Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Làm Sao Để Rút Ngắn Khoảng Cách Thế Hệ Giữa Bố Mẹ Và Con Cái?

 

Ngày xưa, cái hồi bố, mẹ bằng tuổi mày…”

Bạn nghe câu này có thấy quen thuộc không?

Bạn đã từng thắc mắc vì sao giữa bố mẹ và mình không thể có tiếng nói chung, từ những điều tưởng vụn vặt như công việc nhà, như việc điểm số trên trường lớp đến những việc to lớn như công việc sau khi ra trường, mơ ước, định hướng nghề nghiệp yêu thích, các mối quan hệ và chuyện tình yêu, chuyện hôn nhân, con cái. Vì sao bố mẹ cứ cấm cản mình hay vì sao con cái lại không hiểu lòng bố mẹ?

Khoảng cách thế hệ (Generation Gap) là khoảng ngăn cách giữa những suy nghĩ, hành động, lối sống và tư tưởng của hai thế hệ khác nhau. Việc hệ quy chiếu của mỗi người khác nhau dẫn đến bất đồng quan điểm, và không có tiếng nói chung của thế hệ trẻ hơn so với các thế hệ trước đó.

Bạn công nhận chứ, khoảng cách thế hệ giữa các bậc phụ huynh và con cái mình không phải là khái niệm mới nữa. Nhưng nó vẫn là chủ đề được rất nhiều nười quan tâm, đặc biệt trong thời đại bùng nổ internet, với những thiết bị công nghệ số thông minh vô tình đẩy khoảng cách hai thế hệ xa dần. Hơn nữa, giới trẻ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ của văn hóa hội nhập nên cách nhìn nhận và suy nghĩ cũng khác biệt với bố mẹ mình.


Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện có thật.

Vào Tết năm 2016, khi tôi đang đi dự đám cưới của cô bạn cấp II, thì vào ngay buổi chiều hôm đấy biết tin một cô bạn khác vừa nhảy cầu tự tử.

Sự hoang mang và vô vàn những dấu chấm hỏi không giấu nổi trên khuôn mặt từng đứa bạn. Tại sao lại xảy ra sự việc đau lòng như thế?

Cậu ấy vốn là một cô gái hiền lành, ít nói và sống rất thật thà, vì cớ gì mà chọn kết thúc cuộc đời khi đang còn rất trẻ, để lại đau đớn và những lặng thinh không một lời hồi đáp cho người ở lại.

Chắc hẳn cậu ấy phải chịu đựng rất nhiều, đến khi không thể giải tỏa được thì chọn cách chấm dứt cuộc đời.

Chúng tôi được biết, trước lúc ra đi cậu và gia đình có xảy ra mâu thuẫn, nguyên nhân là cậu yêu một anh ở Gia Lai, nhưng gia đình cậu phản đối, vì uất nghẹn, tủi hờn và đau khổ cậu bỏ nhà lên cầu và nhảy xuống.

Đây không phải trường hợp hiếm gặp nhưng cũng bởi vì hàng ngày chúng ta chứng kiến biết bao vụ tự tử, những người đó họ chọn cái chết để giải thoát cho mình và người ở lại phải chịu tang thương, vậy có bao giờ chúng ta nghĩ lý do gì mà đau khổ chồng chất, lý do gì mà họ đến bước đường cùng như thế?

Xã hội vẫn cho rằng, những đứa trẻ đó bồng bột, ngây dại nhưng đâu phải chúng không biết nghĩ, đúng không? Chúng đã nghĩ rất nhiều, có khi chúng già dặn và sâu sắc hơn chúng ta rất nhiều. Người lớn nhiều lúc chỉ biết đổ lỗi cho những đứa trẻ đó, rằng chúng non nớt, chúng bị cám dỗ, bốc đồng và ngu ngốc nhưng người lớn chúng ta đã bao giờ tự nhìn lại mình, liệu mình có phải nguyên nhân để các con không còn đường nào lùi đành phải chọn cái chết?

Khi có gia đình rồi, tôi mới hiểu, để sinh một đứa con đã khó nhưng nuôi dạy chúng nên người còn khó gấp trăm nghìn lần. Chúng ta luôn nói một câu khiến những đứa trẻ chịu tổn thương: “Biết vậy tao đã chẳng sinh mày ra, để bây giờ mày làm khổ tao”. Liệu khi nói ra những lời đó, các bậc cha mẹ có nghĩ đến cảm nhận của đứa con?

Tôi là người hiểu hơn ai hết, nỗi tủi hờn khi bố mẹ không tin tưởng mình, luôn áp đặt và cấm đoán mọi thứ tôi làm, ngay cả việc kết bạn và làm những gì tôi thích. Đã có một thời gian tôi không muốn nói chuyện với bố mẹ, dù rằng đó là người đã sinh ra tôi, nhưng chưa một lần hiểu tôi muốn gì.

Thật vậy, đến khi trưởng thành rồi, tôi mới nhận thấy người lớn đôi khi vẫn khó hiểu như vậy đấy. Luôn ép buộc con cái mình phải làm theo những gì họ mong muốn, ngăn cản con được theo đuổi ước mơ, cấm con yêu và bắt con học thật nhiều. Dù biết bố mẹ nào cũng mong dành những điều tốt nhất cho con cái mình, nhưng dường như họ đã sai, thật sự sai mất rồi.

Nếu thời điểm đó, giá mà bố mẹ biết rằng hãy để con cái mình được sống một cuộc sống đúng nghĩa, người lớn muốn các con đi đúng đường thì có nhiều cách nhưng tuyệt nhiên đừng cấm đoán hay áp đặt chúng. Bố mẹ chúng ta cứ nghĩ, là con mình thì mãi mãi chúng là trẻ con. Người lớn có quyền định hướng nhưng việc quyết định hãy để tự các con làm, bởi khi tự mình đưa ra những quyết định nghĩa là con trẻ biết từ lúc đó chúng phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình, có trách nhiệm với việc chúng làm và cuộc đời chúng đang sống.

Bố mẹ luôn dạy con cái mình đừng bao giờ ích kỷ, nhưng đã khi nào họ thật sự đặt mình ở vị trí những đứa con để hiểu chúng cần gì, mong mỏi điều gì nhất. Đã bao lâu rồi, bố mẹ và chúng ta chưa ngồi lại và tâm sự với nhau, về những ước mơ, những khó nhọc và cả áp lực các con đang trải qua. Bố mẹ chúng ta đã bao giờ thật sự tin tưởng con cái mình?

Tôi đã chứng kiến cảnh một cậu học sinh lớp chín phải gào lên và trào nước mắt khi cãi nhau với bố mẹ, cậu nắm tay và đấm mạnh vào cửa đến bật máu chỉ vì áp lực học hành, cậu luôn bị tra hỏi về điểm số, về hạnh kiểm, về rất nhiều thứ trên trường lớp.

“Tại sao lúc nào bố mẹ cũng hỏi con được bao nhiêu điểm, có được học sinh giỏi không? Tại sao chưa một lần bố mẹ hỏi con có mệt mỏi không, có áp lực hay vất vả gì không, sao người lớn luôn áp đặt và đòi hỏi mọi thứ?”

Tôi đã từng trải qua giai đoạn khủng hoảng như vậy, đến độ không muốn chia sẻ bất cứ điều gì với bố mẹ chỉ vì một điều bố mẹ không tin tưởng tôi.

Để các con trưởng thành và nhận thức đúng đắn các bậc làm cha mẹ phải kiên nhẫn thật nhiều, không phải cứ cho con điều kiện thật tốt thì các con sẽ nên người và thành đạt. Hãy yêu thương con mình đúng cách.

Đừng bắt con cái phải học những thứ chúng không thích, hãy tôn trọng quyết định của các con. Nếu chúng cần lời khuyên hãy khuyên bảo nhẹ nhàng.

Cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến khoảng cách thế hệ ngày càng gay gắt

Thực trạng hiện nay của rất nhiều gia đình đó là: bố mẹ bận rộn kiếm tiền ngoài xã hội nên gần như không có thời gian để tâm sự, chia sẻ và lắng nghe những suy nghĩ của con cái, dẫn đến việc cứng nhắc, áp đặt suy nghĩ của mình lên các con, tự quyết định tương lai thay vì ngồi xuống nghe các con chia sẻ.

Không có sự đồng điệu trong cách nghĩ của hai thế hệ

Khoảng cách giữa hai thế hệ thật sự là rào cản rất lớn, những sự khác nhau trong suy nghĩ, cách sống, quan niệm, hướng đi khiến bố mẹ và con cái không thể có tiếng nói chung và vô tình những điều đó đẩy khoảng cách xa hơn. Bố mẹ thì luôn cho rằng những gì mình làm thực sự là tốt nhất cho con nhưng con cái lại cho đó là sự cấm đoán, lạc hậu và nghiêm khắc.

Nghiêm khắc thể hiện ở việc thay vì hỏi con nguyên nhân và cùng nhau tìm ra giải pháp, thì lại quát mắng khi con mình phạm lỗi sai. Và thay vì an ủi, động viên, chia sẻ để con có thêm động lực thì bố mẹ lại dùng biện pháp phạt, bạo lực về thể xác và tinh thần, hay bày tỏ sự thất vọng, xấu hổ và so sánh. Con cái sẽ có suy nghĩ rằng bố mẹ không yêu thương mình, Sự không thấu hiểu đó đẩy hai thế hệ xa nhau hơn và mãi mãi khó tìm được sự đồng điệu trong bất cứ việc gì.

Hoặc chúng ta vẫn thường chứng kiến những sự việc đau lòng, như các con bị điểm kém, trượt Đại học và những nỗi sợ đeo bám khi đối mặt với bố mẹ, dẫn đến nghĩ quẩn. Bố mẹ sẽ đau lòng và thắc mắc vì sao con không tâm sự và mở lòng, trong khi con lại chọn cởi mở với bạn bè hay những người xa lạ, mà không hề biết, bố mẹ trước đó đã đánh mất cơ hội được thấu hiểu con bằng việc quát mắng hay đòn roi.


Không quan tâm đến những cảm xúc của con mình

“Bố mẹ ơi hôm nay con được học bổng”

“Mày lại quay cop chứ gì?”

“Bố mẹ ơi, con được vào đội tuyển học sinh giỏi”

“Liệu mà học hành cho nghiêm túc, không được giải thì bôi tro vào mặt bố mẹ đấy, biết không?”

Bạn nghe thấy quen chứ?

Thay vì động viên, khen ngợi và cho con niềm tin rằng con sẽ làm tốt thì đa phần, đặc biệt là bố mẹ ở tỉnh lẻ sẽ gạt phăng đi những tâm sự và cảm xúc của con. Cho đến khi thành tích không được như kỳ vọng, hay con cái làm một điều gì sai sẽ chỉ trích, la mắng. Chính điều này làm con mất đi sự tự tin, tự chủ, trách nhiệm, vì cho rằng dẫu có làm tốt thì cũng không được ai công nhận. Đó là lý do quen thuộc của rất nhiều gia đình khiến mối quan hệ bố mẹ và con cái đi vào ngõ cụt, bởi chỉ có sự tách biệt chứ không hề có sự đồng cảm hay hòa hợp.

Bố mẹ luôn thiên vị đứa con nào đó trong gia đình mà “quên lãng” đứa còn lại

Lẽ thường thấy của rất nhiều gia đình, đó là trong hai, ba, bốn đứa con luôn có một đứa được giành sự yêu thương, chiều chuộng nhất. Sự thiên lệch trong tình cảm đó khiến những đứa con còn lại cảm thấy mình bị bỏ rơi, ghen tỵ, bất bình thậm chí bị shock, lâu dần sẽ thành sự cô độc, tủi thân hay trầm cảm. Nếu coi gia đình là điểm tựa duy nhất thì những đứa trẻ đó thường có xu hướng trở nên bất cần, bởi chúng thường thích hành động ngược lại để gây sự chú ý, vô tình bị bố mẹ coi là “đứa con hư” và mãi mãi không thể nào tìm được tiếng nói chung để cảm thông và thấu hiểu. Chúng sẽ không còn muốn tâm sự với bố mẹ nữa, gay gắt hơn sẽ tự coi mình là “người thừa” và mặc cảm.

“Mày nhìn em mày đi, nó học giỏi thế, sao mày kém cỏi vậy?”

Câu nói này sẽ ghim vào lòng thế hệ trẻ nỗi buồn và cả sự tự ti.

Bố mẹ không có lòng tin với con cái mình

“Cho con đi họp lớp nhé mẹ”

“Không đi đâu cả, mày lại nói dối để đi với mấy đứa lông bông chứ gì?”

“Con sẽ chọn ngành báo chí để theo học”

“Mày phải vào trường Y, học báo để mà phơi mặt ngoài đường à. Ôi dào, mà chắc gì đã đỗ, thôi đi học nghề rồi đi làm cho nhanh”.

Không ngạc nhiên gì với những câu nói của bố mẹ chúng mình, phải không? Từ chuyện ăn uống, học tập, kết bạn con cũng không được tự quyết định mà phần lớn do bố mẹ quản giáo.

Tâm lý của người trẻ đặc biệt tuổi dậy thì thích thể hiện cá tính, đam mê, và tự lập trong mục tiêu nhưng đôi khi không thể tránh được những sai lầm, thất bại. Nhưng với người lớn đó lại là sự non nớt thậm chí dại dột vì “Nói rồi không chịu nghe”. Điều mà các con cần là lòng tin và sự ủng hộ, chứ không phải rầy la và thất vọng, vì điều đó sẽ khiến các con thấy mình thảm bại hơn, mất phương hướng, bế tắc thậm chí đánh mất mình.


Bố mẹ quá bận rộn với lịch trình mỗi ngày

Bạn công nhận không, cuộc sống hiện đại cuốn con người vào guồng quay cảu công việc và vòng xoáy cơm – áo – gạo – tiền, bố mẹ và con cái không còn nhiều thời gian dành cho nhau. Dẫu có những gia đình bố mẹ luôn yêu thương và mong mỏi dành điều tốt nhất cho con, nhưng họ lại nghĩ chỉ cần kiếm thật nhiều tiền, cho con điều kiện tót nhất, bằng bạn bè trang lứa, để con hãnh diện, tự hào, để con được học trường sang xịn nhưng lại quên mất rằng, đôi khi điều con cái cần là sự thấu hiểu những điều thầm kín khó nói ra. Việc có ít thời gian dành cho con cái khiến bố mẹ không thể hiểu hết được tâm tư thậm chí ước muốn của con mình, nếu có mâu thuẫn xảy ra cũng chỉ giải quyết chóng vánh bằng việc ép con phải nghe theo sự sắp đặt của chính mình, vì cho rằng như vậy mới là tốt nhất, vì cho rằng, con trẻ biết gì đâu, non nớt, bồng bột lắm, vì cho rằng mình sống đủ lâu để trải nghiệm đủ nhiều, còn con trẻ chỉ là “tấm chiếu mới” phải răn đe nghiêm khắc và cho vào khuôn khổ với lối tư duy của thế hệ trước.

Bố mẹ luôn áp đặt thành tích học tập lên con cái

Không ít bố mẹ vẫn thường nói thậm chí ra lệnh cho con cái mình rằng: con phải học giỏi, phải đạt thành tích cao, phải đỗ đạt, phải tìm được công việc lương cao, phải học ngành có tiếng tăm… chính điều đó vô tình khiến con cái bị áp lực đè nén, thay vì được thỏa sức với năng khiếu và đam mê của mình, các con lại stress bởi tư tưởng học giỏi để thành ông nọ bà kia của các bậc sinh thành. Và sẽ ra sao khi thành tích không được như mong đợi, bố mẹ bất mãn, còn các con lại tự thu mình lại, hoặc chống đối. Dần dà con cái sẽ ngại tâm sự, chia sẻ và có thiên hướng giấu nhẹm mọi thứ, bất kể là việc lớn hay nhỏ, bởi “Bố mẹ đã bao giờ ủng hộ con đâu?”.

Bố mẹ vô tình khiến con không còn được là chính mình

Nguyên tác sinh ra là để được phá vỡ, nhưng những thế hệ đi trước dường như coi điều này là sai. Bởi có không ít bố mẹ uôn nắn và ép con theo khuôn khổ cứng nhắc, mà không nghĩ rằng điều đó con sẽ không thích, giả hoặc chỉ vâng lời cho phải phép nhưng bên trong lại phản xạ theo cách khác.

Các con đặc biệt ở giai đoạn dậy thì, luôn muốn chứng tỏ mình đã lớn, đã tự quyết định được hướng đi, muốn tự lập và tự chủ nhưng bố mẹ lại ngăn cản và cấm đoán vì cho rằng các con vẫn chưa đủ lớn, chưa đủ sự từng trải nên bắt buộc phải nghe theo sự chỉ đạo của người lớn. Điều này góp phần đẩy khoảng cách giữa hai thế hệ xa hơn.

Bố mẹ không đặt mình vào vị trí của con để hiểu và mâu thuẫn xảy ra

Bố mẹ thường đưa ra lời khuyên, nguyên tắc và sự chỉ đạo nhưng lại gạt đi mong muốn của con. Thay vì để con tự chọn mối quan hệ bạn bè, bố mẹ lại ngăn cản và tự mình can thiệp, con khi đó sẽ bị coi là “cậu ấm, cô chiêu”, là “gái cấm cung”, là “con trai mà núp bóng mẹ”, đại loại vậy, con sẽ không thể trưởng thành và tự lập được, hơn nữa còn bị bạn bè xa lánh và trêu ghẹo.

Hoặc con luôn có những sở thích “trẻ trung” hơn so với thế hệ trước. Nhưng với người lớn nó lại là thứ gì đó nhảm nhí và tốn thời gian.

Bạn tôi từng chia sẻ: Tớ rất thích K-pop và học nhảy, mỗi khi xem các chương trình ấy, bố mẹ tớ thường quát và bảo rằng nó vô bổ và vớ vẩn. Tớ không thể cãi lại hay giải thích rằng những gì tớ thần tượng và yêu thích không hề xấu. Nhưng vô ích thôi, tớ luôn bị ngăn cấm, cảm giác bố mẹ chưa bao giờ thật sự để tâm đến tớ vậy.

Một người bạn khác của tôi kể: Bố mẹ lúc nào cũng muốn tớ theo nghề giáo viên để nối nghiệp gia đình, đương nhiên nếu tớ học được Sư phạm thì không nói, nhưng tớ lại học ngành Luật, vì đó là đam mê của tớ từ bé rồi. Bố mẹ bắt tớ thi lại và kiên quyết bảo rằng, con gái học Luật thì sau này không ai lấy, phải học Sư phạm để bố mẹ còn nở mày nở mặt. Tớ buồn lắm, nhưng vẫn nhất định theo đuổi ngành tớ thích. Giờ đã hai năm rồi, bố mẹ và tớ đã có một khoảng xa cách vì không thể ngồi nói chuyện với nhau quá 10 phút.

Làm sao để rút ngắn khoảng cách thế hệ

Giải pháp từ phía cha mẹ

1.    Trò chuyện chính là chìa khoá quan trọng để kết nối cha mẹ và con cái gần nhau hơn

Bố mẹ nào cũng luôn mong những điều tốt nhất cho con cái, nhưng đôi khi họ cũng gặp không ít khó khăn khi nuôi dạy chúng ta nên người. Là những lo lắng tủn mủn rằng con có khỏe mạnh không, ăn uống tốt không, có chơi bời lêu lổng và kết bạn xấu rồi bị dụ dỗ không. Và con cái thì vô tình lại chịu những áp lực từ sự quan tâm “thái quá” đó, nào áp lực học hành điểm số, phải trở thành con ngoan và hài lòng bố mẹ, phải biết cân bằng cuộc sống, biết nghĩ cho bố mẹ, phải làm công chức để bố mẹ còn khoe với xóm làng…

Trò chuyện là điều tiên quyết và quan trọng nhất để tháo gỡ những khúc mắc và rút ngắn khoảng cách thế hệ. Bố mẹ hãy là người chủ động ngồi xuống khơi gợi và chia sẻ với con cái, chỉ khi bước vào thế giới của con để thấu hiểu thì con cái cũng sẽ sẵn sàng mở lòng một cách thoải mái nhất để tâm sự những lo lắng, những điều riêng tư, sâu kín, những gì hài lòng và áp lực đè nén. Nếu không thể giao tiếp với nhau sẽ rất khó để giải quyết được khúc mắc và hiểu lầm giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ có thể trò chuyện với con sau giờ học, trên đường đi dã ngoại, buổi tối trước khi ngủ. Bằng tâm thế nhẹ nhàng và thoải mái nhất chắc chắn con cũng sẽ đáp lại và cởi mở hơn để khiến đôi bên xích lại gần nhau hơn.


2. Bắt kịp xu hướng hiện đại với con mình

Các bố mẹ hiện nay, đặc biệt bố mẹ ở quê thường phàn nàn rằng, không thể hiểu được con cái đang nghĩ gì, làm gì, từ cách sinh hoạt, nói năng, hành động, suy nghĩ, mối quan hệ của con. Để rồi mặc định con “hết đường dạy dỗ”, sự khác biệt thế hệ dẫn đến những hiểu lầm nghiêm trọng. Đặc biệt trong thời đại 4.0 bố mẹ cũng cần bắt kịp nhịp sống mới để dễ dàng giao tiếp cùng con. Câu chuyện của một người quen đã từng khiến tôi suy nghĩ.

Tôi còn nhớ rất rõ những lần cau có với bố tôi chỉ vì bố hỏi đi hỏi lại mật khẩu wifi, cách dùng điện thoại cảm ứng thế nào, hay những lần bố mượn điện thoại của tôi để gọi về cho mẹ, nhưng máy tôi cài lock, bố không nhớ cách mở liền hỏi tôi “Con bảo bố mở thế nào, bố lại quên mất rồi”, tôi quay sang quát lớn “Sao bố cứ hỏi nhiều thế nhờ, con đã nói đến bốn lần rồi mà”, rồi tôi bỏ lên phòng để lại bố tôi loay hoay với chiếc điện thoại”.

Tôi không biết trong chúng ta ai đã từng rơi vào tình huống đó chưa, nhưng có lẽ sẽ rất khó để đồng cảm và gần nhau khi hai thế hệ không cùng chung “xu thế”.

3. Dành nhiều thời gian nhưng không kiểm soát con mình thái quá

Chân thành và nhiệt tình nhưng đừng ép buộc con bởi trong số các nguyên nhân lớn, có một nguyên nhân khiến con cái muốn xa lánh là do người lớn can thiệp và kiểm soát quá mức đời tư như xem trộm tin nhắn, nhật ký, theo dõi hay có những hành động khiến con xấu hổ trước đám đông và mất quyền tự do. Khi có những điều đó xảy ra, thông thường con cái sẽ phản kháng và bực bội, hậu quả con sẽ mất lòng tin, trở nên ghét chính bố mẹ của mình. Mâu thuẫn sẽ không thể giải quyết và tình cảm sẽ rạn nứt.

4. Hãy trở thành một người bạn thân của con

Một tip đặc biệt dành cho bố mẹ nếu muốn hiểu rõ con mình, đó là làm bạn với con. Cùng con trò chuyện, nấu nướng, dã ngoại, cùng tham gia vào việc học hay những hoạt động ở trường lớp, qua đó hiểu sở thích và đam mê của con, dần dần hiểu hơn về tính cách và suy nghĩ thường ngày của con cái. Nếu con thích ca nhạc, hãy cùng con tập hát hoặc trở thành khán giả của con. Nếu con thích hoạt động tình nguyện hãy cùng đóng góp với con. Nếu con enjoy vào một câu lạc bộ, hãy khuyến khích và mỉm cười.

Con cái luôn cần có không gian tự do và thời gian riêng biệt để học hỏi và trưởng thành. Đặc biệt lứa tuổi mới lớn thích tự lập và khẳng định bản thân. Việc trở thành người bạn thân thiết của con không những dìu dắt con đi đúng đường, mà còn cổ vũ khích lệ giúp con hoàn thành tốt mục tiêu và sống hết mình cho đam mê.

5. Chấp nhận cá tính và thấu hiểu lựa chọn của con

Con cái thời nay luôn có nhiều sự lựa chọn, không như thế hệ trước.

Việc của bậc sinh thành không phải là chê bai và khiển trách vì con quá khác mình mà chính là chấp nhận bước vào cuộc sống và thế giới quan của con để nắm bắt được nhịp điệu, suy nghĩ của con mình.

Dù đôi lúc có thể cứng nhắc và tỏ ra bất bình nhưng hơn hết, điều bố mẹ cần làm lại là chấp nhận sự lạc hậu bản thân vì khoảng cách hai thế hệ, vì môi trường sống, sự giáo dục và sự ảnh hưởng xã hội khác nhau, không thể ép con làm theo mình bởi sẽ khiến con cái trở nên yếu đuối, thụ động và lạc lõng trong guồng quay cạnh tranh của xã hội hiện đại.

Con muốn theo nghề diễn viên, đừng nói rằng nghề đó “bẩn” và khó trụ. Con muốn làm marketing, đừng chê rằng khéo không bị đa cấp lừa. Con muốn học báo chí, đừng cản con và bảo cái nghề lông bông nay đây mai đó. Phải làm giáo viên, bác sĩ, bộ đội bởi đó là những nghề cao quý, được xã hội tôn vinh. Có thể đúng nhưng đó là nghề đã từng rất chuộng ở thế hệ trước, nhưng bây giờ tất cả đã bão hòa.

Và con cái cũng không thể có tính cách như bố mẹ mong muốn, “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Hãy chấp nhận điều đó, đừng quát nạt khi con là một người hướng nội, không hoạt bát, hoạt ngôn như bố mẹ, hoặc con ưa hoạt động hướng ngoại khiến bố mẹ không hiểu nổi và nghĩ rằng vớ vẩn Nếu bố mẹ thể hiện sự bất bình hay phản đối gay gắt sẽ tác động tiêu cực đến con cái, khiến các con trở nên mặc cảm


6. Học cách lắng nghe và chân thành ủng hộ

Việc quan trọng để giúp tháo gỡ những khúc mắc khó nói chính là tìm ra điểm chung hợp lý giữa bố mẹ và các con. Sẽ rất khó để có được sở thích chung nhưng nếu có hãy khuyến khích con cái tham gia cùng. Nhưng khi sở thích quá khác biệt, thay vì phản đối hãy cố gắng đồng tình và ủng hộ.

“Bố mẹ biết con rất thích Kpop, hãy để các idol làm động lực giúp con học hỏi và phát triển bản thân thật tốt. Mẹ không phản đối miễn là đừng để nó ảnh hưởng đến việc học chính của con”.

Chứ bố mẹ không nên nói rằng” Hồi bằng tuổi con, bố mẹ đã phải học rất chăm chỉ, không được hưởng những thú vui như bây giờ. Nhà nghèo nhưng học giỏi và đạt thành tích cao nhiều năm liền. Giờ các con có điều kiện tốt nhưng học hành thì lẹt đẹt, chỉ biết đu theo mấy thứ lãng nhách, vô bổ kia…”

Câu nói như vậy sẽ khiến con cái tổn thương vì không được ủng hộ.

Để tôi kể bạn nghe. Có lần đi chợ tôi nghe được một câu chuyện thương tâm.

Cậu học sinh lớp 12 nhảy trên lan can thư viện xuống đất, cũng may được cấp cứu kịp thời. Các cô ở chợ kể, cậu bé đó rất ngoan nhưng ít nói, bố mẹ làm quan chức Nhà nước, đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa con trai duy nhất. Ngoài học hành trên lớp ra, cậu chỉ đóng cửa phòng ngồi gảy đàn hoặc ra vườn tỉa cây, chăm sóc cá.

Mẹ cậu quan ngại vì cậu ít nói mà trầm tư quá nên đăng ký và bắt cậu tham gia nhiều câu lạc bộ khiến cậu bị stress, hai mẹ con xung đột sau đó, bố cậu thì to tiếng cho rằng cậu bất tài, sự việc cứ thế tiếp diễn một thời gian và kết quả cậu bị trầm cảm nặng.

Hàng xóm kể, lúc cậu tự vẫn người nhà có đọc được lời nhắn của cậu với mẹ “Xin lỗi, con là người hướng nội”.

Tôi không gnhe tiếp nữa, cũng không biết sự việc sau đó thế nào, nhưng tôi chắc một điều, đó sẽ là cú sốc thay đổi suy nghĩ của những bậc làm cha làm mẹ.

Người lớn vẫn hay kỳ vọng và áp đặt quá nhiều vào những người trẻ đang tuổi trưởng thành mà không hiểu được nguyện vọng và mong muốn của chúng ra sao.

Không ít người làm cha mẹ ước ao con thành ông nọ bà kia để nở mày nở mặt với người khác, để được ca tụng nhưng hệ lụy để lại trong tâm thức và cả cuộc sống của đứa con lại lớn vô cùng.

Đừng so sánh những người hướng nội với những người hướng ngoại và cho rằng chúng nhút nhát, bất tài. Ai cũng có quyền có một thế giới của riêng mình, chúng ta luôn muốn được tôn trọng nhưng đôi lúc lại hay coi thường giá trị của người khác. Một cây xương rồng dù xù xì, gai góc cũng vẫn được sống và có vai trò nhất định trong hệ sinh thái, huống hồ là con người.

Chúng ta có thể phát hiện những thứ trong căn phòng bí mật được khóa kín nhưng chưa chắc đã biết được công dụng của những thứ đồ đó. Việc quan sát và thấu hiểu một người hướng nội cũng vậy.

Người hướng nội, họ là những con người nhạy cảm, theo đuổi sự tĩnh lặng, họ không thích tranh chấp, ghét xu nịnh bởi thế hay bị thiệt thòi và bị coi là “ngố”. Họ luôn phải đi trốn, thoát khỏi những áp lực, bon chen, thị phi và ghen ghét. Họ luôn bị đặt lên bàn cân với những người hướng ngoại, luôn bị dằn vặt bởi tính cách của mình, luôn phải nghe đi nghe lại một điệp khúc “con phải nói nhiều hơn, mạnh dạn hơn”, “em phải hòa đồng hơn, khôn khéo hơn”...


7. Bố mẹ cần tránh đặt áp lực lên việc học của con

Nhiều người thường không nhận ra, chỉ khi nào làm những việc, học những thứ yêu thích, có hứng thú và thật sự đam mê thì mới có thể đạt được thành tích cao nhất. Giả dụ con có năng khiếu văn chương nhưng bố mẹ lại bắt ép con phải học khối tự nhiên, để khi kết quả học tập kém lại đổ lỗi cho con ngu ngốc và lười biếng. Chỉ vì cho rằng văn chương là thứ gì đó không thực, phải học giỏi toán, lý, hóa thì mới làm được việc sau này

Hãy để con cái được phát triển theo đúng tính cách, sở trưởng và chỉ nên hỗ trợ khi còn ngỏ lời. Bằng cách đó con sẽ thấy mình được ghi nhận mà đôi khi chính những điều nhỏ nhặt bố mẹ vô tình bỏ qua đó, lại là động lực để con đạt thành tích tốt chứ không phải nguyên tắc hay sự ép buộc.

Giống như câu chuyện dưới đây.

Hàng xóm nhà tôi cãi nhau, thằng bé bị bố nhốt ngoài cửa vì bị điểm kém trong kỳ thi, nó khóc lóc, chửi bới, van nài. Đến khi giọng nó khàn đi, tôi mới nghe được câu cuối cùng nó nói trong sự tuyệt vọng, uất ức
"Con ghét bố, suốt đời này luôn".

Tôi giật mình, một cậu bé lớp sáu tại sao phải chịu đựng nhiều nỗi căm phẫn và bất lực để nói ra điều đó trong nước mắt. Chúng ta đã bao giờ nghĩ, những điều nói với con vu vơ nhưng lại găm vào lòng con nỗi thương đau, khiến các con tự ti, bất lực.

Đã khi nào người lớn thật sự dành thời gian bên con cái để thấu hiểu những nguyện vọng, hay chỉ là điều đơn giản nhất, cùng tâm sự với con như một người bạn.

Con cái là sinh mệnh của bố mẹ, chúng ta đừng chỉ vì một phút vô tâm mà đánh mất đi nụ cười, tuổi thơ và nhân cách của con mình.

Là con - chúng xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp nhất.

Bố mẹ đôi khi sai lầm bởi cứ nghĩ rằng cuộc sống đã đủ mệt mỏi rồi, nên có quyền phán xét, lớn tiếng sai bảo, ra lệnh hay cấm đoán con cái mình.

Giải pháp từ phía con cái

 

1. Cố gắng dành thật nhiều thời gian cho bố mẹ

Thông thường người trẻ hay sa đà vào các hoạt động bên ngoài, công việc, bạn bè hoặc thiết bị công nghệ mà quên mất việc hỏi thăm bố mẹ hàng ngày. Nếu có thể hãy rủ bố mẹ đi dạo bộ, đến nhà người quen chơi, cùng tham gia một câu lạc bộ yoga, cầu lông hay bóng chuyền, giúp bố mẹ làm quen với smartphone nếu có. Nhắc nhở bố mẹ ăn uống ngủ nghỉ hợp lý. Đó cũng là cách giúp hàn gắn mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

2. Giúp đỡ bố mẹ từ những việc nhỏ nhặt nhất

Ngoài thời gian bận bịu cho việc học và ngoại khóa, nếu rảnh hãy bớt thời gian cho bố mẹ. Cùng bố mẹ đi dạo, đi trung tâm thương mại, nấu một bữa ăn, làm vườn, tắm cho thú cưng, massage cơ thể hay tự tay là quần áo cho bố mẹ.

Bạn có thể không biết nhưng chỉ cần những hành động nhỏ như vậy thôi, đã khiến bố mẹ hài lòng và vui vẻ. Rút ngắn khoảng cách thế hệ không phải là làm điều gì to tát, mà chính là những hành động, lời nói thương xuyên bạn dành cho bố mẹ.

Lại có lần tôi gặp một anh chàng cao ráo, trông có vẻ học thức, đưa người bố đến khám chuyên khoa Nội. Vẻ ngoài chậm chạp, chân tay run và có vẻ bác ấy đã quá tuổi có thể tự đi lại một mình, nhưng thay vì dìu bố, anh ta dửng dưng và liên tục nhìn đồng hồ, lại không ngừng giục giã người bố bằng một giọng lạnh lùng có phần hơi gay gắt

“Ông đi nhanh nhanh cái chân lên được không, tôi sắp muộn giờ làm rồi”

Chỉ một câu nói, khiến bao người ở sảnh đợi phải quay lại nhìn và lắc đầu ngao ngán.

Tôi không biết người bố ấy bị bệnh gì và câu chuyện của hai bố con anh ta diễn ra thế nào, nhưng tôi thấy tội nghiệp cho người bố đó.

Thực sự chúng ta đã có bao nhiêu lần đưa bố mẹ mình đi khám sức khỏe trong đời. Bao nhiêu lần lo lắng khi nhận kết quả khám từ tay bác sĩ. Bao nhiêu lần nhìn lại mà giật mình khi thấy bố mẹ đã già yếu từ bao giờ.

Chúng ta vẫn luôn ích kỷ vì nghĩ cho bản thân mình quá nhiều, lao vào kiếm tiền và gây dựng sự nghiệp mà quên mất gia đình vẫn chờ đợi mỏi mòn chúng ta, đôi khi bố mẹ già chỉ cần thấy con cái khỏe mạnh, hạnh phúc là vui mừng đâu cần phải được đền đáp bằng những thứ cao sang.

Chỉ một lời nói, một thái độ có thể làm bố mẹ chúng ta đau lòng. Vậy nên, nếu không thể ở bên chăm sóc thì cũng đừng sai lầm mà vô tâm với những người đã sinh ra mình.


3. Hãy mạnh dạn nói lời yêu thương bố mẹ mỗi ngày

Rất dễ để nói lời yêu với bạn trai/ bạn gái nhưng rất khó để mở lời với bố mẹ mình. Bạn thấy đúng không?

Bởi sến quá, bởi chưa bao giờ nói hoặc bởi khoảng cách khiến chúng ta e ngại. Nhưng hãy thử một lần nói câu “Con rất yêu bố mẹ. Con cảm ơn bố mẹ”. Bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì mình cho đi đấy.

Nếu khó quá hãy nhắn tin hoặc gửi kèm thiệp nhận dịp sinh nhật, lễ kỷ niệm nào đó trong năm. Thậm chí tự tay vào bếp nấu một bữa ăn đầy đủ và cảm ơn bậc sinh thành đã nuôi mình và dạy dỗ mình khôn lớn. Vậy là đủ bạn nhỉ!

Hãy đọc thêm câu chuyện dưới đây để hiểu hơn về tình yêu thương gia đình khi chưa quá muộn.

Còn nhớ, hồi chưa có cao tốc Hà Nội – Lào Cai, tôi vẫn hay đi tàu đêm lên Sapa. Lần đó tôi gặp em. Em tên Vinh. Chúng tôi ngồi chung một băng ghế, em ăn mặc giản dị, tôi không để ý lắm, cho đến khi em ngỏ lời xin một chỗ để chiếc balo to sụ. Tôi vui vẻ đồng ý và quay sang bắt chuyện. Em kể bằng một giọng trầm buồn.

Khi bố mẹ ly hôn, em hận bố đến nỗi bỏ nhà đi, rồi sống lay lắt khắp nơi,cuối cùng chọn Hà Nội làm nơi mưu sinh. Em học hết cấ ba, vì nhà nghèo nên thôi học. Rồi em kể, sau đó không lâu mẹ em tái giá, em không về từ ngày đó, mối liên hệ duy nhất của em là cô em gái kém ba tuổi ở với mẹ.

Vì lâu rồi tôi chỉ nhớ đại ý những điều em nói, em bảo rằng, hôm đó đang khoan bê tông thì nhận được cuộc gọi của em gái, bảo mẹ tái giá, bố ốm nặng, tiều tụy đi nhiều, hỏi cậu ấy có thu xếp về được không vì biết đâu là cơ hội cuối cùng để đoàn tụ.

Tôi thấy em đưa tay quẹt nước mắt. Tôi nghĩ em đã có một tuổi trẻ thiệt thòi so với các bạn khác, nhìn gương mặt có phần già dặn và suy tư, em quay mặt ra cửa thở hắt một hơi dài, tự nhiên tôi thấy nghèn nghẹn trong lòng.

Tôi hỏi em “lần này về em còn đi nữa không?”.

Em bảo “chắc em không, xuống Hà Nội bằng hai bàn tay trắng, bị bóc lột nhiều cũng khôn ra nhiều. Dù trước đây có hận bố, nhưng dù gì ông cũng là bố em, em không thể bỏ mặc”. Rồi em chỉ vào một bao lớn “em mua ít quà cho đứa em với ít bánh gai cho bố, không biết bố còn ăn được không nhưng em vẫn nhớ đó là món bánh bố thích nhất”.

Rồi em lại nhìn ra cửa sổ.

Chúng ta luôn đòi hỏi một cuộc đời viên mãn hoặc tùy ý để cuộc đời sắp đặt và nghiễm nhiên hưởng thụ nhưng chỉ khi trải qua nỗi đau, sự chia ly, tuyệt vọng, con người ta mới cảm nhận được hạnh phúc quý giá đến nhường nào.

Có điều luôn có những hy vọng đằng sau bóng tối, luôn có niềm vui sau mỗi nỗi buồn. Rồi ai cũng ngộ ra được những chiêm nghiệm cho riêng mình, để biết đâu là điều chúng ta đang có, đâu là thứ chúng ta phải tìm lại, đâu là điều đừng bao giờ để vụt mất.

4. Cố gắng suy nghĩ cho bố mẹ nhiều hơn

Bạn nên dành thời gian để giao tiếp với bố mẹ thay vì trách sao bố mẹ cứ nói những điều vô lý, không hiểu mình bởi vì không có thời gian nói chuyện nên mọi hiểu lầm không được làm sáng tỏ. Ai cũng vậy, khi sống quá nửa đời người luôn mặc định kiến thức và tầm nhìn của mình sẽ hơn hẳn những đứa trẻ mới bước chân vào đời, nên việc chỉ đạo, đòi hỏi hay áp đặt là điều dễ hiểu. Hãy nhún nhường một chút, ngồi xuống, đặt mình vào vị trí của bố mẹ để hiểu, bởi sau này dù sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ trở thành bố mẹ. Suy nghĩ cho bố mẹ cũng là cách để bản thân thấy mình trưởng thành hơn.

Nếu đi xa hãy gọi về thăm hỏi. Mua vài món quà nhỏ vào dịp lễ đặc biệt. Khen một món ăn bố mẹ bỏ công nấu. Dặn họ đừng tiết kiệm chỉ vì muốn dành dụm cho con cái.


5. Đừng so sánh với bố mẹ người khác

Cũng giống việc bạn thấy buồn thậm chí giận dữ khi bị mang ra so sánh với “con nhà người ta”, thì bạn cũng không nên so sánh bố mẹ mình với bố mẹ khác “Bố mẹ bạn A đâu có áp đặt con như bố mẹ”, “Nhà bạn B có bố mẹ giàu có nên suy nghĩ của họ cũng tiến bộ chứ không như bố mẹ” hay “Giá mà bố mẹ được một nửa của bố mẹ bạn C thì tốt biết bao”.

Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, bạn không được chọn nơi mình sinh ra, bố mẹ cũng vậy. Hãy học cách chấp nhận rằng, đôi lúc bố mẹ cũng vụng về, kiến thức cũng có hạn và cách thể hiện tình yêu thương luôn khác nhau nhưng hơn hết luôn hi sinh vì con cái mình. Chỉ cần chúng ta bình tĩnh để nhìn nhận lại và thông cảm cho họ thì mọi việc có thể sẽ khá hơn.


6. Hãy chia sẻ thật lòng, đừng giấu diếm

Bạn có đồng tình không, đôi khi chúng ta vẫn hay nói dối bố mẹ rằng mình vẫn ổn, chúng ta giấu nhẹm những khó khăn, thất bại, những thiếu thốn và một mình chịu đựng chỉ vì sợ bố mẹ thất vọng, bố mẹ la mắng nhưng hãy thử nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn, cùng chia sẻ và thành thật với bố mẹ thay vì cố tránh né, dần dần bạn sẽ nhận lại được kết quả không ngờ, như là bố mẹ vui hơn khi chính họ là điểm tựa cho bạn, là nơi bạn có thể tìm về sau bao nhiêu biến cố.

Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng có chia sẻ thế này: Hãy để con cái được sống với đam mê, miễn sao chúng cảm thấy hạnh phúc.

“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cha mẹ có thể nghiêm khắc với con cái hơn tôi, kết quả học tập của con họ cũng có thể xuất sắc, vượt trội hơn, nhưng với các con, tôi lại không quá đặt nặng về chuyện điểm số.

Cũng rất nhiều người quan niệm rằng, con phải đạt điểm thật cao để sau này có sự nghiệp thành đạt. Nhưng theo tôi, đó không phải là tất cả cuộc sống”.

Ông đã nói như vậy.

Vai trò của các bố mẹ là hỗ trợ, khuyến khích giúp con tìm được niềm yêu thích và hứng thú với việc học tập trên trường lớp. Học không phải là cố nhồi nhét những kiến thức khô khan, cũ kỹ để rồi rất nhiều bạn trẻ cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc. Bố mẹ hãy định hướng cho con bằng việc đồng hành thật tốt trong mọi việc, để con không bị chới với hay tự ti trong một môi trường có nhiều nhân tố tốt - tồi.

Để con sống với cuộc đời của riêng con, con sẽ lựa chọn và chịu trách nhiệm với nó. Con cái có thể không nối nghiệp bố mẹ, đó là lẽ thường tình. Con có thể học toán, học văn, học vẽ hay nghệ thuật miễn con thích và hạnh phúc với quyết định đó.

Chúng ta đừng để một ngày phải tự vấn bản thân: Tại sao không thể có tiếng nói chung trong một gia đình.

 Sẽ buồn đến thế nào nếu chúng ta nghĩ “bố mẹ chưa bao giờ chấp nhập và thấu hiểu mình”, “bố mẹ luôn cứng nhắc bắt mình phải làm theo ý của bố mẹ″, “bố mẹ vẫn luôn cấm đoán và làm mình mất mặt với bạn bè”.

Từ những sự khác biệt thế hệ dẫn đến việc ngày càng nhiều các bạn trẻ ngại trò chuyện và chia sẻ với bố mẹ. Vì cho rằng có nói ra cũng bị gạt phăng đi, bị quát mắng, vũ lực, nhận lại sự bất tương đồng và cả bất lực.

Luôn có những cách để tháo gỡ và hàn gắn, như là nói chuyện nhiều hơn, nghĩ ra những điều vụn vặt để enjoy cùng, kể cho nhau nghe về vướng mắc hay thậm chí tản mạn về thời tiết, công thức các món ăn, bóng đá. Chúng ta biết mình có thể làm được nhưng thường lờ đi vì cho rằng nó thật sự không cần thiết, nhưng chính những điều đó lại là chất xúc tác tuyệt vời để bạn thu nhỏ khoảng cách và nhận lại tình yêu thương từ thế hệ mình vốn dĩ nghĩ rằng chẳng thể dung hòa.

 

Tác Giả: Lê Hoàng San 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/san.lehoang.79/

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,904 lượt xem, 5,625 người xem - 5640 điểm