Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Làm Thế Nào Để Cân Bằng Sự Tập Trung Và Linh Hoạt

Bạn có phải là người lập kế hoạch trước khi bắt đầu một công việc?

Bạn có đặt mục tiêu cho cuộc sống của mình?

Trả lời được 2 câu hỏi này sẽ xác định được rằng bạn hết lòng với việc của mình đến đâu. Vì cái gì càng rõ ràng ngay từ đầu, càng dễ thực hiện. Khi bạn đã có một cái “sườn” cho kế hoạch của mình thì sau đó bạn chỉ cần thực hiện đúng những gì mà bạn đề ra mà thôi. Tuy nhiên, một chiến lược tồi là một chiến lược cứng nhắc, không chịu thay đổi khi môi trường và nhận thức thay đổi. Do đó, bạn cần phải tìm ra cách để vừa tập trung tâm trí vào mục tiêu đề ra, đồng thời linh hoạt thay đổi chúng khi gặp điều kiện bắt buộc cần thiết.

Dưới đây là những cách làm gợi ý của tôi:

1. Tự đánh giá 

Yếu tố đầu tiên là điều quan trọng bậc nhất để giúp bạn nâng cao nhận thức cá nhâm.

Ta càng lớn lên, cuộc sống lại càng phức tạp và càng ngày càng có nhiều yếu tố làm ta xao nhãng. Đó có thể là mạng xã hội, những buổi gặp mặt, những dịp đi chơi, đám cưới, đám hỏi, v.v những lý do khiến ta trở nên “lạc” khỏi luồng công việc ban đầu. Việc có quá nhiều điều làm ta xao lãng khiến ta trở nên mất tập trung, cũng giống như việc bạn không thể vừa học thuộc một bài phân tích vừa hóng chuyện hàng xóm bên cạnh được. Bằng cách xây dựng một khung giờ/thời điểm tự đánh giá, ta sẽ tìm ra những điều gì đang khiến ta xao lãng, điều gì khiến hiệu suất làm việc của bạn giảm đi đáng kể.

Theo như gợi ý của Blogger Scott H.Young, bạn nên có một buổi đánh giá công việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm. Dưới hình thức nào thì tùy bạn, có thể dùng sổ tay ghi chép, có thể dùng các app lập biểu đồ trên điện thoại hoặc máy tính bảng. Sau một năm, bạn sẽ có cơ hội để nhìn lại những đánh giá đó, và biết bạn đã thực hiện công việc của mình tốt ra sao. Việc lập ra những buổi đánh giá này sẽ giúp bạn xác định bước tiếp theo bạn cần làm là gì, biết mình đang tiến hay lùi, chỗ nào cần khắc phục chỗ nào cần phải phát huy.

2. Suy ngẫm

Nếu chỉ lập ra một bảng đánh giá và liệt kê hoạt động như kiểu To-do-list, bạn sẽ không tránh khỏi có những đánh giá sai lầm nếu chỉ nhìn lướt qua chúng. Bước quan trọng nhất sau quá trình tự đánh giá đó chính là phân tích cùng suy ngẫm. Nghĩa là sau mỗi buổi đánh giá đó, bạn cần suy nghĩ nhiều hơn về quá trình thực hiện kế hoạch của mình. Việc suy nghĩ sâu hơn về kế hoạch của mình sẽ giúp bạn tăng nhận thức của chính mình. 

Muốn đi xa, hãy đi chậm, đừng vội lướt qua những điều căn bản và cốt yếu. Bạn có thể khao khát mãnh liệt thành công, nhưng nếu chỉ biết chạy mà không dành ra vài phút để đánh giá vấn đề, bạn rất có thể rơi vào cái bẫy của “thất bại” ngay cả khi bạn cảm thấy rằng bản thân bạn đang làm rất tốt rồi. Thêm vào đó, vì có rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động đến quá trình phát triển của bạn, nên việc dừng lại và nhìn sâu hơn vào vấn đề, sẽ khiến bạn bớt bị những điều ồn ào xung quanh gây mất tập trung. “Sai một bước, bước bước đều sai” chính là ý này, hãy thật cẩn thận trong suy nghĩ của chính mình khi đánh giá vấn đề. Bạn không biết rằng sai lầm của một hành động sẽ dẫn bạn đến đâu cả đâu.

3. Những yếu tố cần lưu ý

Loại bỏ những mục tiêu “lỗi thời” là điều cần thiết

Nếu bạn đi đúng hướng của kế hoạch, bạn sẽ thấy bản thân mình phát triển hoặc tiến bộ rất nhanh, nhưng đồng thời, đôi lúc, bạn sẽ gặp những trải nghiệm khó chịu khi mà mục tiêu lúc trước bạn đề ra đã không còn “hợp thời” ở thời điểm này nữa. Điều này có nghĩa là yêu cầu của bạn đã vượt qua cả những mục tiêu mà bạn đề ra ban đầu. 

Lấy một ví dụ để bạn dễ hình dung: Công ty Samsung, hiện nay, khi tuyển nhân viên đều yêu cầu TOPIK (chứng chỉ năng lực tiếng Hàn) ở cấp 5 trở lên, tuy nhiên, khi thị trường TOPIK ngày càng bão hòa (tình trạng này giống với chửng chỉ IELTS vậy) thì công ty Samsung đang muốn nâng cấp yêu cầu của họ với nhân viên mới vào là chứng chỉ OPIK (vẫn là chứng chỉ năng lực tiếng Hàn nhưng phần thi nói của chứng chỉ này khó hơn). Vậy thì, nếu bạn đang là sinh viên năm hai, muốn làm ở Samsung và đã thi được bằng TOPIK cấp 5 rồi thì rõ ràng đến thời điểm bạn ra trường, tấm bằng của bạn sẽ không còn hiệu lực để thi tuyển vào công ty của họ nữa. Và bạn sẽ phải bổ sung kế hoạch ôn thi khác cho mình, đương nhiên là mọi chuyện sẽ khó khăn hơn, nhưng nó lại là điều cần thiết.

Nếu bạn gặp trường hợp tương tự như thế này, tôi khuyên bạn nên ngay lập tức gạch bỏ mục tiêu cũ và thay nó bằng cái mới. Bởi vì, bạn biết đấy, nếu bạn không thay đổi, thì người chịu thiệt về sau chính là bạn.

Việc ngoan cố giữ những mục tiêu cũ bất kể hoàn cảnh cá nhân và nhận thức đã thay đổi sẽ khiên bạn khó chịu khi sự tiến bộ của bạn cứ dậm chân tại chỗ. Nếu bạn biết rằng việc mình thực hiện mục tiêu này sẽ không thể đem lại kết quả gì cho sau này sẽ khiến bạn mất động lực để thực hiện những mục tiêu khác, và bạn sễ dễ dàng rơi vào hố sâu của những cảm xúc tiêu cực. Trong tình huống này, việc quá tập trung vào một mục tiêu, mà theo bạn có thể có lợi, nhưng trên thực tế là không còn phù hợp sẽ khiến khả năng thay đổi linh hoạt của bạn giảm đi đáng kể. Việc thay đổi bản thân không giống việc từ bỏ một việc gì đó, nó chỉ là dấu hiệu chứng minh bạn đã không còn cần đến nó nữa mà thôi.

Sự bảo thủ trong cách bạn “giải quyết” các vấn đề lỗi thời sẽ tạo ra những giới hạn trong hành xử linh hoạt của chúng ta. 

Một lưu ý quan trọng khi bạn đặt mục tiêu đó là bạn chỉ nên liệt kê ra những gì quan trọng và tối cần thiết đối với mục tiêu ấy. Vì càng ghi ra nhiều, khả năng bạn xóa sổ chúng càng lớn vì theo quy luật tự nhiên, số lượng của cái gì đó mà vượt lên trên “đỉnh” của nó, thì tự khắc nó sẽ bị tiêu diệt để lấy lại sự cân bằng với những cái khác. 

Bạn cũng nên xác định tính cấp thiết của từng mục tiêu, đâu là việc quan trọng thứ nhất – thứ nhì – thứ ba,… rồi từ từ thực hiện chúng. Bạn thành công vì bạn tập trung vào việc thực hiện mục tiêu chứ không phải đặt sự tập trung của ta vào những điều không quan trọng. Tối giản trong cách thức đạt mục tiêu sẽ khiến tâm trí bạn nhẹ nhàng và linh hoạt hơn rất nhiều.

Việc gì cũng phải làm hết sức mình

Chúng ta đều hiểu rằng, không có hi sinh thì không có thành quả. Bạn càng muốn thực hiện điều gì thì bạn càng phải dành nhiều thời gian và tâm huyết cho nó. Trong quá trình thực hiện hóa mục tiêu của mình, hẳn bạn sẽ mong giải pháp mình đưa ra là hoàn hảo và bạn đang mong chờ thời điểm hoàn hảo khác để thực hiện chúng. Tuy nhiên, cứ theo câu nói kinh điển của giới trẻ bây giờ thì “Cứ quyết định làm ngay và luôn cho khỏe”. Trong trường hợp xấu nhất khi kế hoạch của bạn gặp thất bại, thì bạn cũng nên tự hào vì bản thân đã làm hết sức mình khi thực hiện chúng. Vì dù sao đi nữa, kết quả ấy có xứng đáng hay không, chỉ mình bạn là người hiểu rõ nhất.

Nếu bạn hỏi tôi, bạn nên cố gắng đến mức nào khi thực hiện một hành động thì tôi xin nói với bạn rằng bạn hãy cứ cố gắng 200% sức lực của mình khi thực hiện việc đó. Vì bạn sẽ không thể biết rằng bạn có thể thành công đến đâu mà, vậy nên cứ làm hết sức mình thôi. Đó là lí do mà nhiều người, dù đã thất bại trong việc thực hiện mục tiêu của mình vẫn cảm thấy hạnh phúc vì họ đã dành hết sức mình khi làm việc, họ biết rằng họ sẽ không bao giờ hối hận vì quyết định của bản thân.

Tổng kết

Thật khó để vừa giữ được sự tập trung lại vừa giữ được sự linh hoạt trong việc thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể nào bỏ cả hai yếu tố này đi được, vì chúng là hai yếu tố chính dẫn đến sự thành công của bạn. Biết cân bằng chúng đúng thời điểm là điều mà bạn nên làm.

  • Đầu tiên, hãy nâng cao nhận thức của bạn về những yếu tố môi trường xung quanh

  • Lập ra những kế hoạch đánh giá cá nhân và suy ngẫm nhiều về chúng

  • Loại bỏ những yếu tố/mục tiêu đã lỗi thời

  • Làm hết mình và cố gắng hết sức trong việc thực hiện mục tiêu

Tác giả: Bút Xanh

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

711 lượt xem, 703 người xem - 708 điểm