, ngã về không”, và nó đi ngược lại thực tế đời sống hàng ngày. Thực ra, nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều người trong chúng ta thật sự đạt được thành tựu to lớn không phải bằng cách hy sinh gia đình, bạn bè hay bản thân họ mà thay vào đó là nhờ họ giữ gìn những điều này trong cuộc sống. Bạn sẽ không khó khăn để thấy một người vừa thành công trong việc học tập hay sự nghiệp vừa có một gia đình êm ấm, thỉnh thoảng đến dịp lễ nào đó, họ lại đi chơi và nghỉ dưỡng cùng nhau. Cũng chẳng khó để bạn bắt gặp một người làm toàn thời gian, bận tối tăm mặt mũi, nhưng vẫn có thể dành thời gian cho việc tự học, cho gia đình và các hoạt động ngoại khóa. Những người bạn thấy đây đã tìm ra những cách sáng tạo giúp họ giảm bớt xung đột và thay thế chúng bằng sự hòa hợp giữa công việc và những mặt còn lại trong cuộc sống. Điều này không chỉ làm giảm căng thẳng và bất mãn mà nó còn là nguồn sức mạnh cho những thành tựu đáng nể sau này của họ.


Trong cuốn Leading the Life You Want (tạm dịch: Sống cuộc đời như bạn muốn), tác giả Stew Friedman đã mô tả những nhân vật chứng minh cho quan điểm này. Những người làm chủ được cuộc sống của mình cho thấy cách họ làm chủ những đam mê và sức mạnh của nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, và kết hợp tất cả để đạt được cái mà tác giả gọi là “thành công tứ bề” - những hành động giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn trong cả 4 khía cạnh (gia đình, sự nghiệp, bạn bè và chính bản thân họ), có thể sự thành công này không diễn ra cùng một lúc, nhưng nó diễn ra dần dần trong đời. Những người này ý thức rất tốt rằng những gì và những ai là quan trọng nhất với họ. Cách hành động của họ - ở trường học, công ty lẫn những nơi khác - xuất phát từ các giá trị của họ. Họ nỗ lực làm những gì có thể để cải thiện mọi thứ hơn cho những người quan trọng với họ, những người tin tưởng họ và những người họ tin tưởng. Việc có được tầm nhìn rõ ràng này ngay từ đầu giúp làm giảm xung đột, căng thẳng và áp lực trong cuộc sống của họ



(Đừng bỏ bê đời sống cá nhân chỉ vì công việc)


Việc bạn có “thành công tứ bề” hay không thực ra không hề liên quan đến việc bạn có tài năng phi thường hay nhiều may mắn hay không, mà nó là kết quả dành cho bất kỳ ai muốn nỗ lực làm chủ cuộc sống mà ở đó họ được là chính mình, giúp đỡ người khác, và được trưởng thành. Sự hòa hợp này và sự tập trung vào những gì thật sự quan trọng với bạn là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống ý nghĩa và bớt quá tải. Khi bạn tập trung vào những điều ý nghĩa, stress và áp lực sẽ giảm đi.


Muốn cân bằng cuộc sống này, hãy bắt đầu bằng 3 nguyên tắc: chân thật, trọn vẹn và sáng tạo.

Chân thật là hành động thật tâm làm rõ đâu là những điều quan trọng với bạn. Tức là trả lời câu hỏi cơ bản sau: Điều quan trọng nhất với mình là gì? Mình thật sự trân trọng những gì? Là gia đình? Các mối quan hệ? Là sự nghiệp cá nhân? Hay đam mê của bản thân?

Trọn vẹn là hiểu các mặt khác nhau trong cuộc sống ảnh hưởng đến nhau thế nào. Có nghĩa là bạn phải xác định ai là người quan trọng nhất với bạn ở trường học, công ty, ở nhà, và ở trong nhóm; hiểu rõ bạn cần gì từ những người khác, và bạn có gì để trao đi; và xét xem liệu các nhu cầu đó có phù hợp nhau không và chúng hợp nhau như thế nào.

Sáng tạo là hành động sáng tạo bằng cách thử nghiệm các cách giải quyết vấn đề tốt cho cả bạn và những người xung quanh - thực hiện các bước đi thực tế nhằm đạt được thành công tứ bề; tại nơi làm việc, tại nhà, trong nhóm và cho bản thân.


Sau đây là 1 ví dụ về cách các kỹ năng trên được áp dụng trong cuộc sống mà tác giả Friedman và nhóm cộng sự của ông đã nghiên cứu (Link tiểu sử của nhân vật được để ở cuối bài):


Tom Tierney là nhà đồng sáng lập của Bridgespan, cựu CEO của công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company lớn mạnh, và là tác giả của quyển sách hướng dẫn từ thiện Give Smart. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, Tierney luôn tìm kiếm những cách thức sáng tạo để sắp xếp hài hòa các khía cạnh trong cuộc sống của mình. Ông xây dựng các tổ chức khuyến khích sự phát triển cá nhân qua những thành quả giá trị chứ không phải qua số giờ có mặt tại công ty, và qua cách tạo động lực cho mọi người bằng một tầm nhìn truyền cảm hứng về việc góp phần vào điều tốt đẹp hơn. Ông sớm hiểu rằng dù muốn thành công về tài chính lẫn sự nghiệp, mình vẫn phải ưu tiên cho gia đình. Hiểu được điều này và dù đang trong quá trình leo thang cấp bậc tại Bain để trở thành CEO, ông vẫn không làm việc vào cuối tuần. Thay vào đó, ông dành nhiều thời gian cho các con trai, dạy con thành hướng đạo sinh cấp Đại Bàng. Tránh việc làm việc vào cuối tuần - hành động vốn dĩ đi ngược lại quy chuẩn, thậm chí là cực đoan - đòi hỏi tính kỷ luật và khả năng kiên định tập trung vào những điều quan trọng nhất. Tom nổi tiếng hay trầm ngâm, viết nhật ký hàng ngày và dành thời gian xem lại nhật ký cá nhân hàng năm, tự hỏi, “Mình có đang sống theo các giá trị của mình không?”. Việc này giúp ông ý thức và thận trọng đưa ra những lựa chọn phù hợp với các giá trị của riêng mình, tốt cho những người quan trọng trong gia đình và công việc, cũng như cho bản thân ông.


Dĩ nhiên, không ai nắm bắt hoàn toàn được số phận của mình. Tierney chỉ là một trong số rất nhiều những nhân vật khác được tác giả Frideman mô tả là những con người bình thường như tất cả chúng ta, cũng trải qua các bi kịch và mất mát, và cũng phải học cách thỏa hiệp. Nhưng họ đều có thể đạt được thành công to lớn vì họ có khả năng biết đâu là điều quan trọng nhất với họ - và sau đó ý thức và cẩn thận điều chỉnh hành động, trong công việc cũng như trong những khía cạnh còn lại của cuộc sống, theo những cách phù hợp với các giá trị cốt lõi của họ. Khi bạn làm được như thế, các khía cạnh trong cuộc sống sẽ ít xung đột nhau hơn. Mọi người sẽ hiểu được điều gì quan trọng nhất với bạn và gia đình bạn, và những người quan trọng ngoài công việc cũng biết điều đó. Như thế, họ có thể giúp bạn theo đuổi và làm những gì quan trọng với bạn nhất.


Nhìn từ xa, những điều mà Tierney đạt được có thể trông tương đối dễ dàng. Có thể bạn sẽ bảo, “Nếu có tiền và được trợ giúp nhiều như các doanh nhân vĩ đại hoặc những người giỏi giang này, thì tôi cũng có thể kiểm soát được vận mệnh, chọn giờ làm việc, và cống hiến cho những điều giá trị.” Nhưng bạn nên nhớ rằng trong mỗi trường hợp mà nhóm cộng sự của Friedman nghiên cứu, họ đều nhìn thấy một khuôn mẫu rằng những người đạt được thành công đều là những người làm việc cật lực và kiên trì phát triển những kỹ năng giúp họ thu hút người khác theo mình và cùng nhau hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn. Họ đều phạm sai lầm khi lựa chọn, và vì quyết tâm cải thiện và khai thác triệt để tài năng bẩm sinh của mình, họ có thể học hỏi từ những sai lầm đó. Dù gần như bắt đầu bằng “hai bàn tay trắng”, họ vẫn bền chí, chính nhờ quyết tâm cống hiến cho gia đình, nhóm, và bản thân, chứ không phải nhờ mặc kệ các khía cạnh đó.


Nghiên cứu của Friedman đã khiến tôi tin rằng bất kỳ ai cũng có thể thực hành các kỹ năng làm chủ này và tăng cơ hội tìm thấy sự tự do và sự hòa hợp.



Vì mỗi chúng ta đều phải đối mặt với các thử thách và có các ưu tiên khác nhau trong cuộc sống, nên bước cơ bản đầu tiên là tìm ra điều quan trọng nhất đối với bạn. Bằng cách này, bạn có thể bắt đầu thử nghiệm vài cách thức mới để giải quyết vấn đề nhằm làm giảm căng thẳng và áp lực gây ra do xung đột giữa công việc và các khía cạnh còn lại trong cuộc sống. Việc này có thể bao gồm việc tìm hiểu một công việc mới, học cách chơi một nhạc cụ, dành thời gian mỗi ngày để chiêm nghiệm về các giá trị và sứ mệnh, chia sẻ tầm nhìn về tương lai của bạn với bạn bè và đồng nghiệp, và cho họ biết họ là một phần trong đó như thế nào và vì sao như vậy, đảm bảo dành thời gian cho con cái, thường xuyên thoải mái loại bỏ ảnh hưởng của công nghệ (không sử dụng công nghệ), hoặc mời bạn bè và đồng nghiệp tham gia một hoạt động mà mọi người đều thích. Những hoạt động này có thể giúp bạn tạo ra giá trị cho từng khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của mình.


Quan trọng là bạn phải thử, dù chỉ trong vài tuần, sau đó xem mình học được gì từ các thử nghiệm rồi từ đó nghĩ ra ý tưởng cho các hoạt động mới và cứ liên tục sáng tạo như thế.


Chúc các bạn thành công!


(Link tiểu sử nhân vật: https://en.wikipedia.org/wiki/Thomas_J._Tierney

và nơi ông làm việc: https://www.bridgespan.org/about-us/team-members/thomas-j-tierney


Tác giả: Bút Xanh

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

530 lượt xem, 526 người xem - 543 điểm