Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Lấy Sự Dối Trá Và Lãng Quên Làm Kẻ Đưa Đường Chỉ Lối?

“ Người em là của em, không ai có quyền can thiệp vào đời em cả”.


Nguồn: Internet

Đọc xong truyện ngắn” Tiếc thương những ngày đã mất” của Lỗ Tấn, tôi choáng váng vì tính thời đại của nó, càng thấy ngưỡng mộ hơn vị đại văn hào của đất nước Trung Hoa. Những ngày tháng năm cấp ba tôi vẫn cứ tự hỏi vì sao mà thầy tôi vẫn cứ nói “nếu không vì miếng cơm manh áo, chắc giờ đây tôi đã giành giải Nobel rồi…” Tôi vẫn cứ nghĩ bụng thế quái nào mà những người tôi thần tượng vì lý tưởng và phong cách, sau khi biết họ được một thời gian, tôi mới ngã ngửa ra vì thất vọng. Vì sao mà mỗi lần bạn bè tôi nghe thấy ai nói được một câu tử tế là lại tháo nhau: “Những người hay nói đạo lý thường sống như…” nói chung ý chúng nó là sống chẳng ra gì! Tôi vẫn cứ thắc mắc vì sao những bất công tôi nhìn thấy, mỗi ngày mỗi vậy, chẳng hề thay đổi, có khi còn tiến hóa và trở nên kinh tởm hơn, chẳng ai đấu tranh, chẳng ai chịu đứng lên cất tiếng nói. Có phải chỉ chúng tôi, tôi và những người bạn cùng kề vai sát cánh, những đứa trẻ trưởng thành trong thế kỉ hai mốt, nơi mà nông thôn đô thị hóa sôi nổi, thành thị thì đi lên trong lặng lẽ, trầm ngâm này, có phải chỉ chúng tôi thấy những điều bất cập đấy không?...


Hai nhân vật Tử Quân, Quyên Sinh trong truyện là hai trí thức trẻ, cùng chung sống và được hít thở một bầu không khí mới mẻ của thời đại. Ước mơ lãng mạn và bay bổng của họ là được cùng nhau chung sống hạnh phúc, ngọt bùi sẻ chia mà bỏ lại sau lưng tất cả, đã thành hiện thực. Rồi cuộc sống với những điều tưởng chừng như vô thưởng vô phạt, những việc “nhỏ mọn hết sức” đã làm rạn nứt bức tranh tình yêu hai người đã vun đắp, cùng nhau vẽ nên, cùng nhau “thấu hiểu cả linh hồn lẫn thể xác”, cùng nhau “ thưởng thức lại nỗi vui sướng làm lành với nhau sau những cuộc xung đột, vui sướng như chết đi mà được sống lại”, đã từng hy sinh vì nhau: “ Anh không ăn cũng được, chứ không thể cho em vất vả thế kia”; “mỗi tuần lễ sáu ngày, ngày nào cũng từ nhà đến sở, rồi lại từ sở về nhà. Ở sở thì ngồi vào bàn giấy, sao sao chép chép công văn và thư từ, về nhà thì ngồi cùng nàng, mặt nhìn mặt, hoặc giúp nàng nhóm bếp, nấu cơm, hấp bánh bao”; “ ...tôi được ăn ngon hơn ở hội quán nhiều. Tử Quân tuy không có tài về khoa nấu nướng, nhưng nàng làm hết lòng hết sức”; “những điều làm cho nàng suy nghĩ đêm ngày cũng làm cho tôi lo nghĩ theo, gọi là vui buồn có nhau”; “huống chi nàng lại phải suốt ngày mồ hôi đầm đìa, tóc cứ dính bết vào trán và hai bàn tay thì càng lâu càng thô ráp đi như thế!” Để rồi quay ra người này đay nghiến người kia, người kia chỉ biết “càng ngày càng nông nổi, hời hợt” với “cái vẻ mặt lạnh như băng kia”. Kẽ hở tình cảm ngày một lớn dần, tàn nhẫn và cay đắng. Rồi tưởng như không cần báo trước, một kết cục thê lương đến mức “mặt trời không làm sao thoát ra khỏi đám mây dày đặc bao bọc xung quanh; cả đến không khí cũng ra bề mệt mỏi” đã xảy ra. Tử Quân sau khi bỏ về nhà ngoại đã chết, chi tiết chỉ vọn vẹn được kể qua lời nói của “một bậc thế giao mà lâu nay tôi không hề lai vãng”. Nàng chết một cách lặng lẽ, kín đáo, để lại Quyên Sinh ”muốn có cái gọi là linh hồn và có cái gọi là địa ngục thật sự. Lúc đó dù phải đi giữa ngọn gió dữ gầm vang, tôi cũng quyết tìm cho được Tử Quân, nói cho nàng tha thứ cho tôi. Không nữa thì tôi sẽ cầu ngọn lửa độc của địa ngục bao vây lấy tôi thiêu cho hết lòng hối hận, nỗi đau thương của tôi đi”.



Nguồn: Internet


1. Người trẻ “mang cái gánh hư không nặng trĩu trên vai mà bước đi trên cái gọi là con đường đời, trước cái uy nghiêm của ông bố và sự khinh bỉ của người xung quanh”


Sống trên đời, ta làm sao bàng quan đến xã hội hiện tại, cái cuộc sống nhanh như một cơn gió này. Ai đó nói dứt được ra, chắc hẳn là vẫn chưa tìm ra được một mấu chốt( mang tính sống còn) của mình đang liên kết với thế giới bên ngoài đó thôi. Cuộc sống cho ta cơ hội, cho ta từng niềm tin. Ta cũng đưa tay ra, bắt lấy. Cứ thế nhịp sống tiếp diễn. Ta có các mối quan hệ, có công việc và tìm thấy niềm vui từ nó, niềm vui nhỏ nhoi để tiếp tục duy trì cuộc sống. Lắm lúc ta chưa chuẩn bị tinh thần thì một cơ hội khác lại đến, sau những thất bại hay đơn giản chỉ là một cơ hội từ trên trời rơi xuống, khiến ta chưa kịp thay đổi, đã vội chạy theo mà bấu, mà víu. Vì đằng sau ta là sự gửi gắm của người cha, người mẹ, của thầy cô, bạn bè, có khi chỉ là những gửi gắm vô hình, khiến ta không dám dừng lại, sợ mang tiếng là hèn nhát, rút lui.


Những bạn trẻ với lý tưởng cao đẹp, với những đam mê, hoài bão và quyết tâm cùng bầu nhiệt huyết căng đầy của tuổi trẻ, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, bất chấp mọi hoài nghi, mọi đố kỵ, mọi lời xỉa xói, móc mỉa của những người xung quanh mà ”bất chấp tất cả, không thèm bận lòng vì những điều ấy, cứ khoan thai, bình tĩnh bước tới, thản nhiên như đi giữa chốn không người”. Giống như nhân vật Tử Quân, từng “hết sức rành rọt” tuyên bố với Quyên Sinh về người chú ruột và ông thân sinh của nàng:“ Người em là của em, không ai có quyền can thiệp vào đời em cả”. Nàng từ mặt gia đình, rồi cùng Quyên Sinh bỏ đi, tìm nơi thuê trọ, chung sống với nhau. Thế nhưng được mấy ai trong số họ có những giấc mơ gắn với hiện thực của cuộc sống. Hay chỉ là những giấc mơ viển vông, cứng ngắc và bảo thủ. Những giấc mơ của người trẻ phần lớn lấy mình làm nhân vật trung tâm… Cả thế giới phải xoay quanh mình, vì mình mới được tốt đẹp. Phần lớn ao ước trở nên vĩ đại, cao cả (lãng mạn thì cũng tốt thôi) mà quên mất họ đang tồn tại trong xã hội này, phải vì xã hội này mà cống hiến, giấc mơ cũng phải rành rọt là có ích cho xã hội, đúng nghĩa là một tế bào cho xã hội. Chính giấc mơ ấy mà bao ích kỷ, nhỏ nhen nảy xinh. Kỳ lạ nhỉ, giấc mơ cao cả, giống như là cứu cả thế giới ấy, mà con người mơ ước nó lại chẳng hề sửa đổi hay tốt đẹp lên mà lại ngày càng trở nên cá nhân, chỉ biết đến cái lợi cho thân mình. Che giấu riêng những điều tốt đẹp, nhục mạ, buông lời tục tĩu cho những nỗ lực của người khác. Bao nhiêu cái xấu xa, tệ hại ta phô hết ra, “sẻ chia” cho mọi người. Cái tốt đẹp ta vơ lấy, che đậy cho ấm áp thân ta. Bạn bè trong lớp thì tranh giành nhau cái vị trí “người giỏi nhất”, đạt được rồi bắt đầu quay ra đá xéo nhau, nói chung là nói những lời chẳng được tốt đẹp gì. “Người chưa giỏi nhất” thì cố tìm ở “người giỏi nhất” kia một điểm hắn kém ta, rồi cười khẩy, mũi phình to lên, cố tìm cho ra lý do vì sao hắn được như vậy, là do hoàn cảnh có điều kiện hơn, do bố mẹ hắn đầu tư hơn, vân vân, mây mây… Ta so sánh thiệt hơn, có chút tự ái đâm ra chán nản tuyệt vọng. Nhưng rồi bằng cách nào đó cũng lại tìm được  một lý do để cố gắng. Cố gắng để hơn thua, ăn đủ với nhau, nghĩ về viễn cảnh tao thành công, mày thất bại… Tựu chung họ khinh khi người và cũng lại bị những người kia, giống họ, khinh khi...Nghĩ mà thấy ngao ngán…


Một kiểu bạn trẻ khác, giữ được cái đầu lạnh trước những năm tháng bon chen học sinh mà tôi thấy ngày càng khốc liệt vì đủ lý do này, tự tách biệt mình khỏi vòng công danh thi thố, tự tách mình ra khỏi những lời tán dương, khen ngợi nghe đến bội thực kia, có vẻ khả quan hơn một chút. Họ nhận thấy những sự sáo rỗng của ánh hào quang kia, cái lố bịch của những sự tưởng thưởng. Họ nghĩ mình cần vun đắp tương lai, sống thật với lòng mình, sống có ích cho loài người, kiến thiết đất nước. Với họ, mấy đứa nhất nhì nói trên sao mà tầm thường quá. Việc khó này chắc phải để đến tay mình thôi. Rồi đâm đầu vào thực hiện những công việc mà người khác chê là ngu ngốc, lỗi thời, thích thể hiện... Thế nhưng cũng chẳng khá hơn là bao. Ít trải nghiệm thực tế, ít bon chen khiến họ sớm muộn cũng vỡ mộng.


Còn có những bạn trẻ sinh ra trong bọc trứng, cũng được nâng như nâng trứng, chiều chuộng hết mức. Khi trưởng thành thì làm việc theo ý cha mẹ. “ Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Đi học thêm vì cha mẹ bắt đi. Gượng mình học những môn không yêu thích vì định kiến xã hội. Hay nhắm mắt mà chọn trường vì truyền thống gia đình…Tất nhiên cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con cả thôi...

Hay là người ta thường làm thế… Một số người trẻ sống, học tập và rèn luyện theo phong trào. Vì tâm lý đám đông, vì sợ đi ra khỏi cái vòng an toàn mà được hai chữ “người ta” kia bảo hộ…


Giống như Tôn Tử từng nói sắc không quá ngũ sắc, nhưng ngũ sắc hòa hợp thì biến hóa khôn lường. Bạn trẻ có bao nhiêu tính cách, bao nhiêu lý tưởng tốt đẹp, tôi không thể biết hết mà kể ra đây. Những người thanh niên, tuổi mới đôi mươi, mỗi người đều mang trong mình một giấc mơ, một hy vọng mà như chính Lỗ Tấn nói “đã gọi là hy vọng thì không biết được đâu là thực, đâu là mơ…” Bước đi trong tâm thế mạnh mẽ nhất, hừng hực khí thế. Cõng trên lưng là ba chữ “phải thành công” bước đi trên muôn hình vạn trạng con đường. Nhưng vì nhịp sống quá nhanh khiến họ chuẩn bị chưa được kỹ...


Để rồi mười năm sau… Thời gian thấm thoát thoi đưa. Nhà khoa học lừng danh trong mộng ngày nào, giờ trở thành doanh nhân kiếm bộn tiền, sống sung túc mà trong ruột giằng xé từng khúc. Nhà thơ trong mộng tưởng ngày nào.... Nhà lãnh đạo tài năng ngày nào… Rất nhiều giấc mơ bỗng chốc dang dở. Có những người sống như vậy, ban ngày đâm đầu vào công việc, tối về lại đâm đầu vào công việc. Trong lòng tâm niệm “Con người ta có sống thì tình yêu mới có chỗ dựa. Trên đời, đối với những người chịu phấn đấu thì không phải không có con đường sống. Mà tôi thì cũng chưa quen sử dụng đôi cánh của tôi, mặc dù so với trước đã thấy yếu đuối hơn nhiều!...” Luôn luôn tự động viên bản thân phải cố lên bước đi, bước tiếp, không được dừng lại. Tính cách họ thay đổi, họ tính toán từng li từng tý trong các mối quan hệ, vô tình cắt đứt đi những sợ dây gắn kết mình với những tri kỷ thuở hàn vi. Luôn miệng đổ lỗi cho xã hội “Tôi đã mong cho nàng chết đi” và luôn miệng tự động viên mình “tôi vẫn chưa sử dụng quen đôi cánh”. Khiến cho xã hội này ngày càng mất đi tính nhân văn, chất thơ trong cuộc sống mà vốn dĩ nó phải tồn tại, ở đây, ở mọi chỗ trong cuộc sống. Họ cũng tự đánh mất những lý tưởng đẹp  đẽ mà họ đã từng mơ về. “Lúc đó tôi hờn mát và cười thầm trong bụng. Cái tư tưởng nàng đã rèn luyện được và những lời lẽ sáng suốt can đảm của nàng rút cục lại cũng chỉ là hư không, mà nàng lại không cảm thấy cái hư không đó mới chết chứ!”


Bi kịch hơn là những đấng anh hào dấn thân không chút sợ hãi, cũng là tiêu biểu và đáng khen cho tầng lớp trí thức dám nghĩ dám làm, gặp một thất bại ư? “Chẳng hề gì! Hừ! Không làm việc này thì làm việc khác. Chúng ta…” Ôi… hai chữ chúng ta sao mà xót xa quá. Thời gian đã mang đi biết bao nhiêu thứ tốt đẹp rời bỏ con người. Bạn hữu từng thề non hẹn biển ngày nào đánh tháo mất rồi. Chỉ còn mình ta. “Quạnh hiu”! Họ nhụt chí chẳng dám tiến lên, nhưng cũng chẳng dám quay lại vì sợ những con người “trợn con mắt lên mà nhìn. Tiến thoái không xong, họ chấp nhận cái thực tại đáng buồn này…


Thế là biết bao nhiêu “bộ binh”, “ pháo binh”, “kỵ binh”,... cuối cùng cũng bị khuất phục bởi xã hội nhiều nhương, thượng vàng hạ cám. Họ trở thành tai sai, hay trở thành chính những người mà ngày xưa họ từng ghét cay ghét đắng.  Mải “duy trì cuộc sống” mà quên mất “giữ tư cách làm người”... Xung đột giữa Quyên Sinh và Tử Quân cũng giống như một cuộc đấu tranh tâm lý trong tâm hồn của chính những người trẻ. Một bên là lý tưởng đẹp đẽ, vẹn nguyên đến vậy, một “con đường” lớn. Một bên là cuộc sống với bao điều thị phi, vụn vặt bủa vây, là “phí đi đường”, là cuộc sống mưu sinh vốn đã vất vả, cần được cảm thông lắm rồi. Hơn nữa xung quanh mọi người lại cứ “thành công” khiến cho cái tự cao lớn lao trong người điều khiển lý chí, suy nghĩ, tự coi là họ đang khinh bỉ, xã hội đang ruồng bỏ mình. Rồi mắc kẹt trong đó, sống mòn mỏi...



Nguồn: Internet


2. “Tôi vẫn chờ đợi một cái gì mới, một cái gì không có tên và không ngờ trước được. Nhưng ngày lại ngày, chỉ có sự quạnh hiu của cái chết mà thôi.”

Bủa vây những người trẻ là những bế tắc, những giả dối. “Ngày lại ngày cái giả dối chất chứa, tràn ứ lên, làm cho tôi tắc thở”. Ban ngày đi làm nhìn mặt đồng nghiệp mà cư xử, làm việc. Về tới nhà lại không nhìn mặt ai, nể ai mà sống. Bao nỗi sầu khổ trên cơ quan không biết kiềm chế hay giải thoát mà đổ hết lên đầu gia đình đang yên ổn, hạnh phúc. Họ sống ngày qua ngày, chờ đợi được ai đó đến và thấu hiểu họ. “Nói sự thật tất nhiên cần phải dũng cảm lắm. Giá thử không có cái dũng cảm đó, cứ yên thân trong sự giả dối thì con người ấy quyết không phải là người có thể tìm ra con đường sống. Chẳng những không tìm ra con đường sống mà ngay con người đó cũng chẳng còn tồn tại nữa”. Họ “mang cái gánh hư không nặng trĩu, bước đi trên con đường dài, màu xám, nhưng bỗng lại mất hút đi trong sự uy nghiêm và trong sự khinh bỉ xung quanh”. Có những người bế tắc đến mức nghĩ quẫn vì thiếu mất mục đích sống. Kể cả khi đang trên đỉnh thành công  hay dưới chân con đường đi tới thành công.

  “ Đêm dài quen sống tuổi xuân qua

  Dắt vợ dìu con tóc nhuốm tơ

  Trong mộng mẹ già mường tượng lệ

  Đầu thành vua chúa đổi thay cờ...”

                                    - Lỗ Tấn -

3. “Nhưng chính sự quạnh hiu của cái chết cũng có khi run sợ thụt lùi và ẩn náu đi, và trong khoảnh khắc đó thì thoáng hiện lên mối kì vọng mới, không có tên và không ngờ trước được”.

Họ được tiếp xúc với giới trẻ, cũng đang ở quãng tuổi thanh xuân mà họ từng trải qua với đầy tiếc nuối. Họ tìm thấy hy vọng ở những người trẻ này. Họ tìm thấy động lực ở những người trẻ này. Họ dốc lòng dốc sức sẻ chia kinh nghiệm, động viên và tạo điều kiện cho người trẻ tiến lên. Hãy tiến lên mà không do dự! Họ yêu thương, kỳ vọng vào lớp trẻ, nhìn thấy ở đó lối thoát cho chính mình, mục đích vĩ đại, một ngọn đuốc Olympic  soi sáng cho chặng đường sắp tới. Họ tìm thấy cách để giải thoát một cách thông minh, chân chính.

“Tôi vẫn chỉ có tiếng khóc, nghe như tiếng hát để tiễn đưa Tử Quân lần cuối cùng, tiễn đưa vào trong quên lãng.

Tôi cần phải quên, chỉ nghĩ đến mình tôi nữa thôi, và cần phải quên cả việc tiến đưa Tử Quân và trong quên lãng.

Tôi cần phải bước cái bước thứ nhất vào con đường sống. Tôi cần phải đem sự thật giấu kín trong vết thương lòng, lặng lẽ mà tiến lên, lấy sự dối trá và sự lãng quên làm kẻ đưa đường chỉ lối.”



Nguồn: Internet


4. “Trước mắt chỉ có đêm đầu xuân dài dằng dặc. Còn sống thì nhất định tôi phải nhằm trên con đường sống mà tiến lên.”

Bạn trẻ ạ, cùng tuổi với các bạn, tôi và bạn hãy cùng nhau bước đi mạnh dạn, đừng ngại khó khăn. Hãy luôn giữ vững niềm tin.

“Xưa nay chỉ nghe thấy người nay cười

Nào có ai nghe thấy người xưa khóc…”

- Mộng uyên ương hồ điệp -

Ông cha ta đã hy sinh xương máu, ngã xuống cho ta tương lai sáng lạn ngày hôm nay. Cũng có những người đã đánh đổi cả ước mơ cuộc đời lấy kinh nghiệm răn dạy cho ta. Chúng ta hãy trân quý những điều đó. Biết ơn những người đi trước đã để lại kinh nghiệm- cũng là tri thức quý báu cho ta. Còn sống là còn hy vọng. Nhân vật Quyên Sinh ích kỷ, khiếp nhược thật đấy, nhưng ít ra sau mỗi lần “ước nàng chết đi cho rảnh” đều thấy ăn năn và tự trách mình. Quyên Sinh cũng hối hận nhiều lắm… Và như vậy đã là hy vọng để tìm lại bản thân sau khi đã đánh mất nó một cách đầy thương tiếc.

Chúng ta muốn có được một con đường thẳng và rộng, muốn bay cao, bay xa hơn nữa thì xã hội phải tốt lên. Yêu cầu giải phóng bản thân, khát khao tự do và mưu cầu hạnh phúc không thể tách rời với nhu cầu giải phóng xã hội. Xã hội có tốt đẹp lên thì mới mong có nhiều hơn những con người chân chính, bảo vệ được những tình yêu chân chính, thực hiện được khát vọng chân chính. Nhưng xã hội rộng lớn, và phức tạp đến vậy, để tiến bộ tích cực lên không phải ngày một ngày hai mà xong, cũng không phải chỉ cần có người anh hùng như bạn là xong. Vun đắp, tưới tắm cho nó từng ngày là nhiệm vụ của tuổi trẻ mỗi cá thể chúng ta. Cùng hy vọng người lớn sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho chúng ta để tạo nên một thế hệ hôm nay, ngày mai, và mãi sau này hạnh phúc ấm no. Xã hội phải phát triển thật bền vững, con người mới ít phải đối mặt với những khổ cực, đắng cay. Mỗi người một việc, không ai giống ai, cũng không ai có thể thay thế ai. Bạn là một cá thể quan trọng của xã hội. Hãy trân trọng bản thân và sống xứng đáng với cái tâm trong sạch của mình, nghĩ cho mọi người, nghĩ cho cái lợi chung của toàn thể đất nước. Đừng quá ngu ngốc và mù quáng! Gặp việc khó, hãy phân tích cái lợi cái hại mà làm theo cái lợi nhiều hại ít. Lợi nhiều ở đây là lợi nhiều cho quốc gia, hại ít cho xã hội, lấy cái chung làm thước đo. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn chăng.

Tóc tai da thịt là mẹ cha cho, đừng dày vò bản thân hay nghĩ quẩn mà làm khổ những người luôn nghĩ cho bạn, yêu thương bạn vô điều kiện.

Và cuối cùng, trong bài biết này, mình muốn nói là:

“ Nhân sinh bất đắc nhất tri kỷ tú kỹ

Tư thế đương dĩ đồng loài thị chi”

-Lỗ Tấn-

( Ở đời được một người tri kỷ là đủ lắm rồi, trong cuộc thế này, hãy xem người ấy như ruột thịt)


Nguồn: Internet

Bài viết có dùng một số trích dẫn từ " Truyện ngắn Lỗ Tấn" do Trương Chính dịch.


Tác Giả: Shuichi Akai 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/akai.shuichi.10.01.1

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

374 lượt xem, 369 người xem - 373 điểm