Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Làm Gì Khi Bạn Thiếu Quyết Tâm Thay Đổi

Đã bao giờ bạn phá vỡ quy tắc của mình chưa?


Hút lại thuốc lá chỉ sau 3 tuần thực hiện việc cai thuốc hoặc quá lười để đảm bảo mình uống đủ 1,5 - 2 lít nước một ngày.


Sau nhiều lần phá vỡ cam kết của bản thân và thậm chí còn đi xa tới mức lờ tịt đi mục tiêu của mình, tôi nhận thấy rằng vấn đề của tôi hay những người bắt đầu thay đổi cuộc sống của mình chính là họ không có khả năng kiên trì với con đường mình đã chọn. Hầu hết những lời hứa đầu năm của mọi người đều thất bại trước khi bước sang năm tiếp theo. Nhiều người mặc dù đã cam kết với bản thân sẽ được được mục tiêu nào đó nhưng về sau lại phá vỡ những cam kết để đạt được mục tiêu này. Phá vỡ cam kết thực hiện mục tiêu và phá vỡ cam kết với bản thân chính là một trong những ảnh hưởng gây tổn hại lớn nhất đến khả năng tạo ra những sự thay đổi vĩnh viễn của bạn. Tôi đã qua giai đoạn phải đấu tranh với lí trí về việc từ bỏ hay níu giữ điều này điều kia, vì tôi đã tìm ra cách để quản lí bản thân mình tốt hơn và kể cả khi tôi lỡ phá vỡ cam kết nào đó của bản thân, ví dụ như trong suốt 3 ngày không được nghe nhạc của NCT chẳng hạn thì tôi vẫn có thể tìm cách khắc phục nó bằng một hành động khác, mà hành động này có thể giúp tôi tiếp tục động lực để thực hiện kế hoạch tiếp theo.


Một điều tôi để ý thấy rằng phần lớn các tác giả ở lĩnh vực phát triển bản thân (self-help authors) lại đưa ra các lời khuyên, mà theo tôi, là khá chung chung và không có giá trị. Và chúng hầu hết còn như nhau nữa. 

“Đừng phá vỡ cam kết.”

“Hãy kỷ luật.”

“Người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc và người bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng”

Arpi Park, một Youtuber đến từ Nhật Bản đã làm một video nói về vấn đề lời khuyên “self-help” trên mạng: “Hầu như chúng đều vô ích.”  


Tuy nhiên, bạn hãy bình tĩnh, không phải việc phá vỡ cam kết là một điều tồi tệ vì khi bạn phá vỡ cam kết, có thể điều ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của bạn chính là bạn sẽ tận dụng điều đó để củng cố quyết tâm, sự kiểm soát kế hoạch của bạn trong tương lai, đồng thời gia tăng mức độ quyết tâm của bạn. Trước đây, khi phá vỡ một cam kết, tôi thường hay mắng nhiếc bản thân mình, hoặc bỏ cuộc, hoặc tôi lại bày ra hàng trăm lí do để biện minh cho việc phá vỡ cam kết của mình, và kết quả thì chẳng bao giờ tích cực cả. Hiện tại, tôi đã không còn như trước nữa, và tôi đã sẵn sàng chia sẻ với bạn quá trình hồi phục của tôi sau khi sự cam kết bị phá vỡ để gia tăng sự quyết tâm và sức mạnh ý chí của bạn.


Phải nói thêm rằng, dù quá trình hồi phục sau khi cam kết bị phá vỡ của tôi có thể có hiệu quả, tôi không khuyến khích bạn phá vỡ cam kết của mình. Suy cho cùng, việc phá vỡ cam kết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tạo ra sự thay đổi của bạn và bạn nên cố gắng tránh chúng. Nói một cách đơn giản, việc bạn nghĩ rằng khi tay chúng ta bị gãy, chúng ta có thể bó bột và từ từ chữa lành cánh tay thì việc mặc sức vung tay đấm bốc quá chớn hay điều khiển giao thông một cách hời hợt, dù xảy ra tai nạn cũng được là một ý kiến hay. Mặc dù vậy, nếu bạn đã phá vỡ cam kết của mình, bài viết này sẽ gợi ý cho bạn vài cách khắc phục.


1. Phạt hành vi, khen con người



Đa số chúng ta làm gì khi phá vỡ cam kết? Câu trả lời rất đơn giản. Biện minh.


Biện minh là cách khiến tâm trí chúng ta tránh bị đau. Bằng cách đưa ra một lý do hợp lý cho việc vì sao bạn lại làm sai việc gì đó, nó khiến bạn cảm thấy bản thân mình tốt đẹp dù bạn đã làm ra điều tồi tệ nào đó. Uống một cốc trà sữa big size đù muốn ăn kiêng chắc cũng không sao vì hôm nay là sinh nhật của mình mà. Ngừng tập thể dục một tuần chỉ vì tuần qua đã làm việc rất mệt mỏi cũng không sao vì mình xứng đáng được nghỉ ngơi. Biện minh là cách có hại nhất khi giải quyết việc trì hoãn hay phá vỡ cam kết. Bời vì bạn chỉ đang cố tìm cách để tránh giải quyết vấn đề, và tệ hơn, bạn coi hành vi đó là điều có thể chấp nhận được. Thay vì hành động để sửa chữa sai lầm của bản thân, bạn lại đang biện minh cho hành vi của mình. Điều này có thể sẽ giúp bạn không phải trải qua những nỗi đau tạm thời nhưng nó sẽ phá hủy khả năng duy trì cam kết của bạn trong tương lai. Càng biện minh nhiều, bạn càng cách xa cuộc sống bạn có thể có được.


Trong một diễn biến khác, có thể bạn không cố biện minh gì cả. Có thể bạn sẽ chỉ tự trách bản thân mình. Dù đây là một cách giải quyết tốt, nhưng nó không phải là cách giải quyết tối ưu. Việc chỉ trích bản thân có thể có điểm tốt là nó làm bạn “cảm nhận” được nỗi đau khi cam kết bị phá vỡ. Hãy phân tích sâu hơn một chút, nếu bạn không ăn kiêng thành công và tự trách bản thân trong suốt một tuần, não của bạn sẽ tránh phá vỡ cam kết đó trong tương lai theo bản năng. Tuy nhiên, vấn đề của hành động tự chỉ trích này chính là nó phá hủy sự tự tin của bạn. Tự chỉ trích phá vỡ nhận thức về bản thân của bạn. Khi bạn lại ăn đồ ngọt dù đã thực hiện cam kết không đụng đến chúng sau một tuần, nếu bạn tự chỉ trích mình về chuyện này trong nhiều ngày, sự tự tin của bạn sẽ bị tổn hại đến mức bạn sẽ từ bỏ kế hoạch ăn kiêng của mình chỉ không lâu sau đó. Bạn sẽ có những ý nghĩ rằng bạn là một kẻ vô kỷ luật, ngu xuẩn hay thất bại. Hủy hoại sự tự tin nội tại và niềm tin vào khả năng thay đổi của bản thân sẽ khiến bạn mất đi khả năng kiểm soát chính mình.


Tôi đã từng biện minh và cũng đã tự trách bản thân nhiều lần sau khi phá vỡ cam kết và tôi có thể nói với bạn rằng chẳng có cách nào hiệu quả hết. Biện minh khiến bạn chấp nhận những tiêu chuẩn thấp hơn tiêu chuẩn bạn đề ra sau mỗi lần phá vỡ cam kết, còn tự chỉ trích sẽ tước đi sự tự tin của bạn đến mức bạn sẽ không còn dũng khí để đưa ra bất kỳ quyết định nào và thực sự theo đuổi giấc mơ của mình. 


Vậy lựa chọn tối ưu tôi chọn là gì? Phạt hành vi, khen con người. Chiến lược này có 2 mục đích: bằng cách phạt hành vi, bạn sẽ làm bản thân đau đớn vì đã phá vỡ cam kết, từ đó tránh tái phạm; khen con người giúp bạn xây dựng lại sự tự tin của mình nên nhận thức về bản thân của bạn không bị ảnh hưởng. Bằng cách này, một cam kết bị phá vỡ có thể được khắc phục nhanh chóng hơn.


Để tôi giải thích rõ hơn một chút.

Phạt hành vi: Bước này tương tự như chỉ trích bản thân. Tuy nhiên, nó hướng vào hành vi, chứ không phải bản thân bạn. Nếu bạn ăn kiêng không thành công, đừng biện minh mà hãy công nhận thiếu sót của mình. Hãy thừa nhận rằng bản thân mình đã bị đồ ngọt hoặc các đồ uống pha chế có đường “quyến rũ” và hãy bắt đầu hướng năng lực tiêu cực đến hành vi, chứ không phải bản thân bạn. Ví dụ, nếu không thể ngừng việc thức khuya hoặc thức trắng một đêm, bạn hãy tự nhủ rằng, “Thức đêm là một thói quen xấu vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mình, cơ thể cần được nghỉ ngơi đúng lúc”, thay vì, “thức khuya là một thói quen không thể chấp nhận được, sao mình lại vô kỷ luật như vậy chứ?”

Khen con người: nghĩa là xây dựng lại sự tự tin khi giải quyết vấn đề trong tương lai. Hãy kết nối tâm trí bạn với tất cả những cam kết mà trước đó bạn đã duy trì được, dù nó nhỏ đến mức nào đi chăng nữa. Nếu bạn từng đạt một mục tiêu hay tạo ra sự thay đổi nào đó, hãy tập trung vào nó. Điều cốt yếu ở đây là bạn đang dần dần xây dựng lại sự tự tin vào khả năng của bạn. Nếu không có nó, bạn sẽ không thể duy trì cam kết.


2. Phát triển chiến lược

Vì sao bạn lại phá vỡ cam kết của mình?



Nếu bạn không thể trả lời câu hỏi đó, bạn sẽ rất khó sửa lỗi. Bằng cách phát triển một phương pháp và chiến lược hoàn toàn mới để duy trì cam kết hay lời hứa trong tương lai, bạn sẽ nâng cao cơ hội thành công trong tương lai của mình lên rất nhiều. Xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp sẽ giúp củng cố chiến lược duy trì cam kết.


Đầu tiên, hãy liệt kê một danh sách các lí do vì sao bạn thất bại trong việc duy trì cam kết. Hãy đảm bảo rằng các lý do này hướng đến các nhân tố hành vi và môi trường bên ngoài, điều mà bạn nếu cố gắng sẽ kiểm soát được chứ đừng đổ hết lỗi lên đầu mình. Thực tế thì bản chất của việc “vạch lá tìm sâu” này khá giống với biện minh, vì bạn cũng đang cố gắng tìm ra các nhân tố bên ngoài, có thể kiểm soát được, khiến bạn phá vỡ cam kết. Tuy vậy, nếu bạn tìm ra chúng, bạn có thể sửa chữa và thay đổi chúng. Điều khác biệt ở đây là khi cố biện minh, bạn không có ý định thay đổi các nhân tố khiến cam kết bị phá vỡ. Biện minh, theo một cách nói khác, đơn thuần chỉ là cách bạn tránh né nỗi đau.


Bên cạnh đó, dù các nhân tố bên ngoài chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả của bạn, nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn phải nỗ lực có ý thức. Khi tôi cố gắng hoàn thành xong bài luận tốt nghiệp của mình vì chỉ còn 2 ngày nữa là đến hạn nộp thì bạn tôi lại mời tôi đến một bữa tiệc sinh nhật mà tôi biết chắc rằng  cuộc vui đó sẽ diễn ra thâu đêm và có khi đến hết ngày hôm sau, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chạy deadline của tôi. Thế nhưng tôi đã không để điều đó xảy ra. Tôi chỉ tham gia ½ bữa tiệc, chân thành chia sẻ khó khăn của tôi cho bạn mình đồng thời thật lòng chúc mừng sinh nhật bạn tôi khiến tôi có thể được bạn mình “giải phóng” trước khi cuộc vui tiếp theo bắt đầu. Sau đó, tôi sẽ lại có thời gian để chỉnh sửa thêm bài luận tốt nghiệp của mình. Bạn thấy đấy, nhân tố ảnh hưởng ở đây luôn là chính bạn, chiến lược mới có thể giúp bạn nhưng nó không thể thay thế sự kiên trì của bạn. 


Từ danh sách các trở ngại đã lập ra, hãy đánh giá chúng xem liệu bạn có thể cải thiện cái nào trước, hoặc nhân tố nào là nhân tố then chốt khiến bạn mất tập trung và cần phải loại bỏ ngay lập tức. Hãy lập ra cho mình một kế hoạch chi tiết vì rất có thể việc loại bỏ các nhân tố bên ngoài này sẽ mất thời gian và công sức, nếu không có một kế hoạch thực hiện tỉ mỉ, tôi sợ rằng bạn sẽ lại thất bại một lần nữa. Và vì các nhân tố này hầu hết là nhân tố đến từ bên ngoài, nên tôi tin rằng, nếu bạn kiên định, bạn có thể tránh được các trở ngại đang ngáng đường bạn.


3. Sửa đổi cam kết

Với tin thần và chiến lược mới được xây dựng lại, đây là lúc bạn sửa đổi cam kết.



Vâng, bạn không nghe nhầm đâu. Tôi nói là bạn nên sửa lại cam kết của mình. Vì sao ư? Vì rất có thể cam kết của bạn chỉ là một sự kiện xảy ra 1 lần và đã hết thời hạn thực hiện nó, vậy thì giờ bạn phải cam kết mình sẽ hành động khác đi trong tương lai. Nếu bạn lỡ nổi giận với một người mà bạn yêu quý, cam kết của bạn bây giờ sẽ là hạn chế tối đa việc nổi nóng và “giận cá chém thớt” của mình, và ta cũng cần nên xin lỗi khi điều đáng tiếc xảy ra nữa. Một cam kết mới là giai đoạn quan trọng cuối cùng trong quá trình phục hồi nhận thức về bản thân và khả năng duy trì cam kết trong tương lai.


Một điều khác cũng quan trọng chính là xem cam kết này là điều bắt buộc trong cuộc sống của bạn. Nếu không lập ra các tiêu chuẩn không thể phá vỡ cho cam kết mới này, bạn sẽ có nguy cơ tái phạm. Sự tái phạm còn ảnh hưởng đáng sợ hơn gấp nhiều lần việc bạn vi phạm lần đầu. Ông bà ta có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại” mà, mỗi lần phá vỡ cam kết, mức độ tổn hại lại lớn hơn lần trước rất nhiều.


Vậy làm cách nào để bạn có thể bắt đầu cam kết mới của mình? 

Một cách tuyệt vời để bắt đầu sự thay đổi chính là thực hiện một nghi thức. Một nghi thức điên rồ, kỳ lạ và mạnh mẽ thường có thể tạo ra một sự chuyển biến trong bản ngã nhằm thay đổi cam kết của bạn. Trong nhiều nền văn hóa, các bộ tộc thường thực hiện các nghi lễ tôn giáo tạo ấn tượng mạnh đánh dấu thời điểm trưởng thành của các thanh thiếu niên, giống như Lễ Thành Nhân ở Nhật Bản. Những nghi thức này được sử dụng để tạo sự chuyển biến nhận thức về bản thân. Bạn cũng có thể sử dụng sức mạnh của nghi thức này để tạo động lực cho bản thân sau mỗi sai lầm. 


Lời kết:

Phá vỡ cam kết chẳng phải là chuyện vui gì, vì nếu chúng ta liên tục lặp lại sai lầm cũ, chúng ta không thể nào tiến thêm một bước nào trong hành trình thực hiện mục tiêu của mình. Điều quan trọng là bạn có sẵn sàng thay đổi bản thân hay không, vì suy cho cùng, những điều mà tôi gợi ý cho bạn cũng chỉ là gợi ý mà thôi, nếu bạn không thực hiện chúng thì chẳng có cách nào giúp bạn được cả. Cuối cùng, đừng sợ hãi mà hãy dấn thân. Đừng vì thất bại ban đầu mà bỏ lỡ những thành công tuyệt vời phía trước. Chúc bạn thành công. 


Link video của Arpi Park, các bạn có thể xem nó nếu thấy thích:

https://www.youtube.com/watch?v=AcoUc74uAJs 

Tác giả: Bút Xanh  

 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,685 lượt xem, 1,638 người xem - 1645 điểm