Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Làm Tốt Việc Của Mình - Mọi Thứ Rồi Đâu Sẽ Vào Đó

Có một trường đoạn trong Devil Wear Prada – bộ phim huyền thoại về cuộc sống của dân thời trang và báo chí mà tôi cực kỳ tâm đắc. Trong đó Andrea nhân vật chính của bộ phim do Anne Hathaway thủ vai đã bật khóc và than thở với người quản lý rằng cấp trên đang bắt nạt cô trong khi Andrea đã cố hết sức để hoàn thành công việc của mình. Thế nhưng người quản lý lúc này chỉ đáp lại một câu duy nhất, “bà ấy chỉ đang hoàn thành tốt công việc của mình, ngừng than vãn và cho rằng mọi thứ đang đối xử bất công với mình trong khi bản thân cô chẳng hề cố gắng chút nào”.

Vào thời điểm xem bộ phim tôi vẫn chưa thực sự hiểu lắm ý nghĩa của những câu nói này. Mãi tận thời điểm vào làm trong một trang tin điện tử ở vị trí trợ lý hệt như Andrea, tôi mới hiểu được lời nói của tay quản lý mang ý nghĩa gì. Sẽ chẳng có ai hà khắc hay đối xử bất công với bạn nếu bạn thực sự hoàn thành tốt phần công việc của mình. Hoàn thành tốt công việc được giao, mọi thứ đâu sẽ vào đấy.

Mọi người chỉ đang làm việc của họ

Một dạo những năm 2018, phong trào startup nổi lên khắp Việt Nam. Giới trẻ đua nhau tìm cho mình một công việc ổn định với tham vọng đổi đời. Thế nhưng tại thời điểm đó, với nền tảng kiến thức mơ hồ cộng với chưa có một định hướng rõ ràng cho con đường khởi nghiệp. Các startup khi đó hoặc là chết rất nhanh, hoặc là sống vật vờ ngày qua ngày mà không biết mình sẽ đi về đâu.

Những bất đồng sẽ không xảy ra nếu ngay từ đầu bạn làm đúng

Số may mắn sống sót thường rơi vào cảnh tù túng, thiếu nguồn vốn và nhân lực trầm trọng, một người phải cùng lúc kiêm 2 – 3 vị trí để đảm bảo sự tồn tại cho công ty. Môi trường làm việc ở những startup khi đó được các bạn sinh viên mô tả không khác gì địa ngục. Số tiền nhận được thì ít còn công việc lại chất đầy đầu. Vậy là không ít status trên mạng xuất hiện với nội dung than thở công ty thế này, thế kia mà ít ai chịu nhìn lại bản thân mình vốn đã không làm tốt mọi việc ngay từ đầu.

Cộng tác với nhiều đơn vị tên tuổi lẫn startup, tôi nhận thấy phần đông các công ty khởi nghiệp đều gặp vấn đề với bộ máy nhân sự không có tính chuyên môn hóa cao. Giải thích cho dễ hiểu là nếu hợp tác với những đơn vị tên tuổi, mỗi người đều sẽ có rất nhiều cấp trên hướng dẫn cụ thể cho bạn biết mình phải làm gì. Trong khi đó với một Startup thì ngược lại, bạn phải tự mày mò làm hết tất cả trong mọi khâu mà không nhận được bất kỳ sự hướng dẫn nào.

Việc phòng marketing hay nhân sự ở startup chỉ có duy nhất một thành viên là chuyện quá bình thường và họ phải chủ động tìm hiểu và làm tất cả mọi việc liên quan đến mình. Dám cá khi tuyển dụng Founder (người sáng lập công ty) đã giải thích cho các bạn việc này một cách cực kỳ rõ ràng. Chỉ là các bạn không chịu hiểu, đợi chờ công việc được giao xuống mà không chủ động tạo ra bất kỳ thứ gì. Cứ thế lại nảy sinh ra rất nhiều việc, rồi lại xích mích mà không biết người sai duy nhất ngay từ đầu chỉ có mình.

Startup tuyển dụng bạn hay bất kỳ đơn vị nào đã và đang hợp tác với chúng ta sau này, họ tuyển dụng chỉ với một mục đích duy nhất là để tìm người giúp họ giảm nhẹ áp lực công việc, không phải nặng nề hơn. Và nếu ngay từ đầu bạn đã làm tốt, sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra.

Nhiều người, mà nhất là những người trẻ thường gặp khó khăn trong việc chịu đựng áp lực mà không hề biết rằng áp lực vốn dĩ là một phần của công việc. Phải có áp lực thì công việc mới được đốc thúc tiến độ để hoàn thành. Và cấp trên tạo ra cho mình thật nhiều áp lực ấy, ngay từ đầu họ chẳng sai. Chỉ là chúng ta liệu có đang ý thức được mình đang đứng ở đâu và tại sao phải chịu đựng những áp lực này.

Những người trẻ đang học cách trưởng thành

Thời sinh viên rất hay có những nhóm làm việc huyền thoại “một người gánh, mười người chơi” mà bất kỳ ai cũng từng trải nghiệm. Những đứa “gánh team” khi ấy thường rất dễ bị ghét vì lúc nào cũng quát tháo làm cả nhóm phải họp lên, họp xuống tới lui. Trong khi ai chịu nghiêm túc nhìn nhận rằng cả nhóm tồn tại và đi tiếp được là nhờ nó. Nó không la, không mắng không tạo áp lực thì tới đời nào mới ra một sản phẩm nhóm hoàn chỉnh để trình thầy cô. Và nếu ngay từ đầu mỗi người đã hoàn thành tốt việc của mình thì liệu những nhóm trưởng thời đại học có rãnh rổi đến mức bắt cả nhóm phải họp lên, họp xuống nhiều lần. Họ chỉ đang làm tốt việc của họ mà ở đây là đảm bảo việc nhóm được hoàn thành.

Rộng hơn một chút, đến thời đi làm áp lực từ những vị sếp khó tính đôi khi còn khủng khiếp hơn cả những nhóm trưởng thời sinh viên gấp nhiều lần. Không chịu được rồi thì trách móc, trong khi nhìn nhận một cách thực tế việc quan tâm đến cảm xúc của bạn đâu phải việc của họ. Họ được thuê vào để hoàn thành công việc một cách xuất sắc nhất, không phải để chăm lo cho một cá nhân nào.

Khi con người ta còn trẻ, ta rất dễ bị kích động bởi những thứ không vừa ý mình. Ta mặc định cho mình cái quyền được hờn dỗi, được người khác phải nâng đỡ, thương yêu trong khi ngay từ đầu ta đã chẳng làm được một điều gì. Những nhóm trưởng thời đại học được thầy cô yêu mến, những nhân viên xuất sắc luôn nhận được đãi ngộ đặc biệt. Họ được đối xử một cách khác biệt bởi lẽ ngay từ đầu, họ đã hoàn thành tốt công việc của mình. Mọi thứ sẽ luôn dễ dàng nếu chúng ta ý thức được mình đang đứng ở đâu và tại sao cần phải hoàn thành công việc này.

Làm tốt việc của mình là được

Làm tốt việc của mình - mọi thứ đâu sẽ vào đấy

Quay trở lại với bộ phim Devil Wear Prada kể về cuộc sống dân công sở, nhân vật chính thay đổi khi nhận ra bộ phận nhân sự hoàn toàn có thể tìm kiếm người khác thay thế mình chỉ trong vòng 5 phần. Chúng ta, bất kỳ ai nếu không ý thức được chỗ đứng của bản thân mình đều có khả năng sẽ rơi vào hoàn cảnh như vậy. Sẽ bị đào thải khi bản thân không còn năng lực để thích nghi.

Nghiêm túc mà nói, không ai là cái rốn của vũ trụ này. Nhân vật chính Andrea không thể buộc cả tòa soạn phải thay đổi phong cách sống chỉ vì cô ta không thích nghi được với nó. Và chúng ta có muốn hay không cũng không thể bắt được mọi chuyện diễn ra theo ý mình. Những cảm xúc tiêu cực vẫn ở đó, cách mà cuộc sống vận hành vẫn ở đó, thứ duy nhất chúng ta có thể làm tốt hơn chính là công việc của mình. Hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn một nửa. Vậy nên ngay từ đầu, nếu không thể hoafnt hành được trách nhiệm của mình, hãy từ bỏ. Còn khi đã theo hãy theo đến cùng và chịu trách nhiệm với tất cả những gì mình gây ra, bao gồm cả những lỗi lầm và áp lực như thể đấy là một phần của công việc.

Một dạo hồi mới làm báo, tôi rất dễ cáu khi quá nửa số bài viết của tôi đều bị hủy chỉ vì bộ phận biên tập không hài lòng. Thế nhưng ngược lại, công việc của họ chính là sản xuất ra những bài báo đạt chuẩn về nội dung nhằm phục vụ độc giả. Không phải để phục vụ cho cảm xúc của tôi. Và nếu họ không làm tốt công việc của mình thì cấp trên sẽ lại tiếp tục gây áp lực cho họ và cứ thế áp lực người này lại đổ lên đầu người kia. Thế nên tỉnh lại đi, mọi người chỉ đang cố gắng làm tốt công việc của chính mình.

Bạn được thuê vào để làm việc gì, làm tốt công việc đó, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Tác Giả: Thiên Anh @Biên tập viên

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/vuthienanh.98

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 11 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,158 lượt xem, 2,083 người xem - 2108 điểm

lh-fulllh-x